(HBĐT) - Sau hơn 10 năm được công nhận là đô thị loại III, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc TP Hòa Bình tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng, thi đua lao động, sản xuất, đẩy mạnh phát triển KT-XH, xây dựng cảnh quan, diện mạo đô thị, xứng tầm là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Hòa Bình, thành phố cửa ngõ miền Tây Bắc của Tổ quốc.

 


Một góc thành phố Hòa Bình.


Lãnh đạo Thành ủy, UBND TP Hòa Bình kiểm tra công trình xây dựng Trung tâm Hành chính - chính trị TP Hòa Bình.

 

Trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 TP Hòa Bình đã phát huy tốt nội lực, đầu tư cơ sở hạ tầng, chỉnh trang diện mạo, "vươn mình” hướng tới mục tiêu trở thành đô thị loại II vào năm 2020 - một đô thị văn minh, hiện đại và mang đậm bản sắc văn hóa Hòa Bình.

Với phương châm "tập trung, thống nhất, hiệu quả”, trên tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Hòa Bình lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015-2020, thành phố đã tập trung lựa chọn các khâu đột phá, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm để phát triển đô thị. Nhờ đó đến nay, tỷ lệ đô thị hóa TP Hòa Bình đã đạt 73%, tăng 13% so với năm 2015, đạt 85% chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015-2020.

Để đảm bảo phát triển đô thị bền vững, TP Hòa Bình xác định công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch là nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trước trong công tác xây dựng và phát triển đô thị. Thành phố đã lập và được phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP Hòa Bình đến năm 2025 và đang đề nghị UBND tỉnh phê duyệt Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Hòa Bình đến năm 2035.

Sau khi đồ án quy hoạch xây dựng TP Hòa Bình đến năm 2025 được UBND tỉnh phê duyệt, UBND thành phố đã tổ chức công bố quy hoạch và thực hiện lấy ý kiến góp ý của cơ quan, đơn vị và nhân dân trên địa bàn về nội dung quy hoạch chung xây dựng thành phố. Trên cơ sở Đồ án quy hoạch chung xây dựng TP Hòa Bình, thành phố đã tập trung thực hiện công tác lập quy hoạch các công trình, dự án trên địa bàn đảm bảo đồng bộ, thống nhất, không chồng chéo và tăng cường công tác quản lý kiến trúc, quy hoạch xây dựng.

Nhờ đó, công tác lập và quản lý quy hoạch trên địa bàn TP Hòa Bình trong những năm qua đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ phủ kín quy hoạch tăng, chất lượng quy hoạch từng bước được cải thiện. Từ năm 2016 – 2017, TP Hòa Bình đã xây dựng và chỉ đạo lập 10 đề án, đồ án quy hoạch. Trong đó có Đề án xây dựng, nâng cấp và phát triển TP Hòa Bình trở thành đô thị loại II vào năm 2020; Điều chỉnh quy hoạch chung TP Hòa Bình đến năm 2035; Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 cảnh quan bờ phải sông Đà; Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 khu trung tâm hành chính, tái định cư, dân cư xã Thái Thịnh... Đồng thời thực hiện cấp giấy phép quy hoạch cho 5 dự án.

Trong công tác đầu tư, phát triển, từ năm 2016-2017, tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn TP Hòa Bình đạt 5.231,27 tỷ đồng, ước đến 30/6/2018 đạt gần 7.000 tỷ đồng. Tổng nguồn vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng KT-XH từ nguồn ngân sách Nhà nước đạt 678 tỷ đồng. Nhiều công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần làm thay đổi diện mạo đô thị thành phố như: Quảng trường Hòa Bình, trụ sở Công an tỉnh, trụ sở một số cơ quan của tỉnh...hệ thống vỉa hè, đường ngõ xóm được chỉnh trang.

Hiện nay, thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án thuộc Chương trình đô thị miền núi phía Bắc - TP Hòa Bình; Dự án thoát nước và xử lý nước thải từ nguồn vốn đầu tư ODA; Trung tâm hành chính - chính trị thành phố... Đặc biệt là công trình cầu Hòa Bình 3 nhằm thực hiện mục tiêu kết nối các khu vực dân cư tại bờ trái và bờ phải sông Đà. Mới đây, TP Hòa Bình đã xin ý kiến về Đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án Công viên tuổi trẻ dự án có diện tích 8,23 ha. Là công viên vui chơi, giải trí với không gian cây xanh, mặt nước kết hợp các hoạt động giải trí, học tập, thư giãn. Công viên Tuổi trẻ TP Hòa Bình được UBND tỉnh phê duyệt theo hình thức đối tác công tư (PPP). Khái toán tổng mức đầu tư dự án khoảng 213.991 triệu đồng và dự kiến nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng từ quý III/2020.

Ngoài ra, thành phố đang triển khai thực hiện Dự án lắp đặt đèn Led tiết kiệm năng lượng theo hình thức hợp đồng BLT với tổng mức đầu tư dự kiến 36,185 tỷ đồng nhằm trang bị hạ tầng đèn chiếu sáng điện thông thường bằng công nghệ đèn Led, góp phần tạo mỹ quan đô thị. Đồng thời, thành phố đang triển khai thực hiện Dự án Nhà phố thương mại Vincom Shophouse Hòa Bình, dự án do tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư…Việc hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình sẽ góp phần cụ thể hóa mục tiêu nâng cấp TP Hòa Bình thành đô thị loại II vào năm 2020 và từng bước thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong quy hoạch tổng thể KT-XH và quy hoạch chung của TP Hòa Bình.

Bên cạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, các hoạt động, phong trào thi đua hướng tới đô thị sáng - xanh - sạch - đẹp cũng được thành phố triển khai thực hiện hiệu quả. Các hoạt động như: Ngày thứ bảy xanh; tuyến đường tự quản; tuyến phố văn minh, khu dân cư không rác, ngày chủ nhật xanh... đã được nhân dân hưởng ứng, thực hiện hiệu quả tại khu dân cư. Hiện nay trên địa bàn thành phố có gần 100 tuyến đường thanh niên, phụ nữ tự quản; 100% đơn vị trường học xây dựng và thực hiện mô hình Cổng trường văn hóa... Thành phố đang tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình "Tuyến phố văn minh, khu dân cư không rác”. Tỷ lệ nhân dân được cung cấp dịch vụ thu gom và xử lý rác thải trên địa bàn đạt 95%; tỷ lệ chất thải y tế được xử lý đạt 100%.

Để đảm bảo trật tự đô thị, thành phố đã ban hành và triển khai nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo, trong đó tập trung vào việc xử lý, duy trì trật tự đô thị tại các điểm nóng, thường xuyên xảy ra vi phạm. Để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý đô thị, thành phố đã xây dựng, ban hành và triển khai quy chế quản lý đô thị TP Hòa Bình. Quy chế có 8 chương, 37 điều quy định cụ thể về quản lý quy hoạch, xây dựng đô thị, quản lý trật tự giao thông đô thị, quản lý sử dụng và khai thác các công trình cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, quản lý cảnh quan đô thị và sử dụng tài nguyên, quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ và văn hóa đô thị …. Quy chế này áp dụng đối với mọi tổ chức, cá nhân và hộ gia đình đang sinh sống, làm việc và tham gia các hoạt động liên quan đến lĩnh vực đô thị trên địa bàn.

Đặc biệt, thành phố ban hành Quy định trách nhiệm người đứng đầu về quản lý trật tự đô thị trên địa bàn TP Hòa Bình. Từ đó từng bước tạo sự chuyển biến mới trong công tác quản lý đô thị, góp phần giữ gìn an ninh trật tự đô thị trên địa bàn.

Bên cạnh đó, trong những năm qua, TP Hòa Bình được nhắc đến là một trong những điểm sáng về bảo tồn và phát triển văn hóa truyền thống của dân tộc. Nhiều nét văn hóa đặc sắc trên địa bàn tiếp tục được phát huy trong cộng đồng dân cư như: trang phục dân tộc, Tết Độc lập, tập tục gói bánh đoàn kết và văn hóa chiêng Mường, cùng các môn thể thao truyền thống của dân tộc Mường hay văn hóa Tết Nhảy, tục cấp Sắc của dân tộc Dao….Với những nét văn hóa bản sắc độc đáo, TP Hòa Bình đang và đã thực hiện Dự án khu du lịch cộng đồng bản Mường Bích Trụ, xã Thái Thịnh và các hoạt động du lịch trên địa bàn, góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, đồng thời đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch địa phương.

TP Hòa Bình đang tích cực chuẩn bị cho Hội nghị cụm các đô thị vùng Tây Bắc năm 2018. Đây là hội nghị thường niên các đô thị vùng Tây Bắc, là dịp để TP Hòa Bình chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm trong công tác xây dựng và quản lý đô thị, đồng tìm kiếm cơ hội hợp tác trong phát triển kinh tế, quảng bá hình ảnh, tăng cường tình đoàn kết giữa các đô thị trong khu vực Tây Bắc cùng hợp tác và phát triển. Mọi công tác chuẩn bị cơ bản hoàn tất, TP Hòa Bình đã sẵn sàng tổ chức Hội nghị cụm các đô thị vùng Tây Bắc thành công nhằm tạo dựng những hình ảnh đẹp, ấn tượng đối với các đô thị bạn khi đến với TP Hòa Bình, một thành phố trẻ, văn minh và mang đậm nét văn hóa truyền thống.

Năm 2018 là năm có ý nghĩa quan trọng, năm bản lề thực hiện Kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016-2020 và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2015-2020. Với hành trang 123 năm xây dựng và phát triển, TP Hòa Bình đã và đang hội tụ nhiều nhân tố thuận lợi làm nền tảng để phát triển toàn diện trên các lĩnh vực. Tin tưởng rằng mỗi công dân TP Hòa Bình hôm nay sẽ tiếp tục phát huy ý trí, quyết tâm đồng lòng, hợp sức vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng tốt thời cơ và vận hội mới, đẩy mạnh công cuộc CNH-HĐH, để từng bước thực hiện hóa mục tiêu xây dựng TP Hòa Bình văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa Hòa Bình.

 

                Nguyễn Thanh Huy (Chủ tịch UBND thành phố Hòa Bình)


Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục