(HBĐT) - Dù việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (XD NTM) ở xã Miền Đồi (Lạc Sơn) đến nay được 6 năm, tuy nhiên xã mới hoàn thành 8 tiêu chí. Để đạt được 11 tiêu chí còn lại, xã vùng cao này đang có nhiều thách thức, trong khi tốc độ phát triển kinh tế của xã còn chậm, tỷ lệ hộ nghèo cao, hệ thống cơ sở hạ tầng nhiều khó khăn.


Nằm cách trung tâm huyện Lạc Sơn 20 km, xã Miền Đồi là 1 trong 8 xã đặc biệt khó khăn của huyện. Đồng chí Bùi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Miền Đồi cho biết: "Toàn xã có 905 hộ dân với 4.207 nhân khẩu. Triển khai thực hiện chương trình XDNTM từ năm 2012 nhưng đến nay, thu nhập bình quân chỉ đạt 16 triệu đồng /người/năm. Xã mới hoàn thành 8 tiêu chí gồm: Quy hoạch, hệ thống thủy lợi, điện, giáo dục, y tế, cơ cấu lao động, hệ thống chính trị xã hội vững mạnh, an ninh trật tự xã hội”.

 


Đường giao thông liên xóm Thây - Vôi, xã Miền Đồi (Lạc Sơn) nhiều dốc cao, hiểm trở, đi lại rất khó khăn, nhất là mùa mưa.

 

Để thực hiện 11 tiêu chí chưa hoàn thành, xã đang gặp nhiều khó khăn, trong đó có tiêu chí về đường giao thông nông thôn. Trên địa bàn có khoảng 25 km đường liên xã, đến nay mới cứng hóa được hơn 10 km, trong đó, 2/3 đường bê tông ở xã được Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng. Còn lại phần lớn đường giao thông ở các xóm vẫn là đường đất, sỏi, nhất là đoạn đường giao thông liên xóm Thây - Vôi (1,5 km), xóm Vôi - Dóm (3 km)... chủ yếu là đường đất, dốc cao, hiểm trở. Tỷ lệ hộ nghèo của xã còn ở mức 60,7% nên rất khó huy động nguồn lực từ nhân dân.

Do địa hình đồi núi, đường giao thông rất dốc nên việc vận chuyển, giao thương hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Để bán được nông sản, người dân phải đi hơn chục cây số đường đèo dốc. Vào mùa mưa, nước từ trên núi chảy xuống như thác, đường trở nên trơn trượt, hiểm trở, thậm chí một số đoạn xảy ra sạt lở dẫn đến một số nơi bị cô lập hoàn toàn. Bên cạnh đó, dân cư sinh sống thưa thớt, nên muốn làm được đường bê tông đòi hỏi phải có nguồn kinh phí rất lớn.

Đồng chí Bùi Văn Thủy, Bí thư chi bộ xóm Vôi cho biết: "Đường sá đi lại khó khăn nên hạt ngô, hạt gạo người dân làm ra nếu không mang ra ngoài bán mà để tư thương đến thu mua thì giá giảm mất 1.000 - 2.000 đồng so với thị trường, nhất là trẻ con đi học khi trời mưa, dốc cao lại trơn trượt, phụ huynh ai nấy đều lo lắng”.

Không chỉ loay hoay với bài toán khó về giao thông, tiêu chí thu nhập và hộ nghèo cũng là những trở ngại lớn của Miền Đồi bởi cơ cấu kinh tế nông nghiệp vẫn chiếm chủ yếu. Nguồn sống chính của người dân nơi đây từ cây ngô, lúa nhưng do phần lớn diện tích đất ở xã là đồi núi, không chủ động được nguồn nước tưới nên việc sản xuất nông nghiệp không được thuận lợi. Bên cạnh đó, do địa hình dốc, chủ yếu là ruộng bậc thang nên khó đưa cơ giới hóa vào nông nghiệp, khiến cho năng suất lao động thấp. Thời gian qua, xã đã thực hiện nhiều giải pháp khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế vườn đồi, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là phát triển số lượng đàn gia súc, gia cầm. Tuy nhiên do thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật, các mô hình nhỏ lẻ, manh mún nên những giải pháp này vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả.

Việc thiếu nguồn vốn đầu tư cũng là một trong những nguyên nhân chính khiến việc xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông ở xã Miền Đồi gặp nhiều khó khăn. Thời gian qua, xã đã thực hiện lồng ghép các nguồn vốn tập trung để đầu tư xây dựng, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân đóng góp sức người, sức của xây dựng hạ tầng cơ sở nhưng do đời sống còn nhiều khó khăn nên sự đóng góp của nhân dân vẫn còn hạn chế. Kinh phí thực hiện chương trình hầu như phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vốn hạn hẹp được phân cấp hàng năm. Số tiền này quá ít so với nhu cầu đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng. Điều này cũng khiến xã khó hoàn thành được một số tiêu chí đòi hỏi phải có nguồn kinh phí lớn như: cơ sở vật chất văn hóa, trường học, công trình nước sạch...

Trước những khó khăn đó, đồng chí Bùi Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Miền Đồi cho biết thêm: "Để hoàn thành được các tiêu chí trong chương trình XDNTM, bên cạnh sự quyết tâm, nỗ lực của chính quyền và người dân cần có sự quan tâm kịp thời của các cấp, ngành trong việc đầu tư phát triển kinh tế, hỗ trợ vốn xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, giúp người dân tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi và các loại cây, con giống để phát triển kinh tế. Qua đó thúc đẩy phát triển KT - XH góp phần hoàn thành các tiêu chí trong XDNTM”.


                                                                                                            Hoàng Anh


Các tin khác


Thành phố Hòa Bình tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu về nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, với nhiều dự án, công trình trọng điểm được triển khai, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục