(HBĐT) - Đã nhiều ngày nay, dịch bệnh Covid-19 hoành hành khiến cho cuộc sống của người dân cả nước nói chung, tỉnh Hòa Bình nói riêng chịu ảnh hưởng không nhỏ. Thực hiện nghiêm việc cách ly toàn xã hội từ ngày 1 – 15/4/2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, về cơ bản người dân đã chấp hành tốt theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, thôn bản cách ly với thôn bản, xã cách ly với xã, huyện cách ly với huyện, tỉnh cách ly với tỉnh. Theo đó, người dân đã hạn chế ra đường khi không có việc thực sự cần thiết. Và ở tại nhà, mỗi người dân lựa chọn cho mình những thú vui đã cũ, nhưng lại thành điều mới mẻ, trở thành phong trào trong mùa dịch Covid.


Em Tạ Ánh Hồng, học sinh lớp 5, phường Tân Hòa (TP Hòa Bình) tự tay làm bánh tại nhà trong những ngày nghỉ học do dịch Covid-19.

Tại ngõ 44, đường Trần Quý Cáp, phường Thịnh Lang (TP Hòa Bình) luôn đông vui vào mỗi buổi chiều với nhiều hoạt động của người dân như đánh bóng chuyền mềm, chơi cờ tướng, trẻ nhỏ chạy nhảy, nô đùa. Tuy nhiên, từ khi thực hiện cách ly xã hội, ngõ xóm này bỗng trở nên yên ắng hẳn, chỉ còn tiếng động cơ xe máy, ô tô của những người đi làm, đi chợ mua lương thực, thực phẩm. Cuộc sống tấp nập bỗng "chậm” lại. Con đường Trần Quý Cáp sôi nổi phong trào đi bộ của người dân mỗi buổi chiều cũng vì thế mà trầm xuống.

Khác hẳn với không gian tĩnh lặng bên ngoài, nhiều người chọn cho mình nhưng thú vui mới ngay trong ngôi nhà của họ để xua đi nỗi lo mùa dịch, hoặc cũng là dịp có nhiều thời gian để tìm lại cảm giác với những việc "cũ” mà lâu nay bị lãng quên do áp lực công việc, học tập. 

Tại nhà chị Lê Thị Nga, số nhà 3, ngõ 23, đường Trần Quý Cáp, trong gian bếp của gia đình bày biện đủ thứ nguyên liệu để làm bánh. Con gái út của chị Nga là em Tạ Ánh Hồng, học sinh lớp 5 đang được nghỉ học do dịch Covid-19, Hồng chia sẻ: "Ngày thường, em rất thích được tự tay làm các loại bánh như bánh gối, bánh bột lọc, bánh bao hay trà sữa chân châu... nhưng do việc học tập cuối cấp chiếm nhiều thời gian nên ít khi được làm. Từ khi nghỉ học do dịch bệnh đến nay, ở nhà, ngoài những buổi học trực tuyến vào thứ 3, thứ 5 hàng tuần và những lúc tự học, em có nhiều thời gian hơn để tự tay làm bánh cho cả gia đình thưởng thức. Tuy bánh không được bắt mắt, hoặc kém ngon so với hàng quán, nhưng em thấy vui và ý nghĩa vì chúng được làm bằng chính công sức của mình”. Theo chị Nga, con được nghỉ học do dịch bệnh nhưng gia đình vẫn thường xuyên nhắc nhở, giám sát việc học tập để con không bị quên kiến thức sau một thời gian dài không đến lớp. Gia đình cũng đáp ứng sở thích làm bánh để con biết quý trọng sức lao động, làm việc có ích hơn là chỉ "chăm chăm” vào chiếc điện thoại, ipad, ti vi.  

Dường như ai cũng trở thành "đầu bếp giỏi” khi nghỉ dịch. Dễ thấy ngay trên những trang mạng xã hội như facebook, zalo, tiktok tràn ngập những hình ảnh đồ ăn tự làm tại nhà của người dùng "khoe” trên trang cá nhân. Đó có thể là những món ăn cầu kỳ hay đơn giản, nhưng lại ẩn chứa niềm vui, sự ấm cúng trong bữa cơm gia đình. C

cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên trường TH&THCS Hòa Bình (TP Hòa Bình) chia sẻ: "Thường ngày công việc bận rộn, bữa ăn gia đình tôi chỉ chuẩn bị đơn giản nhưng vẫn đủ chất dinh dưỡng. Những ngày cách ly toàn xã hội, chúng tôi chấp hành nghiêm việc hạn chế ra đường khi không thực sự cần thiết, giáo viên trong trường cũng áp dụng việc họp trực tuyến qua phần mềm máy tính, mọi công việc vẫn đảm bảo thông suốt, không bị gián đoạn. Làm việc tại nhà nên tôi cũng có nhiều thời gian hơn để chế biến những món ăn cầu kỳ cho gia đình thưởng thức, mà bình thường tôi chỉ làm vào ngày nghỉ cuối tuần”.

Một trong những phong trào rộ lên trở lại là "thách thức rèn luyện sức khỏe mỗi ngày” trên mạng xã hội được nhiều người thực hiện tại nhà trong mùa dịch. Đó là việc thực hiện động tác thể dục bất kỳ như chống đẩy, gập bụng, hít xà đơn… nhưng phải đều đặn, hoặc nâng cao theo từng ngày. Anh Thanh Chương , một cán bộ đoàn cho biết: "Nhằm mục đích rèn luyện sức khỏe, tăng sức đề kháng và tinh thần cùng cả nước chống dịch của tuổi trẻ tỉnh nhà, tôi và một số đoàn viên, thanh niên đã thực hiện thách thức rèn luyện sức khỏe mỗi ngày bằng cách chống đẩy ít nhất 20 lần/ngày, và up video minh chứng lên trang cá nhân facebook để mọi người thi đua nhau. Đây là việc làm không mới nhưng lại có ý nghĩa về mặt tinh thần, cải thiện sức khỏe chính bản thân mình”. Với cách làm đó, nhiều bạn bè đã tham gia "thách thức” của anh Chương như một cách để giảm thời gian "chết”, và đem lại nhiều lợi ích trong thời điểm này.

Thanh Sơn

Các tin khác


“Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe mô tô”, một nữ tiktoker bị Công an triệu tập, xử phạt vi phạm hành chính 

Công an huyện Lạc Sơn cho biết, Đội Cảnh sát giao thông - trật tự, Công an huyện vừa hoàn thiện hồ sơ và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Bùi Thị M. (SN 2004), trú tại xóm Trung Quyền, xã Vũ Bình (Lạc Sơn) về hành vi "Buông cả hai tay khi đang điều khiển xe mô tô” quy định tại Nghị định số 123/2021/NĐ-CP, ngày 28/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Người dân đổ về các bãi biễn giải nhiệt dịp lễ 30/4

Kỳ nghỉ lễ kéo dài 5 ngày cùng với thời tiết nắng nóng tạo cơ hội cho nhiều người chọn các bãi biển để vui chơi, giải nhiệt.

Đổi thay nơi ghi dấu chiến công bắn rơi máy bay Mỹ

Chiến công bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng bộ binh trên trận địa phòng không đồi Mèng, đồi Nâu của những chiến sỹ dân quân xóm Lục, xã Yên Nghiệp (Lạc Sơn) còn mãi lưu danh. Thế hệ hôm nay và mai sau khắc ghi niềm tự hào, nguyện tiếp bước cha anh đóng góp, xây dựng quê hương Yên Nghiệp ngày càng giàu đẹp.

Để vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển bền vững

Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) bình quân giảm từ 2,5 - 3%/năm; 14/33 xã đặc biệt khó khăn cán đích nông thôn mới; cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống được đầu tư; nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn, phát huy gắn với phát triển du lịch... đó là những kết quả đáng ghi nhận sau nhiều năm triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) trên địa bàn tỉnh.

Tiếp nối truyền thống "Ba đảm đang”

Dù ở giai đoạn lịch sử nào, phụ nữ các dân tộc tỉnh Hoà Bình cũng luôn có đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp nối ngọn lửa "Đội quân tóc dài”, truyền thống "Ba đảm đang”, trong giai đoạn mới, các cấp Hội LHPN trong tỉnh chú trọng xây dựng hình ảnh người phụ nữ Hòa Bình thời đại mới, nghĩa tình, năng động, sáng tạo, có trách nhiệm với gia đình và Tổ quốc, trở thành nguồn nhân lực quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục