Học sinh Trường THCS Việt Trung (Quảng Bình) dọn vệ sinh trường lớp sau cơn bão số 10. Ảnh: NGỌC HẢI

Học sinh Trường THCS Việt Trung (Quảng Bình) dọn vệ sinh trường lớp sau cơn bão số 10. Ảnh: NGỌC HẢI

Cơn bão số 10 ập đến, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, trong đó có ngành y tế, giáo dục và đào tạo. Cả xã hội đã và đang khẩn trương vào cuộc, khắc phục hậu quả do cơn bão gây ra để các em học sinh sớm trở lại trường học, người dân được chăm sóc sức khỏe trong điều kiện tốt nhất.

 

Ổn định việc học tập sau một ngày bão tan

Sau cơn bão, chúng tôi đến Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu (ở xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh). Ðây là một trong những trường bị thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh Hà Tĩnh. Trước mắt chúng tôi là khung cảnh tan hoang, sân trường ngổn ngang cây xanh đổ, ngói lợp tầng ba của trường đã bị bão "dọn" sạch, kính ở các cửa sổ đều bị vỡ, nhà xe của giáo viên, học sinh cũng như cánh cổng trường đã bị phá hỏng hoàn toàn. Thầy Hiệu trưởng Dương Ðình Thọ cho biết, ước tính ban đầu thiệt hại khoảng 500 triệu đồng, mặc dù trước đó nhà trường đã chủ động phòng, chống một cách kỹ càng. Rất may toàn bộ các tài liệu giảng dạy, máy tính..., đã được bọc, cất kỹ lưỡng cho nên không bị thiệt hại.

Ðến xã Kỳ Ninh (huyện Kỳ Anh), nằm sát bờ biển, chúng tôi được cô giáo Trần Thị Linh Nhâm, Hiệu trưởng Trường mần non Kỳ Ninh cho biết: Bão số 10 đã "thổi bay" toàn bộ phần cửa sổ và gần 400 m2 mái che, mặc dù trước đó đã được chằng néo hết sức cẩn thận, toàn bộ đồ dùng của các cháu bị ướt. Ngay sau khi bão tan, chính quyền địa phương đã điều động lực lượng dân quân của xã, phụ huynh học sinh, cùng 35 giáo viên của nhà trường thu dọn đống đổ nát, lợp lại mái, vệ sinh môi trường, cho nên ngày 2-10, nhà trường trở lại dạy bình thường và đã có 310/350 học sinh đến lớp.

Trong các tỉnh Bắc Trung Bộ, tỉnh Quảng Bình là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của cơn bão số 10. Với sức gió cấp 12, 13, giật cấp 14, 15, cơn bão số 10 gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Chia sẻ về những tổn thất do bão gây ra, Giám  đốc Sở Giáo dục và Ðào tạo tỉnh Quảng Bình Ðoàn Ðức Liêm cho biết: Hầu hết 716 trường học và cơ sở giáo dục bị tốc mái, hư hỏng, trong đó hơn 80% số trường hư hỏng gần như toàn bộ mái nhà. Tại Trường THCS Phong Hóa (huyện Tuyên Hóa), một cây cổ thụ hơn 100 năm tuổi đổ ập làm sập trường học tầng hai. Ðồng chí Ðoàn Ðức Liêm chia sẻ: Ðiều lo lắng nhất hiện nay của chúng tôi là làm sao khắc phục hậu quả cơn bão gây ra một cách nhanh nhất để không ảnh hưởng hoạt động dạy học, vì hiện nay mới có 40 đến 45% số trường học hư hỏng nhẹ có thể đón học sinh trở lại học bình thường. Số còn lại, có lẽ phải đến đầu tuần tới học sinh mới tiếp tục được đến trường.

Sáng 2-10, chúng tôi có mặt tại Trường THCS Phong Hóa (huyện Tuyên Hóa), ngôi trường bị thiệt hại nặng nhất của tỉnh. Trước mắt chúng tôi, mọi thứ còn khá bộn bề. Cô Hiệu trưởng Trương Thị Hương cho biết: Sáng 1-10, các chiến sĩ huyện đội Tuyên Hóa đã có mặt tại trường để giúp thầy trò khắc phục hậu quả cơn bão. Khu hiệu bộ nhà trường bị bão đánh "bay" mái, cho nên Ban giám hiệu và giáo viên trong nhà trường phải chuyển sang "trọ tạm" tại phòng bảo vệ. Theo cô Hương, trước mắt nhà trường tạm thời khắc phục và bố trí lớp học để học sinh đến trường, nhưng ít nhất phải một tuần đến mười ngày nữa hoạt động của nhà trường mới trở lại bình thường.

Chủ động phòng, chống dịch bệnh

Cũng như ngành giáo dục và đào tạo, ngành y tế của các tỉnh Bắc Trung Bộ đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức  khi cơn bão số 10 ập đến. Trong khung cảnh tan hoang sau bão, gia đình chị Trần Thị Hường ở xóm Vĩnh Lợi, xã Kỳ Ninh, Kỳ Anh đang vui mừng đón "mẹ tròn con vuông" trở về nhà. Bé gái kháu khỉnh nặng 3,3 kg chào đời ngay lúc bão đổ bộ vào đất liền trưa ngày 30-8. Trưởng trạm Y tế xã Kỳ Ninh, anh Võ Xuân Ðức cho biết: "Chị Hường lâm bồn đúng lúc gió bão rít liên hồi, mái ngói phía sau trạm bay lả tả, rồi điện mất... Tôi bình tĩnh động viên sản phụ và hộ lý. Cháu bé sinh ra dưới ánh đèn bình sạc điện được chuẩn bị sẵn trước đó". Sau bão, anh Ðức cùng nhân viên của trạm và  bà con cùng địa phương tổng vệ sinh môi trường, xử lý nước sạch và khám, điều trị cho người bệnh.

Ðánh giá những thiệt hại đối với ngành y tế tỉnh Quảng Bình, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Ðức Cường cho biết: Hầu hết các bệnh viện tuyến huyện, trung tâm y tế dự phòng của bảy huyện, thành phố đều bị hư hỏng và tốc mái. 159/159 trạm y tế xã bị tốc mái, sập tường, cửa kính vỡ, tủ thuốc và các trang, thiết bị phục vụ công tác khám, chữa bệnh đều bị ướt và hư hỏng. Thiệt hại nặng nhất là Bệnh viện Ða khoa huyện Minh Hóa. Ba dãy nhà điều trị của các khoa Nội - sản, Dược, phòng mổ bị tốc mái, hệ thống xà gồ sập. Cũng may, trong cơn bão, bệnh viện đã huy động 30 cán bộ, công nhân viên sử dụng bạt để che chắn bảo vệ kho dược, chuyển được toàn bộ người bệnh điều trị tại khoa nội sang tạm Khoa Y học cổ truyền, chuyển toàn bộ máy móc, phương tiện phòng mổ đến nơi an toàn.

Trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có bốn trường hợp người bệnh cấp cứu khi mưa bão do cây đổ khi đang đi giữa đường, ngói đổ tại nhà và bị trượt ngã khi đi tránh bão. Trạm Y tế xã Hồng Thủy (huyện A Lưới) bị chia cắt do nước ngập. Trung tâm Y tế huyện Phú Lộc bị đổ tường rào 10m và tốc 20 tấm tôn, hiện đang khắc phục. Ðáng chú ý, hiện nay tại huyện Phong Ðiền, địa phương giáp ranh với huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị), đang có dịch đau mắt đỏ bùng phát mạnh. Do vậy, các y sĩ, bác sĩ thuộc Trung tâm Y tế huyện Phong Ðiền đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng ngừa sự lây lan của bệnh đau mắt đỏ và các dịch bệnh có thể xảy ra sau bão, lũ.

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh Phan Thị Ninh cho biết: Ðể triển khai công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 10 và lũ lụt đang tới, các trung tâm y tế dự phòng tuyến huyện đã chuẩn bị được năm tấn hóa chất Cloramin B dạng bột để xử lý nguồn nước. Ðồng thời, Sở Y tế đã cấp 450 áo phao, 40 cơ số thuốc phòng, chống lụt bão và sẽ tiếp tục cấp thêm 300 áo phao, 30 cơ số thuốc, 700 kg Cloramin B và năm nhà bạt cho các đơn vị y tế. Ðiều đáng mừng, đến thời điểm này, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh vẫn duy trì cấp cứu, xử lý các trường hợp bị thương, tai nạn giao thông..., và chưa phát hiện dịch, bệnh mới phát sinh. Liên quan công tác khắc phục sau bão, PGS, TS, BS Nguyễn Ðình Sơn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết: Trung tâm đã có các phương án cụ thể với phương châm "bốn tại chỗ" để xử lý môi trường, dịch bệnh sau bão, bảo đảm đủ số thuốc giúp các cơ sở y tế trên địa bàn. Hiện tại, toàn tỉnh có 150 trạm y tế xã, phường, thị trấn được trang bị máy phun Fontan, Cloramin B, thuốc diệt muỗi và các cơ số thuốc cần thiết để xử lý môi trường kịp thời. Các trung tâm y tế huyện cũng đã thành lập các đội y tế cơ động và được trang bị đầy đủ các phương tiện.

Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn - Trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thảm họa và Tìm kiếm cứu nạn cho biết: Bộ Y tế đã cấp cơ số thuốc, hóa chất, trang, thiết bị phòng, chống lụt bão hỗ trợ Sở Y tế các tỉnh trọng điểm khu vực miền trung và Tây Nguyên và quân dân y chuẩn bị sẵn sàng ứng phó và khắc phục hậu quả cơn bão số 10, với tổng số 590 cơ số thuốc, hơn hai triệu viên Cloramin B và Aquatab, cùng gần một nghìn áo phao. Mới đây nhất, Bộ Y tế đã có Công điện gửi các sở y tế tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Ðà Nẵng, các bệnh viện trực thuộc bộ khu vực miền trung về việc tăng cường công tác khắc phục hậu quả cơn bão số 10. Bộ Y tế yêu cầu các sở y tế, thành phố tiếp tục triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời các cơ sở y tế để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho người bệnh, cán bộ y tế, trang, thiết bị tại các vùng trũng, thấp và vùng có nguy cơ ngập úng, sạt lở đất. Ðồng thời, chủ động triển khai các phương án khắc phục hậu quả do mưa, bão; chỉ đạo các đơn vị trong ngành bảo đảm công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm; hướng dẫn người dân trong vùng bị ảnh hưởng cách vệ sinh trong sinh hoạt hằng ngày, gìn giữ vệ sinh phòng, tránh những bệnh truyền nhiễm và phát sinh mầm bệnh...

 

                                                                            Theo Báo ND

 

 

Các tin khác


Thời tiết ngày 22/4: Bắc Bộ mưa dông, Tây Bắc Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ nắng nóng

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 22/4, chiều tối và đêm ở khu vực Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa to với lượng mưa từ 15-30 mm, có nơi trên 50 mm; ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có mưa rào và dông cục bộ.

Mưa to, dông lốc kèm mưa đá gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong 

Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh, chiều và đêm 20/4, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xảy ra mưa, mưa đá, dông lốc, sét cục bộ tại thành phố Hòa Bình và các huyện Đà Bắc, Cao phong, Lương Sơn. Tại một số điểm có mưa to như: Tiến Sơn (Lương Sơn) 34,4 mm, Độc Lập (TP Hòa Bình) 32,2 mm, Tân Pheo (Đà Bắc 21,8 mm), Xuân Phong (Cao Phong) 15,6 mm... Mưa đá, dông lốc đã gây thiệt hại tại các huyện Đà Bắc, Cao Phong.

Sét đánh cháy rừng ở xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi

Trận mưa đá tối 20/4 đã gây cháy rừng tại khu đồi Cằn Kẻo, xã Đú Sáng, huyện Kim Bôi.

Hà Nội, Hòa Bình xuất hiện mưa đá

Nhiều quận huyện ở Hà Nội và Hòa Bình xuất hiện mưa giông lớn kèm mưa đá, hạt đá to bằng đầu ngón tay, nhanh chóng tan khi tiếp đất.

Thời tiết ngày 20/4: Nắng nóng nhiều nơi trên cả nước, mưa dông vào chiều tối

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 20/4, Tây Bắc Bắc Bộ, từ Thanh Hóa đến Phú Yên có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt, với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ C, có nơi trên 39 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 35-40%.

Xuất hiện mưa đá tại các huyện miền núi cao của Quảng Nam

Chiều 18/4, dông lốc kèm theo mưa đá xuất hiện tại xã Trà Mai - Trung tâm hành chính huyện Nam Trà My. Trận mưa bắt đầu từ khoảng 14 giờ 30 phút.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục