(HBĐT) - Trong gần 2 tháng, dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã lan rộng trên phạm vi toàn tỉnh. Ngoài triển khai hỗ trợ đợt 1 tại 2 xã Cao Thắng, Thanh Lương (Lương Sơn), hộ bị thiệt hại sau tiêu hủy đàn lợn mắc bệnh DTLCP ở các địa phương vẫn chưa nhận được tiền. Tâm trạng người chăn nuôi lợn lo lắng, rối bời trước tình hình dịch bệnh phức tạp. Nhiều hộ đang chăn nuôi cầm cự và không có ý định tái đàn.


Hộ ông Trần Duy Hưng ở khu Thủy sản, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) sau biến cố đàn lợn bị DTLCP ngậm ngùi để trống chuồng. Ông Hưng cho biết: đàn lợn 11 con gồm 1 lợn nái, 10 lợn choai nuôi lấy thịt bỗng chốc lăn ra ốm, chết. Sau khi cơ quan chuyên môn lấy mẫu, có kết luận lợn bị bệnh DTLCP, đàn lợn của gia đình ông buộc phải đem đi chôn hủy toàn bộ để đảm bảo khống chế, bao vây sự lây lan của dịch bệnh. Cũng từ đó đến nay, ông không còn thiết tha đến việc nuôi lợn trở lại, tạm thời xoay sở cuộc sống bằng cách khác. Theo ông, mặc dù thu nhập của gia đình trông chờ phần nhiều vào chăn nuôi, nhưng quả thực không dám mạo hiểm bởi DTLCP đang hoành hành khắp nơi, đầu ra sản phẩm không tính được.

Gia trại lợn của bà Nguyễn Thị Vân ở xã Hợp Thịnh (Kỳ Sơn) có quy mô khá lớn với trên 100 con/lứa. Trong tình hình DTLCP đã xuất hiện tại địa phương, mặc dù chưa uy hiếp trại lợn nhưng những liên đới, tác động của dịch bệnh thì đã có. Bà Vân tâm trạng: Suốt mấy năm nay, chăn nuôi "thất bát" vì giá cả, dịch bệnh. Tưởng rằng lứa lợn này sẽ có lãi chút ít để có thể trả nợ vốn vay ngân hàng đầu tư vào giống, thức ăn, nhưng DTLCP đã dập tắt mọi hy vọng. Giờ muốn xuất lợn, bà bắt buộc lấy mẫu máu trên đàn lợn làm xét nghiệm âm tính với DTLCP. Với đàn lợn từ 100 con trở lên phải lấy ít nhất 28 mẫu máu gửi cơ quan Chi cục Thú y vùng I. Trường hợp mẫu xét nghiệm dương tính với DTLCP thì sẽ phải tiêu hủy cả đàn. Trường hợp cho kết quả âm tính thì lợn mới được tiêu thụ, giết mổ. Tuy nhiên, với chi phí cho xét nghiệm lên tới 544.000 đồng/mẫu như hiện nay, bà Vân phải chi tới gần 16 triệu đồng cho khoảng 30 mẫu. Như vậy, để xuất bán, người chăn nuôi phải chấp nhận chịu lỗ còn giữ lại thì hàng ngày phải bỏ kinh phí duy trì. Thêm vào đó, tiêu thụ gọn cả trăm con lợn trong lúc dịch dã này cũng rất khó.


Sau DTLCP, hộ ông Trần Duy Hưng, khu Thủy sản, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) chưa tính đến việc tái đàn.

Diễn biến DTLCP đã kéo theo hệ lụy nhiều hộ chăn nuôi lợn trong tỉnh lâm vào cảnh nợ nần do vay mượn ngân hàng, không còn khả năng đầu tư và không dám tái đàn. Theo thống kê của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, đàn lợn trong dân hiện còn khoảng 400.000 con, giảm 2,1% so với cùng kỳ. Dự báo tới đây, với tình hình DTLCP tiếp tục lan rộng đến các xã, xóm trên phạm vi 11/11 huyện, thành phố khiến đàn lợn bệnh bị tiêu hủy nhiều cộng thêm yếu tố thận trọng tái đàn, đàn lợn của tỉnh sẽ còn giảm mạnh. Để tìm nguồn sinh kế khác, bớt rủi ro hơn, nhiều hộ đang chuyển từ nuôi lợn sang đầu tư chăn nuôi gà thay vì để trống chuồng dẫn đến sản xuất chăn nuôi tê liệt.

Cùng với diễn biến DTLCP trên phạm vi cả nước, giá sản phẩm thịt lợn trên thị trường cũng biến động theo, giảm mạnh trong tháng 5 và đảo chiều tăng cao kể từ đầu tháng 6. Hiện tại, giá lợn hơi trên thị trường tỉnh đang ở ngưỡng 42.000 - 43.000 đồng/kg, tăng 10 giá so với tháng trước đó. Có một thực tế là trong lúc dịch bệnh DTLCP, mặc dù giá lợn hơi tăng cao, nhưng vấn đề tiêu thụ lợn rất phức tạp, khả năng tiêu thụ chậm. Để hạn chế sự lây lan DTLCP, hộ chăn nuôi phải thực hiện theo Quy định và hướng dẫn của Bộ NN & PTNT, cụ thể là lợn trong vùng dịch bán ra bên ngoài, kể cả nội tỉnh và ngoại tỉnh đều phải làm xét nghiệm âm tính với DTLCP và giấy chứng nhận kiểm dịch. Đối với giết mổ lợn cũng phải thực hiện nghiêm về kiểm dịch, kiểm soát giết mổ.

Đồng chí Trần Tiến Trường, Phó Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Một lo lắng nữa là việc lưu hành DLTCP ngoài môi trường sẽ rất lâu và có thể quay lại đe dọa ngành chăn nuôi bất cứ khi nào. Đây cũng chính là một trong những nguyên do tác động đến ngành chăn nuôi lợn khó phát triển được một thời gian dài nữa. Đồng thời, chắc chắn tới đây, nguồn cung thịt lợn rơi vào bối cảnh thiếu hụt sản phẩm, thậm chí bị cạn kiệt, khan hiếm vào dịp cuối năm. Giá lợn hơi có thể sẽ tăng lên ngưỡng 48.000 - 50.000 đồng/kg như Cục Chăn nuôi, Bộ NN & PTNT dự liệu. Tuy nhiên, người chăn nuôi cũng không thể liều lĩnh, bất chấp rủi ro để đầu tư tái đàn. Không riêng chăn nuôi nhỏ lẻ mà hiện nay, ở các trại nuôi lợn tập trung công nghiệp cũng hạn chế tái đàn để giảm thiểu rủi ro diễn biến dịch bệnh. Thị trường vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi cũng bị ảnh hưởng lớn. Giải pháp duy nhất để ngăn ngừa, kiểm soát DTLCP là hộ chăn nuôi phải đồng loạt thực hiện chăn nuôi an toàn sinh học. Khuyến khích tham gia vào các trang trại, HTX, hạn chế tối đa việc chăn nuôi nhỏ lẻ trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường, dễ lây lan mầm bệnh.


Bùi Minh


Các tin khác


Xã Tân Minh khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai

Những ngày qua, tại một số địa phương như thành phố Hòa Bình, các huyện: Đà Bắc, Cao Phong, Lương Sơn xảy ra mưa lớn, mưa đá, dông lốc và sét cục bộ gây thiệt hại về kinh tế và đời sống sinh hoạt của nhân dân; trong đó, xã Tân Minh, huyện Đà Bắc chịu thiệt hại nặng nề. Ngay sau khi xảy ra thiệt hại, cấp ủy, chính quyền xã Tân Minh đã chỉ đạo tập trung nhân lực, phương tiện, khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai.

Siết chặt quản lý vật liệu nổ công nghiệp và hóa chất

Với chức năng quản lý nhà nước về vật liệu nổ công nghiệp (VLNCN), hóa chất, thời gian qua, ngành Công Thương đã phối hợp các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo quản, sử dụng VLNCN và hóa chất trên địa bàn tỉnh.

Việt Nam sở hữu tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon

Theo tính toán, chỉ riêng ngành nông nghiệp Việt Nam, tiềm năng có thể đạt 57 triệu tín chỉ carbon mỗi năm.

Công nghệ mưa nhân tạo có thể dẫn đến ‘cuộc chiến thời tiết’ giữa các quốc gia

Nhà khí tượng học cảnh báo "cuộc chiến thời tiết” giữa các quốc gia có thể nổ ra nếu việc gieo hạt mây vượt tầm kiểm soát, sau khi lũ lụt ở Dubai làm nảy sinh lo ngại về công nghệ gây mưa nhân tạo.

Thời tiết ngày 22/4: Bắc Bộ mưa dông, Tây Bắc Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 22/4, chiều tối và đêm ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30 mm, có nơi trên 50 mm; ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa rào và dông cục bộ.

Mưa to, dông lốc kèm mưa đá gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong 

Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, chiều và đêm 20/4, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa, mưa đá, dông lốc, sét cục bộ tại thành phố Hòa Bình và các huyện Đà Bắc, Cao phong, Lương Sơn. Tại một số điểm có mưa to như: Tiến Sơn (Lương Sơn) 34,4 mm, Độc Lập (TP Hòa Bình) 32,2 mm, Tân Pheo (Đà Bắc 21,8 mm), Xuân Phong (Cao Phong) 15,6 mm... Mưa đá, dông lốc đã gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục