(HBĐT) - Từ Tết Nguyên đán trở ra, nông dân các địa phương trong tỉnh gặp trở ngại lớn trong vấn đề tiêu thụ nông sản thay vì thuận lợi như dịp thông thường. Thực trạng trên do ảnh hưởng diễn biến dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona (nCoV) gây ra.


Trước diễn biến dịch nCoV, tình hình tiêu thụ cam chín muộn V2 trên thị trường thành phố Hòa Bình chậm.

Giữ hợp đồng tiêu thụ lớn, ổn định với 3 cửa hàng thuộc siêu thị Lotte Mart (Hàn Quốc) nhưng công việc sản xuất, chăn nuôi của anh Bùi Đông Giang, xã An Bình (Lạc Thủy) vẫn không tránh khỏi bị tác động trước dịch bệnh. Anh Giang cho biết: Hiện tại, lứa gà thịt khoảng 2.500 con đến kỳ xuất chuồng nhưng hợp đồng tiêu thụ đối với một số siêu thị lớn khác như Big C bị giảm về số lượng. Bên cạnh đó, việc tiêu thụ ngoài thị trường tự do diễn biến rất chậm. Vì thế, vấn đề tiêu thụ hết số gà đến kỳ xuất bán đối với trang trại của gia đình khá chật vật.

Song song với thực tế đầu ra nông sản, tình hình giá cả cũng bất lợi với người sản xuất cả trong trồng trọt và chăn nuôi. Theo đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy, giá gà Lạc Thủy dịp trước Tết bình quân trên 100.000 đồng/kg, nhưng từ Tết trở ra giảm còn 85.000 - 90.000 đồng/kg, gà trắng từ 70.000 - 73.000 đồng/kg giảm còn 53.000 đồng/kg. Việc tiêu thụ bị chững lại một phần do thời tiết, phần nhiều do ngoài Tết, lượng thực phẩm dự trữ trong nhân dân vẫn còn. Ngoài ra còn do ảnh hưởng của dịch nCov nên học sinh, sinh viên, công nhân chưa quay trở lại học tập, làm việc.

Diện tích cam V2 chín muộn của huyện Cao Phong có khoảng trên 200 ha đang thời kỳ kinh doanh. Thời điểm trước Tết Nguyên đán, khoảng 20% tổng diện tích bán được với giá cao (40.000 - 45.000 đồng/kg). Diện tích còn lại tiến độ tiêu thụ chậm và giá giảm mạnh (trên, dưới 25.000 đồng/kg). Đồng chí Bùi Đăng Khoa, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cao Phong cho biết: Không chỉ cam chín muộn V2, tình hình tiêu thụ đối với cây chủ lực khác tại địa phương là mía tím cũng đang chững lại. Cụ thể còn khoảng 500 ha trên tổng diện tích 1.100 ha mía tím tồn đọng. Giá mía hiện giảm còn 2.000 đồng/cây.

Theo đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN& PTNT, một số nông sản hàng hóa mang tính chủ lực của tỉnh gồm mía tím, cam, gà, cá sông Đà ít nhiều chịu ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh nCov trong những ngày gần đây. Ảnh hưởng rõ nhất đối với cây mía tím bởi trước đây, một sản lượng mía tím không nhỏ của tỉnh được xuất khẩu bằng con đường tiểu ngạch qua các cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn), cửa khẩu Quốc tế Lào Cai. Hiện nay, để đảm bảo chống dịch được thực hiện nghiêm ngặt, việc thông quan hàng hóa sang Trung Quốc đã tạm ngừng.

Thời vụ thu hoạch mía, cam còn kéo dài đến khoảng cuối tháng 4. Người sản xuất mong chờ tới đây khi thời tiết ấm lên, ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh nCov giảm đi, các hoạt động lễ hội trở lại, đời sống, sinh hoạt của người dân ổn định dần sẽ thúc đẩy tiêu thụ nông sản hàng hóa cho bà con. Đồng chí Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đề nghị: Trong lúc này, các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, thông tin để người dân nắm bắt tình hình chung của dịch bệnh, tập trung đôn đốc các nhà vườn, doanh nghiệp đẩy mạnh công tác xúc tiến tiêu thụ đi các thị trường trong và ngoài tỉnh. Khuyến khích các doanh nghiệp, HTX tham gia thực hiện các liên kết tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Bùi Minh

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Huyện Lạc Sơn: Tổng đàn vật nuôi có trên 1,3 triệu con

Theo báo cáo của UBND huyện Lạc Sơn, hiện nay, tổng đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện đạt trên 1,3 triệu con.

Đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn thành lập thị xã Lương Sơn

Ngày 26/4, Ban chỉ đạo hoàn thiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn của tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá tiến độ thực hiện các tiêu chuẩn để thành lập thị xã Lương Sơn. Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.

Cựu chiến binh huyện Lạc Thủy thi đua làm kinh tế giỏi

Những năm qua, phong trào "Cựu chiến binh (CCB) thi đua làm kinh tế giỏi" trên địa bàn xã Hưng Thi (Lạc Thủy) có sức lan tỏa sâu rộng, được các hội viên nhiệt tình hưởng ứng. Từ phong trào xuất hiện nhiều CCB điển hình, gương mẫu trong phát triển kinh tế, trở thành tấm gương trong lao động sản xuất, đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương ngày càng giàu đẹp.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục