(HBĐT) - Đảo Đá Tây được mệnh danh là "thành phố” của những đảo chìm trên quần đảo Trường Sa. Đảo có âu tàu rộng mênh mông, là nơi tránh trú bão an toàn trong những chuyến ra khơi của ngư dân suốt dọc vùng duyên hải từ Thanh Hóa đến cực Nam của Tổ quốc. Đặc biệt, trên đảo còn có một điểm để mua sắm mà ngư dân vẫn ví von là "siêu thị” giữa trùng khơi.


Trong "siêu thị" ở đảo Đá Tây A có đầy đủ nhu yếu phẩm cần thiết cho chuyến ra khơi của ngư dân.

Đá Tây là cụm đảo chìm, gồm 3 điểm đảo là: Đá Tây A, Đá Tây B và Đá Tây C. Khi con tàu Kiểm ngư KN-491 cách cụm đảo chừng vài hải lý, 3 điểm đảo hiện lên sừng sững trước mặt. Không hổ danh là "thành phố” của những đảo chìm, đảo Đá Tây tấp nập tàu thuyền qua lại, cơ sở hạ tầng trên đảo cũng ngày một khang trang hơn. Ghé thăm điểm đảo Đá Tây A, ấn tượng đầu tiên là một âu tàu rộng lớn, được xây dựng vững chắc, đủ để hơn 200 tàu thuyền của ngư dân có thể tránh trú bão an toàn. Đặt chân lên đảo, chúng tôi bất ngờ khi được nghe cán bộ, chiến sỹ giới thiệu về nơi có thể mua nước giải khát, nước ngọt có gas hay những món quà lưu niệm ở ngay trên đảo Đá Tây A.

"Siêu thị” là cái tên mỹ miều mà cán bộ, chiến sỹ và ngư dân đặt cho Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá (thuộc Công ty TNHH MTV dịch vụ khai thác hải sản biển Đông – Bộ NN&PTNT). Trung tâm có nhiệm vụ công ích trên vùng biển Trường Sa và Nhà giàn DK1. Cung ứng cho ngư dân nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm bằng giá niêm yết tại đất liền. Đồng thời, cung cấp nước ngọt, thuốc men miễn phí, hỗ trợ sửa chữa tàu thuyền, bố trí chỗ ăn, nghỉ cho ngư dân vào tránh trú bão. "Siêu thị” ở nơi đầu sóng, ngọn gió không quá rộng lớn, các kệ hàng được bày ngăn nắp như các siêu thị mi ni ở trong đất liền. Mặt hàng phổ biến gồm các loại nước giải khát có gas, mắm, muối, mì chính, dầu ăn và những chiếc áo cờ đỏ, sao vàng.

Tại "siêu thị”, chúng tôi gặp, trò chuyện với 2 cán bộ trẻ của trung tâm. Đó là các anh Phan Viết Tuyết và Nguyễn Đình Doãn. Với nhiệm vụ là thợ máy của trung tâm, những lúc không phải sửa chữa tàu thuyền cho ngư dân, hai chàng trai lại là những nhân viên bán hàng tại "siêu thị”. Anh Doãn là cán bộ trẻ nhất của Trung tâm, quê ở Nghệ An chia sẻ: ra công tác tại đảo Đá Tây A, điều tôi cảm thấy tự hào nhất là tình cảm quân dân ở nơi đảo xa đầy nắng, gió này. Ngoài giờ làm việc, chúng tôi lại ra cầu tàu gặp gỡ trò chuyện với ngư dân. Với anh Tuyết quê ở Quảng Ngãi, ra công tác tại trung tâm từ năm 2017, những ngày đầu ở nơi đầu sóng, ngọn gió rất nhớ nhà. Thế nhưng, với tình cảm của cán bộ, chiến sỹ và anh em công tác trên đảo, đặc biệt là được gặp gỡ ngư dân, giúp đỡ họ trong chuyến xa khơi khi gặp sự cố, các anh cảm nhận được ý nghĩa lớn lao của công việc mình đang đảm nhiệm, nỗi nhớ nhà được thay bằng niềm vinh dự, sự tự hào. "Trung tâm cung cấp nước ngọt miễn phí và sửa chữa tàu thuyền cho ngư dân nên giúp bà con có những chuyến đi biển dài ngày hơn. Đồng thời, sản xuất, bán đá lạnh để ngư dân ướp cá, giúp họ bảo quản tôm, cá tốt hơn, nâng cao giá trị chuyến đi biển. Những ngày giông bão, bà con vào tránh trú, trung tâm hỗ trợ chỗ ăn, ngủ. Tuy mỗi người một nhiệm vụ, một công việc nhưng chúng tôi cảm thấy tự hào khi được công tác ở quần đảo Trường Sa thân yêu của Tổ quốc” - anh Tuyết chia sẻ.

Trung tá Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ nhiệm Chính trị Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân chia sẻ: Trong năm qua, các điểm đảo Đá Tây đã chủ trì, phối hợp với Trạm Biên phòng, Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá khám, chữa bệnh cho hàng trăm ngư dân, cấp cứu các ngư dân bị ngộ độc, gặp tai nạn trong quá trình đánh bắt hải sản. Đồng thời, hỗ trợ lương thực, thực phẩm như gạo, mì tôm, đá lạnh, tư vấn sửa chữa và sửa chữa miễn phí tàu, thuyền cho ngư dân.

Rời đảo Đá Tây A, quà của đảo gửi về đất liền là tình cảm ấm áp, những cái ôm bịn rịn. Và chiếc áo mang màu cờ Tổ quốc với dòng chữ màu vàng đậm "Đảo Đá Tây - Trường Sa” là món quà kỷ niệm quý giá mà chúng tôi đã mua được ở "siêu thị” ngay trên "thành phố” của những đảo chìm.

Viết Đào


Các tin khác


Gặp gỡ cựu chiến binh tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ

70 năm đã trôi qua nhưng ký ức, kỷ niệm về tháng ngày tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí cựu chiến binh Lý Văn Ngoan (ảnh), hiện sinh sống tại thôn Đồng Tiến, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy.

Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục