(HBĐT) - Đó là quyết tâm chính trị mà Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc huyện Đà Bắc đã xác định và tập trung thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ.



Các đồng chí lãnh đạo Huyện ủy Đà Bắc trao đổi, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH. 

Xuất phát điểm thấp

 Đà Bắc là huyện có điều kiện KT-XH, đời sống đại bộ phận người dân còn khó khăn. Cơ cấu kinh tế chậm chuyển dịch, hạ tầng nhiều hạn chế. Theo đồng chí Bùi Văn Luyến, Bí thư Huyện ủy, điều này xuất phát từ nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan. Về khách quan, trong quá trình xây dựng công trình thủy điện Hòa Bình, Nhân dân vùng lòng hồ đã phải hy sinh toàn bộ nhà cửa, mồ mả cha ông, đất sản xuất màu mỡ. Người dân phải "vén” dần lên đến đỉnh núi. Nơi ở mới chủ yếu là núi đá, độ dốc lớn. Do vậy, đã làm thay đổi tập quán canh tác của người dân. 

Cũng xuất phát từ điều kiện địa hình chủ yếu là núi cao, chia cắt mạnh, nên điều kiện về giao thông, đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng KT-XH của huyện gặp rất nhiều khó khăn. Trong suốt hơn 30 năm qua, về hạ tầng giao thông, Đà Bắc vẫn chỉ có duy nhất một tuyến tỉnh lộ 433 nối từ TP Hòa Bình lên điểm cuối là xã Nánh Nghê. Sau nhiều năm, tuyến đường "độc đạo” này hầu như chưa có sự cải tạo, nâng cấp đáng kể nào. Phần kết nối giữa huyện với các xã vẫn là con đường nhỏ hẹp, quanh co khó đi, thông thương hạn chế.

Còn về chủ quan cũng phải thừa nhận một sự thật, là hiện còn một bộ phận không nhỏ người dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, chưa năng động, chủ động thay đổi tư duy phát triển kinh tế. Chính những điều này đã cản trở sự phát triển của huyện, đồng thời, là những thách thức cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương.         

          Quyết tâm vươn lên từ gian khó

          Ngay khi bắt đầu giai đoạn phát triển mới, Đà Bắc đã xác định những khâu, mũi nhọn đột phá toàn diện trên các mặt KT-XH. Trong đó, huyện xác định du lịch là một trong những mũi nhọn. Là địa phương có nhiều xã tiếp giáp với lòng hồ Hòa Bình - được công nhận là khu du lịch quốc gia, Đà Bắc có lợi thế lớn để thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Huyện đã chủ động tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư để thu hút các nhà đầu tư có năng lực. Qua đó, đã ký kết biên bản ghi nhớ với 9 nhà đầu tư. Thành lập Ban chỉ đạo phát triển du lịch để làm cầu nối giữa các nhà đầu tư với huyện, cũng như giúp hoạch định những bước đi phù hợp trong phát triển du lịch. Từ đó, tập trung làm tốt quy hoạch đầu tư hạ tầng, tour, tuyến. Với những bước đi đó, huyện đã hình thành và có một số mô hình, sản phẩm du lịch gắn với gìn giữ, bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phù hợp điều kiện thực tế của địa phương.    

Bên cạnh đó, huyện tập trung phát huy lợi thế phát triển ngành nông nghiệp. Trong nông nghiệp lấy chăn nuôi là một mũi nhọn đột phá. Điều này được chứng minh qua thực tế, khi huyện ban hành, tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06-NQ/HU về phát triển chăn nuôi đại gia súc. "Đây là một hướng đi phù hợp với địa phương, khai thác được lợi thế, phù hợp khả năng đầu tư của người dân. Do vậy, huyện xác định tiếp tục chủ trương đẩy mạnh thực hiện nghị quyết. Từ định hướng này, trên địa bàn huyện hiện có một số mô hình chăn nuôi gia súc cho hiệu quả kinh tế cao” - đồng chí Bùi Văn Luyến, Bí thư Huyện ủy cho biết. Đồng thời, phát huy lợi thế mặt nước lòng hồ, huyện mở rộng mô hình nuôi cá lồng, đã thu hút được một số doanh nghiệp vào đầu tư. Người dân tham gia liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để nuôi cá lồng ở một số xã vùng hồ. Các mô hình này đã góp phần tăng tỷ trọng trong cơ cấu nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân.

    Tuy vậy, để thực hiện được mục tiêu đưa huyện "phát triển KT-XH bền vững theo hướng nông nghiệp, dịch vụ” như tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đà Bắc vẫn còn một số rào cản. Đó là phải xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân. "Ngoài những vấn đề nội tại của người dân còn có những vấn đề về chính sách. Các chủ trương của Nhà nước đã có, nhưng cũng phải bàn, làm như thế nào cho phù hợp. Để thay đổi tư duy trông chờ, ỷ lại, không có cách nào khác là phải huy động cả hệ thống chính trị đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của người dân. Mặt khác, Nhà nước cũng phải thay đổi về chính sách để làm sao có sự hỗ trợ về điều kiện, chứ không phải hỗ trợ trực tiếp cho người dân như hiện nay. Đó là hỗ trợ về sinh kế, đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng giao thông, cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển KT-XH. Từ đó tạo ra một cuộc cách mạng về nhận thức, tư duy phát triển mới cho huyện”- đồng chí Bùi Văn Luyến mong muốn. 

Tuy nhiên, tất cả những định hướng, mục tiêu đó sẽ rất khó thực hiện nếu như hạ tầng giao thông không được quan tâm đầu tư. Đó chính là điều huyện mong chờ trong suốt quá trình đổi mới, phát triển. "Để Đà Bắc khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, phát triển nhanh, bền vững thì giao thông phải đi trước một bước. Mong muốn của huyện là được quan tâm đầu tư về hạ tầng giao thông để tạo sự thông thương, kết nối. Hiện nay, tuyến đường 433 từ tỉnh đến trung tâm huyện cơ bản. Nhưng từ huyện đến cuối tuyến còn nan giải. Chúng tôi rất muốn tuyến đường 433 "khoan thủng” Nánh Nghê sang Sơn La, tạo điều kiện về giao thương. Chỉ cần có con đường, Đà Bắc sẽ tự đi được trên đôi chân của mình” - đồng chí Đinh Công Báo, nguyên Bí thư Huyện ủy Đà Bắc trăn trở.

Thực tế, do giao thông khó khăn, nhiều vùng trước đây được ví như những "vựa” sản xuất nông nghiệp lớn của huyện như: Mường Tuổng, Đồng Chum, Yên Hòa, Cao Sơn có diện tích trồng ngô rất lớn nhưng không phát huy được hiệu quả. Người dân chỉ sản xuất cầm chừng, đủ cho sinh hoạt chứ không "dám” tập trung đẩy mạnh sản xuất, đưa cây ngô trở thành nông sản thế mạnh. Xâu chuỗi lại thì nguyên nhân vẫn là cái khó về đường giao thông. Hạ tầng giao thông vẫn là "điểm nghẽn". "Cái Đà Bắc cần là một con đường thông thương, kết nối. Chí ít cũng phải cho mình một cái trục "xương sống” để các ngả nối vào. Chứ con đường mà vẫn phải oằn mình như hiện nay thì nó tạo ra sự kìm hãm. Đây cũng là khó khăn, thách thức đặt ra cho tập thể BCH Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết những "điểm nghẽn" để tạo sức bật cho Đà Bắc. Đảng bộ huyện xác định tinh thần chỉ đạo xuyên suốt là thường xuyên nắm bắt tình hình cơ sở, sâu sát đời sống Nhân dân, tận dụng mọi cơ hội cho sự phát triển của huyện trong thời gian tới” - đồng chí Bùi Văn Luyến, Bí thư Huyện ủy khẳng định.


Mạnh Hùng

Các tin khác


Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục