(HBĐT) - Nếu so với mươi năm về trước, diện mạo, hạ tầng giao thông của tỉnh có bước tiến vượt bậc. Những con đường tiếp tục được hoàn thiện nâng cấp, ngày một nối dài, vươn tới vùng cao, vùng sâu vùng xa, mang lại những cơ hội lớn phát triển kinh tế, cải thiện đời sống dân sinh.


Đến nay, 97,5% đường giao thông đến các xã khó khăn trong tỉnh được cứng hóa. ảnh: Đường liên xã Hạ Bì - Trung Bì - Sơn Thủy (Kim Bôi) được nhựa hóa, phục vụ phát triển KT-XH địa phương.


 

Cách đây vài năm, chúng tôi lên công tác tại xã vùng cao Tự Do (Lạc Sơn). Khi ấy con đường liên xã vẫn là đường đất. Tháng 3, sương giăng kín trời, không mưa nhưng đường thành bùn nhão, xe máy phải cuốn xích, chống cả hai chân vẫn ngã, còn ô tô "cài cầu” đuôi xe vẫn văng tứ tung.

Bây giờ khác hẳn, con đường lên Tự Do đang được mở mới, nâng cấp, đường dài cấp phối dù chưa hoàn thiện nhưng đến Tự Do đã gần hơn rất nhiều. Từ trung tâm huyện, lên tới trung tâm xã Tự Do chỉ mất 1 tiếng đồng hồ. Vẻ đẹp tự nhiên không đâu có của thác Mu đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn. Lượng khách đến thăm quan, trải nghiệm đang mở ra cơ hội lớn cho vùng quê nghèo.

Không chỉ có vậy, nông sản của bà con 3 xã vùng cao Tự Do, Ngọc Lâu, Ngọc Sơn cũng dễ tiêu thụ hơn. Chất lượng cuộc sống cải thiện rõ rệt. Hiện nay, con đường các xã vùng cao này tiếp tục được đầu tư cải tạo liên thông với các xã Ngổ Luông - Lũng Vân - Quyết Chiến của huyện Tân Lạc. Cùng với đó, nhiều tuyến đường vào Bình Chân - Bình Cảng, đường lên Quý Hòa… đã được đầu tư góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế vùng miền núi còn nhiều khó khăn.

Xác định tầm quan trọng của giao thông vận tải trong phát triển KT-XH, nhiều năm nay, tỉnh đã chú trọng huy động hàng nghìn tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông. Theo đó đến nay, hầu hết các tuyến quốc lộ trên địa bàn được đầu tư nâng cấp. Nhiều tuyến đường tiếp tục được cải tạo nâng cấp như đường 433 (km 0 - km 23) đoạn Đà Bắc - Phù Yên - Sơn La; đường 431 (Chợ Bến - Quán Sơn); đường Bình Thanh - Thung Nai - Ngòi Hoa… Nhiều ngầm tràn được nâng cấp, các cầu treo dân sinh cũng từng bước được đầu tư phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân vùng khó khăn. Nhìn chung các dự án đầu tư hạ tầng giao thông được triển khai bảo đảm tiến độ, chất lượng và phát huy hiệu quả đầu tư.

Kết cấu hạ tầng ngày càng đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH. Toàn tỉnh có trên 6.200 km đường giao thông các loại. Chất lượng mặt đường được nâng lên đáng kể. Tỷ lệ mặt đường được nhựa hóa, bê tông hóa đạt 100% đối với quốc lộ, đạt 98,3% đối với mạng đường khu vực xã đặc biệt khó khăn, đạt 97,5% đối với đường tỉnh, đạt 72,2% đối với đường huyện, đạt 51% đối với đường xã, liên xã, đạt 100% đối với đường đô thị. Đường thôn, bản và đường liên thôn, bản đạt 52,87%. Đường ngõ, xóm đạt 35,9%... Toàn tỉnh có 61/191 xã đạt tiêu chí số 2 về giao thông trong xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện định hướng, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng GTVT đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, tỉnh đang tập trung thực hiện các giải pháp huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông hoàn chỉnh, có khả năng kết nối thuận lợi với các tỉnh, thành phố, phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH. Trong đó ưu tiên hoàn thành giai đoạn 1 đường Hòa Lạc - TP Hòa Bình năm 2017; mở rộng dự án này, xây dựng một số cầu qua sông Đà và một số tuyến đường trên địa bàn TP Hòa Bình. Xây dựng tuyến đường liên huyện vùng cao Lạc Sơn - Tân Lạc; đường Cun Pheo - Hang Kia - QL 6; đầu tư xây dựng các tuyến QL, tỉnh lộ đối ngoại như: QL 70 - Hòa Bình đi Phú Thọ; QL 6, đường tỉnh 433 đi Sơn La; đường 438 A, 438 B đi Ninh Bình, QL 15 đi Thanh Hóa… Nâng cấp tỉnh lộ đạt tiêu chuẩn cấp IV, đường liên huyện và tuyến đường đấu nối với các QL đạt cấp V.

Đối với giao thông nông thôn, nâng cấp đường huyện đạt tiêu chuẩn cấp V, đường xã đạt tiêu chuẩn cấp VI với 100% tuyến đường huyện và 70% đường xã được cứng hóa mặt đường. Tỉnh đang triển khai các dự án đầu tư nâng cấp một số tuyến đường phục vụ thu hút đầu tư khai thác tiềm năng Khu du lịch hồ Hòa Bình như cải tạo đường Bình Thanh - Thung Nai, một số tuyến đường lên các xóm, bản du lịch của Tân Lạc và Đà Bắc… Bên cạnh đó, trong quy hoạch phát triển GTVT, tỉnh huy động các nguồn vốn thực hiện dự án nạo vét tuyến đường thủy nội địa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy hoạch, thực hiện xây dựng các bến cảng trên tuyến sông Đà và sông Bôi.


                                                                          Lê Chung


Các tin khác


Thời tiết ngày 14/4: Tây Bắc Bắc Bộ, Nam Bộ nắng nóng gay gắt

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 14/4, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất ngày phổ biến từ 36 - 39 độ C, có nơi trên 39 độ C.

Thiết thực Chương trình phát triển tài sản trí tuệ

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, Chương trình Phát triển tài sản trí tuệ tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021 - 2030 đạt nhiều kết quả nổi bật, hướng tới hoàn thiện mục tiêu chung của chương trình.

Thời tiết ngày 12/4: Nắng nóng quay trở lại Bắc Bộ

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 12/4, nắng nóng quay trở lại Bắc Bộ và nền nhiệt xu hướng tăng dần. Trung Bộ và Tây Nguyên nắng nóng cục bộ. Riêng Nam Bộ đang cao điểm nắng nóng, có nơi gần 40 độ C.

Miền Bắc sắp chuyển nắng nóng diện rộng, Nam Bộ có nơi trên 38 độ C

Dự báo miền Bắc tiếp tục duy trì thời tiết có mưa nhỏ trong vài ngày tới. Từ ngày 13/4, khả năng có nắng nóng diện rộng. Trong khi đó, Nam Bộ nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt.

Các nhà mạng phải xử lý thông tin về SIM không chính chủ trong 1 ngày

Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) yêu cầu, các nhà mạng phải tiến hành ngay biện pháp bảo đảm số thuê bao không chính chủ không còn trong danh sách các số thuê bao của người dùng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục