Thương binh Phạm Đình Chiều - tấm gương tiêu biểu về sự nỗ lực phấn đấu
Thứ năm, 28/7/2022 | 9:18:53 Sáng
(HBĐT) - Trở về từ Thành cổ Quảng Trị với thương tật mất 55% sức khoẻ, tuy nhiên, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ "thương binh tàn nhưng không phế", ông Phạm Đình Chiều, tiểu khu Hoa Lư, thị trấn Bo (Kim Bôi) chủ động phát triển kinh tế gia đình, tích cực tham gia các hoạt động tại khu dân cư. Với những nỗ lực không ngừng và những đóng góp tích cực, ông Chiều là 1 trong 7 thương binh của tỉnh dự hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu toàn quốc năm 2022.
Thương binh Phạm Minh Chiều (thứ 3 từ phải sang) tại lễ gặp mặt chiến sỹ thành cổ Quảng Trị.
Năm 1971, khi đang làm công nhân thuộc Xí nghiệp điện nước Hoà Bình, theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, ông Phạm Đình Chiều lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 18 tuổi. Được biên chế vào đơn vị D1 - E36 - F308, ông Chiều chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị trong những ngày chiến tranh ác liệt nhất. Cuối năm 1972, ông bị thương nặng ở đầu gối chân trái.
Nhớ lại những năm tháng ác liệt đó, ông Chiều cho biết: Tôi chiến đấu ở khu vực nhà 8 mái trong Thành cổ Quảng Trị. Thời điểm đó, bom mìn của Mỹ bắn phá kinh hoàng, cày xới từng m2 đất. Vì vậy, khi bị thương tôi đã thất lạc đơn vị 2 ngày. Khi đó tôi cũng xác định sẵn sàng đối mặt với mất mát, hy sinh. Rất may đồng đội tìm được và đưa tôi về trạm quân y tiền phương.
Sau một thời gian điều trị, ông Chiều được đưa trở về Bắc và cho học nghề. Với một bên chân bị thương nặng, mất 55% sức khỏe, ông Chiều quyết định học nghề may. Năm 1978, ông phục viên về địa phương. Mặc dù thường xuyên phải đối mặt với những cơn đau hành hạ do vết thương tái phát, nhưng ông Chiều vẫn tích cực tham gia hoạt động tại địa phương. Ông trở thành cán bộ thống kê, đo đạc ruộng đất, sau đó làm Phó Chủ tịch UBND, thư ký Thường trực HĐND thị trấn Bo. Vừa công tác vừa cống hiến, ông Chiều là một thương binh dám nghĩ dám làm. Trong điều kiện kinh tế vô cùng khó khăn, không thể trông chờ vào đồng lương ít ỏi của hai vợ chồng, ông quyết định cải tạo mảnh vườn hơn 8.000 m2 thành trang trại quy mô nhỏ. Vay vốn và tích cóp, ông đầu tư chăn nuôi lợn bản địa, gia cầm để xuất ra thị trường. Bên cạnh đó, ông đầu tư vào ngành dịch vụ vận tải để tăng thêm thu nhập cho gia đình. "Ban đầu là 1 đầu xe nhỏ chạy dịch vụ vận chuyển cho bà con, sau đó tôi mở rộng thêm kinh doanh các mặt hàng vật liệu xây dựng. Từ tích cóp nhỏ dần dần từng bước ổn định” - ông Chiều cho biết.
Không chỉ là thương binh "miệng nói tay làm”, sau khi nghỉ công tác tại UBND thị trấn Bo, ông còn tích cực tham gia công tác Đảng ở cơ sở. Từ năm 2003 đến nay, ông được khu dân cư tín nhiệm bầu làm Bí thư chi bộ khu Hoa Lư. Nhiều năm liên tục dẫn dắt khu dân cư phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, ông Chiều liên tục được công nhận là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được BTV Tỉnh ủy tặng bằng khen "đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liên tục”. Vừa là thương binh, vừa là nạn nhân chất độc da cam, tuổi đã cao nhưng ông Chiều vẫn luôn sâu sát cơ sở. Ông đã "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước. Ông tâm sự: Nhiều khi vết thương cũ tái phát, chân đi tập tễnh rất đau nhưng trách nhiệm bà con đã tín nhiệm, mình không thể không cố gắng. Tuy nhiên, được đi lại, trao đổi, trò chuyện với bà con trong khu, được phản ánh tình hình Nhân dân đến cấp ủy Đảng, chính quyền nghĩa là còn được cống hiến thấy mình khỏe mạnh hơn, bớt đau và tin tưởng nhiều hơn.
Với những nỗ lực cống hiến không ngừng nghỉ, thương binh Phạm Đình Chiều là tấm gương sáng cho các con, cháu. Noi gương ông, các con của ông đều tích cực học tập, phấn đấu trưởng thành, có công việc ổn định, cống hiến cho xã hội trên nhiều cương vị công tác. Ông Chiều là đảng viên uy tín, thương binh tiêu biểu không chỉ được biết đến ở thị trấn Bo mà còn là gương điển hình tiên tiến toàn tỉnh. Kỷ niệm 75 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, ông vinh dự là 1 trong 7 thương binh, người có công với cách mạng đại diện cho thương binh, gia đình liệt sỹ của tỉnh tham dự hội nghị biểu dương người có công tiêu biểu cả nước được tổ chức tại Hà Nội.
(HBĐT) - Tiên phong trồng chuối nuôi cấy mô trên quy mô lớn, chàng thanh niên Trần Trung Đức, xã Liên Sơn (Lương Sơn) đã có diện tích nguyên liệu chuối ổn định cùng xưởng sơ chế, giấm chuối bằng công nghệ hiện đại. Mô hình HTX trồng và sản xuất chuối theo tiêu chuẩn VietGAP quy mô lớn của anh Đức đã mang đến nguồn thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn huyện.
(HBĐT) - Hưởng ứng Chương trình "1 triệu sáng kiến - nỗ lực vượt khó, sáng tạo, quyết tâm chiến thắng đại dịch Covid-19” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, chị Vũ Thị Sâm, Chủ tịch Công đoàn kiêm Trưởng phòng nhân sự Công ty TNHH GGS Việt Nam (khu công nghiệp bờ trái sông Đà - TP Hòa Bình) đã có những đổi mới, sáng tạo, hiệu quả trong hoạt động công đoàn tại doanh nghiệp (DN) FDI. Qua đó góp phần đảm bảo chế độ, chính sách cho trên 700 công nhân lao động (CNLĐ), thúc đẩy phát triển DN bền vững.
(HBĐT) - Bao năm nay, người dân xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc quen với hình ảnh bác sỹ Phạm Trọng Tươi tận tụy với công tác khám, chữa bệnh. Hình ảnh của anh đã in sâu trong lòng mọi người và được gọi với cái tên trìu mến: Bác sỹ của vùng cao.
(HBĐT) - Sinh ra và lớn lên ở xã Pà Cò (Mai Châu), Sùng Y Múa may mắn hơn nhiều người con gái Mông khác là được đi học lên cao. Sau khi học xong, Y Múa trở về làm ở trạm y tế. Không chỉ là một nữ hộ sinh mát tay, Y Múa còn là người kinh doanh giỏi, tạo việc làm cho bà con người Mông ở xã Hang Kia, Pà Cò.
(HBĐT) - Bị tai nạn giao thông, liệt nửa người, anh Lê Huy Tích, phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) không cam chịu số phận, bền bỉ phấn đấu trở người có ích cho xã hội. Anh là chủ cơ sở sản xuất xe lăn đầu kéo điện dành cho người khuyết tật và người già, truyền cảm hứng cho những người không may mắn trên hành trình tái hòa nhập cộng đồng, sống có ích cho xã hội.
(HBĐT) - Kịp thời ghi nhận hành động đẹp, nhặt được của rơi trả lại người đánh mất của 6 em học sinh trường Tiểu học Lý Tự Trọng (thành phố Hòa Bình), sáng 24/4, Thành Đoàn, Hội Đồng đội thành phố Hòa Bình đã trao giấy khen, biểu dương 6 em học sinh có thành tích trong phong trào "Nghìn việc tốt”.