(HBĐT) - Xã Vầy Nưa (Đà Bắc) có 6/8 xóm giáp lòng hồ sông Đà, trên 1.600 ha mặt nước, phần lớn các hộ dân lấy việc khai thác nguồn lợi thủy sản làm sinh kế chính. Có thời điểm tình trạng đánh bắt cá bằng xung kích điện trên địa bàn được xem là "vấn nạn”. Với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương, Vầy Nưa từng bước dẹp nạn đánh bắt cá bằng xung kích điện, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.


Được tuyên truyền, vận động, anh Bùi Văn Triệu, xóm Trà Ang, xã Vầy Nưa (Đà Bắc) tự nguyện giao nộp bộ xung kích điện dùng để đánh bắt thủy sản.

"Vấn nạn” sử dụng xung kích điện hủy diệt nguồn lợi thủy sản

Theo đồng chí Bàn Văn Sinh, Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa: Có thời điểm tình trạng đánh bắt cá bằng xung kích điện trên vùng lòng hồ thuộc địa bàn xã quản lý diễn ra phức tạp và nhức nhối. Nhiều trường hợp bất chấp các quy định của pháp luật và sự truy đuổi của lực lượng chức năng địa phương. Thậm chí, chỉ vì tham cái lợi nhỏ trước mắt mà nhiều người phải bỏ mạng vì điện giật khi đánh bắt cá bằng xung kích điện. Như trường hợp của Bùi Văn A. (SN 1996), Đinh Công N. (SN 1976), Đinh Công Q. (SN 1990) ở xóm Săng Bờ, Nguyễn Văn Ch. (SN 1997) ở xóm Nưa bị điện giật chết khi đánh bắt cá bằng xung kích điện.

Đáng nói, vào thời điểm cao nhất ở hầu hết các xóm giáp vùng lòng hồ sông Đà của xã đều có người sử dụng xung kích điện để đánh bắt cá, tập trung chủ yếu ở xóm Săng Bờ, chiếm khoảng 80% số hộ có dụng cụ đánh bắt cá bằng xung kích điện của xã Vầy Nưa, nhiều hộ có 2 - 3 bộ. Xã đã đẩy mạnh tuyên truyền về tác hại của việc đánh bắt cá bằng xung kích điện, triển khai quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn hành vi đánh bắt cá theo phương thức hủy diệt này. Tuy nhiên, một bộ phận người dân chưa có ý thức chấp hành, bất chấp quy định pháp luật vẫn đánh bắt cá bằng xung kích điện.

Chuyển biến từ nhận thức đến hành động

Để giải quyết tình trạng nhức nhối này, cấp ủy, chính quyền địa phương tập trung tuyên truyền, vận động, giáo dục, như tuyên truyền về tác hại của việc dùng xung kích điện, thuốc nổ và các chất cấm để khai thác thuỷ sản; quy định của pháp luật về xử lý vi phạm trong bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản theo Nghị định số 103/2013/NĐ-CP. Bên cạnh đó, các ngành chức năng địa phương, nhất là lực lượng Công an xã tích cực vận động người dân tự nguyện giao nộp thiết bị xung kích điện; tổ chức ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật về hoạt động thuỷ sản, không khai thác, đánh bắt thuỷ sản bằng xung kích điện, chất nổ, chất độc và các phương pháp có tính huỷ diệt ảnh hưởng đến nguồn lợi thuỷ sản trên vùng lòng hồ sông Đà. Nhờ đó, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của đại bộ phận người dân có chuyển biến tích cực. Nhiều người sau khi được vận động tự nguyện giao nộp bộ xung kích điện. Từ năm 2018 - 2022, Công an xã đã vận động thu hồi trên 30 bộ xung kích điện. Mới đây, thông qua công tác tuyên truyền, vận động của Công an xã, các anh Bùi Văn Triệu, Xa Văn Nhất, xóm Trà Ang đã tự nguyện giao nộp 2 bộ xung kích điện.

Anh Bùi Văn Triệu cho biết: Thời gian trước do điều kiện khó khăn, thêm nữa việc đánh bắt cá bằng các ngư cụ truyền thống không hiệu quả. Thấy việc đánh bắt cá bằng xung kích điện dễ dàng hơn nên tôi mua 1 bộ để đánh bắt cá trên lòng hồ. Sau khi được tuyên truyền, nhất là nhận thấy việc đánh bắt cá theo hình thức này rất nguy hiểm, nhiều trường hợp bị chết vì điện giật nên tôi không đánh bắt nữa. Vừa rồi được cán bộ Công an xã tuyên truyền, vận động, tôi tự nguyện giao nộp bộ xung kích điện.

Theo Trung tá Xa Quang Thực, Trưởng Công an xã Vầy Nưa, nguyên nhân của tình trạng này là do việc đánh bắt cá bằng lưới hiệu quả không cao. Một bộ phận người dân có tâm lý "ăn xổi”, muốn đánh bắt được nhiều cá nhưng không tốn công sức. Công an xã đã xây dựng kế hoạch, tham mưu UBND xã triển khai các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật; tổ chức cho 100% hộ dân ở các xóm tiếp giáp với lòng hồ ký cam kết không sử dụng xung kích điện để đánh bắt thủy sản. Trong năm 2022 và tháng đầu năm 2023, Công an xã tiếp tục triển khai thực hiện kế hoạch tổng kiểm tra, mở đợt cao điểm vận động toàn dân giao nộp và đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ (VK, VLN, CCHT) và xung kích điện. Từ năm 2022 đến tháng 2/2023, Công an xã phát hiện, thu 2 khẩu súng hơi tự chế (súng CPC); vận động nhân dân giao nộp 5 khẩu súng các loại (2 súng cồn, 3 súng CPC), 2 xung kích điện. Ngoài ra, phối hợp tổ chức 9 buổi tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý VK, VLN, CCHT và xung kích điện cho gần 2.000 lượt người tham gia, góp phần ổn định an ninh, trật tự.

Từ việc phát huy tốt vai trò của các tổ tự quản, tổ an ninh tại cơ sở, nhất là làm tốt phong trào Toàn dân tham gia đấu tranh, phòng ngừa, tố giác tội phạm, hành vi vi phạm pháp luật nên đến thời điểm này, "vấn nạn” đánh bắt cá bằng xung kích điện trên vùng lòng hồ thuộc địa bàn xã quản lý cơ bản được giải quyết, nguồn lợi thủy sản được phục hồi và bảo vệ - Trung tá Xa Quang Thực chia sẻ thêm.


Mạnh Hùng


Các tin khác


Trao tặng trên 50 nghìn quyển vở cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn

Thực hiện các chương trình, cuộc vận động, phong trào tình nghĩa do Đảng ủy - Bộ CHQS tỉnh phát động, thời gian qua, các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn phối hợp cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh vận động quyên góp và trao tặng 2.163 suất quà, 3.530 bộ quần áo, trên 50 nghìn quyển vở, 560 bộ sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn tỉnh.

Dự kiến ngày 22/4 thông đường sắt Bắc - Nam sau sự cố sạt lở hầm Bãi Gió

Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo huy động lực lượng, phương án khắc phục ngày đêm, đảm bảo an toàn tuyệt đối, với mục tiêu ngày 22/4 hoàn thành xử lý sự cố sạt lở hầm Bãi Gió để thông tàu Bắc - Nam.

Ký kết chương trình phối hợp công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên 

Chiều 16/4, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), Tỉnh Đoàn Hoà Bình tổ chức ký kết chương trình phối hợp công tác tư vấn, giới thiệu việc làm cho đoàn viên, thanh niên giai đoạn 2024 - 2027 nhằm đẩy mạnh và phát huy vai trò của các cơ quan liên quan trong quá trình phối hợp triển khai nhiệm vụ. 

Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tại tỉnh Sơn La

Hội liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Hòa Bình vừa tổ chức chương trình "Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” năm 2024 tại xã Mường Hung, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La.

Nâng cao quyền năng cho phụ nữ

Dự án "Nâng cao quyền năng cho phụ nữ thông qua tiếp cận Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình” tại địa bàn 2 huyện Yên Thủy, Lạc Sơn đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần giải quyết các vấn đề mang tính cấp thiết và có biện pháp ứng phó giảm thiểu các rủi ro cho phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Dự án cũng nhằm nâng cao nhận thức về Luật An ninh mạng, Luật Hôn nhân và gia đình, từ đó nâng cao quyền năng cho phụ nữ, đặc biệt là quyền quyết định trong gia đình và quyền năng kinh tế thông qua việc sử dụng môi trường mạng an toàn, lành mạnh, hiệu quả.

Lương tối thiểu vùng tăng 6% từ 1/7/2024 tác động thế nào tới lương hưu?

Từ 1/7/2024, lương tối thiểu vùng sẽ tăng 6% so với hiện nay. Cùng với đó, các cơ quan liên quan đang xây dựng phương án điều chỉnh lương hưu. Dự thảo tờ trình Nghị định quy định mức lương tối thiểu với người lao động làm việc theo hợp đồng đang được lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục