(HBĐT) - Là vùng động lực kinh tế của tỉnh, những năm qua, cơ cấu kinh tế của huyện Lương Sơn chuyển dịch theo hướng tích cực. Hiện, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chỉ chiếm 12,1%, song, huyện lại được đánh giá là địa phương hình thành các vùng sản xuất và có nhiều sản phẩm nông nghiệp nổi bật, thế mạnh, có giá trị của tỉnh. Thành quả này là nhờ huyện đã thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu (TCC) ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.


Những năm qua, nông nghiệp huyện Lương Sơn được tập trung theo hướng sản xuất các sản phẩm 
an toàn, hữu cơ.

Đồng chí Nguyễn Anh Đức, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Với mục tiêu đổi mới sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững cho người dân, nhất là phấn đấu đạt các tiêu chí về thu nhập, việc làm, tổ chức sản xuất, Phòng NN&PTNT đã tham mưu UBND huyện ban hành đề án thực hiện TCC ngành, trong đó đi sâu vào những lĩnh vực có đề án riêng, như: cải tạo vườn tạp, phát triển đàn bò, sản xuất rau an toàn, trồng cây ăn quả... 5 năm qua, huyện đã xây dựng trên 170 mô hình có hiệu quả kinh tế cao để nhân rộng, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là gắn với các mô hình để phát triển HTX, tổ hợp tác. Trong giai đoạn 2015 - 2020, toàn huyện phát triển gần 50 HTX, thể hiện được vai trò "bà đỡ" cho người dân trong việc sản xuất, tiêu thụ, gắn với xây dựng các sản phẩm có thương hiệu trên địa bàn. 

Trong giai đoạn 2010 - 2019, từ các nguồn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), nguồn ngân sách tỉnh, huyện, lồng ghép các dự án, vốn tín dụng và Nhân dân đóng góp, huyện có tổng kinh phí trên 243 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng, phát triển hàng trăm mô hình nông nghiệp. Huyện đã cơ bản hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung, có hiệu quả kinh tế cao, như: vùng cây ăn quả có múi; vùng sản xuất rau an toàn, hữu cơ; vùng trồng cây dược liệu; vùng nhãn Miền chín muộn, trồng chuối tiêu hồng được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngoài ra, trong huyện còn có các vùng trồng cây lâm nghiệp, vùng chuyên canh chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản tập trung.

Đồng chí Nguyễn Anh Đức cho biết thêm: Huyện đang định hướng sản xuất nông nghiệp theo hướng 3 trục sản phẩm, trong đó, tiếp tục phát triển thế mạnh của địa phương, xây dựng sản phẩm theo chuỗi sản phẩm của tỉnh đã được phê duyệt và thực hiện Chương trình OCOP. Lương Sơn đã có 5 sản phẩm OCOP được đánh giá cấp huyện, 3 sản phẩm đánh giá cấp tỉnh đạt từ 3 sao trở lên. Năm 2020 phấn đấu có 7 sản phẩm được công nhận.

Những năm qua, huyện đã thực hiện TCC ngành nông nghiệp theo chiều sâu, đúng định hướng chung của huyện là giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế, nhưng nâng cao giá trị của ngành. Phòng NN&PTNT tham mưu cho huyện thực hiện TCC ngành theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, mũi nhọn và nông nghiệp đa chiều để tỷ trọng tăng lên trong nội bộ ngành và giá trị ngày càng cao. Theo đó, trong thời gian tới, ở lĩnh vực trồng trọt, huyện chú trọng các mô hình xây dựng sản phẩm lúa chất lượng cao, tập trung rau, củ, quả an toàn và hữu cơ, nhất là mở rộng quy mô nhà lưới, nhà kính để sản xuất theo hướng áp dụng công nghệ cao.

Về lĩnh vực chăn nuôi, Lương Sơn hiện có 45 trang trại, 815 gia trại. Huyện định hướng tiếp tục đẩy mạnh chăn nuôi an toàn sinh học, gắn với trang trại, gia trại, HTX nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, tạo ra sản phẩm có nguồn gốc, đảm bảo ATVSTP. Cùng với đó, huyện thực hiện chủ trương phát triển cây gỗ lớn, từ đó tạo ra vùng có điều kiện phát triển cây gỗ lớn gắn với các điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.

Đẩy mạnh thực hiện TCC ngành nông nghiệp, huyện Lương Sơn đã có 100% xã đạt tiêu chí số 10 với thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2019 đạt 38 triệu đồng/người; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,92%.

 Bình Giang

Các tin khác


Hội Nữ doanh nhân Hòa Bình - khát vọng vươn xa

(HBĐT) - Câu lạc bộ (CLB) Nữ doanh nhân (DN) tỉnh là thành viên của Hiệp hội Nữ DN Việt Nam, thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình. CLB hoạt động với mong muốn tập hợp, kết nối tạo sự đoàn kết trong cộng đồng các nữ DN trên địa bàn tỉnh, cùng nhau chia sẻ, hợp tác, giúp đỡ nhau, góp phần nâng cao năng lực của từng doanh nghiệp do phụ nữ làm lãnh đạo.

Huyện Tân Lạc: Đẩy mạnh chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"

(HBĐT) - Thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), thời gian qua, huyện Tân Lạc đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Qua đó từng bước nâng cao giá trị hàng nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững.

Huyện Lạc Thủy thu ngân sách Nhà nước đạt trên 26% dự toán

(HBĐT) - Bám sát các chỉ tiêu nghị quyết HĐND huyện giao, ngay từ đầu năm, huyện Lạc Thủy tập trung thực hiện nhiều biện pháp tăng cường nguồn thu, chống thất thu ngân sách.

Măng Kim Bôi lọt vào top 20 hàng Việt tốt vì quyền lợi người tiêu dùng

(HBĐT) - Sản phẩm măng Kim Bôi của Công ty CP Kim Bôi vừa lọt vào top 20 hàng Việt tốt vì quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp phát triển vững mạnh, thương hiệu vàng Việt Nam, sản phẩm dịch vụ chất lượng vàng vì quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.

Huyện Đà Bắc lấy ý kiến về phát triển vùng trồng cây dược liệu quý

(HBĐT) - Sáng 22/3, UBND huyện Đà Bắc tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý báo cáo "Phương án phát triển vùng trồng cây dược liệu quý tại huyện Đà Bắc”. Dự hội nghị có lãnh đạo Viện Dược liệu (Bộ Y tế); một số sở, ban, ngành của tỉnh và huyện Đà Bắc.

Tháo gỡ khó khăn cho nông dân sản xuất rừng và trang trại

(HBĐT) - Ngày 22/3, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ban Quản lý chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) tổ chức hội nghị bàn tròn cấp tỉnh tháo gỡ khó khăn cho nông dân sản xuất rừng và trang trại. 4 năm qua, chương trình được triển khai tại một số xã ở 2 huyện Tân Lạc, Lạc Thủy.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục