Ngày 3-10, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9. Cùng dự có Chủ tịch Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn.


Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, sau ba phần tư chặng đường của năm nay, nếu không có thêm thiệt hại về thiên tai bão lụt và những diễn biến bất lợi của nền kinh tế thế giới thì Chính phủ sẽ hoàn thành và vượt mức kế hoạch cả 13 chỉ tiêu kinh tế xã hội (KTXH). Để đạt được kết quả này, Thủ tướng cho rằng, Chính phủ đã tiến hành đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, trong đó đi vào chất lượng, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Trong đó, công nghiệp chế biến - chế tạo, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ… tăng trưởng mạnh. Cùng với đó là môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, các bộ đã cắt bỏ hơn 5.000 thủ tục hành chính.

Thủ tướng cũng cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành đã đổi mới phương pháp làm việc, tổ chức các diễn đàn, đối thoại và có quyết sách kịp thời trong chỉ đạo. Cùng với đó, công tác kiểm tra, đôn đốc các chỉ đạo của Thủ tướng và Chính phủ phải được tăng cường để nói đi đôi với làm, khắc phục tình trạng trì trệ trong hệ thống. Thủ tướng đánh giá cao lãnh đạo Chính phủ và các bộ trưởng, lãnh đạo các đơn vị, chủ tịch UBND các địa phương đã nêu cao tinh thần trách nhiệm trong triển khai nhiệm vụ.

Thủ tướng đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội chín tháng qua có nhiều chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, trong khi nhiệm vụ còn rất nặng nề, do đó, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng, lãnh đạo các đơn vị, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố nêu cao tinh thần trách nhiệm trong tổ chức, thực hiện sự chỉ đạo, điều hành phát triển KTXH, trong đó những người lãnh đạo phải nêu gương về tận tụy công việc, nêu cao tinh thần Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động để làm tròn trách nhiệm trước Đảng, nhân dân.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu rõ, chúng ta cũng nhìn nhận thẳng thắn còn nhiều yếu kém, hạn chế trên nhiều lĩnh vực. Thủ tướng đề nghị, những tháng cuối năm phải theo dõi sát tình hình để có đối sách phù hợp những vấn đề phát sinh; đề nghị quý 4 này còn lại phải đạt GDP 7,41%. Càng gần đến đích, chúng ta càng cố gắng, nỗ lực hơn nữa. Thủ tướng đề nghị các tư lệnh ngành phải sâu sát, chịu trách nhiệm về các nhiệm vụ chính trị trọng tâm được giao, siết chặt kỷ cương hành chính, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KTXH năm 2017, tập trung một số việc:

Về tiền tệ tín dụng, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục giảm lãi suất cho vay; tập trung vốn tín dụng cho các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp công nghệ cao, xuất khẩu, DN nhỏ và vừa, khởi nghiệp; yêu cầu Thống đốc NHNN thực hiện quyết liệt cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém; có kế hoạch, phương án triển khai hiệu quả cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu. Phấn đấu đến cuối năm 2018, cơ bản hoàn thành những phần việc chính về cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu. Thời điểm cuối năm là lúc nhạy cảm đối với tỷ giá, thị trường ngoại hối, giá dầu…, do đó NHNN phải nghiên cứu tình hình quốc tế, biến động thị trường tài chính quốc tế để phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp, có công cụ điều hành hợp lý, linh hoạt, không thể bất ngờ xảy ra. Bên cạnh đó, giá các loại dịch vụ phải được tính toán phù hợp, nhất là giá dịch vụ y tế phải được tính toán chặt chẽ để bảo đảm mặt bằng lạm pháp năm 2018 phù hợp tinh thần Chính phủ đã trình T.Ư.

Về tài chính, ngân sách, tiếp tục chống thất thu ngân sách, chống chuyển giá, kiểm soát chặt các khoản chi ngân sách; tiết kiệm chi thường xuyên, khoán chi hành chính, sử dụng xe công; thực hiện nghiêm kỷ luật tài chính ngân sách, nhất là đấu thầu, đặt hàng các dịch vụ công. Chưa đề cập việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí ảnh hưởng DN, môi trường điều kiện kinh doanh. Phấn đấu đạt và vượt mức kế hoạch thu ngân sách nhà nước.

Về tiến độ giải ngân đầu tư công vốn là tồn tại, yếu kém lâu nay, Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, tư lệnh ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải chịu trách nhiệm trực tiếp về thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. Trường hợp nào chậm giải ngân thì kiên quyết cắt giảm theo quy định, chuyển vốn sang thực hiện các nhiệm vụ cấp bách khác. Thực hiện nghiêm việc thanh tra, kiểm tra không để xảy ra lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm trong đầu tư công. Bộ KHĐT phối hợp Bộ Tài chính kiên quyết thực hiện kiểm tra việc giải ngân vốn đầu tư công chặt chẽ hơn. Yêu cầu các ngành, các cấp tạo mọi điều kiện thuận lợi thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đầu tư tư nhân, vốn FDI.

Nhận định việc cơ cấu lại DNNN vẫn là khâu yếu, Thủ tướng chỉ đạo tìm nguyên nhân căn cơ của vấn đề này để thúc đẩy giải quyết. Thủ tướng cho biết, chúng ta mới vốn hóa được khoảng 6%, còn 94% của khoảng 3,1 triệu tỷ đồng vẫn chưa thực hiện được. Năm nay chúng ta mới thu được 12 nghìn tỷ đồng trên 60 nghìn tỷ đồng kế hoạch bán vốn, trong đó có 11 nghìn tỷ đồng chuyển từ năm 2016. Do đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ KHĐT và các bộ liên quan thực hiện nghiêm việc này; lộ trình và kế hoạch đã có, các Bộ trưởng, lãnh đạo ngành và lãnh đạo tổng công ty nhà nước phải thực hiện nghiêm túc.

Nhân đây, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương triển khai ngay việc thoái vốn của Sabeco đúng quy định của pháp luật. Thủ tướng giao Bộ trưởng Tài chính đôn đốc thực hiện việc thoái vốn cổ phần hóa, thường xuyên báo cáo Thủ tướng để đạt kế hoạch bán vốn đạt 60 nghìn tỷ đồng; xử lý nghiêm các trường hợp cố tình làm chậm cổ phần hóa, thoái vốn.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, chú trọng xây dựng hệ thống thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, đơn giản hóa thủ tục, nhất là thủ tục thông quan hàng hóa, quy trình cấp phép, giấy chứng nhận xuất xứ…có giải pháp ứng phó các rào cản thương mại. TP Hồ Chí Minh và Hà Nội tiếp tục phát triển mạnh thị trường trong nước, không để nước ngoài chi phối; tăng cường quản lý thị trường, nhất là dịp tết Nguyên Đán.

Thủ tướng chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung bảo đảm tăng trưởng cả năm; phòng chống thiên tai, hỗ trợ nông dân chuyển đổi cây lúa sang cây trồng hiệu quả hơn, nhất là nuôi tôm; kiểm soát chất lượng giống; tìm các sản phẩm mới để xuất khẩu; Bộ có cơ chế chính sách phù hợp để phối hợp với Bộ Quốc phòng và Bộ Công an bảo vệ ngư dân. Ngành Công thương tiếp tục phát triển công nghiệp, bám sát thị trường, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, nhất là các ngành thép, ô-tô, phân bón, hóa chất…

Đẩy mạnh xúc tiến du lịch, thu hút, quảng bá thu hút khách, nhất là nhân dịp APEC; phấn đấu thu hút 13 đến 15 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tăng cường chăm lo người có công; kiểm tra phòng chống cháy nổ; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc lạm thu; làm tốt công tác bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo đảm an toàn Tuần lễ Cấp cao APEC 2017…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chín tháng qua, tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước thực hiện đạt 1.128,7 nghìn tỷ đồng, bằng 33,9% GDP và tăng 12,1%; tổng vốn FDI đăng ký đạt khoảng 25,48 tỷ USD, tăng 34,3%; giải ngân vốn FDI đạt khoảng 12,5 tỷ USD, tăng 13,4%; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,9%; tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,5%; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá đạt 154 tỷ USD, tăng 19,8%; tổng kim ngạch nhập khẩu ước 154,5 tỷ USD, tăng 23,1% so cùng kỳ năm trước; nhập siêu bằng 0,3% kim ngạch xuất khẩu.

                                                              TheoNhanDan


Các tin khác


Thủ tướng chỉ đạo xây dựng Nghị định chế độ tiền lương mới

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, đề xuất một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập.

Thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Kinh tế hợp tác không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống của thành viên. Thời gian qua, xác định vai trò và tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể (KTTT), trên cơ sở các quy định của Trung ương, tỉnh Hòa Bình đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy KTTT phát triển. Qua đó đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH của địa phương.

Hiệu quả từ trồng dưa - theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Mai Hạ

Những năm qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) nỗ lực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện cuộc sống, thu nhập cho người dân. Trong đó phải nói đến trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp người dân địa phương bước vươn lên thoát nghèo.

Khối thi đua doanh nghiệp ngân hàng - bảo hiểm Trung ương ký kết giao ước thi đua năm 2024

Sáng 12/4, Khối thi đua doanh nghiệp ngân hàng - bảo hiểm Trung ương tổ chức hội nghị ký kết giao ước thi đua năm 2024. 

Tháo gỡ đầu ra cho cây gai xanh

Chậm thu mua, chậm thanh toán … ! Đó là thực trạng chung đối với các hộ liên kết trồng cây gai xanh trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân do kinh tế suy thoái nên các doanh nghiệp khó khăn trong việc thu mua, "đầu ra” không ổn định. Từ thực tế đó, người dân mong muốn chính quyền địa phương và các sở, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn về đầu ra cho cây gai xanh. Qua đó đảm bảo nguồn cung, cầu ổn định, tạo điều kiện cho các hộ trồng gai xanh yên tâm phát triển và nâng cao giá trị cây trồng.

Bền bỉ vượt khó cùng vốn ưu đãi

Với sự đồng hành và hỗ trợ đa chiều của vốn tín dụng chính sách (TDCS) đã viết nên nhiều câu chuyện về hành trình vượt lên nghèo, đói của không ít hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục