Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân  xã Toàn Sơn (Đà Bắc) trong lần về thăm và làm việc  tại tỉnh ta tháng 11/2011. (ảnh: T.L)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhân dân xã Toàn Sơn (Đà Bắc) trong lần về thăm và làm việc tại tỉnh ta tháng 11/2011. (ảnh: T.L)

(HBĐT) - Nhân dịp kỷ niệm 83 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2013) và đón năm mới Quý Tỵ, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân với mong muốn gửi tới toàn Đảng, toàn dân ta quyết tâm mới nhằm xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch-vững mạnh, xứng đáng là niềm tin, niềm tự hào của cả dân tộc. Báo Hòa Bình xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

 

PV: Thưa đồng chí Tổng Bí thư, năm 2012 đã đi qua với biết bao sự kiện quan trọng của đất nước. Trong đó, NQT.ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã được cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân đón nhận với sự quan tâm đặc biệt nhất. Xin đồng chí vui lòng cho biết vì sao Nghị quyết lại có sức hút như vậy?

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Năm 2012, BCHT.ư, Bộ Chính trị khóa XI đã bàn, quyết định nhiều vấn đề hệ trọng và ban hành một số nghị quyết, chỉ thị, kết luận. Trong đó, NQT.ư 4 về xây dựng Đảng đã trở thành tâm điểm, được cả xã hội chú ý. Ngay những ngày T.ư đang họp, dư luận đã quan tâm đến các nội dung xây dựng Đảng mà Hội nghị sẽ bàn. Việc ban hành Nghị quyết này có nhiều lý do; đó là do yêu cầu thường xuyên, tất yếu của công tác xây dựng Đảng, nhất là trong điều kiện một Đảng duy nhất cầm quyền; do đòi hỏi của nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới… Đặc biệt, không thể không nói đến một lý do nữa là bên cạnh những thành tựu đạt được trong công cuộc đổi mới đất nước, Đảng ta còn nhiều yếu kém, khuyết điểm. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cấp cao suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng; tham nhũng, quan liêu, sa vào chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi mà quên lợi ích chung của dân tộc, của nhân dân và của Đảng. Nhiều yếu kém, bật cập trong công tác cán bộ chậm được khắc phục; tình trạng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng xảy ra ở không ít nơi… Một số yếu kém, khuyết điểm chưa được khắc phục, có mặt diễn biến phức tạp hơn. Đó thật sự là những vấn đề không thể xem thường đối với Đảng, là nỗi niềm của toàn dân, đòi hỏi cần tập trung sức lãnh đạo làm chuyển biến tình hình.

 

Chúng ta biết, từ khi thành lập đến nay, trong mọi hoàn cảnh, kể cả khi Đảng còn hoạt động bí mật, khi vận mệnh của đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, Đảng luôn luôn là người dẫn đường, là chỗ dựa vững chắc, là niềm tin, niềm tự hào của cả dân tộc. Chính vì lẽ đó, những yếu kém trong Đảng không chỉ làm giảm lòng tin mà còn là nỗi trăn trở, băn khoăn, lo lắng của mỗi người dân Việt Nam. Nghị quyết đã đề cập đúng, trúng những vấn đề cấp bách để chỉnh đốn Đảng. Đảng có vững mạnh mới lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước thành công, lòng dân mới yên. Nghị quyết tạo được sức hút đặc biệt là vì thế.

 

PV: Nghị quyết đã ban hành được một năm, xin đồng chí Tổng Bí thư cho biết cảm nhận về kết quả bước đầu thực hiện Nghị quyết đặc biệt quan trọng này.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Với quyết tâm chính trị cao nhất, ngay sau khi Nghị quyết được ban hành, các cấp ủy Đảng từ T.ư đến cơ sở đã quán triệt sâu sắc tới các tổ chức Đảng, cán bộ và đảng viên về quan điểm, nội dung cơ bản; mục tiêu, phương châm, giải pháp thực hiện. Có thể nói, ít đợt sinh hoạt chính trị nào được chỉ đạo chặt chẽ, tổ chức chu đáo và quán triệt sâu rộng như thế. Trung ương còn tổ chức để các đồng chí nguyên là cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước đóng góp ý kiến cho cá nhân và tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Những ý kiến đóng góp đều rất tâm huyết, trách nhiệm và là một kênh thông tin quý giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư xây dựng báo cáo kiểm điểm. Sau hơn 2 tháng chuẩn bị, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã dành 21 ngày, chia làm 4 đợt để kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Các vấn đề bức xúc, nổi cộm đều được đặt ra phân tích, mổ xẻ nghiêm túc, thấu đáo trong không khí dân chủ, thẳng thắn và chân thành. Qua đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thấy rõ một số khuyết điểm lớn tồn tại từ nhiều khóa, như chưa ngăn chặn, khắc phục được tình trạng tham nhũng, tiêu cực trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Một số cán bộ cấp cao, kể cả đang công tác hoặc đã nghỉ, có lúc, có việc biểu hiện chưa gương mẫu về đạo đức, lối sống, nói không đi đôi với làm. Việc chỉ đạo tổ chức thực hiện một số nghị quyết, kết luận của T.ư, nhất là đối với doanh nghiệp Nhà nước còn lúng túng, buông lỏng; công tác kiểm tra, giám sát không chặt chẽ dẫn đến một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, mà điển hình là Vinashin, Vinalines hoạt động kém hiệu quả, có nhiều sai phạm nghiêm trọng, gây thất thoát lớn tài sản Nhà nước. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã nghiêm túc tự phê bình và thành thật nhận lỗi trước BCHT.ư và BCHT.ư nhận lỗi trước toàn Đảng, toàn dân. Không có đợt kiểm điểm này chắc không thể có nhận thức sâu sắc như vậy.

 

Các cấp ủy, tổ chức Đảng, ban cán sự Đảng, đảng đoàn, các cơ quan, đơn vị cũng đã kiểm điểm nghiêm túc, nhận rõ yếu kém, khuyết điểm và đề ra các biện pháp khắc phục.

 

Có thể nói, đây là đợt sinh hoạt chính trị đặc biệt sâu sắc và bổ ích. Những yếu kém nêu trong Nghị quyết không phải bây giờ mới có. Nhiều nghị quyết của Đảng đã chỉ ra và đã được chỉ đạo khắc phục nhưng hiệu quả chưa được như mong muốn. Lần này được làm với sự thống nhất rất cao, quyết tâm rất lớn. Qua kiểm điểm đã cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực, cơ hội chủ nghĩa, từng bước làm lành mạnh tư tưởng cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng. Tin rằng kết quả bước đầu này sẽ tạo đà cho chúng ta thực hiện tốt hơn những nội dung, yêu cầu mà NQT.ư 4 đã nêu.

 

PV: Thưa Tổng Bí thư, hiên nay vẫn còn tâm trạng băn khoăn, cho rằng đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình vừa qua, rất ít cán bộ phải xử lý kỷ luật?

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Băn khoăn ấy phần nào có lý, vì nhân dân ta luôn luôn lo cho Đảng, luôn bức xúc trước những hiện tượng tiêu cực, mong muốn Đảng sớm giải quyết dứt điểm. Song cũng cần thấy rằng, những yếu kém đó là những vấn đề rất phức tạp, dồn nén, tồn đọng từ lâu, không thể khắc phục một sớm, một chiều; không thể qua một đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình là khắc phục ngay được mà phải làm kiên trì bằng nhiều biện pháp trong cả nhiệm kỳ này và những nhiệm kỳ tiếp theo. Vì đó là vấn đề về tổ chức, là vấn đề liên quan đến sinh mệnh chính trị của con người, cho nên phải làm thận trọng, có lý, có tình. Có ý kiến cho rằng, kiểm điểm mà không kỷ luật đưược ai thì không thành công, coi như hòa cả làng. Cần bình tĩnh để nghĩ cho thấu đáo. Phương châm thực hiện Nghị quyết là kiểm điểm, phê bình nghiêm túc, thẳng thắn, nhưng trước hết không phải cốt để kỷ luật mà cái chính là giúp nhau thấy rõ khuyết điểm, sửa chữa, cùng tiến bộ. Còn những trường hợp cố tình che giấu, không nhận khuyết điểm, không chịu sửa chữa thì phải xử lý nghiêm minh.

 

Thời gian thực hiện chưa nhiều, kết quả đạt được mới là bước đầu nhưng rõ ràng tinh thần của Nghị quyết đã “thấm” vào các tổ chức Đảng, các cơ quan, đơn vị và từng cán bộ, đảng viên. Kỳ họp thứ 4 vừa qua của QH khóa XIII đã thông qua nghị quyết lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn cũng là triển khai thực hiện  NQT.ư 4 về xây dựng Đảng. Mặt khác, Nghị quyết đề ra 4 nhóm giải pháp, chứ không chỉ có tự phê bình và phê bình. Mà kiểm điểm, tự phê bình và phê bình rồi không có nghĩa là xong. Đây là bước rất quan trọng, vì đã bắt đúng “bệnh”, nhưng quan trọng hơn là “trị bệnh” cứu người, phải có kế hoạch, giải pháp thật cụ thể mới khắc phục được. Việc khắc phục cũng phải có thời gian, bằng nhiều biện pháp bởi có những yếu kém có thể khắc phục được ngay; có những yếu kém đã kéo dài, ăn sâu vào ý thức thì cần có thời gian mới thay đổi được. Đối với những vụ việc bức xúc, nổi cộm cũng vậy, cần có thời gian điều tra, xác minh, kết luận rõ đúng, sai mới có cơ sở xử lý. Nghị quyết cũng nêu rõ, để giải quyết một số vấn đề cấp bách phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về tổ chức cán bộ và sinh hoạt Đảng; về cơ chế, chính sách; về giáo dục chính trị, tư tưởng. Hết sức đề phòng và chống tư tưởng làm qua loa, chiếu lệ, thậm chí không chỉ nhận lỗi, xin lỗi là xong. Điều quan trọng là phải sửa chữa.

 

Thực hiện NQT.ư 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng phải gắn với tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo tinh thần Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị và các nhiệm vụ khác của công tác xây dựng Đảng; gắn công tác xây dựng Đảng với thực hiện các chương trình phát triển KT-XH.

 

PV: Để thực hiện Nghị quyết, nhóm giải pháp được đặt lên hàng đầu là tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong, gương mẫu của cấp trên. Thưa đồng chí Tổng Bí thư, làm thế nào để phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu?

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Bác Hồ đã nói, một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền. Lãnh đạo bằng sự nêu gương là một trong những phương thức hiệu quả nhất. Trong xã hội, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”; trong Đảng, cấp ủy phải nêu gương cho đảng viên; bí thư nêu gương cho cấp ủy. Người đứng đầu thật sự là tấm gương sáng, cấp dưới sẽ lấy đó để soi, còn nếu là “gương mờ” thì không ai tôn trọng, chứ nói gì đến noi theo.

 

Trong Chỉ thị số 15, ngày 24/2/2012 của Bộ Chính trị và Quy định số 101, ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư đã nói rõ về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp trong thực hiện NQT.ư 4. Người đứng đầu phải thật sự là tấm gương sáng về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong công tác, thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng. Đương nhiên, như thế cũng chưa đủ mà còn phải kết hợp sự tự giác của cán bộ với sự quản lý của cơ quan cấp trên, sự giám sát của cấp ủy, của nhân dân, của các tổ chức chính trị - xã hội…

 

Để nêu gương trong tự phê bình và phê bình là rất khó. Bởi lẽ thường, không ai tự nhận mình yếu kém, có khuyết điểm nhiều hơn người khác, nhất là khi nói về suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Thực tế, có người nói rất hay nhưng trong đầu lại nghĩ khác, làm khác, chung quy chỉ vì danh lợi cá nhân. Cán bộ lãnh đạo, quản lý càng sợ nói về yếu kém, khuyết điểm của mình, thậm chí là che giấu vì sợ “mất uy tín”. Thực chất đó cũng là biểu hiện của suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mà Nghị quyết đã nêu. Nhưng để chỉ ra một bộ phận không nhỏ cán bộ suy thoái nằm ở đâu, chiếm bao nhiêu phần trăm thì quả thật không đơn giản. Bởi vì chúng ta đều biết, trong mỗi con người đều có mặt tốt, mặt xấu; đều có cái thiện, cái ác. Hai mặt đó luôn luôn đấu tranh với nhau. Cái xấu, cái ác luôn muốn lấn át cái tốt, cái thiện mỗi khi có cơ hội. Trong điều kiện kinh tế thị trường, những mặt trái của nó là môi trường để làm cho cái xấu sinh sôi nảy nở, thậm chí nhiều khi như một loại virút mà mục tiêu của chúng là nhằm vào những người có chức, có quyền. Nếu không tự tu dưỡng, rèn luyện, không được tập thể thường xuyên giúp đỡ, quản lý và thực hiện nghiêm túc tự phê bình và phê bình thì rất dễ bị cái xấu, cái ác lấn át; rất dễ bị sa ngã. Cán bộ có cương vị cao, nắm giữ trọng trách lớn mà sa ngã thì tác hại càng lớn. Những người hoạch định chính sách mà sa ngã, để cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm chi phối thì nguy hiểm biết chừng nào!

 

PV: Nhân dịp năm mới, xin Tổng Bí thư có đôi điều gửi gắm đến đồng bào, đồng chí cả nước.

 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Xuân Quý Tỵ đã về tràn đầy niềm tin và sức sống mới, nhưng cũng còn không ít khó khăn, thử thách ở phía trước. Tôi mong rằng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, luôn vững niềm tin vào Đảng. Có niềm tin, có ý chí, quyết tâm cao và có quyết sách đúng, cách làm đúng thì chúng ta sẽ vượt qua mọi thách thức. Chúc đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước bước vào năm mới luôn vững niềm tin, đoàn kết một lòng, phấn đấu vì một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

 

PV: Xin trân trọng cảm ơn Tổng Bí thư.

 

 

 

Các tin khác


Lễ Thượng cờ ''Thống nhất non sông'' tại Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Sáng 30/4, tại Kỳ đài ở khu Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông” nhân dịp Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), 52 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2024).

Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Chuyển động trong công tác xây dựng Đảng

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, lấy sản phẩm để đánh giá năng lực cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhờ vậy đã tạo nên sự chuyển động của bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Nhịp sống mới ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Đà Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, đất và người Đà Bắc luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục