(HBĐT) - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nỗi đau của bao gia đình liệt sỹ và cũng là niềm đau đáu của cả dân tộc Việt Nam vẫn còn đó. Theo thống kê, toàn quốc hiện còn khoảng 200 nghìn liệt sỹ chưa tìm được hài cốt và khoảng 300 nghìn mộ liệt sỹ đã quy tập nhưng chưa có tên. Riêng với tỉnh Hòa Bình, qua 2 cuộc kháng chiến có khoảng 5.800 liệt sỹ, nhưng đến nay mới có gần 1.200 liệt sỹ đã tìm thấy mộ, còn lại là các phần mộ chưa xác định được danh tính hoặc chưa tìm thấy để quy tập về nghĩa trang. Cần thêm nữa những tấm lòng nhiệt huyết để tri ân liệt sỹ, gia đình liệt sỹ.



Lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH, Phòng LĐ-TB&XH huyện Đà Bắc thăm hỏi, động viên gia đình người có công trên địa bàn xã Tu Lý. 

Nhiều nỗ lực tìm kiếm hài cốt liệt sỹ

"Có lẽ ít ai biết rằng, hiện nay, tỉnh ta còn khoảng 1.600 liệt sỹ vẫn nằm đâu đó ở khe suối, bìa rừng nơi chiến trường xưa. Chừng ấy phần mộ chưa được tìm thấy hoặc chưa xác định được thông tin cũng đồng nghĩa với việc hàng nghìn gia đình liệt sỹ vẫn  ngóng chờ một ngày sẽ tìm thấy người con hoặc cha, ông của họ. Điều này càng thôi thúc chúng tôi, những người lính năm xưa dốc sức đi tìm mộ, hài cốt liệt sỹ…” - ông Bùi Tuấn Hải, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ (HTGĐLS) tỉnh chia sẻ. 

Cách đây 9 năm (năm 2010), các cựu chiến binh (CCB) thuộc F320 B, Quân đoàn Tây Nguyên tổ chức họp mặt đồng đội. Buổi gặp mặt ấy có khoảng 200 người tham dự (trong khi lực lượng thanh niên lên đường nhập ngũ năm 1971 là hơn 600 người, chủ yếu bổ sung cho chiến trường Tây Nguyên). Trong niềm vui ngày gặp mặt, các CCB thuộc F320 B, Quân đoàn Tây Nguyên  không quên "điểm danh” lại sỹ số đơn vị mình. Có tới 2/3 đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường. Buổi gặp ấy, các CCB cùng đề đạt một nguyện vọng: thăm lại chiến trường xưa để kiếm tìm hài cốt của những đồng đội tự tay mình được chôn cất. Với tất cả nỗ lực, 1 năm sau đó, những người lính cựu thuộc F320 B đã tổ chức được đoàn đi thăm chiến trường xưa. Chuyến đi này họ đã thu thập được 232 thông tin liệt sỹ là những người con của Hòa Bình đang nằm tại các nghĩa trang liệt sỹ từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị trở vào. Khi trở về, đoàn CCB đã nhờ Phòng LĐ-TB&XH các huyện, thành phố thông tin cho thân nhân liệt sỹ có trong danh sách biết về phần mộ liệt sỹ của gia đình. Từ đó, ý tưởng hỗ trợ gia đình liệt sỹ tìm kiếm thông tin, hài cốt đã được hình thành.

Đề đạt tâm nguyện, lên kế hoạch, xin chủ trương… đến tháng 1/2016,  Hội HTGĐLS tỉnh được thành lập. Tôn chỉ, mục đích chủ yếu của Hội là hỗ trợ tìm kiếm thông tin về liệt sỹ; hỗ trợ giám định khoa học ADN; giúp gia đình liệt sỹ tiếp cận, thực hiện và thụ hưởng các chế độ, chính sách liên quan; tham gia với cấp ủy, chính quyền địa phương về giải pháp thực hiện chính sách đối với liệt sỹ, gia đình liệt sỹ. 

Trong 2 năm 2016 - 2018, Hội đã phối hợp với Sở LĐ-TB&XH cập nhật tình hình mộ liệt sỹ đang được an táng ở các nghĩa trang liệt sỹ trên cả nước. Tháng 7/2018, Hội phối hợp với Sở LĐ-TB&XH cùng với tổ chức MARIN (Trung tâm Tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho gia đình liệt sỹ) tư vấn miễn phí cho trên 1.000 người là thân nhân liệt sỹ, gia đình liệt sỹ của TP Hòa Bình và huyện Lạc Sơn. Nội dung tư vấn về cách thức tìm kiếm thông tin về liệt sỹ, mộ liệt sỹ, phương pháp tìm mộ, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ và các chính sách pháp luật liên quan. Cũng trong khoảng thời gian này, Hội đã tư vấn chính sách đối với gia đình liệt sỹ, thông tin tìm kiếm mộ liệt sỹ cho trên 200 lượt gia đình (trong đó, cung cấp thông tin mộ liệt sỹ cho 75 gia đình; tư vấn thủ tục đính chính thông tin trên bia mộ cho 125 gia đình; chính sách thăm viếng, di chuyển hài cốt liệt sỹ cho 97 gia đình). Qua tra cứu, thu thập tài liệu, đối chiếu đã phát hiện 28 mộ liệt sỹ sai sót, thiếu thông tin thông báo cho thân nhân làm các thủ tục chỉnh sửa, hoặc giám định ADN, xác định rõ thông tin 56 mộ liệt sỹ. Cùng với các hoạt động tìm kiếm, hỗ trợ tìm kiếm mộ liệt sỹ, Hội HTGĐLS tỉnh tích cực phối hợp với gia đình, địa phương tổ chức di dời, đón và tổ chức lễ truy điệu cho các liệt sỹ tại nghĩa trang quê nhà.

Tri ân các gia đình liệt sỹ



Đại diện Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tỉnh tham dự lễ an táng hài cốt 6 liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Kim Bôi.

Để xoa dịu nỗi đau và tăng cường niềm tin của thân nhân, gia đình liệt sỹ đối với Đảng, Nhà nước thì việc tri ân các gia đình liệt sỹ cần được coi trọng. Xác định rõ trọng trách, ngay khi mới thành lập, Hội HTGĐLS tỉnh đã hỗ trợ 60 triệu đồng xây nhà tình nghĩa cho bà Hà Thị Thân, vợ liệt sỹ ở xóm Hịch, xã Mai Hịch (Mai Châu). Tặng 36 sổ tiết kiệm và quà cho các gia đình liệt sỹ thuộc diện hộ nghèo, tổng trị giá 43 triệu đồng. Phối hợp với các doanh nghiệp tặng 346 suất quà cho các gia đình liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn, tổng trị giá 100 triệu đồng. Hỗ trợ xây mới 1 nhà và sửa chữa 1 nhà tình nghĩa. Tặng 6 xe đạp cho học sinh nghèo vượt khó là con cháu liệt sỹ của các huyện Kim Bôi và Yên Thủy. Tặng 2.000 cuốn vở và 4 triệu đồng cho các cháu mầm non và tiểu học xã Thượng Bì (Kim Bôi). Hàng năm, Hội chủ động phối hợp với Sở LĐ-TB&XH, Tỉnh Đoàn Thanh niên và các cơ quan chức năng ở tỉnh, huyện tổ chức các hoạt động tri ân liệt sỹ như: Tổ chức viếng nghĩa trang liệt sỹ; gặp mặt, thăm hỏi, tặng quà, tặng nhà tình nghĩa các gia đình liệt sỹ, mẹ Việt Nam anh hùng; phối hợp với cơ quan y tế tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho thân nhân liệt sỹ và người có công. Phối hợp với Tạp chí điện tử Tri Ân – Trung ương Hội HTGĐLS Việt Nam tổ chức đoàn đi thăm hỏi, tặng quà cho thân nhân liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn của các huyện Kim Bôi, Tân Lạc và Đà Bắc, trị giá hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách về lĩnh vực liệt sỹ và gia đình liệt sỹ, biểu dương các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong hoạt động tri ân liệt sỹ.

Theo ông Bùi Tuấn Hải, Chủ tịch Hội HTGĐLS tỉnh, mặc dù đã có nhiều cố gắng, nỗ lực để tri ân gia đình liệt sỹ, nhưng vẫn còn nhiều trăn trở. Hiện tại, toàn tỉnh còn trên 150 gia đình liệt sỹ thuộc diện hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần được giúp đỡ. Bởi vậy, cùng với việc hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình nghĩa, tặng quà các gia đình liệt sỹ thuộc hộ nghèo, trong thời gian tới, đề nghị cấp ủy, chính quyền tỉnh tăng cường chỉ đạo để huy động sự vào cuộc của hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân, cộng đồng xã hội, thực hiện tốt hơn nữa việc giúp đỡ, tri ân những thân nhân, gia đình liệt sỹ, thể hiện rõ hơn đạo lý "Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Thúy Hằng

Phối hợp chặt chẽ để thực hiện có hiệu quả việc tìm kiếm và quy tập mộ liệt sỹ

Quách Đăng Phú Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh

Thực hiện Đề án "Tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ", thời gian qua, Ban chỉ đạo tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ (BCĐ 515) tỉnh tích cực chỉ đạo các ban, ngành, địa phương phối hợp triển khai đồng bộ từ tỉnh tới cơ sở. Hiện, đã hoàn thành việc lập bản đồ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ trên địa bàn tỉnh.

Thực tế, các liệt sỹ của tỉnh chủ yếu hy sinh vào thời kỳ kháng chiến chống Pháp, do vậy, thông tin, số liệu phục vụ cho việc tìm kiếm hài cốt không nhiều, việc tìm kiếm hết sức khó khăn. Trong thời gian tới, BCĐ 151 tỉnh, Hội HTGĐLS tỉnh cần tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo, tuyên truyền để mở rộng các thành phần, huy động thêm nhiều tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm và cộng đồng xã hội tham gia ủng hộ việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Một mặt, các thành viên Hội HTGĐLS cần tích cực nắm bắt, thu thập thông tin từ thân nhân, gia đình, đồng đội của liệt sỹ… để việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ đạt được kết quả. Bộ CHQS tỉnh sẵn sàng phối hợp để thực hiện có hiệu quả việc tìm kiếm và quy tập mộ liệt sỹ cũng như các hoạt động tri ân liệt sỹ trên địa bàn.

Tiếp tục vận động cộng đồng doanh nghiệp tham gia xây dựng Quỹ "Đền ơn - đáp nghĩa” của tỉnh

 Phạm Thị Nhuận Giám đốc Công ty CP Thương mại Định Nhuận 

Thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn”, nhiều năm qua, Công ty CP Thương mại Định Nhuận đã đồng hành với tỉnh trong các hoạt động tri ân các anh hùng, liệt sỹ, người có công với cách mạng. Hàng năm, Công ty chúng tôi đóng góp hỗ trợ hàng trăm suất quà tặng cho các gia đình chính sách nghèo, tặng sổ tiết kiệm và hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa gia đình liệt sỹ, hỗ trợ học bổng cho con em gia đình chính sách vượt khó, học giỏi…

Năm 2019, Công ty đưa ra định hướng: tập trung thực hiện công tác tri ân liệt sỹ, gia đình liệt sỹ. Ngay trong tháng 7 nghĩa tình này, Công ty đã hỗ trợ 80 triệu đồng để đưa hài cốt 18 liệt sỹ từ mặt trận phía Nam về an táng tại Nghĩa trang xã Lũng Vân và Nghĩa trang liệt sỹ huyện Tân Lạc. Dự kiến, trong những tháng cuối năm, Công ty tiếp tục ủng hộ ít nhất 50 triệu đồng để hỗ trợ gia đình liệt sỹ có hoàn cảnh khó khăn, tìm kiếm, đón hài cốt liệt sỹ trở về địa phương. Thực hiện công tác "Đền ơn, đáp nghĩa” là nghĩa cử cao đẹp. Vì vậy, trong thời gian tới, cá nhân tôi tiếp tục vận động anh chị em trong cộng đồng doanh nghiệp cả trong và ngoài tỉnh tham gia xây dựng Quỹ "Đền ơn - đáp nghĩa" của tỉnh, góp sức tham gia hoạt động nghĩa tình này.

 Mong được hỗ trợ để xác định rõ thông tin phần mộ liệt sỹ 

Nguyễn Đức Đua Phường Đồng Tiến- Thành phố Hòa Bình 

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc, gia đình chúng tôi có 2 người anh, em đã mãi mãi không trở về. Theo thông tin trên giấy báo tử và theo dấu bước hành quân của các chiến sỹ Trung đoàn Cửu Long, tôi đã trực tiếp về nơi chiến trường xưa để tìm lại phần mộ của em trai mình. Nhưng cho đến nay, mới tìm được phần mộ của liệt sỹ Nguyễn Đức Côi. Quá trình tìm kiếm thông tin gia đình được biết: hài cốt của liệt sỹ Nguyễn Đức Tạo và các đồng đội hy sinh cùng một địa điểm đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sỹ tại huyện Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Tuy nhiên, đến nay, chưa xác định tên, địa chỉ cụ thể cho từng ngôi mộ. Theo nguyện vọng của mẹ tôi (Mẹ Việt Nam anh hùng Đào Thị Đan), chúng tôi đã làm các thủ tục để xin xét nghiệm ADN, nhưng đến nay, vẫn chưa thực hiện được. Vẫn biết trên đất nước Việt Nam ta hiện còn hàng trăm, ngàn liệt sỹ vẫn đang nằm lại nơi chiến trường, hoặc đã được quy tập về các nghĩa trang liệt sỹ với tấm bia mộ ghi dòng chữ "Tên anh chị gắn liền với chiến công lịch sử”, hoặc "Liệt sỹ chưa biết tên”, nhưng gia đình vẫn mong cơ quan chức năng, Hội HTGĐLS tỉnh quan tâm hướng dẫn thực hiện các thủ tục xét nghiệm để xác định rõ phần mộ, thỏa lòng người mẹ gần nửa thế kỷ mong con trở về.

 



Các tin khác


Bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại

(HBĐT) - Xâm hại tình dục (XHTD) trẻ em là vấn nạn không mới nhưng cũng chưa bao giờ là cũ khi vụ việc vẫn thường xảy ra. Các hành vi XHTD trẻ em đều gây tổn thương, hậu quả nặng nề, lâu dài về cả thể chất, tâm lý và sức khỏe của trẻ. Bởi vậy, bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD là vấn đề cần quan tâm, trách nhiệm của toàn xã hội.

Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu quả bộ máy chính quyền

(HBĐT) - Với sự tập trung chỉ đạo các nội dung cải cách hành chính (CCHC), tỉnh ta đã đạt được những kết quả quan trọng. Ý thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, hiệu quả bộ máy chính quyền được cải thiện, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh đang tập trung chỉ đạo các giải pháp siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy dịch vụ công, trách nhiệm cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC); phát huy trách nhiệm của người đứng đầu trong điều hành, quản lý thực thi công vụ, xây dựng chính quyền đồng hành phục vụ doanh nghiệp và người dân. 

“Phòng hỏa hơn cứu hỏa” trong cao điểm nắng nóng

(HBĐT) - Mùa nắng nóng đang bước vào giai đoạn cao điểm. Lực lượng cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH), Công an tỉnh khuyến cáo người dân nâng cao hơn nữa ý thức phòng ngừa.

Tìm giải pháp cải thiện chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công

(HBĐT) - Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) là công cụ theo dõi thực thi chính sách, phản ánh của người dân về mức độ hiệu quả điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công (DVC) của chính quyền các cấp; là kênh tham khảo của các địa phương trong quản lý nhà nước, thực hiện chính sách, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Năm 2022, chỉ số PAPI của tỉnh xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố, giảm 24 bậc so với năm 2021, nằm trong nhóm trung bình thấp. Tỉnh đang tập trung các giải pháp nhằm cải thiện, nâng cao chỉ số PAPI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Để hạn chế tình trạng cưỡng chế thi hành án dân sự

(HBĐT) - Thực hiện công tác thi hành án dân sự (THADS), mỗi năm toàn tỉnh thụ lý giải quyết từ 4.600 - 4.800 vụ việc. Số án năm sau cao hơn năm trước cả về số lượng và giá trị, nguyên nhân do số lượng vụ việc tranh chấp tăng. Những năm qua, xác định công tác THADS là một trong những nhiệm vụ chính trị của địa phương, góp phần ổn định xã hội, Cục THADS tỉnh đưa ra nhiều giải pháp nhằm tạo sự chuyển biến cơ bản trong công tác này. Tuy nhiên, vẫn còn không ít bản án, quyết định có hiệu lực thi hành nhưng không được tự nguyện thi hành và phải cưỡng chế THADS.

Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội

(HBĐT) - Giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH) là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (CT-XH). Quyền này được quy định trong Hiến pháp, Luật MTTQ Việt Nam và được cụ thể hoá bằng các quyết định, chỉ thị, quy định của Đảng. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành các chỉ thị, kết luận về công tác này. Việc thực hiện góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân. Tuy nhiên, GS,PBXH của MTTQ và các tổ chức CT-XH còn những hạn chế, cần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả nhằm đáp ứng kỳ vọng của Đảng và mong đợi của Nhân dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục