Thời gian qua, việc giải ngân cho các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là nông nghiệp sạch tại nhiều địa phương gặp nhiều khó khăn do vướng về thủ tục đất đai và nhiều quy định phức tạp khác. Làm thế nào giúp nông dân dễ dàng tiếp cận nguồn vốn để phát triển kinh tế nông nghiệp đang là bài toán đặt ra với các tổ chức tín dụng và các cấp chính quyền.


Từ nguồn vốn nhận ủy thác của Hội Nông dân, nhiều hộ nông dân ở phường Võ Cường, TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) đầu tư trồng rau, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Nông dân khát vốn

Là chủ một hợp tác xã (HTX) nuôi lợn hữu cơ (organic) với doanh thu từ 12 đến 13 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ 3 đến 3,5 tỷ đồng mỗi năm, ông Tô Hiến Thành, trú tại thôn Danh Thượng 2, xã Danh Thắng, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang vừa được bình chọn là nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2017. Nhưng mới đây, ông Thành đã phải viết thư kiến nghị tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) với lý do: Gia đình ông và HTX thiếu vốn để mở rộng sản xuất, nhưng lại không vay được vốn ngân hàng, phải vay tín dụng "đen” khiến việc sản xuất chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 2000, gia đình ông Thành thuê thầu khu đất rộng 34.269 m2 của thôn Danh Thượng, xã Danh Thắng; thời hạn 30 năm, với số tiền 21,7 triệu đồng. Từ đó đến nay, gia đình làm kinh tế trang trại và đầu tư các hạng mục cơ sở hạ tầng với số tiền từ 15 đến 17 tỷ đồng vào khu đất. Bước đầu, việc kinh doanh đã có lãi, thuê được công nhân để có thể sản xuất quy mô lớn. Từ nuôi lợn sạch theo chu kỳ khép kín, trang trại của gia đình ông Thành đã chống chọi được đợt khủng hoảng do giá thịt lợn xuống thấp vừa qua.

Tuy nhiên, khi gia đình ông Thành cần vốn để phát triển, mở rộng quy mô thì hợp đồng thuê đất cũng như tài sản trên khu đất lại không được thế chấp để vay vốn ngân hàng, vì khu đất đó không có quyền sử dụng đất. Do đó, ông phải vay ngoài (tín dụng "đen”) với lãi suất khoảng 2-3%/tháng, gần gấp ba lần lãi suất ngân hàng. Ông Thành trăn trở: "Khó khăn về vốn do ngân hàng không đồng ý thế chấp tài sản là đất đai khiến tôi phải "gõ cửa” một số sở, ngành và chính quyền địa phương của tỉnh Bắc Giang. Nhưng tất cả chỉ hứa sẽ kiến nghị xem xét, chưa đơn vị nào đứng ra giải quyết. Những khó khăn hiện nay của tôi là phổ biến với các HTX, tổ HTX, các nông dân sản xuất giỏi. Nếu không giải được bài toán về vốn, HTX của tôi sẽ không bứt phá được”.

Có mặt tại trang trại của ông Nguyễn Văn Khương ở thôn 12, xã Hương Lạc, huyện Lạng Giang, chúng tôi được biết, ông Khương đang có ngôi nhà trị giá hơn bốn tỷ đồng, nhưng muốn thế chấp để vay khoản tiền hai tỷ đồng cho trang trại chăn nuôi mà không được do rắc rối trong việc hoàn thiện thủ tục xác nhận quyền sở hữu tài sản trên đất.

Lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) (Agribank) chi nhánh Bắc Giang cho biết, vướng mắc lớn nhất trong giải ngân vốn liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu tài sản trên đất. Hầu hết các chi nhánh Agribank trên địa bàn huyện chỉ nhận tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất do khách hàng gặp khó khăn trong quá trình làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Thường thủ tục này mất một đến hai tháng, thậm chí có trường hợp mất đến ba năm vẫn chưa xong. Đến thời điểm này, ở Bắc Giang đang có 106 khách hàng cần cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất để vay vốn, nhưng ngân hàng không thể giải ngân vì vướng nhiều thủ tục.

Địa phương tạo vốn giúp dân

Tìm hiểu thực tế tại trang trại bò của gia đình ông Nguyễn Văn Can, ở thôn Hoàn Dương, xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, chúng tôi được biết: Khu đất 6 ha được ông Can thuê và đầu tư xây dựng trang trại khá bài bản, chủ yếu bằng vốn vay ngân hàng. Số bò giống hiện có là 90 con, do ông trực tiếp vào miền nam, lên Ba Vì, qua Vĩnh Phúc để mua. Từ tháng 2-2016, việc khai thác sữa được tiến hành với sản lượng sữa tăng từ 150 kg lên đến 800 kg/ngày; giá sữa bán hiện tại là 12 đến 14 nghìn đồng/kg. Mùa đông, đàn bò cho lợi nhuận 50 đến 70 triệu đồng/tháng. Do hiện dư nợ của ông tại Agribank chi nhánh Duy Tiên là 2,8 tỷ đồng. Sắp tới, ông sẽ mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh và đã được lãnh đạo Agribank Duy Tiên cam kết sẽ hỗ trợ tối đa với những ưu đãi về lãi suất, thời hạn cho vay trong chương trình sản xuất nông sản sạch.

Tại Bắc Ninh, lĩnh vực nông nghiệp đang có những khởi sắc mới từ nguồn vốn của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, Giám đốc Agribank chi nhánh Bắc Ninh Nguyễn Quang Hùng cho biết: "Quan điểm ngân hàng của chúng tôi là, người dân vay vốn để sản xuất, kinh doanh nông nghiệp không cần phải thế chấp bằng tài sản, sổ đỏ. Chúng tôi căn cứ năng lực thực tế của các hộ sản xuất, kinh doanh để hỗ trợ vốn với những ưu đãi tối đa”. Đến nay, Agribank chi nhánh Bắc Ninh đã đầu tư mở rộng hiệu quả trên các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp và nông thôn trên địa bàn; đầu tư cho nông dân trong tỉnh cải tạo hàng nghìn héc-ta ruộng trũng hiệu quả thấp thành vùng nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao như các xã: Bình Dương, Quỳnh Phú (huyện Gia Bình), Trung Chính, Phú Hòa (huyện Lương Tài)…; đầu tư cho phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa ở các xã: Tam Giang (huyện Yên Phong); Ninh Xá (huyện Thuận Thành), góp phần chắp cánh cho các làng nghề hồi sinh và phát triển nổi tiếng trong và ngoài nước như: gốm Phù Lãng (huyện Quế Võ); tranh Đông Hồ (huyện Thuận Thành); tre trúc Xuân Lai (huyện Gia Bình)… Cùng chung một vướng mắc, nhưng rõ ràng với các địa phương có cách vận dụng linh hoạt, mềm dẻo chính sách, cơ chế thì đồng vốn vẫn có điều kiện đến với nông dân và các cơ sở sản xuất nông nghiệp sạch vẫn có cơ hội tiếp cận những nguồn vốn tín dụng quý giá.

Cần những chính sách linh hoạt

Theo Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Bắc Giang Dương Văn Học, tại thời điểm này, tiền vốn ngân hàng đang khá dồi dào (hơn 5.000 tỷ đồng), nhưng giải ngân cho vay gặp không ít vướng mắc về thủ tục hành chính, nhất là thủ tục đất đai. Điều này đã dẫn đến tồn đọng một lượng vốn rất lớn trong toàn hệ thống, trong khi nông dân thì khát vốn đầu tư. Nguyên nhân căn bản khiến tiến độ giải ngân gói tín dụng nông nghiệp công nghệ cao chậm hoặc nhiều mô hình không tiếp cận được vốn là vướng bởi Quyết định 738 của Bộ NN-PTNT về điều kiện, vị trí đầu tư dự án phải được UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch. Chưa hết, ảnh hưởng lớn đến việc giải ngân vốn cho nông dân vay hiện nay là Thông tư liên tịch 09 giữa Bộ Tư pháp và Bộ Tài nguyên và Môi trường năm 2016. Cụ thể, theo Thông tư thì bắt buộc khách hàng vay vốn khi mang tài sản thế chấp phải có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất. Đây là nguyên nhân chính khiến tín dụng "tắc” ở ngân hàng.

Thực trạng tại tỉnh Bắc Giang hiện nay, hầu hết nhà ở và các công trình xây dựng trên đất của hộ gia đình, cá nhân chưa được cấp chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất. Nếu ngân hàng chỉ nhận thế chấp quyền sử dụng đất thì nhu cầu vốn của khách hàng không được đáp ứng đủ, mặt khác việc chỉ nhận thế chấp quyền sử dụng đất mà không nhận thế chấp tài sản gắn liền với đất đã hình thành, khiến cho ngân hàng sẽ gặp khó khăn khi phải xử lý tài sản thế chấp để thu hồi công nợ.

Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Agribank Nguyễn Thị Phượng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN, Agribank dành 50 nghìn tỷ đồng thực hiện chương trình khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch. Tuy nhiên, việc giải ngân nguồn vốn mà Agribank dành để cho vay là rất chậm, do các dự án chưa đáp ứng được một trong các tiêu chuẩn tại Quyết định 738 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn việc cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn còn chậm; chưa có các bộ định mức kinh tế kỹ thuật về cây trồng vật nuôi, nhất là sản xuất nông nghiệp (SXNN) công nghệ cao, nông nghiệp sạch làm cơ sở để ngân hàng thẩm định cho vay; công tác bảo hiểm trong nông nghiệp chưa được thực hiện để bảo đảm an toàn vốn cho khách hàng và ngân hàng; vốn đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà kính, trang thiết bị cho SXNN công nghệ cao rất lớn nhưng hiện các tài sản này chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu về tài sản nên không đủ điều kiện để thế chấp vay; nhiều vấn đề từ chính sách đất đai còn vướng mắc mà chính ngành ngân hàng đã có nhiều đề xuất tháo gỡ song đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Vì thế, để người nông dân có điều kiện tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi, các cấp có thẩm quyền cần đẩy nhanh tiến độ, đơn giản hóa trình tự thủ tục cấp chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản trên đất, ghi nhận công trình nhà kính trên đất theo cấp hạng phù hợp trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp (đối với công trình nhà kính trên đất nông nghiệp). Mặt khác, Nhà nước cần có cơ chế định giá đất nông nghiệp với một số địa phương để tạo điều kiện cho khách hàng có cơ sở thế chấp cho khoản vay, bảo đảm đầu tư đủ vốn cho doanh nghiệp SXNN công nghệ cao; có chính sách hỗ trợ về vốn, công nghệ giúp DN đầu tư SXNN công nghệ cao; hỗ trợ về lãi suất đối với các tổ chức tín dụng khi áp dụng lãi suất ưu đãi cho vay khách hàng ứng dụng công nghệ cao.


TheoNhanDan


Các tin khác


Thành phố Hòa Bình tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu về nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, với nhiều dự án, công trình trọng điểm được triển khai, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục