(HBĐT) - Nghề xe ôm - đã qua rồi cái thời "hoàng kim”, thời mà hơn chục năm về trước, thu nhập cũng khá cao, mỗi ngày có thể kiếm tới vài trăm nghìn đồng. Bây giờ, vất vả "săn khách” cả ngày cũng chỉ kiếm được cỡ trăm nghìn đồng là may. Dù vậy, những người lái xe ôm vẫn cần cù cóp nhặt những đồng bạc lẻ, trang trải cho cuộc sống bớt phần khó khăn.


Xe ôm và xe máy của Công ty xe khách Bình An đợi khách tại Bến xe trung tâm thành phố Hòa Bình.

Bên xe trung tâm thành phố Hòa Bình giữa trưa nắng nóng như nung, đất trời hập hập. Nóng đến nỗi lá mấy cây bằng lăng rũ cả xuống, nhựa đường như chảy ra, thở chẳng nổi, ngồi không mồ hôi còn chảy ròng ròng. Mấy bác xe ôm vẫn nhẫn nại đợi, đón khách. Dòng người, xe cộ hối khả ngược xuôi. Từ muôn nơi, mỗi chiếc xe đáp bến trả khách là bốn, năm người lái xe ôm lại lao ra từ bóng cây mời gọi. Có người may mắn đón được khách, người quay lại về không.

Vẻ mặt hốc hác, cười mà như mếu, bác Toàn - một trong những người lái xe ôm lâu năm uể oải, lấy khăn lau mồ hôi đang trào ra như tắm trên mặt đen đúa than thở: Sao mà năm nay, trời đất khắc nghiệt, kinh khủng đến thế! Nhiệt độ như nung, nắng nóng đến hoa cả mắt. Làm ăn bây giờ không được như xưa, chẳng ai muốn làm cái nghề này, nhất là khi tuổi đã cao, thôi thì vì miếng cơm, manh áo đành phải cố. Ông Toàn tâm sự: Là công nhân thời hậu sông Đà, thu nhập rất thấp, nhà lại đông con, cháu. Các con lớn cả, nhưng nghề ngỗng, thu nhập cũng chưa lo nổi cho chúng. Nên ông quyết định làm nghề xe ôm và đến nay cũng đã được mười mấy năm. Chỗ làm không ổn định, lúc thì ở bến xe, lúc đầu ngã tư đường, khi cổng trường học.

Nghề xe ôm đã qua cái thời "hoàng kim”. Thời mà người dân có ít lựa chọn, muốn di chuyển phương tiện chủ yếu là xe ôm. Có những khách đi xe ôm tới mấy chục cây số, cũng kiếm được tiền trăm nghìn. Bây giờ, người dân có nhiều lựa chọn. Mấy năm nay, trên phố nhan nhản xe tắc xi dịch vụ. Đi xe tắc xi vừa an toàn, giá cả lại không đắt hơn là bao nhiêu. Bên cạnh đó, Công ty Xe khách Bình An từ lâu cũng đã duy trì lực lượng xe máy đông đảo, chốt chặt ở các điểm để đón, đưa khách miễn phí. Thành thử, khách đi xe ôm càng ít hơn. Người lái xe ôm chủ yếu "vợt” được khách đi đường ngắn, mỗi lượt chỉ được mươi, mười lăm nghìn. Cả ngày chầu trực đón chở khách cũng chỉ được cỡ trăm nghìn là may. Hầu hết người làm nghề xe ôm đều đã có tuổi, thu nhập không cao, vì miếng cơm manh áo đành bươn bả bám mặt đường kiếm sống. "Mấy hôm trước, bị cảm nắng, nằm nhà vài ngày, không có thu nhập là biết nhau ngay, nên vừa đỡ là tôi lao ra bến xe đón khách” - bác Toàn chia sẻ.

Rất nhiều người đến với nghề lái xe ôm như một cứu cánh cho cuộc sống đầy khó khăn. Anh Khánh học hành cũng tử tế, từng trải qua rất nhiều nghề, từ bảo vệ, sửa đường ống nước và cạy cục xin được làm hợp đồng trong một đơn vị sự nghiệp. Thế nhưng, tất cả thu nhập cũng chỉ được hơn 2 triệu đồng, nên cũng phải tranh thủ chạy xe ôm kiếm thêm để trang trải cho cuộc sống. Anh Khánh không giấu giếm: Mình có lẽ là một trong số người trẻ nhất làm nghề xe ôm cũng đã được khoảng gần chục năm tuổi chạy xe. Chẳng ai muốn làm cái nghề cực nhọc này. Thời gian còn làm viên chức Nhà nước, cứ tranh thủ sau giờ làm việc, tôi phóng ngay ra cổng trường hoặc bến xe đợi khách. May mắn được một vài chuyến cũng có tiền rau, tiền thịt, tích cóp một chút là có tiền đóng học cho con… Nắng gió, bụi bặm, bươn bả trên đường đã khiến cho anh Khánh già đi rất nhiều so với cái tuổi 45. Cứ một người, một xe, trang bị nước nôi, quần áo đầy đủ là lên đường chạy xe đón khách. Khách đi đâu cũng chở kể cả đêm hôm, mùa đông, mùa hè hay lên vùng cao, xuống vùng thấp. Trưa nắng, tranh thủ chợp mắt một chút, tiện đâu ăn đấy. Nắng nóng, mưa tuôn rồi cũng quen và phải chịu vì, tất cả vì con cái có cuộc sống tốt hơn. Chạy xe bây giờ không được như trước, chỉ kiếm được bạc lẻ. Nhiều hôm cả buổi còn chẳng đón được khách nào. Thôi thì nghề gì cũng có thăng trầm cả, nghề xe ôm cũng vậy, dù khó khăn vẫn còn có thu nhập, biết đến đâu hay đến đó đã.

Thời tiết vẫn hập hập nắng nóng như rang. Dòng người, dòng đời vẫn hối hả ngược xuôi. Những người làm nghề lái xe ôm vẫn đang nhẫn nại đợi đón đưa khách, dù biết nghề này sắp hết thời.

 L.T


Các tin khác


Gặp gỡ cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức, kỷ niệm về tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Lý Văn Ngoan (ảnh), hiện sinh sống tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy.

Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục