(HBĐT) - Cử tri kiến nghị: Cử tri đề nghị chuyển các Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thành phố thuộc Văn phòng đăng ký đất đai - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh về cấp huyện, thành phố quản lý để địa phương chủ động trong quản lý. Vì thực tế, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc UBND cấp huyện thực hiện trước đây có nhiều thuận lợi hơn cho người dân, nâng cao hiệu quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng đăng ký đất đai và nhất là giảm áp lực công việc lên cấp tỉnh.

Trả lời: Trước đây, Luật Đất đai năm 2003 (Khoản 2, Điều 52) quy định thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (giấy chứng nhận) cho hộ gia đình, cá nhân thuộc UBND cấp huyện, bao gồm cả trường hợp cấp giấy chứng nhận lần đầu và khi hộ gia đình, cá nhân thực hiện quyền của mình. Trong giai đoạn này, cơ quan dịch vụ công phục vụ cho công tác cấp giấy chứng nhận là Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất được thành lập theo hai cấp (cấp tỉnh và cấp huyện), trong đó Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường là đơn vị chuẩn bị hồ sơ để Phòng Tài nguyên và Môi trường trình UBND cấp huyện ký cấp giấy chứng nhận. Quy định này phù hợp với bối cảnh cả nước còn nhiều thửa đất chưa được cấp giấy chứng nhận lần đầu và cần tập trung nguồn lực công tác cấp giấy chứng nhận lần đầu.

Đến nay, cả nước đã căn bản hoàn thành cấp giấy chứng nhận lần đầu đối với các loại đất (đạt khoảng 96% diện tích cần cấp), nhu cầu cấp giấy chứng nhận hiện nay chủ yếu phát sinh khi người sử dụng đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế, thế chấp. Các trường hợp này đã được cấp giấy chứng nhận lần đầu nên đã một lần được Nhà nước xác lập quyền ban đầu thông qua việc cấp giấy chứng nhận. Do đó, khi thực hiện quyền của mình lại yêu cầu một cơ quan hành chính Nhà nước (UBND cấp huyện) xác lập quyền sử dụng đất lần thứ hai thông qua việc cấp giấy chứng nhận, làm tăng gánh nặng cho bộ máy hành chính ở địa phương là không cần thiết, không phù hợp với yêu cầu của công tác cải cách thủ tục hành chính.

Mặt khác, đối với nơi đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai có ưu điểm là hoạt động đăng ký đất đai có sự quản lý, điều hành tập trung, thống nhất; việc thực hiện nhiệm vụ đã thể hiện rõ hơn tính chuyên nghiệp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận; quy trình giải quyết công việc đã được thực hiện thống nhất, nhiều nơi đã được thực hiện gắn với hệ thống cơ sở dữ liệu đất đai đã xây dựng; thời gian thực hiện thủ tục đăng ký, cấp giấy chứng nhận đã giảm từ 5 – 25 ngày so với trước đây, tạo điều kiện thuận lợi cho hộ gia đình, cá nhân khi tham gia giao dịch về đất đai, tài sản gắn liền với đất.

Để tránh áp lực lên bộ máy hành chính Nhà nước, đồng thời để tạo sự đồng bộ trong công tác quản lý Nhà nước về đất đai, phù hợp với xu thế quản lý đất đai hiện đại của các nước trên thế giới thì không nên quy định thẩm quyền cấp đổi giấy chứng nhận, cấp giấy chứng nhận khi thực hiện quyền cho hộ gia đình, cá nhân nơi đã thành lập Văn phòng đăng ký thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện mà nên giữ thẩm quyền như quy định hiện hành là Sở Tài nguyên và Môi trường. Để giảm áp lực cho Sở Tài nguyên và Môi trường, thời gian vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng Nghị định số 01/2017/NĐ-CP, trong đó có bổ sung quy định Sở Tài nguyên và Môi trường được phép ủy quyền cho Văn phòng đăng ký đất đai cấp giấy chứng nhận thuộc thẩm quyền của Sở. Quy định này sẽ là một bước cải cách thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.


P.V

 


Các tin khác


Trở ngại giao thông ở huyện Đà Bắc

(HBĐT) - Không mưa bão vẫn sạt lở, mưa bão càng sạt lở nghiêm trọng hơn, có những xóm sau hậu quả của mưa bão số 10/2017 vẫn bị chia cắt là những gì chúng tôi chứng kiến, đồng thời là thực trạng tại nhiều tuyến đường giao thông trên địa bàn huyện Đà Bắc hiện nay.

Thành phố Hòa Bình chủ động ứng phó với mưa bão

(HBĐT) - Theo dự báo, hiện tượng nắng nóng, giông lốc cường độ sẽ mạnh và bất thường hơn trong năm 2018. Cùng với đó, lượng mưa nhiều sẽ diễn ra từ tháng 5 đến tháng 10. Rút kinh nghiệm từ triển khai phòng, chống mưa lũ năm trước, năm nay, TP Hoà Bình lên kế hoạch sớm với nhiều giải pháp cụ thể nhằm chủ động ứng phó kịp thời với mưa lũ.

Cả nước có mưa rào và dông trong ngày cuối thi Kỳ thi THPT quốc gia

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục Tây Bắc-Đông Nam kết hợp với rìa Tây áp cao cận nhiệt đới nên trong sáng 27/6 Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, riêng khu Đông Bắc có nơi mưa vừa, mưa to. Trong cơn dông có khả năng xảy ra tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh.

Các thủy điện trên bậc thang sông Đà sẵn sàng vận hành mùa lũ

Sáng 26-6, tại Nhà máy thủy điện Sơn La (tỉnh Sơn La), ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ (KH và CN), Chủ tịch Hội đồng tư vấn KH và CN về an toàn hệ thống thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà chủ trì phiên họp Hội đồng tư vấn KH và CN nhằm đánh giá tình trạng an toàn của các thủy điện trên bậc thang thủy điện sông Đà, chuẩn bị cho mùa mưa lũ năm 2018.

Liên hiệp các Hội KH & KT tỉnh sơ kết 6 tháng đầu năm 2018

(HBĐT) - Ngày 26/6, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2018; bầu bổ sung Ủy viên BCH Liên hiệp Hội khóa III, nhiệm kỳ 2015 – 2020.

Đến năm 2021 phải xử lý xong tài liệu lưu trữ tồn đọng

(HBĐT) - Sáng 26/6, UBND tỉnh tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Luật Lưu trữ và 3 năm thực hiện Chỉ thị số 14/CT-UBND ngày 14/7/2015 của UBND tỉnh về công tác lưu trữ. Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố; trưởng các phòng chuyên môn có chức năng tham mưu, quản lý trực tiếp công tác văn thư, lưu trữ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục