(HBĐT) -Chúng tôi trở lại thăm đền Hang Miếng, thuộc địa phận xã Quang Minh, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La nằm trên khu vực hồ Hòa Bình. Đến thăm chốn tâm linh đền Hang Miếng là một hành trình không dễ dàng. Nhưng bù lại là được khảo sát, trải nghiệm "gần như” chọn tuyến sông Đà (khu vực tỉnh Hòa Bình), tìm lại sự thanh thản, bình yên trong tâm hồn trong cuộc sống vốn bộn bề lo toan.


Đền Hang Miếng, xã Quang Minh, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La giáp ranh với tỉnh ta là điểm du lịch của đông đảo du khách thăm quan hồ Hòa Bình.

Hang Miếng cách cảng Bích Hạ, TP Hòa Bình khoảng 70 km đường thủy, tốc độ tàu bình thường phải mất khoảng 4 tiếng đồng hồ. Thế nên muốn đến thăm đền Hang Miếng trong ngày phải dậy từ rất sớm và quay về tới cảng Bích Hạ cũng đã tối mịt. Hầu hết người dân đi lễ đền Hang Miếng bằng đường thủy. Số lượng đoàn đến thăm quan, chiêm bái đền, cầu lộc, cầu bình an ở đền Hang Miếng khá đông, nhất là dịp đầu năm. Người dân ở các hai tỉnh Sơn La và Hòa Bình và nhiều tỉnh, thành miền xuôi cũng đến chốn tâm linh Hang Miếng. 

Theo người dân địa phương, Hang Miếng là hang núi đá vôi có từ rất lâu đời. Xưa kia, địa điểm này là nơi dừng chân, buôn bán của người dân kẻ chợ từ xuôi lên thượng nguồn sông Đà và địa điểm tập kết, trao đổi hàng hóa của người dân địa phương. Sự tích đền Hang Miếng tương đồng với sự tích của đền Chúa Thác Bờ - là nơi người dân lập đền thờ tưởng nhớ về bà Đinh Thị Vân - một phụ nữ người Mường có công vận động nhân dân trong vùng sông Đà quyên góp lương thực giúp cho đoàn quân của vua Lê Lợi vượt Thác Bờ tiến quân lên Mường Lễ, Sơn La dẹp loạn đảng Đèo Cát Hãn. 

Trong một lần vận chuyển quân lương, đến cuối tuyến sông Đà, bất ngờ đoàn thuyền của bà gặp giông bão, trời đất mịt mùng, sóng gió nổi lên ầm ầm. Cả đoàn thuyền đắm ở khúc sông nhiều thác ghềnh ở Hang Miếng. Tương truyền, sau khi mất, bà vẫn thường hiển linh phù hộ cho người đi thuyền trên sông Đà và người dân địa phương được bình an, làm ăn thuận lợi, mưa thuận gió hòa… Tưởng nhớ công ơn bà, người dân đã lập đền gọi là đền Chúa Hang Miếng, hằng năm đều thắp hương thờ phụng. Từ ngày ngăn ngăn sông, đắp đập, xây dựng thủy điện Hòa Bình, đền đã nhiều lần bị ngập. Người dân địa phương đã đóng góp công sức, tiền bạc, tu sửa, di chuyển đền đến khu vực cao hơn như hiện nay.

Đền Hang Miếng tọa lạc trên ngọn núi đầu rồng, được xây dựng thành 3 dãy nhà, có cung thờ phật, thờ thánh và chúa thượng ngàn. Đền Hang Miếng nằm trong khu vực eo vịnh, nên thơ, quanh năm mưa thuận gió hòa. Nơi đây vẫn là nơi trao đổi các sản phẩm nông nghiệp của người dân trong vùng. Đứng ở khu vực đỉnh đền, có thể phóng tầm mắt bao trọn hồ eo vịnh nên thơ, núi rừng xanh rì, thấy những chiếc thuyền nhỏ trôi lững lờ xuôi ngược. Từ bến thuyền vào mùa nước cạn phải leo hàng trăm mét mới đến được đền, còn mùa sông Đà tích nước chỉ cần leo một chút là tới nơi.

Người đi lễ thường kể: Đền Hang Miếng rất linh ứng, nhất là cầu tài, cầu tự. Những gia đình hiếm muộn, đến thành tâm cầu lễ, thì chúa hiển linh ban phước có con cái đề huề, hay cầu việc làm ăn cũng rất suôn sẻ. Cho dù đúng sai không biết, nhưng chắc chắn đi lễ đền Hang Miếng sẽ có được sự bình yên trong tâm tưởng và những hy vọng hạnh phúc, yêu thương trong cuộc sống. Dù đi lại không dễ dàng, nhưng hầu như hôm nào cũng có khách đến thắp hương, chiêm bái. 

