Sáng 27-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Giang năm 2017 với chủ đề Hợp tác đầu tư và phát triển. Cùng dự, có lãnh đạo một số bộ, ban, ngành T.Ư, địa phương và hơn 300 nhà đầu tư (NÐT), doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước.



Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu dự hội nghị. Ảnh: THỐNG NHẤT (TTXVN)

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, đánh giá cao sự cố gắng, nỗ lực vượt khó của Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân Hà Giang. Thủ tướng cũng hoan nghênh sự quan tâm của các NÐT trong và ngoài nước đã đến với Hà Giang, là những người có trí tuệ, tâm huyết và đầy bản lĩnh. Cùng với sự hợp tác, quyết tâm thu hút đầu tư của tỉnh, nhất định các NÐT sẽ vượt lên mọi khó khăn để giúp Hà Giang phát triển. Tinh thần của các NÐT được ví như tinh thần của hàng chục nghìn thanh niên xung phong hơn 50 năm trước đã nỗ lực vượt khó, làm tuyến đường Hạnh Phúc, giúp bốn huyện vùng cao núi đá của Hà Giang phát triển.

Ðể khai thác hiệu quả tiềm năng, Thủ tướng đề nghị Ðảng bộ, chính quyền Hà Giang quan tâm một số nhiệm vụ cụ thể: tiết giảm thủ tục đầu tư để tạo điều kiện cho các DN; thu hút, giữ chân các NÐT. Phát huy tính năng động, chủ động, sáng tạo ngay từ đội ngũ lãnh đạo tỉnh, đến các sở, ngành và chuyên viên để giúp các DN giải quyết nhanh thủ tục hành chính. Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, nâng cao thứ hạng của Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trong phát triển du lịch, cần làm tốt công tác truyền thông, đưa hình ảnh của địa phương đến với du khách, gìn giữ, khôi phục các lễ hội và nét văn hóa truyền thống.

Hà Giang cần quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực, tăng cường đào tạo nghề chuyên sâu đối với những lĩnh vực mà tỉnh chú trọng đầu tư, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ để hỗ trợ DN. Tăng khả năng và cơ hội tiếp cận đất đai cho DN, bảo đảm công bằng, minh bạch. Nghiên cứu tổng thể phát triển nông nghiệp theo mô hình hữu cơ; ứng dụng công nghệ vào sản xuất chế biến, tập trung nguồn lực xây dựng thương hiệu để nâng tầm giá trị. Hà Giang cần giữ mối quan hệ quốc tế tốt đẹp với nước láng giềng. Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện cho Hà Giang phát triển nhưng trên tinh thần tỉnh phải tự lực, chủ động.

Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao quà tặng sáu huyện nghèo của tỉnh Hà Giang, mỗi huyện 100 chăn ấm để tặng người nghèo.

Lãnh đạo tỉnh Hà Giang trao biên bản cam kết đầu tư cho 17 DN, trao quyết định chấp thuận đầu tư cho 18 DN với tổng số vốn hơn 16 nghìn tỷ đồng. Các tổ chức, DN đã trao tiền tài trợ cho tỉnh Hà Giang thực hiện công tác an sinh xã hội với số tiền hàng trăm tỷ đồng.

* Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Giang.

Phát biểu ý kiến tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, sau Ðại hội Ðảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ 16, tỉnh đã có sự thay đổi khá toàn diện, từ suy nghĩ, tầm nhìn cho đến cách làm đều có sự đổi mới. Tuy nhiên, Hà Giang vẫn là một tỉnh còn nhiều khó khăn, đặc biệt là tỷ lệ hộ nghèo cao. Do đó, thời gian tới, Thủ tướng đề nghị tỉnh phải đặt quyết tâm lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu mà Ðại hội đề ra. Trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác xóa đói, giảm nghèo cho người dân, nhất là đối với các huyện vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, tìm nguồn lực để giải quyết những khó khăn về cơ sở hạ tầng, tạo động lực cho sự phát triển. Tiếp tục triển khai mạnh chương trình khởi nghiệp, quan tâm tái cơ cấu cả trong lĩnh vực kinh tế cũng như tổ chức bộ máy. Thủ tướng mong muốn, tập thể lãnh đạo tỉnh Hà Giang cần nêu cao tinh thần tự lực, tự cường vươn lên, dồn sức chỉ đạo để hoàn thành các chỉ tiêu.

Thủ tướng cũng cho ý kiến về một số kiến nghị của tỉnh.

* Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đi thăm, tặng quà các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh Hà Giang, gia đình chính sách, hộ nghèo; thăm làng văn hóa du lịch thôn Hạ Thành, xã Phương Ðộ, TP Hà Giang; thăm Cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy.

* Nhân chuyến làm việc tại Hà Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự lễ khởi công Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao của Tập đoàn TH tại xã Phong Quang, huyện Vị Xuyên. Dự án có quy mô đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng với 10 nghìn con bò sữa; dự kiến tạo việc làm trực tiếp cho hơn 500 lao động và hàng nghìn lao động gián tiếp khác.\

TheoNhanDan

Các tin khác


Thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Kinh tế hợp tác không chỉ giúp ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh mà còn tạo việc làm, tăng thu nhập, hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống của thành viên. Thời gian qua, xác định vai trò và tầm quan trọng của phát triển kinh tế tập thể (KTTT), trên cơ sở các quy định của Trung ương, tỉnh Hòa Bình đã kịp thời ban hành các chính sách hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy KTTT phát triển. Qua đó đóng góp quan trọng vào phát triển KT-XH của địa phương.

Hiệu quả từ trồng dưa - theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Mai Hạ

Những năm qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) nỗ lực thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện cuộc sống, thu nhập cho người dân. Trong đó phải nói đến trồng dưa hấu theo tiêu chuẩn VietGAP đã giúp người dân địa phương bước vươn lên thoát nghèo.

Khối thi đua doanh nghiệp ngân hàng - bảo hiểm Trung ương ký kết giao ước thi đua năm 2024

Sáng 12/4, Khối thi đua doanh nghiệp ngân hàng - bảo hiểm Trung ương tổ chức hội nghị ký kết giao ước thi đua năm 2024. 

Tháo gỡ đầu ra cho cây gai xanh

Chậm thu mua, chậm thanh toán … ! Đó là thực trạng chung đối với các hộ liên kết trồng cây gai xanh trên địa bàn tỉnh. Nguyên nhân do kinh tế suy thoái nên các doanh nghiệp khó khăn trong việc thu mua, "đầu ra” không ổn định. Từ thực tế đó, người dân mong muốn chính quyền địa phương và các sở, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp thực hiện nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn về đầu ra cho cây gai xanh. Qua đó đảm bảo nguồn cung, cầu ổn định, tạo điều kiện cho các hộ trồng gai xanh yên tâm phát triển và nâng cao giá trị cây trồng.

Bền bỉ vượt khó cùng vốn ưu đãi

Với sự đồng hành và hỗ trợ đa chiều của vốn tín dụng chính sách (TDCS) đã viết nên nhiều câu chuyện về hành trình vượt lên nghèo, đói của không ít hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh.

Huyện Lạc Sơn có trên 5.200 cơ sở sản xuất, kinh doanh ngành nghề nông thôn

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn về phát triển ngành nghề nông thôn, hiện nay toàn huyện có 5.267 cơ sở sản xuất, kinh doanh lĩnh vực ngành nghề nông thôn, thu hút trên 8.500 lao động thường xuyên. Một số nghề phát triển như: sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, cơ khí nhỏ, dịch vụ vận tải hàng hóa, chế biến lâm sản, các nghề dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống người dân nông thôn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục