(HBĐT) - Côn Đảo là quần đảo tiền tiêu gồm 16 hòn đảo lớn, nhỏ với tổng diện tích 76 km2 nằm ở phía Đông Nam của Tổ quốc, thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tổng dân số chỉ có hơn 7.000 người nhưng bình quân mỗi ngày hòn đảo xinh đẹp này đón gần 3.000 du khách. Thế mới biết giá trị lịch sử của Côn Đảo sống mãi với thời gian, miền đất thiêng liêng với sức sống quật cường, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam.


Chuồng Cọp là nơi giam cầm, tra tấn dã man hàng nghìn người tù chính trị.

Chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ, song dấu tích tội ác của thực dân, đế quốc vẫn làm nghẹn lòng du khách khi đến thăm hệ thống nhà tù Côn Đảo.

Phú Hải là trại giam lớn và cổ nhất, mang dấu tích của các thời kỳ lịch sử. Cùng với thời gian, trại giam nhuộm màu rêu phong. Tuy vậy, sự khắc nghiệt, đau thương vẫn hiển hiện trong các phòng giam tối tăm, ẩm thấp cùng hình tượng những người tù gầy còm, ốm yếu, chân tay bị xiềng xích khóa chặt. Những cây bàng có từ khi thực dân Pháp xây dựng các trại giam năm 1862 đến nay vẫn sừng sững đón gió biển, là minh chứng của tội ác chiến tranh cũng như sự kiên cường của các chiến sỹ cách mạng.

Dưới bóng bàng xanh mát, cô hướng dẫn viên khu di tích kể rằng, cây bàng gắn với đời sống của người tù Côn Đảo. Bị giam cầm trong đói khổ, thiếu thốn nên khi được ra ngoài, các bác thường bứt ngọn bàng non ăn để chữa bệnh đường ruột và ăn quả non mong có vitamin cho cơ thể. Chính từ gốc bàng to xù xì, các bác đã hình thành những hòm thư bí mật để cất giấu tài liệu trong tù và tuyên truyền chí khí cách mạng. Bởi vậy, nhà tù Côn Đảo được xem như trường đại học sau song sắt. Từ đây đã có rất nhiều người trở về trở thành cán bộ xuất sắc của Đảng, Nhà nước như các đồng chí Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn; Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng, Phạm Hùng; Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng...

Nói về hệ thống nhà tù Côn Đảo không thể không nói tới những khu Chuồng Cọp, Chuồng Bò oan nghiệt. Ở đây chế độ thực dân, đế quốc đã dùng các hình thức hèn hạ, bỉ ổi, dã man nhất để tra tấn tù chính trị.

Hôm nay đã mắt mờ, chân chậm, sức khỏe giảm sút nhiều do ảnh hưởng của vết thương chiến tranh, song ông Phan Hoàng Oanh, Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến tại nhà tù Côn Đảo vẫn còn nhớ lắm quá khứ đau thương mà oai hùng. Không biết đã bao nhiêu lần kể về cuộc sống của tù chính trị, vậy mà trong câu chuyện của ông vẫn có phút giây trầm lặng, giọng nghèn nghẹn. Quên sao được trong phòng giam Chuồng Cọp kiểu Pháp có chắn song sắt bên trên, phòng tắm nắng không có mái che là nơi chúng dùng để hành hạ, đàn áp gần 2.000 tù chính trị. Nếu tù nhân nào phản kháng thì bị cai ngục ở trên dùng cây sào chọc thẳng vào người, rồi đổ vôi, tạt nước bẩn tra tấn. Rồi khu biệt lập Chuồng Bò, chúng xây dựng với mục đích nuôi bò, lợn nhưng đã chuyển đổi một phần làm trại tù; một phần tiếp tục chăn nuôi để ngụy trang cho những kiểu tra tấn rùng rợn. Tại đây có hầm phân bò, địch đã bỉ ổi dùng ngâm người tù, đây là cách tra tấn dã man được phát hiện sau cùng.

Thăm hệ thống nhà tù Côn Đảo, thật xót xa, đắng lòng khi được nghe những câu chuyện của các nữ tù. Chúng giam từ 4 - 5 cô trong một phòng. Cuộc sống nữ tù chẳng khác gì nam tù nhân. Họ cũng bị tra tấn bằng vôi bột, đổ nước bẩn, chất thải vào người. Dã man hơn cả là chúng lợi dụng đặc điểm sinh lý của người phụ nữ để hành hạ thêm. Chúng tịch thu hết đồ dùng vệ sinh cá nhân, không cho ra ngoài tắm giặt. Thời gian lâu nhất kéo tới 53 ngày các cô không được tắm giặt. Trong 8 tháng bị giam ở Chuồng Cọp, địch chỉ cho nữ tù ăn chất tươi 1 - 2 lần, mà đó chỉ là những lá rau mồng tơi hay cọng muống già, chúng bỏ vào để các cô ăn sống. Do bị giam cầm quá khắc nghiệt và tình trạng vệ sinh kém mà có những nữ tù khi trở về đã mất đi khả năng, thiên chức làm mẹ của người phụ nữ.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, có trên 20.000 người đã nằm xuống tại Côn Đảo nhưng đến nay chỉ tìm được 1.922 phần mộ, trong đó có 714 phần mộ tìm được danh tính. Với tấm lòng tri ân những người đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, mỗi người đến Côn Đảo không thể không dành thời gian viếng nghĩa trang Hàng Dương, trong đó, có khu mộ của nữ anh hùng Võ Thị Sáu "người con gái Đất Đỏ kiên trung, bất khuất đã anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ”. Để rồi khi ra về vẫn nặng lòng cảm phục, biết ơn.

Trong chiến tranh, Côn Đảo là "địa ngục trần gian”. Ngày nay, quần đảo trở thành địa danh lịch sử cấp quốc gia này được ví như "Hòn ngọc phương Nam” bởi vẻ đẹp thơ mộng, kỳ vĩ, giàu tiềm năng với nhiều thắng cảnh, hệ sinh thái biển đa dạng, phong phú.

Trong không gian trong lành, mát rượi gió biển, không gì thú vị hơn khi được dạo bước trên những con đường sạch đẹp, rợp bóng bàng xanh nghe biển hát rì rào mà thấy lòng thư thái, cuộc sống bình yên đến lạ. Cầu tàu lịch sử 914 là điểm hẹn du lịch nằm tại trung tâm bãi biển chính của thị trấn Côn Đảo. Tên gọi Cầu tàu cũng chính là số người tù ngã xuống vì lao dịch, tai nạn trong quá trình khổ sai xây cầu. Nhưng cầu cũng là nơi chứng kiến những giờ phút vinh quang dịp đảo được giải phóng.

Được thiên nhiên ưu ái ban tặng, Côn Đảo hội tụ các dải san hô lớn với mật độ rất dày. Do vậy, du khách thích thú khi được trải nghiệm lặn dưới mặt biển để ngắm rặng san hô lấp lánh đủ sắc màu hoặc xem rùa đẻ trứng lúc hoàng hôn buông xuống. Nơi đây có vườn Quốc gia diện tích gần 6.000 ha trên đất liền và 14.000 ha mặt biển với nhiều loại cây và thú quý hiếm, luôn cuốn hút du khách khám phá. Sự kết hợp giữa rừng và biển đã giúp Côn Đảo không ngừng phát triển, trở thành một trong những thiên đường du lịch biển nổi tiếng trong nước và quốc tế. Ngoài du lịch, Côn Đảo còn là trung tâm ngư trường khai thác hải sản của Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh phía Nam. Đảo đã được đầu tư cảng cá Bến Đầm. Ngư trường Côn Đảo luôn sôi động bởi các dịch vụ hậu cần nghề cá. Có thời điểm, tàu của các tỉnh cập vào Côn Đảo lên tới 5.000 - 6.000 chiếc.

Hôm nay, dấu tích bi thương của tội ác chiến tranh vẫn còn đó trong những di tích lịch sử. Hàng cây bàng trăm tuổi vẫn còn kia, hiên ngang qua phong ba bão táp. Song Côn Đảo đã thay màu áo mới bởi cảnh sắc thiên nhiên đẹp nao lòng cùng cuộc sống bình yên, nhẹ nhàng, níu lòng du khách mãi nhớ về nơi luôn ngân vang khúc hát biển xanh.

Hoàng Nga


Các tin khác


Đổi thay nơi lòng chảo Điện Biên Phủ dưới góc nhìn của những “pho sử sống”

Trong ký ức của họ, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa cả vùng đất rộng lớn của cánh đồng Mường Thanh bị tàn phá nặng nề, hoang tàn, ngồn ngang vũ khí và bom đạn sau chiến tranh… Và nay, sau 70 năm nơi chiến trường xưa là một thành phố trẻ tràn đầy sức sống. Giữa nhộn nhịp của cuộc sống, những chiến sỹ Điện Biên năm xưa như những "pho sử sống” trao truyền cho thế hệ hôm nay ngọn lửa của lòng tự hào, tinh thần đấu tranh anh dũng, bất khuất của dân tộc...

Kiên cường lính nhà giàn DK1

Bất cứ ai có mặt trên sân thượng nhà giàn DK1/10 ở bãi cạn Cà Mau sáng đó chắc không thể nào quên: những gương mặt cương nghị, rắn rỏi đượm vị mặn mòi biển cả và những lời thề của cán bộ, chiến sĩ (CB,CS) nhà giàn trong buổi chào cờ. Gió lồng lộng thổi, nắng vàng rực rỡ. Dưới chân nhà giàn, những con sóng vẫn trào dâng như hòa điệu vào bài Quốc ca và lời tuyên thệ đanh thép của chỉ huy trưởng nhà giàn Nguyễn Đình Đức: "Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng. Xin thề...”.

Về “ Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc"

Những ngày tháng Tư lịch sử, đoàn cán bộ, hội viên Hội Nhà báo tỉnh Hoà Bình và 2 tỉnh Hưng Yên, Thái Nguyên có dịp về thăm "Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc” - An toàn khu (ATK) Định Hóa (Thái Nguyên). Chuyến đi mang nhiều ý nghĩa, giúp cán bộ, phóng viên, hội viên Hội Nhà báo các tỉnh được hiểu sâu hơn về lịch sử ATK Định Hóa nói riêng, lịch sử dân tộc nói chung.

Sài Gòn tháng Tư - Những sắc màu rực rỡ

Như một cơ duyên, cả 2 lần đến với Sài Gòn (thành phố Hồ Chí Minh) đều vào tháng Tư. Sài Gòn hoa lệ vào những ngày này được trang trí thêm cờ hoa, khẩu hiệu, tổ chức thêm nhiều sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4), Ngày Quốc tế lao động (1/5)… Bởi thế, lòng người cũng hân hoan, hứng khởi. Muốn đi thật nhiều, cảm nhận thật nhiều về một thành phố giàu lịch sử và văn hóa, một đô thị sôi động và luôn rực rỡ sắc màu.

Khát vọng cống hiến vì miền Nam ruột thịt

Cứ mỗi dịp tháng 4 hằng năm, những cựu binh tham gia kháng chiến chống Mỹ lại cùng tề tựu để nhớ về thời hoa lửa lên đường đi chiến đấu với nhiệt huyết và khát vọng cháy bỏng vì độc lập và thống nhất đất nước. Mỗi người một hoàn cảnh, người gác việc học hành, tạm biệt người yêu lên đường kháng chiến, người là con độc nhất trong gia đình viết đơn tình nguyện đi bộ đội, thanh niên xung phong… với tâm thế được tận hiến cho Tổ quốc.

Khởi sắc vùng chuyển dân lòng hồ sông Đà

Phương châm "nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ” được nhắc đi nhắc lại trong suốt hành trình triển khai Đề án ổn định dân cư, phát triển KT-XH vùng chuyển dân sông Đà. Cùng với những chính sách thiết thực, hiệu quả, những điều chỉnh kịp thời phù hợp với tình hình thực tế, đời sống nhân dân vùng tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện từng bước ổn định.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục