(HBĐT) - Đó là chỉ đạo của Sở NN&PTNT sau khi đi kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp của các địa phương tại thời điểm này và nhận thấy: Do ảnh hưởng của các đợt mưa lũ kéo dài từ ngày 15/7, đến ngày 26/7, tiến độ sản xuất vụ mùa, hè thu của hầu hết các địa phương đều bị chậm so với kế hoạch. Cùng với nhiều diện tích đang còn để trống, có nhiều diện tích vừa mới gieo trồng đã bị thiệt hại do ngập úng nên buộc phải gieo trồng lại. Chính vì thế, yêu cầu đặt ra từ nay đến trước 15/8 là: Khẩn trương khôi phục diện tích bị thiệt hại do mưa lũ, đồng thời đẩy nhanh tiến độ sản xuất các loại cây trồng, nhất định không được bỏ đất trống trong toàn vụ sản xuất.


Đoàn công tác của Sở NN&PTNT thăm hỏi, hướng dẫn bà con nông dân xóm Bái (Yên Phú, Lạc Sơn) thực hiện các biện pháp khôi phục sản xuất sau mưa lũ

 

Mặc dù bắt đầu vụ mùa khá muộn so với các địa phương khác, nhưng nhờ cấy tập trung nên đến giữa tháng 7, huyện Lạc Sơn đã gieo cấy trên 90% tổng diện tích lúa mùa theo kế hoạch đề ra. Nhưng, vừa cấy xong, cây mạ chưa kịp bén rễ thì đợt mưa lũ kéo đến. Mưa liên tiếp mấy ngày với lưu lượng nước lớn nhất từ đầu năm đến nay. Cánh đồng khắp nơi ngập trong biển nước, nhất là tại các xứ đồng thuộc vùng Cộng Hòa, vùng Đại Đồng, vùng huyện và các địa bàn ven sông, suối. Cũng như các xóm trong khu vực, thay thế cho màu xanh mơn mởn của mạ non mấy hôm trước, đến ngày 17/7, toàn bộ các khu ruộng vùng trũng của xã Yên Phú đều bị chìm trong dòng nước đục ngầu. Mấy nghìn m2 ruộng của nhà cô Bùi Thị Dành (xóm Bái, xã Yên Phú) cũng ngập nặng. Cô Dành kể: Nước dâng lên cao, các hộ phải huy động hết máy bơm để bơm nước cứu lúa nhưng nước quá nhiều, tiêu úng không kịp. Đến khi nước rút thì ruộng lúa cũng tan hoang. Do ngập úng, mạ mới cấy chết thối hàng loạt. Bà con phải nhổ bỏ đi những cây bị thối rễ, giữ lại những phần còn khôi phục được. May mắn như ruộng nhà cô Dành thì phải cấy dặm lại khoảng 1/3, các hộ khác phải cấy dặm nhiều hơn, nhiều hộ mất trắng chỉ biết xót xa nhìn những vạt ruộng thâm đen phải nhổ bỏ hết để cấy lại hoàn toàn.

Trên phạm vi toàn tỉnh, mức độ thiệt hại do mưa lũ gây ra đối với sản xuất trồng trọt được xác định ở mức cao nhất là thời điểm đến hết ngày 21/7. Theo thống kê của Chi cục TT&BVTV: Từ ngày 15-21/7, toàn tỉnh có khoảng 769 ha lúa mùa bị thiệt hại mức 30-70%; trên 1.735 ha bị thiệt hại trên 70%. Ngoài ra, có trên 110 ha cây công nghiệp và ăn quả, khoảng 1.187 ha ngô và cây màu khác bị thiệt hại. Mặc dù sau đó, đến ngày 22/7, ngay sau khi nước rút, các địa phương đã tích cực khôi phục lại sản xuất nhưng những thiệt hại mà mưa lũ gây ra đã làm chậm đáng kể tiến độ sản xuất vụ mùa, hè thu. Đến ngày 26/7, các địa phương đều bị chậm tiến độ mặc dù trước đó, tiến độ đã được đẩy nhanh và cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra.

Qua kiểm tra sản xuất tại các địa phương những ngày vừa qua, đoàn công tác của Sở NN&PTNT nhìn nhận: Sau mưa lũ, đến cuối ngày 25/7, các địa phương đã tích cực huy động nhân lực, vật lực để khôi phục sản xuất nông nghiệp bằng nhiều biện pháp. Kết quả là nhiều diện tích lúa mùa bị thiệt hại nặng đã được khôi phục bằng cách cấy dặm hoặc cấy lại hoàn toàn. Đối với các diện tích cây trồng khác, bà con nông dân đã được cán bộ chuyên ngành hướng dẫn thực hiện các biện pháp chăm sóc sau ngập úng. Theo đó, đã khẩn trương khơi thông dòng chảy giúp thoát nước cho vườn cây, xới phá váng, bón phân cho cây màu ngay khi thời tiết thuận lợi giúp cây nhanh hồi phục, sinh trưởng, phát triển tốt…

Ghi nhận những nỗ lực này, lãnh đạo Sở NN&PTNT đề nghị UBND các huyện, thành phố tiếp tục chỉ đạo các biện pháp cấp bách cần tập trung thực hiện trong thời gian từ nay đến trước 15/8. Cụ thể, đối với sản xuất lúa, cần chủ động tiêu úng cho diện tích lúa bị ngập, rửa lá làm sạch bùn ngay sau khi nước rút, đồng thời tiến hành làm cỏ, sục bùn, tăng cường chăm sóc, bón phân giúp cây lúa nhanh hồi phục. Với những diện tích lúa mới cấy bị vùi lấp không có khả năng phục hồi, cần khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, làm đất ngay sau khi nước rút để gieo cấy lại. Những nơi còn mạ dự phòng có thể sử dụng để cấy lại. Những nơi không còn mạ dự phòng có thể sử dụng một số giống lúa cực ngắn ngày như TH3-5, Việt lai 20, Việt lai 24, MĐ... để gieo xạ. Lưu ý chỉ cấy lại nếu đảm bảo hoàn thành trước ngày 5/8. Nếu không đảm bảo thời vụ này, cần chủ động chuẩn đổi sang trồng các cây màu ngắn ngày hoặc cây trồng làm thức ăn chăn nuôi.

Khuyến cáo thời vụ sản xuất không còn nhiều, đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PNTT nhấn mạnh: Đối với cây lúa, thời vụ gieo cấy cho phép đến ngày 5/8. Do đó, từ nay đến trước ngày 5/8, các địa phương cần khẩn trương khôi phục diện tích lúa mùa, huy động tối đa mạ dự phòng để cấy dặm, cấy bù diện tích bị thiệt hại, phấn đấu hoàn thành kế hoạch về diện tích với tổng diện tích toàn tỉnh gần 23,5 nghìn ha. Đối với các loại cây màu, tuy có khung thời vụ dài hơn (đến ngày 15/8) nhưng các địa phương không nên vì thế mà chủ quan. Bởi từ nay đến thời điểm 15/8 có thể xuất hiện những diễn biến bất thường về thời tiết và dịch bệnh, ảnh hưởng bất lợi đến tiến độ sản xuất. Chính vì thế, yêu cầu đặt ra từ nay đến trước ngày 15/8 là tập trung làm đất, chuẩn bị sẵn sàng vật tư giống và phân bón để gieo trồng các loại cây màu trong khung thời vụ tốt nhất. Tuyệt đối không được chủ quan, lơ là công tác phòng chống thiên tai đối với sản xuất trồng trọt nói riêng và sản xuất nông nghiệp nói chung. Trong điều kiện khó khăn như hiện nay, đề nghị các địa phương quyết tâm hoàn thành kế hoạch gieo trồng vụ mùa, hè thu, nhất định không được bỏ đất trống trong toàn vụ sản xuất./.


Bị ngập úng mất trên 70% lượng mạ đã cấy, nông dân xã Ngọc Mỹ (Tân Lạc) khẩn trương cấy dặm lại ngay sau khi nước lũ rút và tăng cường chăm sóc cây lúa sau ngập úng để bảo toàn thành quả sản xuất lúa vụ mùa

 

 

Thu Trang

 

Các tin khác


Thành phố Hòa Bình tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu về nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, với nhiều dự án, công trình trọng điểm được triển khai, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục