(HBĐT) - Thung lũng Mai Châu xinh đẹp, nơi hội tụ khá đầy đủ bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Thái. Khám phá văn hóa Thái Mai Châu, chúng tôi ngỡ ngàng khi biết rằng ngoài nhà sàn, điệu múa xòe, khung dệt thổ cẩm..., nơi đây còn lưu giữ khá vẹn nguyên nét sinh hoạt ẩm thực độc đáo, đó là sử dụng cá trong mâm cỗ cúng và đời sống hàng ngày.


Con cá trong đời sống văn hóa tín ngưỡng người Thái

Người Thái sống ở thung lũng Mai Châu hiện nay vẫn lưu giữ được phong tục độc đáo, đó là trong mâm cỗ cúng vào những ngày lễ quan trọng không thể thiếu món cá. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết gốc tích của phong tục này. Theo lời giới thiệu của các cụ cao niên, chúng tôi đã tìm đến gia đình cụ Khà Tiến ở xóm Nghẹ, xã Vạn Mai, người đã có nhiều năm nghiên cứu về văn hóa Thái và được nghe ông kể câu chuyện rất ý nghĩa về tình mẫu tử và phong tục cúng cá của người Thái.

Theo truyền thuyết kể lại, có cặp vợ chồng người Thái sinh được hai cô con gái. Sau khi đi lấy chồng, gia cảnh của nhà cô chị rất khó khăn, cô em thì khá giả hơn.

Theo phong tục tập quán của người Thái và một số dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc thì mâm cơm cúng, nhất là cúng cơm mới, cúng giải hạn…thường phải có nhiều "đầu” (ở một số nơi là "7 đầu gà, 3 đầu lợn” - PV). Do đó, trong lễ cúng cơm mới của người Thái năm đó, hai vợ chồng cô chị bàn với nhau rằng ngày mai cúng gia tiên bằng con gì khi gia đình chỉ còn duy nhất một con gà mái và đàn gà con. Đắn đo suy nghĩ một lát, hai vợ chồng quyết định cúng gà trong lễ cơm mới.

Trong giấc ngủ đêm hôm đó, cô chị mơ thấy gà mẹ nói với gà con rằng: "Ngày mai chủ nhà giết mẹ cúng gia tiên, mẹ cũng rất muốn sống để nuôi các con nhưng không được nữa rồi, các con phải biết tự yêu thương và đùm bọc lẫn nhau”. Thức giấc, cô chị suy nghĩ rất nhiều về giấc mơ đêm qua, đặc biệt là một người mẹ nên cô càng hiểu và cảm thương hơn với tấm lòng, sự đau đớn, đức hy sinh của người mẹ khi phải xa con. Vì thế nên cô đã bàn cùng chồng rằng: "Việc thờ cúng tổ tiên bắt nguồn từ cái tâm là chính. Hai vợ chồng ta ra suối, đánh bắt được gì thì về làm cơm cúng tổ tiên cái đó. Điều quan trọng nhất là tấm lòng chân thành, biết ơn của con cháu”.

Buổi sáng hôm đó, hai vợ chồng ra suối đánh cá và về chế biến thành nhiều món ăn khác nhau để làm mâm cơm cúng tổ tiên. Từ câu chuyện đó đã có nhiều gia đình trên địa bàn xóm, xã… làm theo. Dần dần, cá trở thành món ăn không thể thiếu trong mâm cơm cúng của người Thái Mai Châu.


Những người phụ nữ cao tuổi hướng dẫn con cháu cách chế biến món cá truyền thống của người Thái.

Từ đó, món cá có ý nghĩa trong lễ cúng cơm mới và Tết cơm mới. Người Thái không còn cúng gà mà chỉ cúng cá. Các loại cá được chọn để làm cơm cúng chủ yếu là cá dầm xanh, rô, chày, trắm... Lưu ý tuyệt đối không thắp hương các loại cá không có vảy như trê, ngạnh, trạch...

Cụ Khà Tiến cho biết thêm: "Ngay từ tháng 2 âm lịch, người dân đã tổ chức săn bắn, mang chài ra sông, suối để đánh bắt cá tập thể. Cá thu được sẽ cho vào chum, vò để ướp đến dịp Tết cơm mới diễn ra vào khoảng tháng 7- 8 âm lịch sẽ đem ra làm nhân bánh nếp. Cá cũng phải cúng cả con. Cá to có thể chặt khúc ngắn khi chế biến nhưng khi cúng vẫn phải xếp thành hình con cá đầy đủ các phần, có cả đầu và đuôi. Cách chế biến khi cúng chủ yếu là đồ chín là cá cùng với một số loại rau có sẵn trên rừng hoặc quanh vườn nhà. Để chế biến món cá đồ, người Thái rửa sạch cá, không cạo vẩy, chặt từng khúc và nhét xả vào thân cá, quấn lá đu đủ để hút hết mùi tanh, cho lên đồ từ 1- 2 h. Ngoài ra, món cá đồ thứ hai không thể thiếu trong mâm cỗ cúng gia tiên là cá diếc. Sau khi mổ phanh lưng cá diếc, người Thái sấy khô và đem đi đồ như các loại cá khác. Đặc biệt, cá dùng để cúng gia tiền phải to, đầy đủ cả khúc đầu và đuôi. Đã có thời gian khoảng những năm 1960, Tết cơm mới của người Thái bị mai một, phong tục cúng cá cũng vì thế mà mờ nhạt dần. Tuy nhiên, những năm gần đây, khi việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc truyền thống được coi trọng, Tết cơm mới rồi lễ hội "Xên bản, Xên mường” được khôi phục, phong tục thờ cúng truyền thống của người Thái cũng dần "sống lại”. Nhờ vậy, phong tục làm cơm cúng với món cá cũng dần được các gia đình phục hồi.

Con cá trong đời sống người Thái hôm nay

Không chỉ hiện diện trong mâm cơm cúng, cá còn là món ăn đặc biệt quen thuộc, được người Thái Mai Châu ưa thích. Trao đổi với chúng tôi, ông Khà Văn Sảnh, Chủ tịch UBND xã Vạn Mai cho biết: Xã Vạn Mai hiện có 75% dân số là người Thái sinh sống. Phong tục tập quán, đời sống văn hóa của người Thái đang được duy trì, bảo tồn và phát triển. Đặc biệt, trong cấu trúc làng bản tuy không có truyền thống làm vườn ở cạnh nhà nhưng người Thái lại rất coi trọng việc đào ao thả cá cạnh nhà làm cho không gian ngôi nhà thêm rộng rãi, sinh động, nơi dự trữ nguồn thức ăn tươi sống và ao thả cá còn thêm chức năng chứa nước phòng hỏa hoạn cho ngôi nhà sàn. Do đó, hiện nay, trừ các nhà sống trên các sườn đồi, núi thì đa phần những ngôi nhà sàn của người Thái ở ven ruộng đều dành một thửa ruộng nhỏ để đào ao, thả cá. Ví dụ như xóm Nghẹ có khoảng trên 80% gia đình có ao thả cá quy mô nhỏ ở ngay cạnh nhà. Ngoài ra, trong vụ cấy, tranh thủ diện tích cấy lúa, các hộ còn thả xen cá để có thêm thu nhập hoặc cải thiện bữa ăn gia đình theo phương châm "trên cơm, dưới cá”.

Nhiều bản du lịch trên địa bàn huyện Mai Châu như bản Lác, bản Pom Coọng, bản Bước... đã tạo dựng cảnh quan mỗi nhà sàn được làm cạnh một ao cá hoặc dựng nhà sàn trên mặt nước ao nuôi tạo cảnh quan trong lành, mát mẻ, hấp dẫn du khách. Vì ao cá gần với đời sống người dân như vậy nên cá cũng chính là món ăn quen thuộc nhất trong đời sống người dân tộc Thái.

Chia sẻ về cách chế biến món cá trong mâm cơm hàng ngày hoặc làm cơm thiết đãi khách quý, anh Hà Văn Hùng (bản Lác, xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu) cho biết: "Cách chế biến đối với cá đồ thì không được cạo vẩy. Ngoài cách truyền thống là đồ thì hiện nay cá còn được người Thái chế biến bằng nhiều hình thức khác như: nướng, nấu canh, rán... Một số hộ còn mổ cá, hấp, phơi khô để ăn dần. Với các loại cá đặc sản như dầm xanh thì còn có thể xào hoặc làm lẩu. Cá do bà con người Thái nuôi hoặc cá tự nhiên tại các dòng suối có vị thơm, ngọt, chắc thịt nên dễ chế biến, ăn rất ngon miệng.

Không chỉ được người dân ưa thích, du khách khi đến Mai Châu du lịch cũng rất thích những món ăn được chế biến từ cá như cá hấp lá đu đủ, cá suối rán lá lốt, cá nướng, cá nấu măng chua hạt dổi, cá kho quả trám, cá om măng, lòng cá nấu mẻ chấm rau rừng, cá nấu lá lồm... Đặc biệt, món ruốc cá trắm, ruốc cá dầm xanh cũng được rất nhiều du khách ưa thích mua về làm quà cho người già và trẻ nhỏ. Sống cùng thời gian, con cá đã gắn bó và trở thành một nét riêng không thể thiếu trong đời sống người dân, làm nên sự khác biệt đặc trưng của bà con người dân tộc Thái Mai Châu.


Đức Anh


Các tin khác


Huyện Mai Châu: Lan tỏa phong trào thi đua quyết thắng

(HBĐT) - Những năm qua, phong trào thi đua quyết thắng được cán bộ, chiến sỹ (CB, CS) lực lượng vũ trang (LLVT) huyện Mai Châu tích cực thực hiện, đi vào nền nếp, tạo nhiều chuyển biến tích cực, lan tỏa sâu rộng trong trong toàn LLVT huyện, góp phần củng cố vững chắc khu vực phòng thủ và đảm bảo an sinh xã hội.

Huyện Mai Châu: Lan tỏa khát vọng khởi nghiệp trong thanh niên

(HBĐT) - Phát huy lợi thế về nông nghiệp, du lịch, những năm qua, nhiều đoàn viên, thanh niên huyện Mai Châu nỗ lực vượt khó khởi nghiệp, mạnh dạn xây dựng, phát triển các mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao. Từ đó, lan tỏa đam mê, khát vọng khởi nghiệp trong thanh niên.

Huyện Mai Châu: Phát huy hiệu quả vốn vay ưu đãi

(HBĐT) - Nhờ vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH), hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Mai Châu có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế để vượt lên đói nghèo, góp phần đẩy nhanh Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Hoạt động thanh niên tình nguyện hướng về cơ sở

(HBĐT) - Đoàn Thanh niên Công an huyện Mai Châu vừa phối hợp với tuổi trẻ Phòng Cảnh sát QLHC về TTATXH (Công an tỉnh) và Đoàn Thanh niên thị trấn Mai Châu tổ chức hoạt động tình nguyện hướng về cơ sở, cải cách thủ tục hành chính, thực hiện chiến dịch cấp căn cước công dân (CCCD) tại địa bàn thị trấn Mai Châu.

Xã Vạn Mai: Tích cực đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống

(HBĐT) - "Triển khai chương trình hành động, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống để tạo những chuyển biến tích cực về kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn là điều cán bộ, đảng viên và Nhân dân quan tâm sau mỗi kỳ đại hội. Tại Đảng bộ xã Vạn Mai (Mai Châu), sau khi tổ chức thành công đại hội Đảng 2 cấp, cấp ủy các chi bộ trực thuộc đã khẩn trương chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiều phần việc để cụ thể hóa nghị quyết, hướng đến triển khai các chỉ tiêu đề ra ngay từ đầu nhiệm kỳ” - đồng chí Hà Thị Viễn, Bí thư Đảng ủy xã cho biết.

Huyện Mai Châu: Đổi thay từ thực hiện chính sách dân tộc

(HBĐT) - Trong những năm qua, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước tới đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), huyện Mai Châu đã thực hiện hiệu quả các chính sách, chương trình giảm nghèo, dự án hỗ trợ phát triển KT-XH, trong đó chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã vùng đặc biệt khó khăn. Qua đó, tạo nguồn lực giúp người dân xóa đói, giảm nghèo, cải thiện đời sống đồng bào dân tộc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục