Sáng ngày 26-11, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp Tổ chức Thú y thế giới (OIE) và Tổ chức Nông lương của Liên hợp quốc (FAO) khai mạc Hội nghị lần thứ ba của nhóm chuyên gia thường trực khu vực châu Á về bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP); kết hợp cùng Hội thảo vùng lần thứ tư về khống chế bệnh trên lợn khu vực châu Á.

Người dân xã Tân Linh (huyện Ðại Từ, tỉnh Thái Nguyên) phun thuốc khử trùng khu vực chuồng trại chăn nuôi để phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ảnh: LƯƠNG HẠNH

Hội nghị lần này là cơ hội để ngành nông nghiệp Việt Nam học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm từ các chuyên gia quốc tế giàu kinh nghiệm về kiểm soát các loại dịch bệnh trên lợn, nhất là DTLCP đang diễn tiến ở nhiều nước hiện nay. Ðồng thời, cam kết, ngành nông nghiệp sẽ luôn đồng hành, hợp tác chặt chẽ với tổ chức quốc tế và các nước trong việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, tổ chức triển khai nhiều biện pháp phòng, chống dịch bệnh này.

★ Tại tỉnh Thái Nguyên, DTLCP đã gây thiệt hại khoảng 260 tỷ đồng. Sau khi các xã đã qua 30 ngày DTLCP không tái phát và công bố hết dịch, tỉnh chỉ đạo khẩn trương hỗ trợ thiệt hại theo mức quy định để nông dân giảm bớt khó khăn, phục hồi chăn nuôi.

★ Tính đến thời điểm này, DTLCP đã xảy ra ở 84 xã, phường, thị trấn của tất cả chín huyện, thành phố của tỉnh Bến Tre. Số lợn bị tiêu hủy 40.253 con, chiếm khoảng 10% tổng đàn lợn của tỉnh. Tại một số nơi trên địa bàn có tình trạng lợn mắc bệnh chết bị người chăn nuôi lén lút vứt ra môi trường, nhất là ở các sông ngòi. Tỉnh đã yêu cầu chính quyền các địa phương kiểm soát chặt chẽ tình trạng lợn bệnh và xử lý kiên quyết những trường hợp vứt xác lợn chết bừa bãi, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường.

★ Thời gian gần đây, bệnh lở mồm long móng gia súc đã xảy ra tại nhiều tỉnh: Bắc Kạn, Hà Giang, Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Long,… Nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng, diễn biến phức tạp, nhất là khi điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi, nhu cầu vận chuyển gia súc, sản phẩm gia súc gia tăng vào các tháng cuối năm 2019 và đầu năm 2020. Trước tình hình nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương triển khai quyết liệt và đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh, nhanh chóng kiểm soát được bệnh lở mồm long móng tại các địa phương có dịch và chủ động phòng, chống dịch bệnh tại những nơi chưa có dịch.

★ Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, do ảnh hưởng của áp cao lạnh lục địa tăng cường kết hợp hoạt động của đới gió đông trên cao cho nên ngày 26-11, ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi đã có mưa vừa, mưa to, một số nơi có lượng mưa lớn. Dự báo, ngày hôm nay (27-11), ở các tỉnh từ Nghệ An đến Phú Yên tiếp tục có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to, riêng các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có nơi mưa rất to (lượng mưa phổ biến từ 40 đến 70 mm/24 giờ, có nơi hơn 100 mm/24 giờ). Cảnh báo, đợt mưa này ở các tỉnh Trung Bộ có khả năng kéo dài đến hết ngày 29-11.

★ Hiện mực nước sông Cửu Long, sông Sài Gòn đang lên theo triều và có khả năng đạt đỉnh vào các ngày 27 và 28-11. Cảnh báo, nguy cơ ngập lụt xảy ra tại các vùng trũng thấp, vùng ven sông ở TP Hồ Chí Minh. Cấp độ rủi ro do ngập lụt: cấp 3.

★ Tỉnh Quảng Ngãi vừa phê duyệt Quy hoạch chi tiết xây dựng khu neo đậu tránh trú bão, đóng mới, sửa chữa tàu thuyền kết hợp hậu cần nghề cá Sa Cần. Khu neo đậu tránh trú bão được quy hoạch có tổng diện tích gần 96,46 ha; trong đó, diện tích trên bờ là 17,48 ha và 78,98 ha diện tích mặt nước. Sau khi đưa vào sử dụng, khu neo đậu này giúp tàu cập cảng từ 150 CV-400 CV với lượng tàu neo đậu 800 tàu, lượng hàng thủy sản 100 nghìn tấn/năm và giải quyết lao động thường trực hơn 1.000 người.

★ Ngày 26-11, UBND tỉnh An Giang phối hợp Ðại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học quốc tế: "Nguyên nhân, giải pháp hạn chế xói lở và bồi lắng trong hệ thống sông đồng bằng sông Cửu Long". Tại hội thảo, các đại biểu cảnh báo sạt lở ở khu vực này đã đến hồi báo động và đòi hỏi có biện pháp khẩn cấp để bảo vệ hiệu quả.

Nhiều ngư dân mất tích trên biển

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cho biết, khoảng 1 giờ ngày 26-11, tàu cá QNa 92482 TS (công suất 734CV) do ngư dân Lê Mười (49 tuổi, trú tại tỉnh Quảng Nam) làm thuyền trưởng cùng chín thuyền viên đang trên đường vào bờ. Khi tàu chạy đến tọa độ 15,55 độ vĩ bắc-108,47 độ kinh đông (cách Cù Lao Chàm về hướng đông khoảng 11 hải lý) phát hiện thuyền viên Nguyễn Văn D. (51 tuổi, trú tỉnh Quảng Nam) bị mất tích. Nhận được tin báo, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Hải đội 2 điều tàu BP 431101 phối hợp cùng hàng chục tàu cá trong khu vực khẩn trương tìm kiếm ngư dân mất tích.

* Tối 26-11, Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau cho biết, đang tích cực phối hợp tìm kiếm ba người gặp nạn trên tàu cá CM-92129TS của ông Tô Hải Ðăng (SN 1992, ngụ thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau).

Theo trình bày của chủ tàu CM-92129TS, trước đó ngày 15-11, khi tàu cá của ông Ðăng đang hoạt động trên biển thì bất ngờ gặp nạn, chìm. Sáu người trên tàu bị rơi xuống biển, sau đó, ba người được tàu cá của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cứu, đưa vào bờ an toàn. Ba ngư dân còn lại mất tích đến nay chưa tìm được gồm: Lê Hoàng Bích (SN 1997, ngụ xã Khánh Tiến, huyện U Minh, Cà Mau); Châu Văn Bảo (SN 1989, ngụ tỉnh Bạc Liêu) và Trần Vũ Năng (SN 1985, ngụ xã Lợi An, huyện Trần Văn Thời).


Theo Nhandan.com.vn

Các tin khác


Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp 

Chiều 16/4, Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp tỉnh. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Agribank chi nhánh tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì hội nghị.

Thúc đẩy tạo sinh kế cho nông dân dưới tán rừng

Sau một thời gian triển khai, Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (Chương trình FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ tiếp tục phát huy hiệu quả. Các mô hình phát triển rừng gỗ lớn, trồng cây nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp được nhân rộng. Đặc biệt, nhiều nông dân đã thay đổi tư duy, biết tận dụng đất rừng vốn có để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Huyện Lạc Thủy: Siết chặt quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Những năm qua, UBND huyện Lạc Thủy thực hiện tốt các nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh trên cơ sở chấp hành đúng, đầy đủ quy định pháp luật, góp phần vào sự phát triển kinh tế của địa phương.

Đoàn đại biểu người có uy tín tỉnh tham quan, trao đổi kinh nghiệm tại các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn

Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức đoàn đại biểu người có uy tín gặp mặt lãnh đạo tỉnh và đi tham quan, trao đổi kinh nghiệm tại các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn từ ngày 9/4 - 11/4. Đoàn gồm 42 người, trong đó 32 người có uy tín, 10 cán bộ phục vụ. Đây là nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Dự buổi gặp mặt đoàn có đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Thủ tướng chỉ đạo xây dựng Nghị định chế độ tiền lương mới

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nghiên cứu, đề xuất một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục