(HBĐT) - Thông qua liên kết với doanh nghiệp sản xuất viên nén gỗ xuất khẩu được kỳ vọng sẽ giúp người nông dân nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế từ trồng rừng.
Khu vực xây dựng nhà máy sản xuất viên nén gỗ và các sản phẩm khác từ gỗ của Công ty BVN Hòa Bình tại xóm Bái, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn).
Nhà xưởng sản xuất viên nén gỗ và các sản phẩm khác từ gỗ của Công ty BVN Hòa Bình đang được xây dựng tại xóm Bái, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn). Nhà xưởng có diện tích khoảng 6,5 ha, được cấp phép để sử dụng khoảng 22 nghìn ha gỗ keo nguyên liệu. Dự kiến nhà xưởng hoàn thành, đưa vào sử dụng giữa năm 2023, với sản phẩm chính là viên nén gỗ và các sản phẩm khác từ gỗ. Ông Lại Thế Vĩnh, Giám đốc Công ty BVN Hòa Bình cho biết: Trước đây, cành và ngọn của gỗ nguyên liệu thường chỉ được tận dụng làm chất đốt cho các ngành sản xuất khác hoặc sử dụng làm củi đun. Do đó, công ty không chỉ sử dụng gỗ tròn mà còn tận dụng cả cành và ngọn để sản xuất viên nén gỗ. Đây là phần thu nhập tăng thêm rất lớn cho người nông dân, tạo động lực để họ trồng và quản lý rừng tốt hơn.
Duy trì trồng rừng nhiều năm, gia đình bà Bùi Thị Đăng, xóm Cơi, xã Vũ Bình (Lạc Sơn) luôn trăn trở làm sao để nâng cao năng suất, chất lượng rừng trồng. Từ đó cây keo bán được giá cao hơn, đầu ra cũng thuận lợi, ổn định hơn. Bà Đăng chia sẻ, gia đình bà có 8,9 ha rừng trồng keo. Từ trước đến nay, duy trì trồng keo chu kỳ ngắn (khoảng 5 - 6 năm), năng suất khai thác đạt từ 70 - 80 tấn/ha. Tuy nhiên, năng suất rừng trồng keo không được như kỳ vọng do chưa áp dụng đúng kỹ thuật trồng, chăm sóc, đặc biệt chất lượng cây giống chưa có nguồn đảm bảo. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ gỗ keo cũng gặp nhiều khó khăn do giá cả không ổn định và chưa có cam kết thu mua từ các cơ sở thu mua hay chế biến. Bà Đăng bày tỏ: "Thông qua hợp tác với nhà máy sản xuất viên nén gỗ, chúng tôi muốn cải thiện được năng suất, chất lượng rừng trồng. Qua đó tăng được giá bán gỗ keo, góp phần cải thiện thu nhập cho người trồng rừng”.
Đó cũng là mong muốn của người trồng rừng ở huyện Lạc Sơn và các địa phương trong toàn tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có tổng diện tích rừng 236.420 ha, trong đó, diện tích rừng trồng 94.806 ha. Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Ngành lâm nghiệp tỉnh đang gặp một số thách thức như: Năng suất, chất lượng, giá trị rừng trồng còn thấp, diện tích rừng trồng kinh doanh gỗ lớn hạn chế. Công nghiệp khai thác, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ chưa phát triển toàn diện; chưa tạo được chuỗi giá trị lâm nghiệp bền vững từ phát triển rừng, bảo vệ rừng đến chế biến và thương mại lâm sản. Đến nay, diện tích rừng có chứng chỉ quản lý rừng bền vững chưa nhiều, chưa đáp ứng được nhu cầu về gỗ nguyên liệu của các đơn vị sản xuất, chế biến sản phẩm gỗ để phục vụ xuất khẩu.
Với việc Công ty BVN Hòa Bình xây dựng xưởng sản xuất viên nén gỗ sẽ giúp thúc đẩy trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững và chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới. Đặc biệt là đảm bảo sự tham gia của các hộ dân để phát triển chuỗi giá trị keo gỗ lớn, hướng tới cấp chứng chỉ quản lý rừng bên vững cho 7.000 ha rừng. Qua đó, giúp các chủ rừng cải thiện phương thức quản lý rừng trồng bền vững, cải thiện sinh kế của nông dân. Đồng thời góp phần gợi mở các giải pháp để giải quyết những thách thức, hạn chế của ngành lâm nghiệp tỉnh.
Viết Đào
(HBĐT) - Trong mùa mưa bão, những sự cố về điện rất dễ xảy ra, gây gián đoạn cung cấp điện và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lưới điện. Thời gian qua, Điện lực thành phố Hòa Bình đã triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn lưới điện trong mùa mưa bão, kịp thời khắc phục khi xảy ra sự cố mất điện.
(HBĐT) - Chiều 28/9, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn huyện Lạc Thủy. Tham gia đoàn công tác có lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
(HBĐT) - Theo Đài Khí tượng thủy văn Hòa Bình, do mưa lớn, mực nước trên sông Bôi tại trạm Hưng Thi (Lạc Thủy) đã đạt đỉnh là 1.380 cm lúc 14 giờ ngày 28/9/2023. Lúc 15 giờ ngày 28/9 là 1.376 cm, cao hơn báo động III là 73 cm.
(HBĐT) - Hồi 15h20' ngày 28/9, các lực lượng chức năng tìm thấy thi thể anh Bùi Văn T, sinh ngày 10/11/1982, trú tại xóm Bưng 1, xã Thu Phong, huyện Cao Phong. Trước đó, hồi 15h ngày 27/9, anh T đi ra suối Bưng và bị nước lũ cuốn mất tích. Nhận được thông tin, Công an huyện và Ban Chỉ huy quân sự huyện Cao Phong đã tổ chức lực lượng cùng cán bộ UBND xã Thu Phong, xã Bắc Phong và thị trấn Cao Phong đi dọc suối Bưng tìm kiếm.
(HBĐT) - Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện Yên Thủy, từ ngày 26 đến 14h ngày 28/9, trên địa bàn huyện xảy ra các đợt mưa to đến rất to liên tục, tổng lượng mưa đo được ở trạm đo mưa xã Lạc Lương đạt 290 mm, trạm đo mưa xã Đoàn Kết 160 mm, trạm đo mưa xã Yên Trị 279,2 mm. Mưa lớn liên tục trong 3 ngày đã gây ngập lụt hầu hết diện tích cây trồng, ngập úng, sạt lở một số nhà dân, tuyến đường trên địa bàn.
(HBĐT) - Do ảnh hưởng của mưa lớn kéo dài, từ đêm ngày 25 - 28/9, trên địa bàn huyện Kim Bôi có mưa to đến rất to kéo dài. Lượng mưa trung bình 210 mm, gây thiệt hại về tài sản của người dân và công trình hạ tầng giao thông. Trong đó có 4 hộ nằm trong vùng nguy cơ sạt lở phải di dời, 85 ha lúa và cây màu bị ngập, 7 điểm đường sạt lở chia cắt giao thông... Thiệt hại ước tính gần 6 tỷ đồng.