Thiếu nước sinh hoạt, người dân xã Đú Sáng (Kim Bôi) phải mua nước với giá từ 75.000-85.000 đồng/m3.

Thiếu nước sinh hoạt, người dân xã Đú Sáng (Kim Bôi) phải mua nước với giá từ 75.000-85.000 đồng/m3.

(HBĐT) - Từ đầu tháng 2 đến nay, hơn 100 hộ dân ở 2 xóm Sáng Mới và Đồi Mu, xã Đú Sáng (Kim Bôi) đã lâm vào tình cảnh khốn đốn vì thiếu nước sinh hoạt. Các bể chứa nước hầu như đã khô kiệt, các hộ gia đình chắt chiu từng xô, từng chậu nước cho việc ăn, uống, đánh răng, rửa mặt. Trong khi thu nhập bình quân mới chỉ đạt 8,5 triệu đồng/người/năm, để có tiền mua nước phục vụ ăn, uống, sinh hoạt hàng ngày với người dân ở đây quả là quá xa xỉ.

 

Bà Bùi Thị Hoàn ở xóm Sáng Mới nhăn nhó: Tùy theo cự ly vận chuyển, giá mua thấp nhất là 75.000 đồng/m3 và cao nhất lên tới 85.000 đồng/m3 nước. Nhà nào cũng phải sử dụng hết sức dè sẻn. Nước mua chủ yếu để ăn, uống còn tắm giặt thì rủ nhau vào tận suối Quèn Kẻo cách xa xóm hơn 3 km. Dù đã sử dụng hết sức tiết kiệm nhưng bình quân trong 1 tháng, mỗi hộ gia đình cũng phải bỏ ra tối thiểu 300.000 đồng để mua nước. Tình trạng này còn tiếp tục kéo dài thì với nhà nông chúng tôi đó thực sự là khó khăn lớn.

 

Trưởng xóm Đồi Mu Bùi Văn Ngẩu cho biết: Thực tế trong gần 2 tháng qua, không phải gia đình nào ở Sáng Mới, Đồi Mu cũng có điều kiện mua nước để sử dụng. Vì vậy, buổi chiều hàng ngày, nhiều hộ phải cắt cử nhân lực sử dụng xô, can để chở nước ăn bằng xe đạp, xe cải tiến, Như thế vừa mất thời gian, vừa tốn công sức nhưng không còn cách nào khác.

 

Cách đây hơn chục năm, (năm 2001) trên 200 hộ dân, với gần 1.000 nhân khẩu các xóm vùng trung tâm xã Đú Sáng tràn trề hy vọng khi được Nhà nước đầu tư xây dựng công trình cấp nước tự chảy. Nhưng thật oái oăm, công trình này chỉ cung cấp đủ nước cho các hộ ở 4 xóm vào những tháng mùa mưa. Còn mùa khô, do nước đầu nguồn yếu, nên 2 xóm cuối nguồn là Sáng Mới và Đồi Mu chỉ còn cách duy nhất là mua nước. Một số hộ may mắn giữ lại giếng khơi, nhưng vào những ngày này phải mất vài ba ngày mạch ngầm mới dồn lại được khoảng 1 m3 nước, nên việc sử dụng hàng ngày cũng phải hết sức tằn tiện.

 

Bức bối trước thực trạng thiếu nước. Một số hộ ở Sáng Mới và Đồi Mu đã bàn bạc và đóng góp tiền để thuê làm giếng khoan nhằm có nguồn nước ổn định, lâu dài. Giải pháp này cũng gặp không ít khó khăn, ông Bạch Đức Cần, xóm Sáng Mới cho biết: “Nhiều tốp thợ khoan giếng đã thất bại khi nhận việc ở đây, vì có trường hợp mới khoan được vài ba mét đã gặp đá và có trường hợp thì khoan sâu tới 40 m nhưng cũng không thấy nước đâu. Hơn nữa, giá thành một chiếc giếng khoan hoàn chỉnh (có đầy đủ nước, bảo hành 1 năm) lên tới 12 triệu đồng nên không phải hộ nào cũng có điều kiện tham gia.

 

Do hai xóm Đồi Mu, Sáng Mới khan hiếm nước phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày, nên trong những tháng mùa khô (chủ yếu từ tháng 2 đến hết tháng 4) đã “tạo việc làm và thu nhập ổn định” cho một số người, đó là những người “bán nước” theo đúng nghĩa đen của nó. Công việc của họ là sử dụng xe công nông đầu ngang, đầu tư thêm chiếc bể nhựa chứa được 1 m3 nước và 1 máy bơm nhỏ rồi thông báo số điện thoại di động cho từng hộ và vận chuyển khối lượng theo thỏa thuận. Tùy  theo khoảng cách vận chuyển, giá nước họ bán giao động từ 75.000 - 85.000 đồng/m3. Một chủ xe công nông chuyên bán nước (đề nghị dấu tên) cho biết: trừ tiền dầu, khấu hao xe, tiền mua nước, sau khi bán mỗi m3 cũng lãi được 25.000 - 30.000 đồng, giúp bà còn là chính mà.

 

Tình trạng khan hiếm nước trong những tháng mùa khô ở hai xóm Sáng Mới và Đồi Mu đã kéo dài nhiều năm nay, không chỉ ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân mà còn tác động không nhỏ đến sự nghiệp y tế và giáo dục của xã Đú Sáng, vì trung tâm xã cũng là địa điểm của trạm y tế xã và các trường từ mầm non đến THCS. ông Bùi Văn Kiết, Trưởng xóm Sáng Mới đề đạt: Là một trong những xã đặc biệt khó khăn của huyện Kim Bôi, tỷ lệ hộ nghèo còn chiếm tới 65%, chúng tôi mong muốn theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, các cấp, ngành quan tâm đầu tư nâng cấp công trình cấp nước tập trung để đảm bảo cấp nước ổn định, nhất là những tháng mùa khô. Có như vậy, người dân mới giảm bớt khó khăn, thiếu thốn và có điều kiện tập trung phát triển kinh tế, xóa đói - giảm nghèo.

 

                                                                                  Đức Phượng

 

 

Các tin khác


Mưa to, dông lốc kèm mưa đá gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong 

Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, chiều và đêm 20/4, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa, mưa đá, dông lốc, sét cục bộ tại thành phố Hòa Bình và các huyện Đà Bắc, Cao phong, Lương Sơn. Tại một số điểm có mưa to như: Tiến Sơn (Lương Sơn) 34,4 mm, Độc Lập (TP Hòa Bình) 32,2 mm, Tân Pheo (Đà Bắc 21,8 mm), Xuân Phong (Cao Phong) 15,6 mm... Mưa đá, dông lốc đã gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong.

Sét đánh cháy rừng ở xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi

Trận mưa đá tối 20/4 đã gây cháy rừng tại khu đồi Cằn Kẻo, xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi.

Hà Nội, Hòa Bình xuất hiện mưa đá

Nhiều quận huyện ở Hà Nội và Hòa Bình xuất hiện mưa giông lớn kèm mưa đá, hạt đá to bằng đầu ngón tay, nhanh chóng tan khi tiếp đất.

Thời tiết ngày 20/4: Nắng nóng nhiều nơi trên cả nước, mưa dông vào chiều tối

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 20/4, Tây Bắc Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt, với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 35-40%.

Xuất hiện mưa đá tại các huyện miền núi cao của Quảng Nam

Chiều 18/4, dông lốc kèm theo mưa đá xuất hiện tại xã Trà Mai - Trung tâm hành chính huyện Nam Trà My. Trận mưa bắt đầu từ khoảng 14 giờ 30 phút.

Thời tiết ngày 19/4: Nắng nóng nhiều nơi trên cả nước

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 19/4, nhiều vùng trên cả nước đều có nắng nóng, riêng miền Trung có nơi đặc biệt gay gắt; chiều tối khả năng có mưa rào và giông vài nơi.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục