(HBĐT) - Một mùa xuân mới lại về trải nắng vàng ấm áp trên mỗi cung đường, ngõ xóm. Gác lại lo toan thường nhật để rong ruổi đến các miền quê mới thấy cuộc sống đã thực sự đổi thay. Ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên không khí đón năm mới có phần trầm lắng, song, niềm vui trước sự đổi mới, phát triển được ghi dấu. Không vui sao được khi trong bối cảnh khó khăn chồng chất, nhưng với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhất là sự ủng hộ của người dân, năm 2021, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (XDNTM) đạt được kết quả ngoài mong đợi. Toàn tỉnh có thêm 9 xã về đích NTM, vượt 3 xã so với kế hoạch đề ra. Đáng nói, trong đó có tới 4 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn là Quyết Chiến, Gia Mô (Tân Lạc), Cao Sơn (Đà Bắc) và Hữu Lợi (Yên Thủy).


Thành viên HTX sản xuất rau an toàn Quyết Chiến (Tân Lạc) thu hoạch rau su su phục vụ thị trường dịp cuối năm.

Trước đây, nói tới Quyết Chiến nhiều người nghĩ về xã vùng cao xa xôi nhiều gian khó. Nay Quyết Chiến trở thành cái tên khá quen thuộc với những nông sản đặc trưng, có mặt tại nhiều siêu thị, trung tâm thương mại trong, ngoài tỉnh. Thực hiện chương trình XDNTM đã giúp xã có diện mạo mới với hệ thống cơ sở hạ tầng KT-XH được xây dựng đồng bộ, nhất là giao thông khá thuận lợi đã "kéo" xã lại gần hơn. Chẳng vậy mà thời điểm cuối năm, nơi đây trở thành điểm đến của nhiều du khách.

Vợ chồng anh Trường Phong, phường Kim Mã, quận Ba Đình (Hà Nội) từng có dịp đến với Quyết Chiến trong một chuyến đi từ thiện. Trở lại lần này, anh chị không khỏi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của xã. Anh Phong chia sẻ: Lên đây chúng tôi không bị say xe như lần trước vì đường đã mở rộng và cắt cua nhiều. Trẻ em được học ở ngôi trường khang trang. Hình ảnh những mái nhà đơn sơ, lụp xụp cũng không còn. Xã như được "khoác áo mới". Đến đây được tận mắt nhìn những ruộng, vườn rau su su, củ cải xanh mướt mát thật thích.Vợ chồng tôi vừa mua mấy chục cân về Hà Nội làm quà.

Đúng là nói đến Quyết Chiến phải nhắc tới thương hiệu rau su su đã được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh - sản phẩm đã mang lại cuộc sống ấm no cho nhiều gia đình. Hiện, hàng trăm hộ trong xã đầu tư trồng su su lấy ngọn với tổng diện tích trên 60 ha. Trong đó, HTX sản xuất rau an toàn Quyết Chiến có diện tích 23 ha trồng su su, củ cải cung cấp cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh, thành phố. Sản lượng thu hoạch của HTX đạt khoảng 45 tấn/tháng. Trước tác động của dịch Covid-19, HTX đã kết nối với 2 doanh nghiệp thu mua sản phẩm, giúp bà con yên tâm sản xuất. Cuộc sống của người dân trong xã đã đổi thay nhờ chương trình XDNTM.

Cũng như Quyết Chiến, năm nay, mùa xuân đến sớm với cán bộ, Nhân dân xã Bắc Phong (Cao Phong). Thong thả bước trên con đường thắm sắc hoa ở xóm Hải Phong, đồng chí Bùi Xuân Thiết, Phó Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Trong hành trình XDNTM, xã luôn nhận được sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, nhất là sự đồng lòng của Nhân dân. Tổng nguồn lực XDNTM của xã đạt 262.890 triệu đồng, trong đó có đóng góp đáng kể của các gia đình qua hiến đất, tài sản trên đất, góp tiền, ngày công lao động giúp xã có công trình. Hiện, 100% xóm có đường hoa, đường điện chiếu sáng, giúp bà con đi lại, giao thương thuận lợi. Hệ thống kênh mương, trạm y tế, trường học được đầu tư xây dựng kiên cố. Nhà văn hóa, sân vận động xã đưa vào sử dụng đáp ứng nhu cầu của cán bộ, Nhân dân cũng như các hoạt động cộng đồng. Song song với xây dựng hạ tầng KT-XH, Đảng ủy, chính quyền xã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong xã phát triển nhiều mô hình hiệu quả từ trồng cam, quýt, mía tím, chăn nuôi, từng bước mở mang các nghề tiểu thủ công nghiệp. Nhờ vậy đã nâng thu nhập bình quân của xã đạt khoảng 40 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,78%.

Với khát vọng đưa vùng nông thôn phát triển, từng bước thu hẹp khoảng cách với khu vực đô thị, năm 2021, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM trên địa bàn tỉnh tiếp tục gặt hái nhiều thành công. Với sự quyết tâm cao của các địa phương, toàn tỉnh có thêm 9 xã bứt phá về đích NTM, gồm: Quyết Chiến, Gia Mô (Tân Lạc); Bắc Phong (Cao Phong); Quang Tiến (TP Hòa Bình); Cao Sơn (Đà Bắc); Yên Phú, Tân Lập (Lạc Sơn); Bao La (Mai Châu), Hữu Lợi (Yên Thủy). Qua đó, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của tỉnh lên 65/129 xã.

Để đạt được kết quả trên có vai trò hết sức quan trọng từ huy động, lồng ghép hiệu quả các nguồn lực. Theo đó, các xã huy động được gần 1.699.900 triệu đồng. Ngoài nguồn ngân sách T.Ư, ngân sách tỉnh, huyện, xã, những năm qua, các xã đã lồng ghép vốn của các chương trình, dự án được gần 295.300 triệu đồng; vốn tín dụng trên 330 tỷ đồng; huy động các doanh nghiệp, HTX gần 64.200 triệu đồng và huy động Nhân dân, nguồn lực khác gần 259.400 triệu đồng. Nhờ vậy, từ điểm xuất phát rất thấp khi mới đạt 3,3 tiêu chí/xã, đến nay, các xã đã hoàn thành 19 tiêu chí. Bộ mặt nông thôn thay đổi rõ nét, cơ sở hạ tầng được xây dựng theo quy hoạch NTM, hệ thống chính trị củng cố vững chắc.

Điểm nổi bật là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân được xác định là nhiệm vụ xuyên suốt trong quá trình XDNTM. Do đó các xã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, vật nuôi có năng suất cao, theo quy mô hàng hóa; chủ động liên kết sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ. Đồng thời xây dựng nhiều mô hình mới, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả và đẩy mạnh phát triển các loại hình tổ chức hợp tác, HTX. Trong đó phải kể đến các mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Trồng cây ăn quả có múi, mía tím, dưa chuột bao tử, nuôi gà thả vườn an toàn sinh học, trồng rau an toàn... Nhờ tập trung phát triển kinh tế, xây dựng các hình thức sản xuất hợp lý đã giúp nâng cao đời sống người dân. Nếu như khi bắt tay vào XDNTM, thu nhập bình quân của 9 xã mới đạt 10,08 triệu đồng/người thì đến nay, bình quân các xã đạt 38,94 triệu đồng/người. Tỷ lệ hộ nghèo từ 36,49% giảm còn 8,34% theo chuẩn nghèo mới. Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức chính trị và ANTT của 9 xã được quan tâm. Các xã luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức có trình độ đạt chuẩn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Song song với thành tích đưa 9 xã cán đích NTM, trong năm 2021, chương trình XDNTM trên toàn tỉnh tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các phong trào thi đua: "Tỉnh Hòa Bình chung sức XDNTM”; "Nhà sạch - vườn đẹp - môi trường trong lành - ngõ xóm văn minh”; "Xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp”; xây dựng "Khu dân cư NTM kiểu mẫu và vườn mẫu”… tiếp tục được các địa phương nhiệt tình hưởng ứng. Tại các xã, người dân tích cực tham gia các hoạt động chung nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống và điều kiện sinh hoạt; từng bước chuyển hóa phong trào từ tự phát thành tự giác, từ chăm lo cho gia đình, cá nhân sang lo cho việc chung của cộng đồng, thôn xóm.

Đặc biệt là phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh đã, đang được thực hiện quyết liệt tại các địa phương, dần hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn theo hướng hàng hoá. Nhiều hình thức liên kết sản xuất giữa hộ dân với doanh nghiệp được các địa phương quan tâm, góp phần ổn định sản xuất, tăng thu nhập cho người dân nông thôn.


 

Các trường học trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn Văn Nghĩa (Lạc Sơn) được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.

 

Bình Giang


Các tin khác


Măng Kim Bôi lọt vào top 20 hàng Việt tốt vì quyền lợi người tiêu dùng

(HBĐT) - Sản phẩm măng Kim Bôi của Công ty CP Kim Bôi vừa lọt vào top 20 hàng Việt tốt vì quyền lợi người tiêu dùng, doanh nghiệp phát triển vững mạnh, thương hiệu vàng Việt Nam, sản phẩm dịch vụ chất lượng vàng vì quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.

Huyện Đà Bắc lấy ý kiến về phát triển vùng trồng cây dược liệu quý

(HBĐT) - Sáng 22/3, UBND huyện Đà Bắc tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý báo cáo "Phương án phát triển vùng trồng cây dược liệu quý tại huyện Đà Bắc”. Dự hội nghị có lãnh đạo Viện Dược liệu (Bộ Y tế); một số sở, ban, ngành của tỉnh và huyện Đà Bắc.

Tháo gỡ khó khăn cho nông dân sản xuất rừng và trang trại

(HBĐT) - Ngày 22/3, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Ban Quản lý chương trình hỗ trợ rừng và trang trại (FFF) tổ chức hội nghị bàn tròn cấp tỉnh tháo gỡ khó khăn cho nông dân sản xuất rừng và trang trại. 4 năm qua, chương trình được triển khai tại một số xã ở 2 huyện Tân Lạc, Lạc Thủy.

Huyện Lạc Sơn phát triển sản phẩm OCOP

(HBĐT) - Triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện Lạc Sơn hiện có 10 sản phẩm của 10 chủ thể được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nhà ở xã hội

(HBĐT) - Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội (NƠXH) trong thời gian qua nhằm thực hiện chủ trương bảo đảm an sinh xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH và ổn định thị trường bất động sản. Chính phủ đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg, ngày 25/1/2017 về đẩy mạnh phát triển NƠXH. Tuy nhiên, việc phát triển NƠXH vẫn tiến triển rất chậm với nhiều khó khăn, vướng mắc.

Huyện Cao Phong: Nâng cao chất lượng cam phục vụ xuất khẩu

(HBĐT) - Sau khi tới thị trường Anh, cam Cao Phong bước đầu nhận được những phản hồi tích cực từ người tiêu dùng sở tại, đánh dấu sự trở lại của loại trái cây đặc sản miền Bắc trên thị trường thế giới sau hơn 40 năm. Đây là động lực lớn, tiền đề để các cấp chính quyền cũng như doanh nghiệp, HTX, nông dân trồng cam trên địa bàn huyện tiếp tục nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản đặc trưng của vùng đất Mường Thàng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục