(HBĐT) - Trong nhiều năm qua, hoạt động xuất, nhập khẩu của tỉnh có sự tăng trưởng đáng kể cả về quy mô và giá trị, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, mở rộng sản xuất ở những ngành có lợi thế vượt trội nhờ vị thế địa kinh tế của tỉnh.
Công ty TNHH và Đầu tư thương mại Tiến Ngân (TP Hòa Bình) thực hiện quy trình sơ chế mía tươi để xuất khẩu.
Năm 2021, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới đã làm đứt gãy thương mại quốc tế, song hoạt động xuất khẩu hàng hóa của cả nước nói chung và tỉnh Hòa Bình nói riêng vẫn giữ được mức tăng trưởng khá. Thành quả này không thể không nhắc đến các doanh nghiệp (DN), HTX đã phát huy tính năng động, sáng tạo trong điều hành, sản xuất, kinh doanh (SX-KD).
Năm 2021, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 1.218 triệu USD. Đây là nhiệm vụ nặng nề nếu không có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường xuất, nhập khẩu, bởi kinh tế thế giới chịu biến động lớn do dịch Covid-19, nhiều thị trường gần như đóng băng, nguồn cung nguyên vật liệu đầu vào có thời điểm ngưng trệ.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 50 DN hoạt động xuất, nhập khẩu, trong đó có 26 DN vốn đầu tư nước ngoài. Cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chia thành 5 nhóm gồm: Nhóm hàng điện tử, dệt may, nhóm hàng kim loại, hàng nông sản và nhóm hàng hóa khác. Sớm xác định được những trở ngại, thách thức, các DN đã chủ động xây dựng kế hoạch, chiến lược SX-KD thích ứng với tình hình mới và thắt chặt phòng, chống dịch bệnh nhằm bảo vệ "sức khỏe" DN.
Được giới thiệu về phương án, kế hoạch chi tiết cho hoạt động sản xuất gắn với phòng, chống dịch Covid-19 mới thấy Công ty TNHH nghiên cứu kỹ thuật R Việt Nam (KCN bờ trái Sông Đà) không chỉ chủ động ứng phó với dịch bệnh mà đã có chiến lược để giữ vững tăng trưởng trong khó khăn. Phó Tổng Giám đốc Dương Thị Chính chia sẻ: Sau 20 năm đầu tư tại Hòa Bình, chúng tôi đã gặt hái được nhiều thành công và càng thấy sự lựa chọn của DN đến nơi đây là đúng đắn. Công ty đã đạt được trình độ cao về công nghệ với các sản phẩm thấu kính quang học cao cấp dùng cho máy ảnh, máy quay, camera ô tô. Thời gian qua, dịch Covid-19 đã "gặm nhấm sức khỏe" của DN. Song, công ty xác định để ổn định hoạt động, sống chung với dịch bệnh thì phải tự bảo vệ mình bằng việc xây dựng phương án, kịch bản vừa sản xuất, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch; tuân thủ các quy định của Bộ Y tế, của Ban chỉ đạo tỉnh và DN đã có đề án cải tiến phù hợp với tình hình mới. Hiện, Công ty thường xuyên giải quyết việc làm ổn định cho 600 lao động với thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng. Hàng năm, công ty nộp NSNN từ 8-10 tỷ đồng và là một trong những DN hàng đầu đóng góp vào giá trị xuất khẩu của tỉnh.
Những tháng cuối năm, hoạt động xuất khẩu nông sản bận rộn hơn so với những năm trước, mở ra triển vọng mới cho những sản phẩm nông sản chủ lực, thế mạnh của tỉnh; từng bước khắc phục một trong những hạn chế được chỉ ra trong công tác xuất khẩu là: Kim ngạch xuất khẩu nông sản còn chiếm tỷ trọng thấp, chưa khai thác và phát huy được tiềm năng, thế mạnh trong sản xuất nông sản của tỉnh.
Theo đó, tiếp nối dấu mốc vào đầu tháng 11, lần đầu tiên 10 tấn mía trắng ăn tươi của tỉnh được xuất khẩu sang thị trường Đức thì trong tháng 12, dự kiến có 44 tấn mía tiếp tục được xuất khẩu sang châu Âu. Cũng trong tháng 12, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), Công ty CP Kim Bôi (thị trấn Ba Hàng Đồi, Lạc Thuỷ) tổ chức lễ xuất hàng lô sản phẩm 28 tấn măng tươi đã qua chế biến sang Hà Lan, một thị trường châu Âu mới có nhiều triển vọng. Trước đây, các sản phẩm măng tươi, miến khô của công ty đã có mặt tại các thị trường: Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Angola... Theo kế hoạch, trong tháng 12, Công ty CP Kim Bôi tiếp tục xuất khẩu 3 conterner sản phẩm măng chế biến với khoảng 60 tấn sang các nước.
Đáng nói, trong năm 2021, hoạt động xuất khẩu nông sản của tỉnh có sự thay đổi tích cực. Tỉnh đã đẩy mạnh tìm kiếm, mở thị trường mới cho nhiều sản phẩm được cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói. Qua đó đã mở hướng xuất khẩu cho các sản phẩm: Chuối, chè, rau, củ quả muối... Đây là những tín hiệu vui cho ngành nông nghiệp của tỉnh khi ngày càng có nhiều mặt hàng nông sản chất lượng cao, vươn ra thị trường quốc tế. Song, để giữ vững thị trường xuất khẩu, theo đồng chí Nguyễn Hồng Yến, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hàng hóa phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về ATTP, từ quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, sơ chế, đến đóng gói, lưu trữ và vận chuyển…
Thực tế cho thấy, trong năm 2021, hoạt động xuất khẩu của tỉnh có sự vượt khó ấn tượng. Theo đó, ngoài sự năng động, nỗ lực bền bỉ của các DN, HTX đã có vai trò hết sức quan trọng của các sở, ngành chức năng khi triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển thị trường xuất khẩu, nhập khẩu. Đặc biệt, với vai trò của cơ quan QLNN, Sở Công Thương đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến DN về quy tắc và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định FTA, nhất là Hiệp định EVFTA để thúc đẩy xuất khẩu. Hỗ trợ, khuyến khích DN tăng cường triển khai các hình thức xúc tiến thương mại, áp dụng các công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, quan hệ với đối tác, hỗ trợ DN nhanh chóng tìm được bạn hàng cho những mặt hàng nông sản thực phẩm, hàng hóa thiết yếu. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành chú trọng quảng bá sản phẩm qua nền tảng số, phương tiện điện tử...
Minh chứng thuyết phục được ghi nhận: Kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 1.218 triệu USD, tăng 18,02% so với cùng kỳ năm 2020, bằng 100% kế hoạch năm. Trong đó, nhóm hàng điện tử đạt 656 triệu USD, tăng 12,68% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng dệt may đạt 395 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông, Nga, Ấn Độ... tỉnh đã phát triển thêm một số thị trường xuất khẩu mới như Canada, Anh, Đức, Hà Lan, Úc, Mexico, Tây Ban Nha...
Hoàng Nga
(HBĐT) - Sáng 22/3, UBND huyện Đà Bắc tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý báo cáo "Phương án phát triển vùng trồng cây dược liệu quý tại huyện Đà Bắc”. Dự hội nghị có lãnh đạo Viện Dược liệu (Bộ Y tế); một số sở, ban, ngành của tỉnh và huyện Đà Bắc.
(HBĐT) - Ngày 22/3, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ban Quản lý chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) tổ chức hội nghị bàn tròn cấp tỉnh tháo gỡ khó khăn cho nông dân sản xuất rừng và trang trại. 4 năm qua, chương trình được triển khai tại một số xã ở 2 huyện Tân Lạc, Lạc Thủy.
(HBĐT) - Triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Lạc Sơn hiện có 10 sản phẩm của 10 chủ thể được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.
(HBĐT) - Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội (NƠXH) trong thời gian qua nhằm thực hiện chủ trương bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH và ổn định thị trường bất động sản. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg, ngày 25/1/2017 về đẩy mạnh phát triển NƠXH. Tuy nhiên, việc phát triển NƠXH vẫn tiến triển rất chậm với nhiều khó khăn, vướng mắc.
(HBĐT) - Sau khi tới thị trường Anh, cam Cao Phong bước đầu nhận được những phản hồi tích cực từ người tiêu dùng sở tại, đánh dấu sự trở lại của loại trái cây đặc sản miền Bắc trên thị trường thế giới sau hơn 40 năm. Đây là động lực lớn, tiền đề để các cấp chính quyền cũng như doanh nghiệp, HTX, nông dân trồng cam trên địa bàn huyện tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản đặc trưng của vùng đất Mường Thàng.
(HBĐT) - Dự án khu đô thị mới (KĐTM) Trung Minh A là dự án trọng điểm của tỉnh. Trong quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng (GPMB), một số hộ dân không nhận tiền đền bù, hỗ trợ, không bàn giao mặt bằng, ngăn cản không cho chủ đầu tư thi công, ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai dự án.