Ban tổ chức dành 90 phút để các doanh nghiệp Hà Nội, doanh nghiệp trên cả nước được làm việc, trao đổi trực tiếp và thực hiện ký kết hợp tác với các đối tác Nhật Bản.


Khách tham quan Văn Miếu-Quốc Tử Giám. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 19/6, Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam(Vietnam Airlines) gặp mặt các doanh nghiệp Nhật Bản nhằm hợp tác, thúc đẩy phát triển du lịch với thị trường Nhật Bản.

Tham dự buổi gặp mặt có 31 đại biểu đến từ 26 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành Nhật Bản, 100 doanh nghiệp lữ hành Bắc-Trung-Nam của Việt Nam cùng đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các hiệp hội, các tổ chức nghề nghiệp du lịch.

Tại cuộc gặp mặt, các doanh nghiệp hai bên đã giao lưu, kết nối, lắng nghe nhiều ý kiến đóng góp của phía Nhật Bản cho du lịch Thủ đô. Đặc biệt, Ban tổ chức dành 90 phút để các doanh nghiệp Hà Nội, doanh nghiệp trên cả nước được làm việc, trao đổi trực tiếp và thực hiện ký kết hợp tác với các đối tác Nhật Bản.

Ông Suzuki Keisuke, Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Chubu, chia sẻ thông qua chuyến tham quan, khảo sát lần này, các công ty lữ hành Nhật Bản mong muốn tạo ra những điểm tham quan du lịch phù hợp với khách du lịch Nhật Bản.

Ông Suzuki Keisuke mong muốn Sở Du lịch Hà Nội cùng chia sẻ thông tin, kết nối với doanh nghiệp Nhật Bản. Ông cũng đánh giá cao tiềm năng du lịch Hà Nội cũng như các vùng lân cận và mong muốn kết nối các tour du lịch với các sự kiện, phát triển du lịch theo chủ đề và du lịch trải nghiệm.

Trước đó, các doanh nghiệp du lịch Nhật Bản đã khảo sát các điểm du lịch nổi tiếng của Hà Nội và Ninh Bình, trải nghiệm các sản phẩm, dịch vụ mới của du lịch Thủ đô và các vùng phụ cận.

Tại Hà Nội, đoàn trải nghiệm không gian khu phố đi bộ xung quanh hồ Hoàn Kiếm, khảo sát làng lụa Vạn Phúc, làng cổ Đường Lâm, chùa Mía, chùa Tây Phương, làng nghề làm chuồn chuồn Thạch Xá, làng nghề quạt Chàng Sơn, tham quan Hoàng Thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, thưởng thức múa rối nước tại Nhà hát múa rối Thăng Long, thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc sắc "Tinh hoa Bắc Bộ” tại Khu du lịch Tuần Châu-Quốc Oai.

Tại Ninh Bình, đoàn tham quan khu danh thắng Tràng An, phim trường "Kong: Skull Island," khảo sát tại Hang Múa.

Chương trình đón đoàn doanh nghiệp du lịch Nhật Bản là một hoạt động xúc tiến du lịch tại chỗ thường niên, với mục đích giới thiệu đến các đơn vị lữ hành Nhật Bản (top 3 thị trường khách đến Hà Nội) các điểm đến du lịch, các sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của Hà Nội nhằm quảng bá hình ảnh du lịch Thủ đô.

Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Sở Du lịch Hà Nội là cầu nối liên kết các doanh nghiệp du lịch trong nước với các doanh nghiệp lữ hành Nhật Bản; tạo cơ hội cho các doanh nghiệp gặp gỡ, hợp tác, trao đổi kinh nghiệm...

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Đức Hải cho biết thời gian tới, Sở Du lịch Hà Nội tiếp tục hỗ trợ các điều kiện tốt nhất đối với các hãng lữ hành và khách du lịch Nhật Bản đến Hà Nội.

Lãnh đạo Sở Du lịch Hà Nội hy vọng các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ có nhiều chương trình đưa khách đến du lịch Hà Nội-Việt Nam; mong muốn quan hệ hợp tác du lịch giữa thành phố Hà Nội với các thành phố của Nhật Bản, giữa du lịch Hà Nội với Vietnam Airlines ngày càng đạt kết quả cao.

Với vị thế là Thủ đô, là trung tâm của du lịch khu vực phía Bắc, Hà Nội luôn chủ động phối hợp với các tỉnh, thành phố để hỗ trợ quảng bá, xúc tiến du lịch của các địa phương, qua đó tạo sự đa dạng, phong phú cho các sản phẩm du lịch của Hà Nội và vùng phụ cận./.

 

          TheoVietnamplus

Các tin khác


Doanh nghiệp du lịch mong kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 kéo dài để tăng doanh thu

Theo các doanh nghiệp lữ hành, kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay được các Bộ, ngành đề xuất hoán đổi ngày làm việc để kéo dài thành 5 ngày nghỉ sẽ là dịp để doanh nghiệp lữ hành, các điểm vui chơi thu hút khách du lịch, tăng doanh thu.

Định vị thương hiệu du lịch Việt Nam trên trường quốc tế

Nhìn lại tiến trình phát triển của nền du lịch quốc gia, Thứ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ An Phong cho rằng, Việt Nam ghi nhận mức phục hồi mạnh mẽ của ngành này khi đạt được mức tăng trưởng tiệm cận với kết quả năm 2019. Song cho dù lấy lại được sức phát triển trước dịch Covid-19, du lịch nước ta đã tụt hậu đến 5 năm so với thực tế. Vì thế, trước sự cạnh tranh của nhiều thị trường lớn của thế giới, cũng như các nước láng giềng, du lịch Việt cần nỗ lực hơn nữa để bứt phá và định vị thương hiệu trên trường quốc tế.

Kích cầu du lịch từ dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5

Còn khoảng ba tuần nữa mới đến kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, nhưng thị trường du lịch đã khá sôi động. Ðây được xem là thời điểm "vàng” để doanh nghiệp lữ hành khởi động mùa cao điểm du lịch hè.

Bảo vệ vịnh Nha Trang để phát triển du lịch bền vững

Thành phố Nha Trang, thủ phủ của tỉnh Khánh Hòa đang trong dịp kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển (1924 - 2024).

Ẩm thực giúp quảng bá, giới thiệu điểm đến và giữ chân du khách lâu hơn

Theo các chuyên gia du lịch, ẩm thực là một phần không thể thiếu của ngành du lịch, bởi nó góp phần quảng bá, níu giữ du khách thông qua sự độc đáo của từng món ăn, hương vị mang tính đặc trưng mỗi vùng miền.

Du lịch Hòa Bình thu hút khách quốc tế

Những tháng đầu năm 2024, du khách nội địa và du khách đến từ nhiều quốc gia tấp nập tham quan, khám phá các điểm đến du lịch Hoà Bình. Đáng chú ý, một số khu, điểm du lịch thuộc huyện Mai Châu, Đà Bắc, Lương Sơn đón lượng khách quốc tế tăng cao.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục