(HBĐT) - Sau gần 2 năm hoàn thành việc dồn điền, đổi thửa (DĐĐT), trên cánh đồng của bà con xóm Lạc Vượng và xóm Chóng, xã Yên Lạc (Yên Thủy) đã mướt sắc xanh no ấm. Sự đổi thay tích cực đó là tiền đề, động lực để Yên Lạc phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành cuộc cách mạng ruộng đất ở 9 thôn, xóm còn lại.

Sau khi hoàn thành dồn điền, đổi thửa, bà con xóm Lạc Vượng, xã Yên Lạc (Yên Thủy) tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa khoai sọ vào canh tác, bước đầu đem lại tín hiệu khả quan. 

Cuối năm 2014, xã Yên Lạc thực hiện chủ trương DĐĐT. Trên cơ sở phân tích thuận lợi, khó khăn, 2 xóm Lạc Vượng và Chóng được lựa chọn làm thí điểm. Sau 1 năm thực hiện với không ít thử thách, việc tích tụ ruộng đất ở 2 xóm này đã hoàn thành. “Ban đầu gặp khá nhiều khó khăn vì tâm lý e ngại của bà con, họ không muốn bỏ các ruộng đã canh tác lâu nay của gia đình. Tuy nhiên, từ khi hoàn thành đến nay, hiệu quả đem lại rất thiết thực, những mô hình canh tác mới đang được áp dụng tại 2 xóm là minh chứng cho chủ trương đúng đắn của cấp ủy, chính quyền”, đồng chí Bùi Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Yên Lạc cho biết.  

Cùng đoàn công tác của xã Yên Lạc xuống thăm mô hình trồng khoai sọ mới được đưa vào trồng ở xóm Lạc Vượng mới thấy sự hăng say sản xuất của bà con. “Trước đây, hộ nào cũng có dăm mảnh ruộng, mỗi mảnh một nơi nên rất khó chăm sóc. Sau khi DĐĐT, đường nội đồng được xây dựng thuận lợi, ô tô đi vào thoải mái. Hệ thống mương tưới tiêu thẳng tắp, nước chảy đến tất cả khu ruộng của bà con. Nhờ đấy mà trồng lạc, khoai sọ hay cấy lúa đều thuận tiện cho việc chăm sóc, năng suất cao hơn”, ông Nguyễn Văn Tỉnh, xóm Lạc Vượng phấn khởi cho biết. 

Bà Trịnh Thị Quý, Trưởng xóm Lạc Vượng chia sẻ: Xóm có 240 hộ dân, ruộng khá bằng phẳng và tập trung với tổng diện tích 25 ha. Để người dân hiểu và đồng tình thực hiện DĐĐT, không ít những cuộc họp ở xóm đã được tổ chức. Việc tuyên truyền, vận động được thực hiện thường xuyên đến từng đảng viên, người dân đã đem lại hiệu quả thiết thực. Kết quả, cánh đồng được quy hoạch lại, sản xuất thuận lợi cùng với sự quan tâm của các cấp chính quyền, bà con cũng tích cực đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Trong đó, vụ xuân trồng các loại rau màu như: lạc, ngô, đậu, mới đây nhất là trồng khoai sọ; vụ mùa chuyển sang cấy lúa. Nhờ đó, đời sống của bà con ngày một nâng cao hơn, thu nhập bình quân đầu người năm 2016 đạt 29 triệu đồng, bình quân lương thực đạt trên 400 kg/người/năm. 

Trên những thửa ruộng bí xanh, mướp đắng của xóm Chóng, bà con cần mẫn bón phân, tưới nước. Với hơn 1.000 m2 đất ruộng, gia đình bà Bùi Thị Khoa duy trì trồng mướp đắng. Bà Khoa cho biết: “Bây giờ, ruộng đã tập trung nên gia đình trồng mướp đắng, 1 năm 2 vụ, mỗi vụ thu được khoảng 30 triệu đồng. Nếu như trước đây, mỗi ruộng một nơi thì không làm được, chỉ trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp hơn nhiều”. 

Nói về kinh nghiệm DĐĐT của xóm, ông Bùi Văn Hồng, Trưởng xóm Chóng cho biết: “Ruộng ở xóm Chóng không tập trung, chỗ thuận lợi, chỗ sình lầy nên khi DĐĐT phải căn cứ thực tế để phân chia cho công bằng. Nếu cứng nhắc, mỗi hộ quy về chỉ một thửa thôi thì sẽ không thực hiện được. Hiện nay, mỗi hộ chỉ còn từ 1 - 3 mảnh nên đảm bảo sự công bằng, bà con đồng tình ủng hộ và hiệu quả kinh tế đem lại sau DĐĐT thiết thực”.

Cùng với Lạc Vượng và Chóng, trong năm 2017, xóm Yên Hòa và ót cũng tích cực triển khai DĐĐT. “Lộ trình của xã phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành việc DĐĐT ở các xóm còn lại. Để đạt được mục tiêu đó, chúng tôi đang tích cực làm công tác vận động, tuyên truyền và trưng cầu ý dân. Xóm nào có điều kiện thuận lợi hơn sẽ tập trung làm trước, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để đạt hiệu quả cao hơn. DĐĐT được chúng tôi xác định, có vai trò quan trọng đối với việc giữ gìn và nâng cao chất lượng các tiêu chí trong xây dựng NTM”, đồng chí Bùi Văn Hậu, Chủ tịch UBND xã Yên Lạc nhấn mạnh. 

 

 

                                                                             Viết Đào

 

 

Các tin khác


Ngày 30/4, dự báo tỉnh Hòa Bình tiếp tục nắng nóng gay gắt

Theo Đài Khí tượng thủy văn Hòa Bình, hôm nay (29/4), tỉnh Hòa Bình tiếp tục nắng nóng và nắng nóng gay gắt diện rộng. Nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ngày từ 37,3 - 41 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất ngày phổ biến từ 44 - 61%.

Khuyến cáo sử dụng điện an toàn, tiết kiệm mùa nắng nóng

Trong dịp nghỉ lễ 30/4 – 1/5, tình hình thời tiết trên cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng nắng nóng đặc biệt gay gắt, nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39 - 40 độ C, có nơi trên 42 độ C. Độ ẩm tương đối thấp, phổ biến từ 20 - 35%, thời gian nắng nóng từ 9 -18h. Nắng nóng kéo dài khiến tiêu thụ điện trong sinh hoạt tăng rất cao. Điều này cũng dẫn đến nguy cơ cao xảy ra sự cố lưới điện cục bộ do phải vận hành đầy tải, quá tải ở nhiều thời điểm.

Lúc 13 giờ hôm nay 28/4, tỉnh Hòa Bình ghi nhận nhiệt độ 40,4 độ C

Theo Đài Khí tượng thủy văn Hòa Bình, ngày hôm nay (28/4), tỉnh Hòa Bình tiếp tục nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt diện rộng. Nhiệt độ lúc 13 giờ từ 37,5 - 40,4 độ C. Độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 25 - 50%.

Thời tiết ngày 28/4: Cao điểm nắng nóng trên cả nước, có nơi lên đến 42 độ C

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 28/4, nhiệt độ cả nước tăng nhanh, thời tiết nắng nóng gay gắt, có nơi lên đến 42 độ C.

Bảo vệ môi trường trong phát triển chăn nuôi

Những năm qua, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm đã đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều hộ trong tỉnh. Tuy nhiên, bên cạnh lợi ích kinh tế đem lại thì vấn đề ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi gây ra vẫn còn nhiều nhức nhối.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục