(HBĐT) - Trước sự cạnh tranh của nhiều loại cam trên thị trường, cam Cao Phong vẫn luôn được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn, nhất là người dân Hà Nội. Hiện tại, cam lòng vàng giá bán tại vườn từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, cam Canh từ 22.000 - 25.000 đồng/kg. So với cam của các địa phương, cam Cao Phong có mức giá tốt (cam Tuyên Quang khoảng 5.000 đồng/kg, cam Hà Giang từ 6.000 - 7.000 đồng/kg…).


Cam lòng vàng có chất lượng tốt giá bán trung bình trên 15.000 đồng/kg. Ảnh chụp tại vườn cam của gia đình ông Nguyễn Quốc Toàn (bên trái), khu 7, thị trấn Cao Phong (Cao Phong). 

Chị Nguyễn Thị Loan, chủ cửa hàng cam sạch Thanh Loan, thị trấn Cao Phong chia sẻ: Cửa hàng của gia đình tôi thường xuyên tham gia các hội chợ giới thiệu sản phẩm tại Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định... Thực tế tại hội chợ cho thấy, giá cam của địa phương khác từ 10.000 - 15.000 đồng/kg, còn cam Cao Phong giá 25.000 - 30.000 đồng/kg vẫn được khách hàng ưa chuộng. Đầu vụ, cửa hàng tôi cắt cam đẹp tại vườn giá từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, bán lẻ 35.000 - 40.000 đồng/kg đối với cam mát, cam Mỹ bán tới 50.000 đồng/kg. Hiện đang chính vụ, cam Canh bán lẻ tại cửa hàng 45.000 đồng/kg, cam lòng vàng 25.000 đồng/kg. Lượng khách mua ổn định, có thêm một số khách mua buôn mới. Sắp đến Tết Nguyên đán, dự kiến lượng mua sẽ tăng, khách hàng khắp các địa phương, thậm chí ở miền Nam đã đặt cam Tết. Đơn hàng Tết của cửa hàng đã lên tới vài chục tấn. 

Từ lâu, cam là cây trồng chủ lực mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân huyện Cao Phong. Năm 2014, cam Cao Phong được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý. Năm 2016, Viện Sở hữu trí tuệ quốc tế cấp chứng thư "Tốp 10 thương hiệu, nhãn hiệu nổi tiếng lần thứ 5”. Chất lượng, uy tín sản phẩm cam Cao Phong tạo đột phá trong phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Toàn huyện Cao Phong có trên 2.800 ha cây ăn quả có múi, diện tích thời kỳ kinh doanh trên 2.000 ha, diện tích thời kỳ kiến thiết cơ bản trên 798 ha. Niên vụ 2020 - 2021, sản lượng dự kiến trên 30.000 tấn. Nhằm nâng cao chất lượng cam quả, từ năm 2015 đến nay, huyện có nhiều chính sách hỗ trợ để người dân duy trì, mở rộng diện tích trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Đến nay, huyện có trên 1.000 ha với 807 hộ trồng cam theo tiêu chuẩn VietGAP; 1.147 ha được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Ông Nguyễn Quốc Toàn, khu 7, thị trấn Cao Phong cho biết: Gia đình tôi trồng hơn 2 ha cam các loại, trong đó 1,5 ha đang thu hoạch, với các giống cam Canh, cam lòng vàng, quýt Hà Giang. Quýt Hà Giang năm nay dễ bán và được giá, trên 10.000 đồng/kg; cam Canh từ 22.000 - 25.000 đồng/kg. Với 7.000 m2 cam lòng vàng, tư thương hỏi mua cắt cả vườn, giá 15.000 đồng/kg nhưng gia đình chưa bán. Năm nay, dự kiến tổng sản lượng cam các loại của gia đình đạt trên 40 tấn, doanh thu khoảng 700 triệu đồng. Trừ kinh phí sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 200 triệu đồng cho lãi 500 triệu đồng.
      
Đến thời điểm này, toàn huyện Cao Phong đã tiêu thụ được khoảng 60 - 70% sản lượng cam, khoảng 18 nghìn tấn. Chị Trần Minh Trang, quận Cầu Giấy (Hà Nội) chia sẻ: Tại nhiều địa phương như Hưng Yên, Bắc Giang, Sơn La hay các huyện Kim Bôi, Lạc Thủy, Yên Thủy cũng trồng các giống cam Cao Phong, nhưng vị không như cam trồng tại Cao Phong. Gia đình tôi tin tưởng chất lượng cam Cao Phong, khi bổ, cam có mùi thơm của tinh dầu, màu vàng đậm, vị ngọt thanh. Bởi vậy, tại Hà Nội có nhiều loại cam bán dưới 10.000 đồng/kg, nhưng tôi vẫn chọn mua cam Cao Phong với giá 35.000 đồng/kg.

Đồng chí Bùi Văn Dán, Trưởng phòng NN&PTNT huyện  Cao Phong cho biết: Một số hộ trồng cam ở vùng lân cận quy mô nhỏ lẻ, sản lượng ít, mang ra chợ cóc, thậm chí ngồi tràn lan dọc quốc lộ 6 trên địa phận huyện để bán cam. Vì vậy, giá thấp hơn so với mức trung bình vùng trồng tập trung của huyện. Huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức giữ gìn thương hiệu cam Cao Phong, không mang cam từ các địa phương khác về đội lốt cam Cao Phong bán với giá rẻ, làm ảnh hưởng đến uy tín của cam Cao Phong. Cam vẫn là cây trồng chủ lực góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Giá trị từ trồng cam đạt trên 300 triệu đồng/ha/năm. 

 Đồng chí Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục TT&BVTV cho biết: Diện tích cam Cao Phong chín sớm đã thu hoạch xong, hiện đang thu hoạch cam chính vụ, chủ yếu là cam Xã Đoài và một phần cam lòng vàng. So với các năm trước, giá cam năm nay thấp hơn chút. Tuy nhiên, những vườn cam đẹp, chất lượng tốt giá bán vẫn đạt trên 15.000 đồng/kg. Tiêu thụ chủ yếu do tư thương thu mua, qua hệ thống siêu thị, cửa hàng nông sản sạch và bán trực tiếp trên zalo, facebook... Để giữ gìn, phát triển thương hiệu cam Cao Phong, ngành NN&PTNT tỉnh hỗ trợ người trồng cam kỹ thuật sản xuất, trong đó quan tâm thực hiện các giải pháp phòng trừ bệnh vàng lá thối rễ, rệp sáp hại rễ, đẩy mạnh sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón sinh học, chế phẩm sinh học; sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, ngành hỗ trợ người trồng cam Cao Phong kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm, tham gia hoạt động xúc tiến thương mại tại các hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh.


Thu Thủy

Các tin khác


Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện Kim Bôi

Ngày 17/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Kim Bôi. 

UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục