(HBĐT) - Theo dự báo, vụ đông xuân 2018-2019 ở miền Bắc sẽ là vụ nghiêng ấm, thời tiết có thể diễn biến phức tạp, có biểu hiện cực đoan. Để đảm bảo thực hiện thắng lợi sản xuất, Sở NN&PTNT đã có văn bản đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo tốt sản xuất đối với cây trồng vụ xuân 2019.


- Đối với diện tích lúa trà sớm và chính vụ: Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, chăm sóc, làm cỏ, bón thúc phân đầy đủ, cân đối theo quy trình kỹ thuật đảm bảo cho cây lúa sinh trưởng phát triển khỏe. Diện tích trà muộn cần giữ lớp nước nông trên mặt ruộng vừa giữ ấm cho cây lúa (nếu gặp điều kiện rét bất thường), vừa giúp cho cây nhanh bén rễ hồi xanh; bón phân đầy đủ, cân đối giúp lúa sinh trưởng tốt, đẻ nhánh khỏe và tập trung.

Hướng dẫn nông dân xử lý kịp thời những diện tích lúa có biểu hiện vàng lá nghẹt rễ bằng các biện pháp canh tác như điều tiết nước, làm cỏ, sục bùn, kết hợp với bón thúc sớm, tập trung, bón bổ sung phân lân supe hoặc phân hữu cơ khoáng, kết hợp với phân vi lượng và phân bón lá. Tăng cường kiểm tra, giám sát đồng ruộng để phát hiện sớm các ổ dịch hại và xử lý kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn.

- Với cây màu vụ xuân: Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ làm đất và gieo trồng cây mầu vụ xuân trong khung thời vụ, phấn đấu xong trước ngày 5/3/2019. Diện tích trồng trên đất lúa một vụ cần có khung thời vụ và cây trồng phù hợp đảm bảo thu hoạch sớm giải phóng đất gieo cấy lúa vụ mùa. Tiến hành chăm sóc, tỉa dặm, bón phân đầy đủ, cân đối theo yêu cầu của từng nhóm cây màu giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt.

- Với diện tích cây ăn quả: Tập trung chăm sóc cho cây phát triển lộc xuân, ra hoa, đậu quả và phát triển quả non; áp dụng tốt các biện pháp chăm sóc, bón đầy đủ, cân đối giữa các loại phân, đảm bảo đủ lượng phân hữu cơ theo quy trình kỹ thuật. Không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không rõ nguồn gốc, xuất sứ, ngoài danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam.

Diện tích thời kỳ kinh doanh cần đẩy mạnh chứng nhận an toàn thực phẩm, chứng nhận VietGAP cho những diện tích sản xuất tập trung, nằm trong quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt. Tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, thực hiện tốt các quy định về môi trường trong sử dụng phân bón, hóa chất và xử lý chất thải nông nghiệp.

Đẩy nhanh tiến độ trồng diện tích mía mới theo kế hoạch. Đối với cây mía tím, mở rộng diện tích trồng mới sử dụng giống bằng phương pháp nuôi cấy mô hoặc sử dụng hom giống từ những vườn được nhân giống bằng giống nuôi cấy mô. Không sử dụng giống từ những ruộng mía bị bệnh thối nõn, ruộng mía sinh trưởng kém, ruộng bị rệp hại nặng.

Các địa phương chủ động lồng ghép các chương trình, dự án, trích kinh phí hỗ trợ nạo vét kênh mương, tu bổ hồ đập tích nước, chống hạn; tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh; hỗ trợ xây dựng các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; chứng nhận VietGAP, khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất lúa kém hiệu quả, không chủ động nước sang các cây trồng sử dụng ít nước nhằm đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tăng cường công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp theo quy định hiện hành.Trong trường hợp sâu, bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch cần huy động nguồn nhân lực tại chỗ, hỗ trợ vật tư, phương tiện để tổ chức dập tắt kịp thời, không để lây lan diện rộng…

 

                                                                           P.V

Các tin khác


Huyện Lương Sơn: Hiệu quả bước đầu từ mô hình trồng cỏ ngọt

Được triển khai thực hiện tháng 9/2023 với quy mô diện tích khoảng 2ha tại xóm Trại Hòa, xã Cao Sơn (Lương Sơn), đến nay, mô hình trồng cây cỏ ngọt bước đầu cho thấy hiệu quả. Cây cỏ ngọt sinh trưởng, phát triển tốt, phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, được kỳ vọng là loại cây trồng giúp nhiều nông dân phát triển kinh tế hiệu quả.

Xây dựng thương hiệu gà Quyết Thắng

Là một trong những "thủ phủ” chăn nuôi gà ri lớn nhất của huyện Lạc Sơn, xã Quyết Thắng quyết liệt triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng gà ri trở thành sản phẩm OCOP đặc trưng của địa phương, đưa chăn nuôi gà ri thành ngành kinh tế mũi nhọn, giúp người dân cải thiện thu nhập, giảm nghèo bền vững. Đồng thời giải quyết việc làm cho lao động địa phương, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Quý I, tổng Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt trên 63,5 tỷ đồng

Trong quý I/2024, Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tích cực phối hợp với Hội Nông dân các huyện, thành phố tổ chức giải ngân vốn vay Quỹ Hỗ trợ nông dân từ nguồn ngân sách của tỉnh cấp năm 2024.

3 tháng, thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.306 tỷ đồng

Theo số liệu báo cáo của UBND tỉnh, thu ngân sách Nhà nước của tỉnh ước thực hiện hết tháng 3/2024 đạt 1.306 tỷ đồng, bằng 32% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, bằng 23% so với chỉ tiêu Nghị quyết Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh và bằng 153% so với cùng kỳ.

Toàn tỉnh có gần 5 nghìn lồng nuôi cá

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất thủy sản trong tỉnh ổn định. Hiện toàn tỉnh có diện tích nuôi cá ao, nuôi cá ruộng là 2.695 ha (nuôi kết hợp ở các hồ thủy lợi 1,2 nghìn ha); số lồng nuôi cá có 4.987 lồng. Trong 3 tháng đầu năm 2024, sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 2.472 tấn; các cơ sở sản xuất được 9 triệu con cá giống các loại phục vụ cho sản xuất.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục