(HBĐT) - Không có nước để gieo cấy, nhiều năm qua, nông dân ở xóm Cha Long, xã Tòng Đậu (Mai Châu) chuyên canh trồng rau sạch với nhiều sản phẩm đa dạng. Hướng đi này không chỉ biến khó khăn thành lợi thế mà còn đem lại kết quả thiết thực giúp bà con xóm Cha Long nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

 

Cha Long là bản của người Thái với 76 hộ dân, 302 nhân khẩu. Xóm được bao bọc phía sau bởi sắc xanh của những dãy núi trùng điệp, phía trước hướng ra cánh đồng khá bằng phẳng, là nơi sản xuất chính của người dân. Thế nhưng, nguồn nước khan hiếm, sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào nước mưa. “Cái khó ló cái khôn”, nhận thấy không thể gắn bó với cây lúa, cách đây khoảng 10 năm, người dân trong xóm đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Một trong những hướng đi được lựa chọn là trồng các loại rau, củ. Nhờ sự cần cù chịu khó, ham học hỏi, 5 năm trở lại đây, mùa nào thức nấy, cánh đồng của Cha Long lúc nào rau cũng xanh mướt.

 

 

Trồng rau sạch góp phần giúp người dân xóm Cha Long, xã Tòng Đậu (Mai Châu) giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM.

 

Những ngày này, nông dân xóm Cha Long tích cực làm đất, gieo vụ rau mới. Chị Hà Thị In đang xới đất, vun lại luống rau đã thu hoạch để chuẩn bị trồng dưa hấu. Cạnh đó, những luống xà lách, tầm bóp, rau dền và rau chuôi (một loại rau bản địa) đã xanh tốt, sắp đến kỳ thu hoạch. Chị In cho biết: “Nhiều năm nay, gia đình tôi duy trì trên 1.000 m2 đất ruộng để trồng rau. So với trồng lúa, ngô thì hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều lần. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, chúng tôi đưa vào trồng nhiều loại rau, củ khác nhau, đồng thời, tìm và trồng những loại giống mới mà khách hàng ưa chuộng. Cứ thu xong lứa này, lại trồng lứa khác, luân phiên trong năm nên mùa nào

cũng có rau bán”.

 

Ở ruộng phía trên, bà Vì Thị Lá đang đánh tơi đất để chuẩn bị trồng lại rau tầm bóp. “Nếu có nước thì trồng lúa cũng không hiệu quả bằng trồng rau. Hiện nay, ở mỗi ruộng, chúng tôi đều xây bể nhỏ để dẫn bơm từ nước giếng ở nhà ra tưới rau. Đầu ra cho sản phẩm chưa ổn định vì nhiều hôm, chúng tôi vẫn phải đem rau ra chợ bán, thực trạng được mùa, mất giá vẫn khá phổ biến. Chưa kể rau từ nhiều nơi khác không rõ nguồn gốc, xuất xứ cũng được nhập về bán tràn lan, tạo ra sức cạnh tranh lớn. Chúng tôi rất mong các cấp chính quyền quan tâm, hỗ trợ kết nối về đầu ra cho sản phẩm cũng như hỗ trợ về kỹ thuật, phân bón để cây rau đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn nữa”, bà Lá chia sẻ.

 

Đến nay, diện tích trồng rau của xóm Cha Long có 5,5 ha. Trước sức cạnh tranh đến từ các loại rau, củ khác, ông Lò Văn Hưng, Trưởng xóm cho biết: “Để cạnh tranh được, chúng tôi xác định phải lấy chất lượng để tạo nên uy tín. Từ trước đến giờ, rau Cha Long vốn được ưa thích vì sản phẩm an toàn, không sử dụng các loại thuốc kích thích, thuốc bảo vệ thực vật. Vừa qua, xóm nhận được sự hỗ trợ của Phòng NN & PTNT để xây dựng xóm chuyên canh rau sạch. Trong đó, huyện hỗ trợ men vi sinh để bà con ủ phân cũng như hướng dẫn sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng, trừ sâu, bệnh cho rau”.

 

Theo đồng chí Lò Thị Thủy, Phó Chủ tịch UBND xã Tòng Đậu cho biết: Năm 2015, xã Tòng Đậu đã cán đích NTM, trong đó, nhờ khai thác tốt thế mạnh, xóm Cha Long là 1 trong những xóm có thu nhập ổn định nhất xã. Với sự hỗ trợ từ Phòng NN & PTNT sẽ thúc đẩy mô hình phát triển cũng như giúp bà con nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm chi phí chăm sóc. “Với hiệu quả mô hình, sắp tới, xã khuyến khích bà con tiếp tục nhân rộng diện tích, kết hợp giữa mô hình trồng rau sạch với phát triển dịch vụ du lịch để giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí NTM đã đạt được”, đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã nhấn mạnh.

 

 

                                                                                           Viết Đào

 

Các tin khác


Huyện Lạc Thuỷ huy động trên 137 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Thuỷ, trong quý I/2024, tổng nguồn vốn huy động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện là 137,3 tỷ đồng.

Huyện Mai Châu chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Thời tiết đang chuyển sang nắng nóng, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi. UBND huyện Mai Châu đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn phối hợp các địa phương chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống, giảm thiểu thiệt hại do dịch bệnh gây ra cho đàn vật nuôi.

Quý I, giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 15% kế hoạch

Kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2024 của tỉnh Hòa Bình được Thủ tướng Chính phủ giao 3.430,661 tỷ đồng. Số vốn được HĐND tỉnh thông qua là 3.763,925 tỷ đồng và đã được UBND tỉnh giao chi tiết đến các dự án đạt 100% kế hoạch vốn giao.

Xuất khẩu trên 7 tấn ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc

Ngày 28/3, Sở NN&PTNT phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư thương mại Tiến Ngân - TP Hòa Bình (Công ty Tiến Ngân); Công ty Tomas Trade Co.ltd (Hàn Quốc) tổ chức Hội thảo đánh giá kết quả chuỗi sản xuất - xuất khẩu sản phẩm ớt muối chua sang thị trường Hàn Quốc và xuất khẩu 7,5 tấn ớt muối chua sang thị trường này.

Tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập và hợp tác quốc tế

Chiều 28/3, tại Sở Thông tin và Truyền thông, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức hội nghị tập huấn công tác tuyên truyền về hội nhập và hợp tác quốc tế. Dự hội nghị có đồng chí Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông.

Huyện Kim Bôi dồn sức thực hiện công tác quy hoạch

"Hiện nay, huyện Kim Bôi đang tổ chức lập 23 đồ án quy hoạch (ĐAQH) gồm: ĐAQH chung đô thị Bo huyện Kim Bôi đến năm 2045; 20 ĐAQH phân khu và 1 ĐAQH chi tiết; UBND các xã tổ chức lập 12 ĐAQH chi tiết điểm dân cư nông thôn. Huyện xác định, sau khi được phê duyệt, các đồ án nói trên sẽ thúc đẩy phát triển KT-XH, làm cơ sở để kêu gọi, thu hút đầu tư, là công cụ pháp lý quan trọng để quản lý và huy động các nguồn lực phát triển...”- đồng chí Trần Tuấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi cho biết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục