Dịch Covid-19 như trận bão tố khiến "con tàu” vận tải biển – cảng biển nghiêng ngả, điêu đứng khi sản lượng hàng hóa qua cảng biển sụt giảm nghiêm trọng, giá cước vận tải cũng lao dốc. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh của "anh cả đỏ” Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) đứng trước nguy cơ "vỡ kế hoạch”. Nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài, trong quý II này, Công ty Vận tải biển Việt Nam (VOSCO) buộc phải cho một số tàu nằm bờ để giảm gánh nặng chi phí.

Vận tải biển

Những con tàu lay lắt đợi hàng

Theo đánh giá của một số tổ chức, đơn vị nghiên cứu ngành hàng hải, trong vòng 10 tuần đầu năm nay, kể cả trong dịp Tết Nguyên đán, ngành vận tải biển thế giới đã sụt giảm hơn 1,7 triệu TEUs. Giá cước vận tải đường biển trung bình tiếp tục sụt giảm tới 80% kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Dịch lây lan và kéo dài trên nhiều quốc gia đã tác động mạnh vào các hoạt động dịch vụ hàng hải của Vinalines. Thảm cảnh này khiến doanh thu hợp nhất của Vinalines chỉ bằng 78% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 2.200 tỷ đồng. Bức tranh tài chính từ lãi 24 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2019) chuyển sang lỗ hợp nhất hơn 111 tỷ đồng trong quý I vừa qua.

Đại diện Vinalines đánh giá, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài sang tháng 5 mới trở lại bình thường, đội tàu của Vinalines sẽ giảm doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng, tương ứng lợi nhuận giảm khoảng 500 tỷ đồng. Với tình hình này, nhóm tàu đóng mới bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) của Vinalines sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc trả nợ gốc và lãi.

Công ty cổ phần Vận tải biển Việt Nam (VOSCO), doanh nghiệp thành viên của Vinalines, từ lâu được coi là "anh cả đỏ” ngành vận tải biển mới vừa có một năm 2019 thắng to lại tiếp tục chìm vào cảnh điêu đứng. Trong quý IV-2019, VOSCO lãi sau thuế gần 194 tỷ đồng, tăng gần 60% so cùng kỳ năm trước. Kết quả này đã giúp VOSCO bù hết số lỗ trong cả 3 quý trước và lãi sau thuế 51 tỷ đồng (cả năm 2019), gấp gần ba lần so năm 2018 (17 tỷ đồng).

Chủ tịch HĐQT Công ty Bùi Việt Hoài cho biết, tiếp đà thắng lợi năm 2019, theo kế hoạch trong năm nay, công ty tập trung tìm kiếm các hợp đồng COA (dài hạn), vận tải hai chiều, tăng cường thuê tàu khai thác tàu ngoài để nâng cao sản lượng, doanh thu và hiệu quả khai thác chung cho toàn đội, tiếp VOSCO đang khai thác đội tàu hàng khô và hàng rời chuyên dụng gồm 17 chiếc, trọng tải từ 6.500 DWT đến gần 56.500 DWT. Trong đó, đội tàu cốt lõi có bốn tàu cỡ Supramax (50-60 nghìn DWT) và năm tàu Handysize (15 – 35 nghìn DWT).

Tuy nhiên, dịch Covid-19 đã "thổi bay” mọi kế hoạch của VOSCO. Riêng tháng 2 vừa qua, năm con tàu của công ty đã phải nằm chờ hàng tại các cảng khu vực Đông - Nam Á vì không có hàng vận chuyển (clinker, than...). Khu vực Đông Bắc Á giá cước vận tải rất thấp, kể cả nếu có cố chạy, doanh thu cũng không đủ để bù chi phí hoạt động. Việc tàu phải nằm bờ đợi hàng còn khiến doang nghiệp phải bỏ ra nhiều khoản chi phí cố định khá lớn như: Lương thuyền viên, khấu hao tàu, nhiên liệu, vật tư,… Mức chi phí cho tàu trọng tải cỡ vừa và lớn khoảng 6.000 - 7.000 USD/ngày, tàu nhỏ khoảng 3.000 - 4.000 USD/ngày.

Hiện nay, nhằm giảm bớt chi phí duy trì cho tàu nằm không, một số tàu của VOSCO đang hoạt động chở hàng clinker cầm chừng. Tuy nhiên, giá cước vận tải clinker đang giảm rất sâu. Cùng kỳ năm trước, giá cước còn dao động quanh mức 9 - 9,5 USD/tấn, nhưng hiện nay đã giảm khoảng 30 - 40%. Giá cước lao dốc trong khi theo quy định của IMO, tàu phải sử dụng nhiên liệu mới (hàm lượng lưu huỳnh 0,5%), chi phí tăng gấp hai lần giá nhiên liệu cũ.

"Dự kiến, nếu dịch Covid-19 kéo dài hết quý II, mức lỗ của VOSCO trong nửa đầu năm sẽ tăng lên khoảng 88 tỷ đồng. Hoạt động của DN sẽ gặp nhiều biến động, mức lỗ có thể còn tiếp tục tăng cao hơn khi hàng container nội địa có nguy cơ giảm do luồng hàng đi Trung Quốc và giao lưu trong nước hạn chế...”, Chủ tịch HĐQT Bùi Việt Hoài đánh giá.

Hiện nay, hàng container nội địa bắc - nam đang giảm mạnh khoảng 20 - 30% chiều từ Hải Phòng vào TP Hồ Chí Minh; giá cước cũng giảm 10 - 20%, chỉ còn khoảng 5,5 triệu đồng/container 20 feet và 6 triệu đồng/container 40 feet (chiều Hải Phòng - Sài Gòn) và khoảng 1,8 - 2 triệu đồng/container 20 feet (chiều ngược lại). Hàng gom từ các cảng khác về cảng Cái Mép - Thị Vải để xuất khẩu đi thị trường Mỹ và châu Âu cũng đang giảm khoảng 30 - 40% khiến một loạt các tàu feeder (tàu gom hàng) trong cảnh "đói hàng”. Riêng mặt hàng khô, do các nhà máy, công trình xây dựng tạm dừng nên nhu cầu về nguyên vật liệu giảm sâu, giá cước giảm từ 230 nghìn đồng chỉ còn 160 nghìn đồng/tấn.

Ở thị trường quốc tế, hàng loạt các nước từ Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Nhật Bản,… cũng bị ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề, phải đóng cảng, khiến tình trạng tàu nằm chờ để dỡ/lấy hàng diễn ra ngày càng nghiêm trọng. VOSCO đang có 5 - 7 tàu phải nằm chờ các cảng ở Ấn Độ, Banglades, Philippines,… mở cửa để vào làm hàng. Nếu tình trạng này kéo dài, từ giữa đến cuối quý II này, VOSCO buộc phải cho một số tàu nằm bờ để giảm gánh nặng chi phí.

Kiến nghị nhiều giải pháp gỡ khó vận tải biển

Bên cạnh nỗ lực tái cơ cấu nguồn lực, tiết giảm chi phí, đẩy mạnh công tác thị trường của doanh nghiệp,… để chống chọi với "bão Covid-19”, Vinalines đã kiến nghị Chính phủ một số cơ chế, chính sách hỗ trợ "cấp cứu sơ bộ” mang tính ngắn hạn như: giãn thời gian nộp thuế, giảm lãi suất cho vay. Về lâu dài, Vinalines cũng nghiên cứu, xin ý kiến các cấp chức năng xem xét về việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm nếu như dịch bệnh kéo dài để phù hợp với tình hình thực tiễn.

Quyền Tổng giám đốc Vinalines Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết, Tổng công ty đã kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét, hỗ trợ, trình Chính phủ cho phép kéo dài thời hạn áp dụng Nghị quyết 107/NQ-CP ngày 10-10-2017 của Chính phủ về một số giải pháp tái cơ cấu tài chính của tổng công ty giai đoạn 2016 - 2020 như: xóa dư nợ lãi của Công ty mẹ đến thời điểm 31-12-2020; kéo dài thời gian trả nợ gốc 5 năm không tính lãi phát sinh từ 1-1-2020 đến 31-12-2025. Đồng thời, đề nghị VDB và các ngân hàng thương mại xóa nợ lãi năm 2020, không tính lãi phạt, cơ cấu kéo dài thời gian trả nợ gốc; VDB xử lý các vướng mắc trong cơ chế mua bán nợ với các doanh nghiệp thuộc Vinalines.

Đối với các doanh nghiệp không thuộc đối tượng hưởng cơ chế theo Nghị quyết 107, Vinalines cũng đề nghị áp dụng giải pháp hỗ trợ tài chính giống Công ty mẹ; xem xét, miễn giảm thuế, giảm giá hoặc không tăng giá tiền thuê đất hằng năm cho các doanh nghiệp khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải của tổng công ty.

Vinalines cũng kiến nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo Chính phủ và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sớm có hướng dẫn cụ thể bằng văn bản để các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do dịch Covid-19 được hỗ trợ theo các nhóm giải pháp đã đề xuất với Chính phủ như: sử dụng kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lao động; hỗ trợ cho doanh nghiệp vay tiền trả lương người lao động bị tạm thời ngừng việc nhằm giữ chân người lao động,... Các nhóm chính sách này sẽ hỗ trợ tích cực cho doanh nghiệp duy trì được nguồn lao động để tiếp tục ổn định sản xuất kinh doanh sau khi dịch bệnh kết thúc.

Để các doanh nghiệp thành viên duy trì ổn định hoạt động sản xuất, vận tải, Vinalines cũng đề xuất Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp kiến nghị Bộ Tài chính giảm 50% các khoản phí, lệ phí so với mức phí, lệ phí quy định tại Thông tư 261/2016/TT-BTC; miễn thuế giá trị gia tăng, giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 và thuế nhập khẩu; giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp thành viên của tổng công ty và cho giãn thời gian thực hiện nghĩa vụ thuế sang đầu năm 2021.

Ngoài ra, Vinalines cũng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải đồng ý cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ tại cảng biển được áp dụng mức phí thấp hơn 30% mức giá tối thiểu đối với các mức giá quy định tại Thông tư 54/2018/TT-BGTVT đối với các tàu thuộc doanh nghiệp thành viên của tổng công ty đến ngày 31-12-2020.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường vận tải hiện rất ảm đạm và rất khó dự đoán khi thời điểm kết thúc dịch chưa được xác định. Bức tranh thị trường vận tải biển cả năm nay cũng được dự báo có nhiều mảng tối khi tốc độ tăng trưởng thương mại hàng hải của thế giới giảm xuống còn 2,2% so với ước tính 2,5% trước đó. Một số dự báo về sự tăng trưởng của các nhóm hàng hóa tiềm năng, hướng phục hồi, kế hoạch phát triển vận tải biển chỉ có thể thực hiện khi dịch chấm dứt.

Trong bối cảnh khó khăn đó, các chuyên gia cũng đề xuất Chính phủ xem xét, chỉ đạo các bộ ngành, tập đoàn, tổng công ty xuất nhập khẩu có vốn Nhà nước (như vận chuyển than phục vụ nhà máy nhiệt điện của các Tập đoàn Điện lực, Dầu khí) thực hiện đấu thầu vận tải trong nước với các tiêu chí phù hợp để nâng cao khả năng trúng thầu của doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam. Đối với trường hợp phải tổ chức đấu thầu quốc tế thì xem xét có giải pháp để chỉ đạo chủ hàng giành sản lượng hàng hóa nhất định với giá bằng với giá thắng thầu để giao cho đội tàu trong nước thực hiện, tạo điều kiện cho vận tải biển trong nước phát triển bền vững trong thời gian lâu dài.

                                                                      Theo báo Nhân Dân

Các tin khác


Thành phố Hòa Bình tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu về nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, với nhiều dự án, công trình trọng điểm được triển khai, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục