(HBĐT) - "Cơn bão" Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới "sức khỏe" nền kinh tế. Song với mục tiêu không để chuỗi cung ứng, sản xuất bị đứt gẫy; không để ai bị bỏ lại phía sau, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh lãnh đạo, điều hành, tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện "mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển KT-XH. Do vậy, vượt qua khó khăn, kinh tế của tỉnh duy trì tăng trưởng khá. Nếu như 6 tháng đầu năm 2020, Hòa Bình chịu mức tăng trưởng âm thì 6 tháng đầu năm nay, tỉnh đạt được con số ấn tượng với tốc độ tăng trưởng ước đạt 16,1% .


Công ty TNHH nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa thúc đẩy SX-KD.

Chủ động, linh hoạt, sáng tạo thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-UBND, ngày 19/1/2021 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH, dự toán NSNN và QP-AN tỉnh Hòa Bình năm 2021 với 11 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đối với từng ngành, lĩnh vực và 229 nhiệm vụ trọng tâm chi tiết giao cho các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố. Đồng thời yêu cầu các đơn vị khẩn trương xây dựng, ban hành và triển khai ngay kế hoạch, chương trình hành động cụ thể của đơn vị mình; trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, đơn vị chủ trì và phối kết hợp với các cấp, ngành, địa phương đề ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ được UBND tỉnh giao.

UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành tổng hợp đánh giá tình hình KT-XH hằng tuần, hằng tháng, hằng quý và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tiếp theo; chỉ đạo các sở, ban, ngành xây dựng các kế hoạch, đề án phát triển KT-XH của tỉnh. Đặc biệt, nhằm tạo sự đồng thuận cao, UBND tỉnh đã phát động phong trào thi đua chuyên đề: "Thi đua thực hiện "mục tiêu kép” vừa phòng, chống đại dịch Covid-19, vừa phục hồi và phát triển KT-XH năm 2021”, được các cấp, ngành, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và Nhân dân tích cực hưởng ứng. Chỉ đạo xây dựng kịch bản phát triển KT-XH trong điều kiện ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; tiếp tục chú trọng thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp khắc phục tác động của dịch Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho SX-KD, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Trong các kỳ họp UBND tỉnh, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh nhiều lần nhấn mạnh: Trước yêu cầu mới từ thực tiễn và để phấn đấu hoàn thành mục tiêu phát triển KT-XH theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, nhất là duy trì nhịp độ tăng trưởng cao và tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến hết sức phức tạp, đòi hỏi UBND tỉnh phải tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, nhất là trong việc đề ra các giải pháp phù hợp, linh hoạt, huy động mọi nguồn lực để phát triển KT-XH nhanh, bền vững. Tập trung bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh; chủ động sâu sát cơ sở, lắng nghe tiếng nói của người dân, DN để đổi mới, hoàn thiện phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện có hiệu quả.

Theo đó, trong các phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh đã đề xuất, xây dựng nhiều cơ chế, chính sách phát triển KT-XH của tỉnh; chỉ đạo giải quyết các dự án đầu tư vốn ngoài ngân sách Nhà nước chậm tiến độ; tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, thu hút đầu tư vào tỉnh. Đặc biệt, UBND tỉnh và đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đã sát sao chỉ đạo các sở, ngành, địa phương nêu cao vai trò trách nhiệm, xông pha hoàn thành các mục tiêu về triển khai lập quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; lập quy hoạch sử dụng đất làm "chìa khóa" để triển khai các dự án đầu tư; chú trọng đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án còn ách tắc... Nhiệm vụ xuyên suốt là vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển KT-XH trong trạng thái bình thường mới.

Là DN hoạt động xuất khẩu trong lĩnh vực thấu kính quang học cao cấp, gần 2 năm nay, Công ty TNHH nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam (KCN bờ trái Sông Đà) chịu tác động lớn của dịch Covid-19. Phó Tổng giám đốc Dương Thị Chính chia sẻ: "Công ty có mặt ở Hòa Bình đã 20 năm nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi chịu áp lực rất lớn của dịch bệnh. Song, công ty xác định để ổn định hoạt động, sống chung với dịch bệnh thì phải tự bảo vệ mình bằng việc xây dựng phương án, kịch bản vừa sản xuất, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch; tuân thủ các quy định của Bộ Y tế, của Ban chỉ đạo tỉnh và DN đã có đề án cải tiến phù hợp với tình hình mới. Chính vì vậy, đến thời điểm này, chúng tôi vẫn sản xuất tốt, chưa có vấn đề lớn xảy ra. Nhưng giả xử nếu có vấn đề xảy ra, công ty đã có phương án chuẩn bị là ngay tại nhà máy có thể cách ly được toàn bộ 600 lao động với môi trường bên ngoài, để có thể tiếp tục làm việc và có những khu cách ly riêng cho các đối tượng, không gây áp lực lên xã hội". Nhờ linh hoạt trong thực hiện "mục tiêu kép", 6 tháng đầu năm nay, Công ty TNHH nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam đã sản xuất khoảng 4 triệu sản phẩm; xuất khẩu 3,8 triệu sản phẩm với giá trị khoảng 5 triệu USD; thu nhập bình quân người lao động giữ ổn định 7 triệu đồng/người/tháng.

Đổi mới, linh hoạt và sát sao trong chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền; đồng thuận vượt khó của các ngành, địa phương, cộng đồng DN và Nhân dân đã giúp KT-XH của tỉnh có những bước tiến mới. 6 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tính tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,57%; công nghiệp - xây dựng tăng 32,22% (công nghiệp tăng 39,26%); dịch vụ tăng 5,51%; thuế sản phẩm tăng 8,09%. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP tiếp tục chuyển dịch tích cực với tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản 19,92%; công nghiệp - xây dựng 44,45%; dịch vụ 30,55%; thuế sản phẩm 5,08%.

Các lĩnh vực kinh tế quan trọng cơ bản có sự tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm trước, như: Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản ước đạt 8.631,7 tỷ đồng, tăng 7,12%. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 25,89%; giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 22.344,6 tỷ đồng, tăng 24,29%. Giá trị xuất khẩu ước đạt 578,88 triệu USD, tăng 29,64%; giá trị nhập khẩu ước đạt 506,05 triệu USD, tăng 25,7%. Toàn tỉnh ước có 260 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 6.480 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm trước, số lượng DN cấp mới tăng 9,3%, số vốn đăng ký tăng 24,4%. Giải quyết việc làm mới cho hơn 8.300 người, đạt 52% kế hoạch năm...

Những kết quả đạt được sẽ là nền móng quan trọng để tỉnh có sự bứt phá trong thực hiện mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi và phát triển KT-XH năm 2021.

Hoàng Nga

Các tin khác


Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục