(HBĐT) - Mặc dù phải chịu những ảnh hưởng của trận mưa lũ lịch sử trong 2 ngày 10 - 11/10, thế nhưng, bà con xã Phú Lương (Lạc Sơn) vẫn miệt mài, không cho đất nghỉ. Gần chục năm trở lại đây, sau khi thu hoạch vụ hè thu, nông dân xã vùng sâu này lại cắt rạ làm vụ đông.


Từ xóm Rềnh, đến xóm Khải, qua xóm Cai, rồi đi qua cầu treo bắc ngang sông Bưởi đến xóm Móng, xóm Pheo, đâu đâu chúng tôi cũng bắt gặp những người nông dân cặm cụi chăm bẵm ruộng ngô. Có những ruộng ngô đã cao ngang đầu gối, ruộng thì mới ra 5 - 6 lá vì bà con mới gieo trồng lại do trước đó bị nước ngập. Khác hẳn với hình ảnh tan hoang sau mưa lũ ở nhiều địa phương trong tỉnh, những ngày này, đồng đất Phú Lương đang khoác lên mình tấm áo xanh ngút ngàn.

"Hơn chục năm nay rồi, cứ gặt xong vụ mùa là người dân ngay bắt tay vào làm vụ đông; trong đó, cây ngô là chủ lực. Ngoài ra, bà con còn trồng các loại rau, củ mùa đông, trồng hành chăm. Vụ này, do ảnh hưởng của trận mưa lũ vừa qua nên một số ruộng phải trồng lại. Đến nay, diện tích trồng ngô đông 125 ha, hơn 50 ha trồng rau, đậu và 1,5 ha hành chăm (hay còn gọi là hành tăm, củ nén - PV)”, đồng chí Bùi Văn Âu, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lương cho biết.


Bà Bùi Thị Tách, xóm Pheo, xã Phú Lương (Lạc Sơn) chăm sóc ruộng ngô đông của gia đình.

Trời râm mát, cánh đồng ngô đông ở xóm Pheo trông thật yên bình. Bà Bùi Thị Tách cùng cháu nội đang cặm cụi rẫy cỏ và hái rau cải ở trên ruộng ngô của gia đình. Ruộng nhà bà Tách thoát nước tốt nên ngô không bị ảnh hưởng bởi trận mưa lũ vừa qua. Những cây ngô mập mạp, xanh mướt đã cao quá đầu gối, xen giữa các luống ngô là rau cải ngọt trông cũng tốt không kém. Bà Tách chia sẻ: "Trước đây gặt xong là ruộng bỏ không, chờ ra giêng mới làm đất cấy vụ chiêm xuân. Còn 10 năm trở lại đây thì không để đất trống lúc nào, gặt xong là làm vụ đông luôn. Ban đầu cũng gặp đôi chút khó khăn nhưng bây giờ đơn giản rồi, có khi ngô còn tốt hơn vụ chính. Trồng trái vụ giá bán cũng cao hơn nhưng quan trọng nhất là có được nguồn thức ăn cho chăn nuôi”.

Để thuận lợi tưới tiêu, ở xung quanh các thửa ruộng bà con đều đào rãnh nước. "Mưa to là mương thoát nước, còn bình thường dẫn nước vào để tưới cho ngô. Vụ đông nên chăm sóc kỳ công hơn một chút, ngoài tưới nước còn phải bón phân thì ngô mới phát triển tốt được”, bà Tách cho biết thêm. Kế bên cánh đồng của xóm Pheo là khu ruộng của xóm Móng. Cũng giống như xóm Pheo, các mảnh ruộng ở xóm Móng đang phủ màu xanh của ngô.

So với nhà bà Tách, ngô của gia đình bà Bùi Thị Quẳn, xóm Móng thấp hơn. "Mưa to ruộng bị úng, gia đình phải trồng lại nên ngô thấp hơn. Vụ này thời tiết không ủng hộ, làm ngô đông khó khăn hơn nhưng gia đình vẫn cố gắng trồng hết diện tích. Ruộng nào bị ngập mình làm luống cao để trồng, không thì đào rãnh sâu để thoát nước. Nói chung, cả xóm nhà nào cũng trồng, hộ nào không làm được thì cho hộ khác làm. Làm vụ đông giúp chúng tôi có thêm thu nhập, không phải lo nguồn thức ăn cho vật nuôi. Đồng thời cũng giúp cải tạo đất, ruộng nào trồng ngô thì lúa thường tốt hơn”, bà Quẳn cho biết.

"Không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta”, đối với một xã vùng sâu còn nhiều khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo trên 60% thì sản xuất vụ đông có vai trò quan trọng. "Là xã thuộc vùng 135, đời sống kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn nên việc duy trì sản xuất vụ đông đã đem lại hiệu quả kinh tế nhất định, giúp bà con có thêm nguồn thu nhập cũng như đảm bảo nguồn thức ăn cho vật nuôi. Trong những năm tới, chúng tôi tiếp tục duy trì sản xuất vụ đông, đồng thời khuyến khích bà con đưa các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao hơn vào sản xuất để nâng cao thu nhập”, đồng chí Bùi Văn âu, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Lương cho biết.


Viết Đào

Các tin khác


Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục