Mỗi đêm, tại khu vực biên giới gần Cửa khẩu Hoành Mô, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) có hàng trăm tấn hàng được các "đầu nậu” tập kết trước khi tuồn về Việt Nam qua các lối mòn. Trong vai những công nhân cửu vạn, thương lái nông sản, phóng viên Tiền Phong đã thâm nhập, khám phá đường dây buôn lậu trắng trợn này.
Mật
phục trong giá rét
Những ngày giáp Tết Nguyên đán, tình hình
buôn lậu ở các vùng biên Quảng Ninh ngày một nóng
lên. Theo nguồn tin của PV Tiền Phong, Cửa khẩu Hoành Mô là một trong những
điểm nóng về buôn lậu hàng hóa từ Trung Quốc qua biên giới.
Lúc đỉnh điểm có hơn 60 cửu vạn tập trung vác hàng tại khu vực chợ Đồng
Văn, Bình Liêu. (ảnh cắt từ clip).
Trong vai những người đi thu mua nông sản (hồi, quế..) tại hai xã Hoành Mô và
Đồng Văn, nơi có con suối chạy dọc đường biên cũng là nơi có 2 điểm tập kết
hàng lậu lớn nhất huyện Bình Liêu vào thời gian này. Sau nhiều ngày thám thính,
chúng tôi xác định được vị trí, đường đi lối lại và lên phương án tiếp cận. Đêm
4/1, chúng tôi quyết định mật phục tại điểm nóng suối Con Rắn, xã Hoành Mô.
Thuê 1 chiếc xe
máy cà tàng của một người dân từ trong thị trấn, 22h chúng tôi xuất phát. Vừa
tới khu vực cầu số 1, xã Hoành Mô, nghe tiếng xe máy của chúng tôi, một số
người dân bản địa lập tức dõi theo. Để tránh bị động, anh bạn đồng nghiệp nhanh
tay tắt máy, lách vào một con hẻm gần đó. Khóa xe cẩn thận, chúng tôi nhanh
chân lẻn xuống khu vực bờ suối, nơi có ánh đèn pin le lói, tiếng máy nổ phình
phịch của xe ba gác. Lúc này đồng hồ đã điểm 0 giờ sáng.
Trời bất chợt đổ mưa, chúng tôi vội trùm chiếc áo khoác lên
đầu, rảo bước nhanh qua các đám cỏ lau sắc lạnh, đá cuội lởm chởm dọc bờ suối
lạnh ngắt. Theo tìm hiểu, con đường mòn này được một người dân gần suối tự san
lấp, rải đá để đi vận chuyển hàng lậu. Khoảng nửa năm nay, phía biên phòng
Trung Quốc không cho người dân chuyển hàng qua đây nữa nên đường không có người
đi lại, rêu mốc, trơn trượt.
Sau một hồi tìm đường, chúng tôi cũng chọn được 1 vị trí
thích hợp để ẩn nấp và quan sát động tĩnh phía bãi tập kết hàng. Trong lờ mờ
ánh sáng của đèn pin, dòng người liên tục di chuyển qua lại trên 1 chiếc cầu
tạm được bắc sẵn qua suối. Các cửu vạn vác những thùng hàng khá to từ phía bên
kia biên giới rồi nhanh chóng chất lên một chiếc xe ba gác đang đậu sẵn. Chiếc
xe ba gác nổ máy, tăng ga, tài xế nhanh chóng cho xe chạy ngược về phía kho
hàng nằm cách đấy gần 300 mét.
Dọc cây cầu bắc tạm đều được đặt đèn pin sát dưới đất để cửu
vạn có thể nhìn thấy đường đi. Có khoảng 50 cửu vạn liên tục vác những thùng
hàng mà theo nguồn tin của chúng tôi đấy là gạch hoa của Trung Quốc. Sau khi
vận chuyển về Việt Nam, các "đầu nậu” sẽ chia nhỏ hàng ra chất lên xe khách, xe
tải cỡ nhỏ để vận chuyển sâu vào trong nội địa.
Trời mưa thêm nặng hạt, đang loay hoay cởi áo để trùm lên
chiếc máy quay thì bỗng có ánh đèn pin chiếu vào đúng vị trí đang ẩn náu. Kèm
theo đó là tiếng tri hô từ bên kia con suối (phía Trung Quốc), nhóm cửu vạn
cũng dừng hẳn lại và tắt hết đèn. Bỗng có 3 chiếc xe máy lao từ dưới dốc lên
gần vị trí của chúng tôi. Biết đã bị lộ, chúng tôi lao nhanh xuống suối cắm đầu
chạy.
Phải mất gần một giờ chúng tôi mới tìm được đường tắt lên khu
vực bên trên thôn bản để lấy xe máy và rút về nghỉ ngơi.
Buôn lậu trắng trợn
Sau đêm bị phát
hiện, bằng những mối quan hệ từ trước, chúng tôi đánh liều nhập vai những thanh
niên "dạt nhà” để xin làm cửu vạn vác hàng kiếm tiền về tết. Qua giới thiệu của
người quen tên H. (dân địa phương), chúng tôi được dẫn về nhà của một cửu vạn ở
xã Đồng Văn nghỉ ngơi trước khi ra trình diện "cai cửu”.
Đúng 21h, H. lay chúng tôi - "Đến giờ rồi, đi kiếm ăn thôi”.
Mang vội đôi giày vải chúng tôi theo chân H. ra chợ Đồng Văn. Đã gần 23h đêm
nhưng khu chợ rất náo nhiệt, người qua kẻ lại, xe máy xếp hàng dài dọc hai bên
đường. Hất mặt nhìn chúng tôi, một người đàn ông tầm 35 tuổi quay qua nói như
răn đe H. - "Đêm nay về nhiều hàng đấy, làm cho cẩn thận vào”. Nghe xong, H. ra
hiệu cho chúng tôi đi ra con hẻm phía sau chợ - "Mới vác lần đầu thì đừng tham,
mỗi lần 2 viên thôi. Vỡ viên nào đền chết tiền viên đấy”.
Hàng lậu được tự do vận chuyển từ 22h
đêm đến khoảng 6h30 sáng ngày hôm sau tại khu vực chợ Đồng Văn. (ảnh cắt từ
clip)
Công
việc của chúng tôi khá đơn giản, đi bộ qua suối trên một chiếc cầu tạm được
dựng bằng tre rộng chừng 50cm để sang phía Trung Quốc. Lên con dốc cạnh suối có
1 xe hàng chở toàn gạch hoa to chừng 1 mét vuông, chúng tôi chỉ việc chia nhỏ
các thùng gạch ra và vác về phía bên kia suối để chất lên xe ba gác hoặc xe tải
nhỏ. Mỗi lần vác qua sẽ có 1 người phụ nữ đứng cạnh đánh dấu và kiểm hàng.
"Giờ còn sớm nên hàng về ít, bọn mày qua bốc trước đi cho quen chân, tí sập
hàng là chạy không kịp chuyến đâu” - Ngồi trên kè phì phèo điếu thuốc, H. dặn
dò chúng tôi. Tưởng chừng công việc đơn giản nhưng chỉ qua lượt thứ 10, 2 chân
tôi như muốn bật ra khỏi gối, mỗi nhịp thở đều nghi ngút khói trước mặt. Anh
bạn đồng nghiệp cũng ra hiệu đuối sức, nhưng nghĩ đến việc bỏ cuộc khi chưa thu
thập được hình ảnh nào chúng tôi lại gồng lên.
Khoảng 0h sáng, một người đàn ông cầm đèn pin ra sát bờ suối nói lớn - "Sếp đi
hát karaoke chưa về nên chưa có lệnh, chuyển lần một ít thôi”. Nói đoạn, người
này quay qua hỏi người phụ nữ kiểm hàng - "Xem xong hôm nay thì thanh toán luôn
một thể, sếp nhắc rồi đấy”. Sau này dò hỏi, chúng tôi mới biết người đàn ông
này tên Minh, là người của Biên phòng của trạm Đồng Văn thuộc đồn biên phòng
Hoành Mô, chuyên thu phí hàng lậu. Ngoài ông Minh còn có nhiều người khác của
Biên phòng cũng chuyên thu phí như ông Khương, Phú…
Trời càng về khuya, cánh cửu vạn tập trung ra bờ suối càng đông. Đúng 2h sáng,
chúng tôi được lệnh "tổng tấn công”, hơn 60 cửu vạn cùng ùa sang bên kia biên
giới để nhận hàng. Đoàn người bắt đầu rồng rắn nối đuôi nhau vác gạch quay về
Việt Nam, vì công việc được phân công từ trước và họ đã làm nhiều nên rất quen
việc. Đông người nhưng không náo loạn, hàng ai người nấy giữ và lẳng lặng đi
trong đêm tối. Đến tầm 4h sáng, với cái rét cắt da 5 độ của vùng núi nhưng cánh
cửu vạn bắt đầu cởi hết áo vì nóng. Những bước chân chắc nịch, chậm rãi vác
từng thùng hàng cho đến lúc trời sáng và được lệnh của biên phòng - "Dọn dẹp,
rút quân”.
Không chỉ một đêm, mà nhiều đêm sau vẫn thế, hôm thì gạch, hôm thì bồn cầu,
lavabo nhà tắm và những đồ nội thất được 2 chủ "đầu nậu” là vợ chồng Thắm, Hiển
và vợ chồng Thắm, Thắng tuồn về Việt Nam qua lối chợ Đồng Văn trước sự chứng
kiến của lực lượng biên phòng.
Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, chỉ với 43km
đường biên giới nhưng huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) có đến 8 điểm tập kết hàng
lậu. Trong 8 điểm tập kết này có 3 điểm là thông quan được, chính quyền cho
phép người dân xuất các loại hàng nông sản sang Trung Quốc. Đặc biệt, các lối
mòn để "đầu nậu” tuồn hàng từ Trung Quốc về Việt Nam đều nằm gần trạm kiểm soát
liên ngành của Hải quan và Biên phòng”.
Bắt hàng lậu, hàng
giả trên đường ra Bắc dịp áp Tết
Ngày 10/1, Công an tỉnh TT- Huế bắt giữ
một lượng lớn hàng lậu, hàng giả vận chuyển bằng ô tô từ miền Nam ra Hà Nội
tiêu thụ. Theo đó, lực lượng Cảnh sát Kinh tế - Công an tỉnh phối hợp Công an
thị xã Hương Thủy phát hiện ô tô mang BKS 36C-23330, do tài xế Nguyễn Văn Thế
(sinh năm 1985, ngụ Tĩnh Gia, Thanh Hóa) điều khiển, lưu thông trên Quốc lộ 1
hướng Đà Nẵng - Huế có nhiều dấu hiệu nghi vấn, nên ra hiệu lệnh dừng xe kiểm
tra. Công an phát hiện trên xe 36C-23330 chở 4.000 mét cáp cuộn chịu lực, 390
mũ bảo hiểm giả thương hiệu nón Sơn, 123 bộ hệ thống kiến trúc tùy chỉnh, 20 bộ
massage muối đá… không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tổng trị giá hơn 300 triệu đồng.
Tài xế Thế khai, nhận chở thuê số hàng này từ một đối tượng không rõ nơi cư trú
từ địa bàn TPHCM ra Hà Nội để tiêu thụ. Ngọc Văn
Theo báo Tiền Phong
Là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn và thách thức, nhưng bằng sự đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, Ðảng bộ chính quyền nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã nỗ lực phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế, phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững. Và Hòa Bình đang quyết tâm phấn đấu trở thành tỉnh trung bình của cả nước.
(HBĐT) - Năm 2023, dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) của tỉnh được HĐND tỉnh giao 7.285 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ nặng nề trong bối cảnh nguồn thu còn hạn hẹp, cơ cấu thu thiếu bền vững, chưa có nguồn thu chủ lực mà chủ yếu dựa vào thu từ tiền sử dụng đất…
(HBĐT) - Phát huy vai trò là "hạt nhân” nòng cốt, tổ chức Đoàn các cấp trên địa bàn huyện Lạc Thủy đã tích cực kết nối, thành lập, vận động đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia các mô hình kinh tế tập thể phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
(HBĐT) - Từ nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), huyện Tân Lạc đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất cũng như hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Qua đó góp phần từng bước thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
(HBĐT) - Sáng 24/3, Khối thi đua các doanh nghiệp ngân hàng - bảo hiểm T.Ư tổ chức hội nghị ký kết giao ước thi đua năm 2023.
(HBĐT) - Câu lạc bộ (CLB) Nữ doanh nhân (DN) tỉnh là thành viên của Hiệp hội Nữ DN Việt Nam, thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình. CLB hoạt động với mong muốn tập hợp, kết nối tạo sự đoàn kết trong cộng đồng các nữ DN trên địa bàn tỉnh, cùng nhau chia sẻ, hợp tác, giúp đỡ nhau, góp phần nâng cao năng lực của từng doanh nghiệp do phụ nữ làm lãnh đạo.