(HBĐT) -  TP Hòa Bình là 1 trong 5 huyện, thành phố nằm trong quy hoạch xây dựng và phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình. Xã Thái Thịnh và 3 phường Thái Bình, Phương Lâm, Tân Thịnh là những địa phương thuộc quy hoạch Khu du lịch quốc gia Hồ Hòa Bình. Khách du lịch có thể lên tàu tại cảng Bích Hạ để du ngoạn lòng hồ, tận hưởng không khí mát mẻ cùng những trải nghiệm thú vị trên lòng hồ như: tìm hiểu không gian văn hóa bản Mường ven sông, khám phá các đảo nổi, chiêm bái trốn tâm linh đền Bờ. Sau đó, du khách tiếp tục thăm quan, khám phá Nhà máy thủy điện và Tượng đài Bác Hồ…



Nhà máy thủy điện Hòa Bình trên địa bàn TP Hòa Bình là một trong những điểm du khách có thể ghé thăm khi đến thăm quan du lịch hồ Hòa Bình. 

       Bản Bích Trụ, xã Thái Thịnh là bản của người Mường nằm ngay cửa ngõ du lịch hồ Hòa Bình, có thể đi đến bằng đường bộ hoặc đi bằng đường thủy từ cảng Bích Hạ. Bản Bích Trụ có cảnh quan thiên nhiên hoang sơ với những rừng nứa, rừng tre, đồi sim kết hợp với lòng hồ trong xanh tạo nên một bức tranh hoàn hảo cho du khách khám phá. Bản vẫn giữ được những nếp nhà sàn truyền thống của người Mường. Cuộc sống của người dân nơi đây bình yên với nghề nông. Buổi sáng, người dân đi làm ruộng, đánh bắt cá, tối về, mọi người quây quần bên bếp lửa. Người dân nơi đây thân thiện, cởi mở, hiếu khách. Chính vì vậy, từ lâu, bản Bích Trụ đã trở thành điểm khám phá, thưởng ngoạn cho những ai yêu thiên nhiên, yêu sông nước. 

       Đồng chí Đinh Văn Xứng, Trưởng Phòng VH - TT TP Hòa Bình cho biết: Phát triển du lịch hồ Hòa Bình là trọng tâm trong chiến lược phát triển du lịch của thành phố. Để phát triển du lịch hồ Hòa Bình, trước tiên, thành phố thực hiện quy hoạch xây dựng các tuyến, điểm du lịch tại thành phố và liên vùng gồm: tuyến du lịch quần thể Nhà máy thủy điện Hòa Bình - lòng hồ Hòa Bình, đền Thác Bờ - động Thác Bờ. Tuyến du lịch lòng hồ Hòa Bình - các bản văn hóa dân tộc xã Thái Thịnh. Tuyến du lịch TP Hòa Bình - Bảo tàng không gian Văn hóa Mường. TP Hòa Bình đang khảo sát các tuyến du lịch khám phá bằng xe đạp và đi bộ: Xóm Vôi, xã Thái Thịnh - xã Vầy Nưa (Đà Bắc), xóm Bích Trụ, xã Thái Thịnh - xóm Rãnh, xã Cao Sơn (Đà Bắc). Đầu tư để phát triển mô hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch tâm linh và Bảo tồn bản sắc văn hóa Mường Hoà Bình tại bản Bích Trụ, xã Thái Thịnh. Bên cạnh đó, vào cuối tháng 5/2019, TP Hòa Bình đã tổ chức thành công Hội thảo phát triển sản phẩm du lịch TP Hòa Bình với các nội dung như: Chương trình thực địa, khảo sát các điểm du lịch tiềm năng và tổ chức trưng bày, giới thiệu, kết nối tiêu thụ sản phẩm cá, tôm sông Đà và sản phẩm nông sản. Từ đó, gắn kết phát triển du lịch TP Hòa Bình với các địa phương trong và ngoài tỉnh. 

Trên địa bàn TP Hòa Bình  có 120 cơ sở lưu trú, trong đó có 14 khách sạn từ 1 - 3 sao và 106 nhà nghỉ đạt tiêu chuẩn với 1.502 buồng, phòng; 3 hợp tác xã vận tải đường thủy với 70 tàu, thuyền phục vụ chở khách du lịch hồ Hòa Bình. Công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch được quan tâm. Phòng VH-TT thành phố thường xuyên cử cán bộ làm công tác du lịch tham gia chương trình học tập kinh nghiệm do Sở VH-TT&DL tổ chức. Tích cực mở các lớp tập huấn cho các hộ làm du lịch. Tính đến nay, nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch của thành phố có 810 người, trong đó, trình độ đại học chiếm 3,9%, cao đẳng chiếm 2,8%, trung cấp 6,2%, sơ cấp 7,9%, còn lại là lao động phổ thông.

Do khai thác tốt các tuyến, điểm du trên hồ Hòa Bình, số lượng khách tới tham quan, khám phá ngày càng đông. Năm 2017, thành phố đón 615.008 lượt khách; tổng doanh thu từ du lịch đạt 146 tỷ đồng. Năm 2018, đón 710.300 lượt khách; tổng doanh thu đạt 196 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2019, TP Hòa Bình đã thu hút 355.215 lượt khách (tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2018), tổng doanh thu từ du lịch đạt 104 tỷ đồng.

Thu Thủy

Các tin khác


Sức sống trên dòng Đà Giang

Bài 1 - Chuyển giao sứ mệnh

(HBĐT) - Đà Giang - sông Đà vốn hoang sơ, hùng vĩ và nổi tiếng với những dòng thác oai linh. Từ khi có bàn tay, khối óc của con người đắp đập, ngăn sông, trị thủy để tích nguồn điện sáng, dòng sông Đà không còn hung dữ. Nhưng, dòng Đà Giang vẫn chảy, bồi lấp những vạt phù sa màu mỡ với nhiều nguồn sống sinh sôi.     

Đá Bia - một ngày không... wifi

(HBĐT) - Đá Bia (nay là xóm Đức Phong) - điểm du lịch cộng đồng thuộc xã Tiền Phong (Đà Bắc) không chỉ có núi non hùng vĩ, sông nước hữu tình, con người thân thiện, hiền hòa mà còn có điều đặc biệt, giờ không ở mấy đâu có...

Lưu giữ miền ký ức thác Bờ - phố Bờ xưa

(HBĐT) -Nhà văn Lê Va, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh, người nặng lòng với quá khứ, có mặt tại chợ Bờ từ những năm 70 của thế kỷ trước, chứng kiến trọn vẹn công cuộc di dân, chuyển huyện khỏi vùng ngập để phục vụ xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình. Ông luôn đau đáu hoài niệm về sông Đà, phố Bờ xưa. Sau nhiều năm dày công sưu tầm, ông vừa xuất bản tập sách ảnh "Bờ xưa" với 100 trang và hơn 70 bức ảnh thác Bờ, chợ Bờ, phố Bờ thời chưa đắp đập thủy điện Hòa Bình. Cuốn sách giữ lại những bức ảnh, tư liệu quý cho các thế hệ độc giả về những kỷ niệm, ký ức nay đã chìm sâu dưới đáy hồ sông Đà, nối dài quá khứ với hiện tại và tương lai.

Mở rộng những cung đường đến với khu du lịch hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Được ví như một vịnh Hạ Long thu nhỏ, có điểm nhấn là quần thể di tích tâm linh Thác Bờ, từ nhiều năm qua, hồ Hòa Bình đã trở thành điểm du lịch thu hút du khách. Thực hiện Quyết định số 1528/QĐ-TTg, ngày 1/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030, tháng 6/2017, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 14-NQ/TU về phát triển khu du lịch hồ Hòa Bình trở thành khu du lịch quốc gia. Từ đây, công tác đầu tư, tôn tạo di tích, phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được quan tâm nhiều hơn, góp phần mở rộng những cung đường đến với khu du lịch hồ Hòa Bình.

Đánh thức những "Nàng công chúa ngủ quên" ven hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, cảnh quan nguyên sơ, hồ Hòa Bình được ví như "Vịnh Hạ Long trên núi”. Ven hồ Hòa Bình có những xóm, bản như những "nàng công chúa ngủ quên" nằm ẩn mình nơi sông nước mênh mang, núi rừng huyền bí. Mỗi nàng công chúa mang một vẻ đẹp riêng. Sau giấc ngủ dài, bản Ngòi, xã Ngòi Hoa - nay là xã Suối Hoa (Tân Lạc), xóm Ké, xã Hiền Lương (Đà Bắc) hay xóm Đá Bia - nay là xóm Đức Phong và xóm Mó Hẻm - nay là xóm Đoàn Kết (xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc)... được đánh thức trước sự ghé thăm của du khách trong và ngoài nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục