(HBĐT) - Những ngày cuối tháng 8 vừa qua, nhân dân xóm Đoàn Kết (xã Lâm Sơn, huyện Lương Sơn) phấn khởi nói chuyện với nhau rằng: Xóm mình đã được chính thức công nhận là "Làng nghề chế tác gỗ lũa - đá cảnh”. Hai tiếng "làng nghề” vốn đã quen thuộc với bà con từ mấy năm nay, nhưng để được cơ quan quản lý Nhà nước cấp bằng công nhận như vừa qua là cả một câu chuyện dài cho thấy bao nhọc nhằn và tâm huyết.


Hiện tại, cả xóm Đoàn Kết có 53 hộ làm nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh. So với gần 100 hộ còn lại chủ yếu sống bằng sản xuất nông nghiệp, đây là các hộ có việc làm và mức sống ổn định hơn. Nhiều hộ đã xây nhà cao tầng và mua sắm nhiều tài sản có giá trị. Theo người dân nơi đây kể lại, nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh đã hình thành tại xóm từ những năm đầu thập niên 1990, khởi điểm chỉ có 5 - 6 hộ gia đình làm nghề tự phát để kiếm sống. Đến nay, nghề đang có đà phát triển mạnh mẽ với sản phẩm chủ lực là các tác phẩm chế tác từ đá cảnh, cây cảnh, gỗ lũa như tượng, đồ trang trí bằng gỗ và đá, bàn, ghế, tủ, kệ... Hiện, cả xóm có 6 nghệ nhân và 60 thợ kỹ thuật lành nghề. Ngoài ra còn có gần 300 người lao động tham gia sản xuất, tạo ra các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường, mang lại thu nhập bình quân 7 triệu đồng/người/tháng – mức thu nhập cao hơn hẳn so với thu nhập bình quân đầu người của xã Lâm Sơn (khoảng 26 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2016).


Nhờ bàn tay khéo léo và khối óc sáng tạo, người dân xóm Đoàn Kết, xã Lâm Sơn (Lương Sơn) đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật từ đá tự nhiên, được thị trường ưa chuộng.

Để được công nhận là làng nghề, các hộ làm nghề chế tác gỗ lũa, đá cảnh của xóm Đoàn Kết cùng thực hiện hành trình đầy tâm huyết và viết nên một câu chuyện đẹp về ý thức phát triển làng nghề. Sau bao nỗ lực không mệt mỏi, đến nay, xóm đã đáp ứng đủ các tiêu chí: tỷ lệ hộ làm nghề chiếm 34% tổng số hộ trong xóm; thu nhập từ ngành nghề trong 2 năm gần đây chiếm lần lượt 78,9% và 74,4% tổng thu nhập của xóm; hoạt động nghề chấp hành tốt các quy định của pháp luật...

Cùng với việc được công nhận là làng nghề, xóm Đoàn Kết được hưởng lợi từ một số chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề theo Quyết định số 12/2015/QĐ-UBND ngày 27/4/2015 của UBND tỉnh. Đơn cử như được hỗ trợ 50 triệu đồng để duy trì, bảo tồn và phát triển; hỗ trợ 50% giá trị máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến được chuyển giao (khoảng 300 triệu đồng). Ngoài ra còn có cơ hội được hỗ trợ cải tiến máy móc thiết bị, chuyển giao công nghệ tiên tiến vào các khâu sản xuất, xử lý môi trường, hỗ trợ đào tạo nghề và truyền nghề, hỗ trợ xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu cho làng nghề...

Được biết, Đoàn Kết là làng nghề mới nhất được UBND tỉnh cấp bằng công nhận. Đến nay, toàn tỉnh có 6 làng nghề và làng nghề truyền thống được UBND tỉnh công nhận, gồm 2 làng nghề và 4 làng nghề truyền thống. Bên cạnh đó đã có một số ngành nghề, cơ sở sản xuất được xác định là hạt nhân cho việc mở rộng và phát triển thành làng nghề và làng nghề truyền thống trong những năm tới đây. Điển hình như nghề dệt thổ cẩm ở Mai Châu, Tân Lạc với hoạt động hiệu quả của các HTX, các cơ sở sản xuất rượu cần ở thành phố Hòa Bình và huyện Lạc Sơn, nghề sản xuất mây tre đan tại xóm Gò Mé, nghề chế tác đá cảnh ở một số xã thuộc huyện Lạc Thủy...

Nhìn chung, các sơ sở sản xuất và làng nghề đang phát triển cả về số lượng và chất lượng, ngày càng đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng tốt yêu cầu của thị trường, từng bước chuyển dịch từ quy mô nhỏ lẻ mang tính truyền thống và tự phát sang phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa có tính liên kết và giá trị gia tăng cao.

Đồng chí Trần Văn Tiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT nhìn nhận: Đó là sự phát triển phù hợp với xu hướng chung và bám sát chủ trương, định hướng của tỉnh. Trong những năm gần đây, sự phát triển của các làng nghề đã góp phần tích cực thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân, góp phần xóa đói - giảm nghèo và xây dựng NTM. Trên cơ sở khai thác tốt lợi thế của địa phương, các làng nghề đã tạo ra nhiều sản phẩm mang đậm bản sắc vùng miền và được thị trường ưa chuộng, từng bước hình thành các cụm tiểu thủ công nghiệp và đầu mối thương mại ở nông thôn, từ đó đóng vai trò nòng cốt cho sự phát triển của nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chính vì vậy, trong những năm tiếp theo tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển làng nghề, trọng tâm là Nghị quyết số 11-NQ/TU của BTV Tỉnh ủy về phát triển nghề truyền thống, làng nghề, làng nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh đến năm 2020; Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển một số sản phẩm trồng trọt chủ lực trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 của UBND tỉnh...

Cùng với đó, nhiều cơ hội sẽ được mở ra cho các làng nghề phát triển theo đúng lộ trình đã hoạch định, để mỗi làng nghề đều xứng đáng là hạt nhân quan trọng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.


Thu Trang

Các tin khác


Huyện Đà Bắc đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng

(HBĐT) - Để phát triển kinh tế rừng bền vững, huyện Đà Bắc đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ theo hướng nâng cao năng suất, hiệu quả, chuyển đổi tập quán sản xuất lâm nghiệp từ quảng canh sang thâm canh, tăng tỷ lệ trồng rừng gỗ lớn, phục vụ chế biến gắn với tái cơ cấu ngành lâm nghiệp.

Tạo đà cho kinh tế tư nhân phát triển

Đồng hành với sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước qua nhiều thời kỳ, kinh tế tư nhân đã phát triển không ngừng cả về quy mô và chất lượng, được khẳng định là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, để kinh tế tư nhân phát triển bền vững, Đảng và Nhà nước cần có thêm nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, tạo thuận lợi môi trường kinh doanh, tiếp cận các nguồn lực, tạo đà cho kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển lâu dài, hoạt động bình đẳng, hợp tác, cạnh tranh lành mạnh.

Diễn đàn báo chí - doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững

(HBĐT) - Chiều 5/6, tại Hà Nội, Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức Diễn đàn Báo chí - doanh nghiệp đồng hành vì sự phát triển bền vững. Diễn đàn có sự tham gia của gần 200 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc TP Hà Nội; các hội, hiệp hội, doanh nghiệp, các chuyên gia, luật sư, cơ quan báo chí các tỉnh phía Bắc.

Tỉnh Hòa Bình tham gia giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ Thương mại - du lịch quốc tế Nha Trang 

(HBĐT) - Từ ngày 1- 7/6, tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa diễn ra "Hội chợ Thương mại – du lịch quốc tế Nha Trang 2023” nhằm hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và hưởng ứng Chương trình Festival biển Nha Trang – Khánh Hòa 2023.

Xã Suối Hoa từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông

(HBĐT) - Xã Suối Hoa (Tân Lạc) có địa hình phức tạp, chủ yếu là núi đá xen kẽ đồi nên vấn đề giao thông gặp nhiều khó khăn. Trong những năm qua, xã huy động mọi nguồn lực, từ nguồn đầu tư của Nhà nước và nội lực trong Nhân dân từng bước xây dựng mạng lưới giao thông hoàn thiện, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH.

Hội Nông dân xã Yên Trị chung sức xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

(HBĐT) - Đến cuối năm 2021, xã Yên Trị (Yên Thủy) hoàn thành 4/4 tiêu chí xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu. Từ một xã thuần nông, Yên Trị như được "khoác chiếc áo mới" với cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng hoàn thiện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục