Vài ngày gần đây, trước dự báo giá xăng dầu có khả năng tăng cao trong kỳ điều chỉnh ngày 11/2, nhiều cửa hàng kinh doanh xăng dầu treo biển hết hàng, nghỉ bán, dừng hoạt động do thiếu nguồn cung khiến dư luận xã hội bức xúc. Nhiều người nhận định đây là dấu hiệu của hành vi tích trữ, găm hàng chờ bán giá cao, kiếm lời bất chính và đòi hỏi các lực lượng chức năng nhanh chóng vào cuộc.


Khách hàng mua xăng dầu tại cửa hàng xăng dầu 112 Trần Phú (quận Hà Đông, thành phố Hà Nội).

Trước diễn biến giá xăng dầu thế giới tăng cao, tình hình cung ứng tại thị trường trong nước có dấu hiệu bất ổn, tại cuộc họp chiều 9/2, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên đã chỉ đạo thành lập ngay Đoàn Thanh tra cơ động, tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên toàn quốc để kịp thời phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm.

Nguồn cung đủ đáp ứng nhu cầu

Sở Công thương Hà Nội vừa tiến hành kiểm tra đột xuất hai cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn quận Cầu Giấy và quận Hà Đông, kết quả cho thấy, các cửa hàng hoạt động bình thường, không có hiện tượng găm hàng, tích trữ. Giám đốc chi nhánh Công ty cổ phần ô-tô vận tải Hà Tây (đơn vị quản lý cửa hàng xăng dầu 112 đường Trần Phú) Hoàng Thị Lệ Mỹ cho biết, thông tin về đợt điều chỉnh giá xăng dầu sắp tới khiến lượng người mua tăng gấp 1,5 lần so những ngày trước đó.

 Tuy nhiên, cửa hàng cam kết giữ nguyên giá, phục vụ nhu cầu của người dân 24/24 giờ, mặc dù giai đoạn này kinh doanh rất khó khăn do tỷ lệ chiết khấu thấp, doanh nghiệp càng tiêu thụ nhiều càng lỗ do phải "cõng” các khoản chi phí vận chuyển, kho bãi,... Báo cáo nhanh của lực lượng quản lý thị trường cũng cho thấy, trên địa bàn 30 quận, huyện, thị xã không có hiện tượng gom hàng, tích trữ. Lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục thanh kiểm tra, giám sát thị trường nhằm kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm.

Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho hay, trên địa bàn hiện có 493 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, 8 doanh nghiệp đầu mối và 17 thương nhân phân phối, cung cấp bình quân mỗi tháng khoảng 170 nghìn m3, trong khi nhu cầu thực tế khoảng 146.500 m3 cho nên không xảy ra tình trạng khan hiếm. Tuy nhiên, để ổn định nguồn cung cũng như bảo đảm hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp, Chính phủ và Bộ Công thương cần tiếp tục nghiên cứu xây dựng các quy định về kinh doanh xăng dầu nhằm kịp thời điều chỉnh giá khi giá xăng dầu thế giới có biến động.

 Qua đó giúp doanh nghiệp đầu mối chủ động hơn trong việc đặt đơn hàng nhập khẩu, nâng cao hiệu quả kinh doanh cũng như nghiên cứu để giá xăng dầu tự điều tiết theo cơ chế thị trường. Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng, trên địa bàn hiện có 548 cửa hàng kinh doanh xăng dầu, trong đó có hai cửa hàng đang sửa chữa nên đóng cửa chứ không phải do khan hiếm hàng. Các doanh nghiệp trên địa bàn thực chất cũng gặp khó khăn về nguồn cung nhưng đều cam kết thực hiện nghiêm, không có hiện tượng thao túng thị trường, găm hàng đẩy giá.

Vụ trưởng Thị trường trong nước (Bộ Công thương) Trần Duy Đông nhận định, với nhu cầu khoảng 1,8-2 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng, nguồn cung như trên cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường trong giai đoạn tới. Từ tháng 3 trở đi, nguồn cung có thể giảm, lượng tồn kho thấp so các tháng thông thường. Tuy nhiên, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch chạy đủ 100% công suất từ ngày 15/3 tới, bên cạnh đó, Nhà máy lọc dầu Dung Quất hiện cũng nâng công suất hoạt động lên 105%, cùng với các thương nhân đầu mối đã có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước, bảo đảm nguồn cung đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam Bùi Ngọc Bảo cũng khẳng định, Hiệp hội có hơn 40 thành viên, chiếm 85% sản lượng lưu thông trong nước. Đến thời điểm này, nguồn cung xăng dầu chắc chắn không thiếu, nhưng về lâu dài cần có giải pháp tổng thể vì không thể đoán trước được tình hình.

Xử lý nghiêm vi phạm

Theo báo cáo nhanh của các địa phương, từ ngày 28/1 đến nay, trong quá trình thanh tra tại các tỉnh Đồng Nai, An Giang, Hậu Giang, Đắk Lắk,... lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện một số cửa hàng kinh doanh xăng dầu đóng cửa, tạm ngừng hoạt động do nhiều nguyên nhân. Cụ thể, tỉnh Đắk Lắk có 457 cửa hàng, trong đó có 19 cửa hàng tạm nghỉ hoặc dừng hoạt động do hết hàng, không còn nguồn để bán. Tại tỉnh An Giang, qua kiểm tra 153/489 cửa hàng, phát hiện nhiều cửa hàng treo biển hết xăng, ngừng hoạt động vì không có lãi,... Nhìn nhận vấn đề này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho biết, thực trạng nêu trên thể hiện mặt trái của nền kinh tế thị trường, thương nhân thấy khả năng có thể tác động đẩy giá họ sẽ làm nhằm kiếm lời bất chính. Để hạn chế tình trạng này, Nhà nước cần nhanh chóng đáp ứng, điều chỉnh cân bằng cung cầu, mặt khác tăng cường kiểm soát thị trường, phát hiện những trường hợp vi phạm để xử phạt thích đáng.

Đây là việc làm cần thiết và cần làm ngay để giúp thị trường xăng dầu lành mạnh, nếu không sẽ gây tác động dây chuyền và tạo áp lực tăng giá đối với hàng loạt mặt hàng thiết yếu khác. Xăng dầu là mặt hàng dự trữ chiến lược đặc biệt quan trọng, có tác động lớn đến đời sống và nền kinh tế, nếu không kiểm soát được sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế vĩ mô. Chung quan điểm, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long khẳng định, nguồn cung xăng dầu không thiếu nhưng do giá thế giới tăng cao nên người bán có xu hướng bán nhỏ giọt vì muốn đợi giá lên, thu về nhiều lợi nhuận. Chính vì vậy, các lực lượng chức năng cần kiểm tra, xử lý nghiêm trường hợp cố tình găm hàng, đẩy giá gây xâm hại tới quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Chủ trì cuộc họp về tình hình cung ứng xăng dầu chiều 9/2, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, trong lúc nguồn cung xăng dầu căng thẳng, mà có hiện tượng găm hàng nhằm trục lợi là điều không thể chấp nhận được. Những cơ sở cố tình găm hàng, chờ tăng giá, phải lập tức xử phạt và thu hồi giấy phép hoạt động, hoặc phải lập tức tạm đình chỉ, để chuyển điều tra, xử lý nghiêm. Bộ trưởng Công thương một lần nữa cũng yêu cầu lực lượng quản lý thị trường phải làm tròn trách nhiệm của mình, nếu cán bộ nào "làm ngơ” hoặc thiếu trách nhiệm sẽ bị tạm đình chỉ công tác.

Đối với vấn đề điều hành giá, Bộ Công thương sẽ đề xuất Chính phủ có những điều hành linh hoạt hơn, không nhất thiết phải 10 ngày mà có thể điều hành dày hơn, để giá xăng dầu trong nước tiệm cận với giá thế giới. Còn trong tình huống đặc biệt hơn, sẽ sử dụng Quỹ dự trữ xăng dầu, có thể đáp ứng được nhu cầu trong vòng 10 ngày, nhưng bất đắc dĩ mới sử dụng. Đánh giá về những dấu hiệu bất ổn trên thị trường, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên khẳng định, những ngày qua, trên phạm vi cả nước đều xuất hiện hiện tượng khá giống nhau là đóng cửa hàng hoặc bán nhỏ giọt, khiến người dân phải xếp hàng dài mới mua được xăng dầu. Hiện tượng này tuy chỉ xảy ra rải rác ở một số nơi nhưng nó sẽ trở nên phổ biến nếu các cơ quan chức năng không có hành động kiên quyết xử lý để loại bỏ.

Theo đánh giá của Bộ Công thương, hiện Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn và Nhà máy lọc dầu Dung Quất vẫn hoạt động ổn định, đạt công suất, đáp ứng được khoảng 75% cho nhu cầu xăng dầu của thị trường trong nước, lượng xăng dầu cần nhập khẩu chỉ khoảng 25%. Từ đầu tháng 1 vừa qua, do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cắt giảm công suất đã ảnh hưởng đến nguồn cung. Do đó, các doanh nghiệp đầu mối cần tăng cường nhập khẩu để bù đắp lượng thiếu hụt, đồng thời bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống, kể cả trong tình huống xấu nhất khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn ngừng sản xuất.

Theo Báo Nhân Dân

Các tin khác


Kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện Kim Bôi

Ngày 17/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Kim Bôi. 

UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp 

Chiều 16/4, Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp tổ chức Hội nghị kết nối giữa Agribank chi nhánh tỉnh Hòa Bình và doanh nghiệp tỉnh. Đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, Agribank chi nhánh tỉnh và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh chủ trì hội nghị.

Thúc đẩy tạo sinh kế cho nông dân dưới tán rừng

Sau một thời gian triển khai, Chương trình hỗ trợ rừng và trang trại giai đoạn II (Chương trình FFF II) do Tổ chức Nông nghiệp và lương thực Liên hợp quốc (FAO) tài trợ tiếp tục phát huy hiệu quả. Các mô hình phát triển rừng gỗ lớn, trồng cây nông nghiệp hữu cơ, nông lâm kết hợp được nhân rộng. Đặc biệt, nhiều nông dân đã thay đổi tư duy, biết tận dụng đất rừng vốn có để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục