89 máy tính xách tay, 51 máy in, 27 máy scan, 4 bộ máy tính để bàn, 1 hệ thống hội nghị trực tuyến... không phải là danh mục đầu tư cho một trung tâm công nghệ, đây là những thiết bị đã được tỉnh cấp phát về các huyện nghèo, nhằm hiện đại hóa công tác giới thiệu việc làm. Nhờ đó, hơn 1.000 lao động từ các vùng khó đã có cơ hội kết nối doanh nghiệp qua 88 phiên giao dịch việc làm lưu động và sàn trực tuyến.
Tình nguyện viên hỗ trợ người dân thao tác dịch vụ công trực tuyến tại bộ phận "một cửa” ở phường Thịnh Lang (thành phố Hòa Bình).
Công nghệ "rọi sáng” lối thoát nghèo
Trong 3 năm (2022 - 2024), tỉnh Hòa Bình tổ chức 14 hội nghị tập huấn, tăng cường thiết bị cho 88 xã có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, phát sóng 71 phóng sự, 78 chương trình truyền thanh, in và phát hành hơn 13.000 bản tin giảm nghèo bền vững, 33.000 cuốn sổ tay tuyên truyền. Những con số ấy không đơn thuần là sản phẩm truyền thông, đó là tri thức, là động lực, đường dẫn đến tự lực cánh sinh. Và đó cũng là một phần thành quả từ Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Ở xã Tân Minh (Đà Bắc), chị Bàn Thị Sinh - người phụ nữ dân tộc Dao ngoài ba mươi, giờ có thêm kiến thức để phân biệt nhóm vi chất, biết cách nấu bữa ăn đủ đạm cho gia đình. "Tôi còn học được cách nuôi dê từ chương trình trên loa xã. Họ nói chi tiết lắm, sau đó, cán bộ khuyến nông còn tới tận nhà hướng dẫn nữa”, chị Sinh cười, ánh mắt ánh lên niềm vui mới.
Không dừng lại ở "xóa đói thông tin”, chuyển đổi số còn đưa cơ hội việc làm đến tận tay người nghèo. Giai đoạn 2022 - 2024, tỉnh đã tổ chức 88 phiên giao dịch việc làm lưu động, 2 ngày hội việc làm cấp tỉnh thu hút hơn 1.000 lao động và 40 doanh nghiệp tham gia. Không còn phải lặn lội đến tận nơi, người lao động có thể kết nối, nộp hồ sơ và phỏng vấn online ngay tại địa phương.
Anh Bùi Văn Thuyết ở xã Quý Hòa (Lạc Sơn) là lao động trẻ từng thất nghiệp sau khi trở về quê vì đại dịch, giờ đã làm việc ổn định cho một doanh nghiệp chế biến nông sản. "Hồi đầu, tôi ngại vì không biết sử dụng máy tính, nhưng cán bộ xã đã hướng dẫn tôi cách dùng, chỉ cách tạo tài khoản. Nhờ có phiên giao dịch online, tôi được phỏng vấn qua zoom, rồi trúng tuyển,” anh Thuyết chia sẻ.
Những chiếc laptop cũ không còn là món đồ công sở. Ở các huyện nghèo, nó trở thành nhịp cầu việc làm. Ở đó, người nghèo không chỉ là đối tượng thụ hưởng, mà dần trở thành chủ thể của một cuộc đổi thay.
Dữ liệu, số hóa và bài toán chính sách đúng - trúng - kịp thời
Nếu chuyển đổi số đã làm thay đổi cách người nghèo tiếp cận tri thức và việc làm thì ở cấp quản lý, công nghệ cũng đang mở ra một trật tự mới: quản trị bằng dữ liệu, hành động theo trách nhiệm số hóa.
Việc xác định hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn đa chiều giờ đây không còn chỉ dựa vào phiếu khảo sát in tay và ký tá, Hoà Bình đã xây dựng Kế hoạch tổng điều tra, rà soát hộ nghèo. Các đoàn kiểm tra, giám sát được tổ chức 2 kỳ mỗi năm, có kết nối đồng bộ từ cấp xã đến cấp tỉnh, với hàng loạt công cụ công nghệ hỗ trợ như phần mềm theo dõi, báo cáo tiến độ, hệ thống tổng hợp dữ liệu tập trung. Cũng từ đó, những con số trở thành "biết nói”, biết cảnh báo, giúp chính sách giảm nghèo đi đúng hướng và đúng người. Trong vòng 5 năm, nhờ công tác rà soát chuẩn xác và quản lý minh bạch, Hòa Bình đã giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 15,49% xuống còn 6,59%. Riêng năm 2024, tỷ lệ này giảm tới 2,55%, vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao.
Song song với đó, tỉnh đẩy mạnh nâng cao năng lực cho đội ngũ cơ sở trong hành trình số hóa. Giai đoạn 2021 - 2024, hơn 24.240 cán bộ xã, trưởng xóm, bí thư chi bộ được tập huấn qua 149 lớp.
Không chỉ cán bộ, người dân cũng dần tiếp cận hệ sinh thái công nghệ. Trẻ em nghèo được hỗ trợ 239 máy tính phục vụ học tập; các cơ sở đào tạo nghề được đầu tư hàng trăm thiết bị hiện đại, từ máy chiếu, máy scan, đến hệ thống hội nghị trực tuyến. Những trang thiết bị ấy phục vụ học nghề và là cánh cửa mở ra thế giới mới - nơi "kỹ năng số” dần trở thành kỹ năng sống.
Chuyển đổi số không khiến cái nghèo biến mất trong một đêm, nhưng đã và đang thay đổi cách người nghèo bước ra khỏi nghèo đói - bằng tri thức, việc làm… Hòa Bình từng bước số hóa chính sách an sinh, chuẩn hóa dữ liệu, minh bạch quản trị, không phải để "hiện đại hóa” một chương trình, mà để trao cơ hội công bằng hơn cho những người vốn luôn ở phía sau. Ở đó, chuyển đổi số không còn là lựa chọn, mà là "vắc-xin” ngừa tái nghèo, đánh thức nội lực của người dân, từ thôn bản xa xôi nhất.
Minh Vũ
Sổ sức khỏe điện tử (SKĐT) được tích hợp trên ứng dụng VNeID giúp người dân có thể theo dõi, quản lý thông tin sức khỏe một cách chủ động, tiện lợi. Cuối tháng 11/2024, UBND tỉnh Hòa Bình ban hành kế hoạch triển khai thí điểm thực hiện Sổ SKĐT phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID trên địa bàn tỉnh; mục tiêu 80% công dân thường trú tại địa phương tích hợp thông tin về bảo hiểm y tế (BHYT), sổ sức khỏe, giấy chuyển tuyến, sử dụng lịch hẹn khám lại trên ứng dụng VNeID. Thời gian qua, để nâng cao tỷ lệ tích hợp ứng dụng này, Công an tỉnh đã phối hợp các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân đăng ký, kích hoạt, sử dụng tài khoản định danh điện tử mức 2 và tích hợp thông tin thẻ BHYT trên ứng dụng VNeID.
Ngày 15/4/2025 tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra hội thảo "Truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa trong chương trình chuyển đổi số quốc gia" do Công ty cổ phần công nghệ chống giả Việt Nam (ACTIV) và Techfest Việt Nam phối hợp tổ chức. Hội thảo không chỉ đơn thuần là một sự kiện công nghệ, mà còn là tiếng nói của niềm tin và trách nhiệm, để tạo dựng một "hệ sinh thái minh bạch".
Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, mà cùng với sự hỗ trợ của ngành chức năng, nhiều tổ chức, cá nhân đã linh hoạt, nắm thời cơ, xóa bỏ mọi tư tưởng, rào cản, áp dụng khoa học, công nghệ (KHCN), chuyển đổi số (CĐS), cũng như sử dụng các nền tảng thương mại điện tử để bán hàng nông sản. Từ đó mở ra cơ hội tiêu thụ sản phẩm với số lượng lớn, đảm bảo chất lượng đến tay người tiêu dùng... Đây được xem là một trong những điểm nhấn quan trọng về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo (ĐMST) và CĐS của tỉnh Hòa Bình thời gian qua.
Triển khai phong trào "Bình dân học vụ số” do Trung ương Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phát động, các cấp bộ Đoàn, Hội trên địa bàn tỉnh đã, đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao năng lực số trong cộng đồng; tổ chức nhiều đội hình thanh niên tình nguyện, mở các lớp học, tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng số thiết yếu cho người dân, nhất là người cao tuổi, người ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, người ít tiếp xúc với công nghệ.
Lựa chọn của khách hàng về dịch vụ trong du lịch đã thay đổi nhiều trong 3 năm qua, khiến các doanh nghiệp du lịch vận động, ứng dụng chuyển đổi số để tiếp cận khách hàng.
Trong thời đại công nghệ thông tin, người đọc nhiều cơ hội tiếp cận thông tin và tri thức mở không chỉ ở thư viện mà còn từ nhiều nguồn với sự hỗ trợ của internet. Thói quen đọc bởi thế có sự thay đổi với những cách tiếp cận mới. Nhưng bất kể đọc bằng phương pháp nào sách vẫn luôn mang lại cho chúng ta những kiến thức phong phú. Duy trì và phát triển văn hóa đọc trong thời đại số chính là cách để mỗi người tích lũy thêm tri thức cho mình cũng như có những giây phút thư giãn sau một ngày căng thẳng và không bị tụt hậu so với thế giới bên ngoài.