Trong chuỗi hành trình đến đền Hang Miếng, bạn còn được khám phá, trải nghiệm sự hùng vĩ, non nước nên thơ, hữu tình của hồ sông Đà. Đó là những trảng cát trắng ngần ngút mắt kéo dài hai bờ sông, những bờ bãi nương ngô xanh rì phía hạ lưu và thượng lưu là hồ nước mênh manh bất tận trùm bóng núi rừng trùng đệp đầy mộng mơ. Dòng sông nối dài quá khứ với hiện tại với nhiều địa danh nổi tiếng như: Chợ Bờ, suối Rút, Cửa Chương, đền Cô Đôi, động Thác bờ. Những thác nước trắng xóa ngày đêm đổ xuống dòng sông Đà. Những eo, vịnh, các chợ nổi tấp nập giao thương, các xóm, bản với những nét văn hóa đặc sắc trong sinh hoạt và sản xuất của người dân địa phương…

Khu vực đền Hang Miếng đã hình thành các buổi chợ phiên, họp nhiều ngày trong tháng. Tại đây, bà con các xã ven hồ mang đến nhiều sản phẩm địa phương như nải chuối nương, mật ong rừng, quả mít, cây măng trúc, măng tre mới đào, cây thuốc quý, rượu hay các mớ cá ngạnh, trạch chấu, tôm hồ vừa kéo lưới buổi sáng sớm… để du khách mua về làm quà cho người thân cũng rất ý nghĩa và thú vị. Đền Hang Miếng thực sự là địa điểm đi lễ, chiêm bái đáng đến mang lại sự may mắn bình an, cũng như cảm nhận, trải nghiệm những nét văn hóa đặc sắc, phong cảnh nên thơ hữu tình trên khu vực hồ Hòa Bình.

                                                                                              Lê Chung

Các tin khác


Sức sống trên dòng Đà Giang

Bài 1 - Chuyển giao sứ mệnh

(HBĐT) - Đà Giang - sông Đà vốn hoang sơ, hùng vĩ và nổi tiếng với những dòng thác oai linh. Từ khi có bàn tay, khối óc của con người đắp đập, ngăn sông, trị thủy để tích nguồn điện sáng, dòng sông Đà không còn hung dữ. Nhưng, dòng Đà Giang vẫn chảy, bồi lấp những vạt phù sa màu mỡ với nhiều nguồn sống sinh sôi.     

Đá Bia - một ngày không... wifi

(HBĐT) - Đá Bia (nay là xóm Đức Phong) - điểm du lịch cộng đồng thuộc xã Tiền Phong (Đà Bắc) không chỉ có núi non hùng vĩ, sông nước hữu tình, con người thân thiện, hiền hòa mà còn có điều đặc biệt, giờ không ở mấy đâu có...

Lưu giữ miền ký ức thác Bờ - phố Bờ xưa

(HBĐT) -Nhà văn Lê Va, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh, người nặng lòng với quá khứ, có mặt tại chợ Bờ từ những năm 70 của thế kỷ trước, chứng kiến trọn vẹn công cuộc di dân, chuyển huyện khỏi vùng ngập để phục vụ xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình. Ông luôn đau đáu hoài niệm về sông Đà, phố Bờ xưa. Sau nhiều năm dày công sưu tầm, ông vừa xuất bản tập sách ảnh "Bờ xưa" với 100 trang và hơn 70 bức ảnh thác Bờ, chợ Bờ, phố Bờ thời chưa đắp đập thủy điện Hòa Bình. Cuốn sách giữ lại những bức ảnh, tư liệu quý cho các thế hệ độc giả về những kỷ niệm, ký ức nay đã chìm sâu dưới đáy hồ sông Đà, nối dài quá khứ với hiện tại và tương lai.

Mở rộng những cung đường đến với khu du lịch hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Được ví như một vịnh Hạ Long thu nhỏ, có điểm nhấn là quần thể di tích tâm linh Thác Bờ, từ nhiều năm qua, hồ Hòa Bình đã trở thành điểm du lịch thu hút du khách. Thực hiện Quyết định số 1528/QĐ-TTg, ngày 1/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030, tháng 6/2017, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 14-NQ/TU về phát triển khu du lịch hồ Hòa Bình trở thành khu du lịch quốc gia. Từ đây, công tác đầu tư, tôn tạo di tích, phát triển các sản phẩm du lịch, đặc biệt là việc đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch được quan tâm nhiều hơn, góp phần mở rộng những cung đường đến với khu du lịch hồ Hòa Bình.

Đánh thức những "Nàng công chúa ngủ quên" ven hồ Hòa Bình

(HBĐT) - Với phong cảnh thiên nhiên hữu tình, cảnh quan nguyên sơ, hồ Hòa Bình được ví như "Vịnh Hạ Long trên núi”. Ven hồ Hòa Bình có những xóm, bản như những "nàng công chúa ngủ quên" nằm ẩn mình nơi sông nước mênh mang, núi rừng huyền bí. Mỗi nàng công chúa mang một vẻ đẹp riêng. Sau giấc ngủ dài, bản Ngòi, xã Ngòi Hoa - nay là xã Suối Hoa (Tân Lạc), xóm Ké, xã Hiền Lương (Đà Bắc) hay xóm Đá Bia - nay là xóm Đức Phong và xóm Mó Hẻm - nay là xóm Đoàn Kết (xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc)... được đánh thức trước sự ghé thăm của du khách trong và ngoài nước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục