(HBĐT) - Chào năm mới 2019, nông dân vùng cao Tân Lạc sống trong niềm hân hoan, hứng khởi đón chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Quýt Nam Sơn". Như vậy, đến nay, trên vùng đất còn không ít nhọc nhằn này đã có 3 đặc sản được chứng nhận bảo hộ là su su Tân Lạc, bưởi đỏ Tân Lạc và quýt Nam Sơn.

Người tiêu dùng lên vùng quýt Nam Sơn thăm quan, mua sắm đặc sản địa phương đã được chứng nhận bảo hộ thương hiệu.

Nụ cười rạng rỡ còn đọng trên môi các các bà, các mẹ ở vùng cao Nam Sơn khi nhớ lại ngày hội lớn ghi dấu quýt Nam Sơn được chứng nhận nhãn hiệu tập thể. Đồng chí Bùi Thanh Truyền, Phó Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Vùng cao Nam Sơn mong chờ điều này rất lâu rồi. Nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, quýt trồng trên đất Nam Sơn có chất lượng ngon, mẫu mã đẹp, vỏ mỏng và vị thơm đặc trưng, quả nhiều nước, vị đậm đà. Tuy nhiên, phải đến khi sản phẩm hàng hóa quýt Nam Sơn được huyện quan tâm xây dựng nhãn hiệu tập thể giai đoạn 2016 - 2020 thì mới mở ra cơ hội mới. Quýt Nam Sơn không những thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững mà còn tiến tới làm giàu cho người dân, cải thiện môi trường sinh thái, tạo cảnh quan phục vụ phát triển du lịch tại địa bàn.

Theo đồng chí Bùi Văn Nhỏ, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Lạc, kinh tế địa phương những năm gần đây phát triển khá, trong đó sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng đáng kể (33,7%). Thực hiện Nghị quyết số 06, ngày 22/10/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện, giai đoạn 2016 - 2020 với mục tiêu tạo ra động lực tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, chương trình OCOP - mỗi xã một sản phẩm, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện đã huy động nguồn lực, kêu gọi sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể để phát triển các sản phẩm mũi nhọn, nâng tầm giá trị, từng bước xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương.

Đến hết năm 2018, diện tích bưởi đỏ, bưởi da xanh trên địa bàn huyện đạt trên 1.000 ha, trong đó 395 ha đã cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 30 tấn/ha. Cuối năm 2017, bưởi đỏ Tân Lạc đón bằng bảo hộ nhãn hiệu tập thể. Đồng thời với chứng nhận đó mở ra cho bưởi đỏ Tân Lạc thị trường tiêu thụ rộng lớn, uy tín sản phẩm được khẳng định. Bưởi đỏ đặc sản địa phương đã có mặt tại các nhà hàng, siêu thị lớn của TP Hà Nội, các tỉnh từ Bắc chí Nam, giá bán bình quân 30.000 đồng/kg. Người trồng bưởi đỏ đặc sản có thu nhập bình quân trên, dưới 600 triệu đồng/ha.

Trước đó, vào những ngày cuối của năm 2016, rau su su vùng cao Tân Lạc vinh dự được cấp chứng nhận thương hiệu. Thay vì phải "núp bóng" su su Tam Đảo, bán với giá thấp và loay hoay bao năm về thị trường đầu ra, sản phẩm rau su su đạt chất lượng VietGAP, đảm bảo ATTP kể từ khi xây dựng xong nhãn hiệu tập thể đã vươn kịp các thị trường lớn. Su su Tân Lạc với bao bì, tem, nhãn mác đầy đủ, khẳng định nguồn gốc xuất xứ rõ ràng của địa phương. Sản phẩm từ chỗ phập phù về thị trường, giá cả có lúc rớt xuống 2.000 đồng/kg đã tăng gấp 2 - 3 lần, duy trì mức giá HTX thu mua, bao tiêu sản phẩm 5.000 - 6.000 đồng/kg. Diện tích rau su su ở vùng cao Tân Lạc hiện khoảng 95 ha, riêng ở xã Quyết Chiến có 60 ha.

Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện, việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm hàng hóa được xác định là hướng đi chiến lược cho bảo tồn đa dạng sinh học, tăng cường khả năng cạnh tranh trong thương mại, giúp thúc đẩy tiềm năng của địa phương, phát triển hệ thống sản xuất nông thôn trong bối cảnh toàn cầu hóa, chống lạm dụng và gian lận thương mại. Đồng thời, những quyết tâm trong xây dựng và phát triển thương hiệu của địa phương nhằm nâng cao nhận thức người sản xuất, người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Bên cạnh việc duy trì, phát triển thương hiệu trên vùng đất của các nông sản đặc sản, huyện tập trung làm tốt công tác quy hoạch vùng trồng, tuyển chọn giống đảm bảo chất lượng, đẩy mạnh chuyển giao khoa học kỹ thuật, đặc biệt là ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất. Thực hiện tốt khâu bảo quản sản phẩm nhằm cung cấp sản phẩm sạch, an toàn đến người tiêu dùng. Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm. Thực hiện liên doanh, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ thương hiệu, uy tín cho các sản phẩm nông nghiệp để người dân cả nước biết đến, tin dùng.

Bùi Minh


Các tin khác


Sức vươn cửa ngõ Lương Sơn

(HBĐT) - Huyện Lương Sơn - một trong những cửa ngõ chiến lược của tỉnh đang nắm bắt những cơ hội phát triển, đổi mới mạnh mẽ về tư duy, cách làm, tạo những bước tiến vững chắc về công nghiệp, dịch vụ, kết cấu hạ tầng đô thị, nông thôn, đời sống nhân dân, chuẩn bị hành trang cần thiết để thực hiện mục tiêu trở thành đô thị loại IV và huyện nông thôn mới vào năm 2020.

Nét duyên Mường Động

(HBĐT) - Được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh thắng nên thơ như thác nước, hang động huyền ảo, hệ thống sông, hồ, núi non trùng điệp, đặc biệt là nguồn nước khoáng quý hiếm, trong lành, mát mẻ, Mường Động - Kim Bôi sở hữu đầy đủ tiềm năng. Những năm gần đây, tiềm năng ấy đã được khơi dậy tạo sự bứt phá về du lịch, dịch vụ và giờ đây Kim Bôi đã trở thành điểm đến hấp dẫn với du khách thập phương.

Người nuôi dưỡng chữ “tâm” với người tiêu dùng

(HBĐT) - Hơn 2 năm nay, người nội trợ ở TP Hoà Bình và một số địa chỉ ở Hà Nội quen thuộc với sản phẩm thịt lợn của bà Nguyễn Thị Tâm ở phường Hữu Nghị, TP Hòa Bình. Mặc dù nghề nuôi lợn có nhiều thăng trầm nhưng với hướng đi riêng, lựa chọn khách hàng khó tính đã đưa bà đến thành công. Hơn 400 con lợn trong chuồng hiện tại đã có địa chỉ đặt hàng. Làm được như vậy điều đầu tiên phải là người có tâm với nghề, có tâm với tiêu dùng.

Đưa hương chè tuyết núi Biều bay xa

(HBĐT) -Lần này về xóm Sưng, xã Cao Sơn (Đà Bắc), chúng tôi không còn bị "dọa” về những nhọc nhằn, gian khổ như xưa. Thay vào đó là lời mời nhiệt tình, hiếu khách của đồng chí Khương Xuân Thu, Bí thư Đảng ủy xã: Bây giờ xóm Sưng đã biết làm du lịch, đường về xóm được đổ bê tông, các anh cứ băng băng mà đi. Cứ về Sưng đi! Ở đấy có nhiều điều thú vị lắm...

Những con đường khai thác tiềm năng, lợi thế

(HBĐT) - Năm 2018 ghi nhận những bước tiến quan trọng về diện mạo, kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh. Nhiều dự án trọng điểm được khởi động, nhiều dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ, cải thiện dân sinh, khai thác tiềm năng, lợi thế, tạo nên sự bứt phá về KT-XH của tỉnh.

Đất lành Lạc Thủy

(HBĐT) - Huyện Lạc Thủy có địa giới hành chính tiếp giáp với các huyện của Thủ đô Hà Nội và 2 tỉnh Hà Nam, Ninh Bình. Trên địa bàn có đường Hồ Chí Minh và quốc lộ 21 chạy qua cùng hệ thống đường thủy nội địa trên sông Bôi, thuận lợi cho việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục