(HBĐT) - Lên Lào Cai mùa này, bên cạnh những loại rau xứ lạnh, du khách sẽ khó cưỡng được sức hấp dẫn của một loại đặc sản mang hương vị núi rừng, đó là hạt dẻ. Hạt dẻ Lào Cai được người dân trồng và bán nhiều ở thị trấn Sa Pa thuộc huyện Bắc Hà nên nhiều người quen gọi là hạt dẻ SaPa . Dọc các tuyến đường về, nhất là dừng chân ở chợ Cốc Lếu – thành phố Lào Cai, đâu đâu cũng thấy bà con tíu tít chào mời bên những thúng hạt dẻ rừng vẫn còn nóng hổi, ngất ngây thơm ngậy.


Dịp cuối tuần, gia đình chị Đoàn Thu Trang ở Giáp Bát (Hà Nội) tự thưởng cho mình chuyến di lịch đầy ý nghĩa tại SaPa. Giống như nhiều du khách khác, chị vô cùng ấn tượng với không khí tuyệt vời ở xứ lạnh, thiên nhiên hoang sơ đẹp như trong cổ tích, được tiếp xúc, cảm nhận cuộc sống dân dã của người dân bản địa. Và một sở thích nữa là đi dạo vào mỗi buổi chiều, dừng chân thưởng thức những món ăn đặc sản thơm ngon. Chị Trang tấm tắc: đi dạo và ghé vào quầy nhấm nháp hạt dẻ rừng rang bơ bọc trong bao giấy nóng hổi sẽ cho cảm giác thật tuyệt. Nói chung là hạt dẻ ở đây rất ngon, có thể ăn mà không thấy chán…

Đoàn chúng tôi cũng đi tìm hương vị hạt dẻ Lào Cai nhưng để vừa thưởng thức, vừa để mua về làm quà, chúng tôi chọn điểm dừng chân ở chợ Cốc Lếu. Đây là khu chợ sầm uất nhất và nếu thăm quan chợ mùa này sẽ có rất nhiều nông sản địa phương để khách lựa chọn. Hạt dẻ tươi, hạt dẻ rang muối, hạt dẻ rang bơ, bung mật có mặt ở khắp trong, ngoài chợ. Từ cách xa chợ hàng trăm mét, khứu giác, vị giác của thực khách đã bị kích thích bởi mùi thơm hạt dẻ rang quyện dậy mùi bơ, mùi mật thơm lừng. Đon đả mời chúng tôi nếm thử, anh Vàng A Tẩn – người bán hạt dẻ phía trong chợ Cốc Lếu cho hay: Lên đây mùa này mà không được nếm thử hạt dẻ nếp thì quả thực đáng tiếc. Cũng chỉ chừng tháng nữa là hết mùa, hạt dẻ lúc ấy có bói cũng không ra. Khách đến dịp này mua về làm quà rất nhiều, người dăm cân, người mười cân, đã ăn rồi ai cũng muốn lấy thêm để người ở nhà được cùng thưởng thức.


Du khách ghé chợ Cốc Lếu (thành phố Lào Cai) mua hạt dẻ ván.

Tháng ba, tháng tư cũng thường đã vào cuối vụ hạt dẻ Lào Cai. Có cô bạn tên Nguyễn Thu Hương, công tác tại Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lào Cai hãnh diện kể với chúng tôi: nhờ điều kiện khí hậu lạnh và thổ nhưỡng trời ban nên cây hạt dẻ có rất nhiều, sống được ở những nơi có địa hình sườn đồi dốc, đất nương rẫy, tầng đất dày, tơi xốp, thoát nước tốt. Chẳng cần phải lặn lội đâu xa, có những chỗ từ đường cái đi vào vài chục bước chân là đã thấy những hàng dẻ đứng sừng sững, dang tán to rộng, quả sai trĩu trịt. Vào dịp cuối đông, đầu xuân, hạt dẻ chín rụng rơi đầy mặt đất, bà con các dân tộc chờ đến lúc đó để chỉ việc khi thu quả rụng mang về. Cũng chỉ khi dẻ rụng mới là là lúc hạt đủ độ bùi, độ ngọt.

Ngon, bổ dưỡng và khác biệt so với các loại hạt dẻ khác là cảm nhận của chúng tôi khi thưởng thức hạt dẻ mà bà con thường gọi với cái tên dân dã là dẻ ván, hay dẻ nếp Lào Cai. Hạt dẻ Lào Cai có điểm khác biệt so với hạt dẻ Trùng Khánh (Cao Bằng), hạt dẻ Trung Quốc ở chỗ xét về tính chất, chất lượng đặc thù, hạt dẻ Lào Cai to hơn 3 – 4 lần so với hạt dẻ rừng nhưng nhỏ hơn so với những loại hạt dẻ kia, hình dáng hơi méo, kích thước ba chiều gần bằng nhau, vỏ màu nâu sẫm, rất bóng, trên vỏ có lớp lông tơ mịn, nhạt, vỏ lụa mỏng, dễ bóc, nhân hạt có màu vàng chanh, vị ngọt, bùi, thơm ngậy. Có nhiều cách chế biến hạt dẻ nhưng cách chế biến truyền thống và được ưa chuộng nhất vẫn là đem luộc kỹ sau đó rang lên để hạt dẻ thêm dậy mùi thơm, hạt dẻ lúc đó trở thành đồ ăn vặt vô cùng hấp dẫn. Một số cách chế biến đơn giản khác cũng được áp dụng như làm nhân bánh, xôi hạt dẻ, chè hạt dẻ… để tạo ra những món ăn bổ dưỡng, mới lạ.


Hạt dẻ rang bơ mang hương vị ẩm thực riêng có của Lào Cai.

Thông qua "con đường” du lịch, cùng với các sản vật khác, hạt dẻ Lào Cai đã chiếm trọn tình cảm yêu mến của du khách về một món ăn dân dã, đậm đà, hấp dẫn. Bởi thế mà giờ ở Lào Cai, nhiều trang facebook lập nên để quảng bá, vận chuyển các đơn hàng hạt dẻ Lào Cai tới khắp mọi miền phục vụ nhu cầu của thực khách. Giá bán hạt dẻ nếp SaPa hay còn gọi là hạt dẻ Lào Cai thường ở mức 50.000 – 55.000 đồng/kg hạt tươi, cuối vụ giá có thể tăng thêm 10.000 đồng – 20.000 đồng/kg. Hạt dẻ rang bơ, rang muối, bung mật các loại dao động 70.000 đồng – 80.000 đồng/kg. Còn tại các chợ ở Lào Cai, mỗi kg hạt dẻ tươi thường bán với giá 50.000 đồng/kg, hạt dẻ rang giá phổ biến 70.000 đồng/kg. Lưu ý nếu có thể thì nên nhờ người bản địa đưa đi mua bởi nhiều khi khách tự mua sẽ dễ bị nhầm lẫn mua phải hạt dẻ Trung Quốc.


Bùi Minh

Các tin khác


Huyện Yên Thủy phát triển du lịch gắn với điểm đến lễ hội, tâm linh

Hiện nay, sản phẩm du lịch của huyện Yên Thủy chủ yếu là du lịch lễ hội, du lịch tâm linh. Bên cạnh đảm bảo nếp sống văn minh trong hoạt động tín ngưỡng, các cấp uỷ đảng, chính quyền địa phương luôn chú trọng bảo tồn giá trị di tích lịch sử, văn hoá và lễ hội gắn với khai thác thế mạnh du lịch.

Doanh nghiệp du lịch mong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài để tăng doanh thu

Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019. Song cho dù lấy lại được sức phát triển trước dịch Covid-19, du lịch nước ta đã tụt hậu đến 5 năm so với thực tế. Vì thế, trước sự cạnh tranh của nhiều thị trường lớn của thế giới, cũng như các nước láng giềng, du lịch Việt cần nỗ lực hơn nữa để bứt phá và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Kích cầu du lịch từ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Còn khoảng ba tuần nữa mới đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhưng thị trường du lịch đã khá sôi động. Ðây được xem là thời điểm "vàng” để doanh nghiệp lữ hành khởi động mùa cao điểm du lịch hè.

Bảo vệ vịnh Nha Trang để phát triển du lịch bền vững

Thành phố Nha Trang, thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa đang trong dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển (1924 - 2024).

Ẩm thực giúp quảng bá, giới thiệu điểm đến và giữ chân du khách lâu hơn

Theo các chuyên gia du lịch, ẩm thực là một phần không thể thiếu của ngành du lịch, bởi nó góp phần quảng bá, níu giữ du khách thông qua sự độc đáo của từng món ăn, hương vị mang tính đặc trưng mỗi vùng miền.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục