(HBĐT) - Nhằm đẩy mạnh phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) phục vụ sự nghiệp CNH- HĐH theo tinh thần Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 4/3/2005 của Ban Bí thư T.Ư Đảng khóa IX, những năm qua, tỉnh đã quan tâm hoàn thiện cơ chế, chính sách, dành sự ưu tiên cho công tác nghiên cứu, ứng dụng, xây dựng tiềm lực cho KH&CN...

 

Nông dân xã Phú Thành (Lạc Thủy) ứng dụng KH-CN tạo máng ăn, uống tự chế phục vụ cho chăn nuôi gia cầm quy mô lớn.

Trong đó, chú trọng đến các cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường thuận lợi, thu hút các dự án đầu tư công nghệ; khuyến khích sử dụng các sản phẩm CNSH Việt Nam; phát triển, nhân rộng các mô hình, kết quả nghiên cứu CNSH mang lại hiệu quả, lợi ích cao. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản để thể chế hóa Chỉ thị số 50. Bổ sung cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức đầu tư vào công nghệ cao, CNSH vào các quy hoạch ngành liên quan. Theo đó, các địa phương, đơn vị đã tham mưu lồng ghép đưa nội dung ứng dụng CNSH vào nhiệm vụ chuyên môn thông qua các đề án, chương trình, kế hoạch thuộc lĩnh vực quản lý. 

Ðể tập trung xây dựng tiềm lực cho KH&CN, từ năm 2005 đến nay, tỉnh đã quan tâm ban hành nhiều chính sách thu hút và phát huy đội ngũ trí thức trên các lĩnh vực. Hiện, toàn tỉnh có 20 tổ chức, 11 doanh nghiệp và trên 670 cán bộ KH&CN. Mạng lưới các cơ quan nghiên cứu phát triển KH&CN ở một số ngành kinh tế - kỹ thuật từng bước được hoàn thiện, như: Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN (Sở KH&CN); Trung tâm Giống cây trồng vật nuôi và thủy sản; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (Sở Y tế)... 

Với vai trò là cơ quan thường trực tham mưu cho tỉnh trong việc triển khai, ứng dụng CNSH vào đời sống, đồng chí Đỗ Hải Hồ, Giám đốc Sở KH&CN nhận định: Qua 15 năm thực hiện ứng dụng CNSH, nền kinh tế của tỉnh đã có những phát triển tích cực. 

Trong lĩnh vực nông nghiệp: Qua việc nghiên cứu, khảo nghiệm, ứng dụng nhiều bộ giống có năng suất, chất lượng, sức đề kháng với sâu bệnh tốt, thích nghi với biến đổi khí hậu, phù hợp sinh thái của địa phương đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, từng bước nâng cao giá trị sản phẩm trên cùng diện tích canh tác. Đến năm 2020, diện tích trồng lúa chuyển sang trồng các cây trồng khác ước đạt 7.524 ha, tăng 2,5 lần so với năm 2015; diện tích vườn tạp được cải tạo đạt trên 6.000 ha, tăng 17 lần so với năm 2015. Diện tích dồn điền, đổi thửa đạt khoảng 7.900 ha, tăng gấp 31 lần so với năm 2015. Những diện tích đã chuyển đổi dần hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, cho giá trị thu nhập cao như: cam, mía, quả lặc lày, su su, bí xanh, bí đỏ, dưa hấu, dưa chuột... Các giống vật nuôi thủy sản được lai tạo có chất lượng cao  như: cá lăng chấm, dầm xanh, trắm đen… được đưa vào sản xuất với số lượng lớn. Trên địa bàn tỉnh đã phát triển được một số vùng sản xuất hàng hóa có lợi thế cạnh tranh như: cam, quýt (Cao Phong), rau su su, quýt, bưởi đỏ, bưởi da xanh (Tân Lạc), quả lặc lày (Lương Sơn), nhãn (Kim Bôi). Nhìn về tổng thể có thể thấy, những kết quả ứng dụng trong lĩnh vực CNSH đã góp phần đưa tăng trưởng ngành nông nghiệp bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 4,5%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước (3%/năm). Cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp và thủy sản chuyển dịch đúng hướng. Giá trị thu được trên 1 ha canh tác tăng từ 81 triệu đồng (năm 2013) lên 135 triệu đồng (năm 2020).

Việc ứng dụng KH&CN nói chung, CNSH nói riêng vào lĩnh vực y dược được tăng cường và có những đóng góp tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Trong chẩn đoán, điều trị bệnh đã ứng dụng nhiều thành tựu CNSH như: Ứng dụng vào việc chẩn đoán và theo dõi điều trị bệnh viêm gan do virus; chẩn đoán bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn qua các xét nghiệm Realtime PCR; ứng dụng kỹ thuật xét nghiệm ELISA trong chẩn đoán một số bệnh do ký sinh trùng. Sử dụng ngày càng rộng rãi các test sinh phẩm y tế dùng trong xét nghiệm tiểu đường, ma tuý, sản khoa; các KIT chẩn đoán nhanh HIV, viêm gan B, C... Việc sử dụng các loại vắc xin được triển khai và đạt kết quả tốt. Theo đó, trong  những năm gần đây, các ca bệnh truyền nhiễm giảm rõ rệt, nhiều năm không phát hiện các ca ho gà, bạch hầu, uốn ván sơ sinh… Đã thanh toán bệnh bại liệt, bệnh uốn ván sơ sinh và đang tiến tới loại trừ bệnh sởi. 

Ở lĩnh vực bảo vệ môi trường, hiện các khu xử lý chất thải rắn đã áp dụng công nghệ lên men sinh học, tái chế, đốt, xử lý hóa nhằm thực hiện xử lý chất thải rắn thành phần hữu cơ, thực hiện tái chế sản xuất phân vi sinh, chất cải tạo đất (phân xanh), hoặc các sản phẩm sinh học hạn chế được tối đa lượng chất thải chôn lấp ảnh hưởng tới môi trường. Tại một số cơ sở xử lý chất thải rắn đang vận hành đã sử dụng chế phẩm sinh học phun khử trùng, giảm mùi trong công đoạn tiền xử lý…

Quan tâm ứng dụng CNSH   phục vụ phát triển KT-XH, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân, bảo vệ    môi trường, tỉnh đã, đang hòa cùng dòng chảy trên lộ trình CNH-HĐH  đất nước. 


Thúy Hằng

Các tin khác


Hội thảo về Dự báo, cảnh báo dựa trên tác động thực tiễn

(HBĐT) - Hưởng ứng Ngày Khí tượng thế giới, sáng 22/3, tại Đài Khí tượng Thủy văn (KTTV) tỉnh, Tổng cục KTTV phối hợp Trung tâm Phòng, chống thiên tai châu Á (ADPC) tổ chức Hội thảo quốc tế với chủ đề Dự báo, cảnh báo dựa trên tác động "Thông tin thời tiết, khí hậu và tài nguyên nước góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững cho hôm nay và mai sau".

Nhiều khó khăn trên hành trình chuyển đổi số ở huyện Đà Bắc

(HBĐT) - Mặc dù là một trong những huyện đầu tiên của tỉnh tự bố trí nguồn vốn ngân sách huyện đầu tư hoàn thiện hệ thống "Phòng họp trực tuyến” đến tất cả các xã, thị trấn, cũng là huyện đầu tiên trong tỉnh triển khai việc khám, chữa bệnh (KCB) bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp điện tử tích hợp thẻ BHYT ở các cơ sở y tế đăng ký KCB BHYT, tuy nhiên, huyện Đà Bắc đang đứng trước nhiều khó khăn trên hành trình chuyển đổi số (CĐS) theo mục tiêu Đề án 06/CP.

Phát động chương trình trồng rừng hưởng ứng ngày Quốc tế về rừng 21/3

(HBĐT) - Ngày 21/3, tại xã Vũ Bình (Lạc Sơn), Hợp phần Quản lý rừng bền vững thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã phối hợp với Đoàn Thanh niên Bộ NN&PTNT, Tỉnh Đoàn Hòa Bình, Sở NN&PTNT tổ chức lễ phát động chương trình trồng rừng nhân kỷ niệm ngày Quốc tế về rừng 21/3.

Lãnh đạo UBND tỉnh làm việc với huyện Lương Sơn về hoạt động của các mỏ khai thác đá

(HBĐT) - Đồng chí Quách Tất Liêm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và đoàn công tác vừa làm việc với huyện Lương Sơn về đề nghị nâng công suất hoạt động các mỏ khai thác đá và một số nội dung liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) các dự án trọng điểm trên địa bàn huyện.

Thủ đoạn lợi dụng ChatGPT để lan truyền tin sai sự thật

Là một phần mềm thảo luận trực tuyến mới đi vào hoạt động nhưng ChatGPT lập tức thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng. Lợi dụng điều này, một số đối tượng chống phá, phản động đã khai thác những hạn chế của ChatGPT để biến thành phương tiện lan truyền thông tin sai sự thật, xuyên tạc đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước, chống phá chế độ. Ðây là một thủ đoạn mới cần kịp thời nhận diện, ngăn chặn, góp phần bảo đảm sự lành mạnh trên môi trường mạng và giữ gìn an ninh, trật tự xã hội.

Sức mạnh đáng gờm của công nghệ thế hệ mới đằng sau ChatGPT

Gần 4 tháng kể từ khi OpenAI gây chấn động ngành công nghệ kỹ thuật với ứng dụng ChatGPT, công ty này chuẩn bị ra mắt phiên bản công nghệ thế hệ tiếp theo hỗ trợ công cụ chatbot.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục