(HBĐT) - Thực hiện chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, những năm qua, một trong những ngành được Tỉnh ủy, UBND tỉnh chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo là thực hiện tái cơ cấu và phát triển nhanh ngành dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng, phát triển đa dạng sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm có năng lực cạnh tranh. Qua đó, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh phát triển tương đối đa dạng, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và đời sống Nhân dân.


Cảng Ngòi Hoa, xã Suối Hoa (Tân Lạc) được đầu tư xây dựng nhằm thu hút đầu tư, phát triển khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình.

Hiện, các hình thức thương mại hiện đại ngày một phát triển song song với thương mại truyền thống, thu hút được nhiều thành phần kinh tế tham gia cũng như nguồn vốn đầu tư phát triển. Toàn tỉnh có hơn 1.000 doanh nghiệp (DN) và hơn 30 nghìn hộ kinh doanh cá thể hoạt động trên lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch..., điểm phần trăm trong tốc độc tăng trưởng GRDP ngày càng cao. Hệ thống hạ tầng thương mại từng bước hình thành kênh phân phối thông suốt theo hướng văn minh, chuyên nghiệp, áp dụng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường...

Bắt nhịp xu hướng mới, các địa phương từng bước phát triển loại hình thương mại điện tử. Toàn tỉnh đã có gần 3.000 DN sử dụng ứng dụng điện tử trong giao dịch. Nhiều cửa hàng kinh doanh, nhất là tại TP Hòa Bình và trung tâm các huyện đã triển khai bán hàng trực tuyến, phương thức thanh toán điện tử giúp đẩy nhanh tốc độ thanh toán, thúc đẩy giao thương. Nhờ vậy, góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân hàng năm tăng mạnh; giai đoạn 2017 - 2021 tăng 19,1%; đến cuối năm 2021 đạt 44.469 tỷ đồng, 4 tháng đầu năm nay ước đạt 14.650 tỷ đồng, tăng 15,03% so với cùng kỳ. 

Song song với đó, hoạt động xuất khẩu có mức tăng trưởng cao, thị trường xuất khẩu dần được mở rộng, sản phẩm ngày càng phong phú. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh đến năm 2021 đạt 2.197 triệu USD, tăng gấp 2,34 lần so với năm 2017. Trong đó, xuất khẩu tăng trưởng bình quân hàng năm 27,7%, nhập khẩu tăng 24,5%/năm. Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là sản phẩm may mặc, điện tử, thấu kính quang học, kim loại và ván gỗ ép... Thị trường xuất khẩu chủ yếu là: Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Hồng Kông, Anh, Hà Lan, Úc, Mexico, Tây Ban Nha, Nga, Ấn Độ. 

Công ty CP Coasia CM ViNa từ lâu được biết đến là DN hoạt động xuất khẩu có tiếng tại khu công nghiệp Lương Sơn. 2 năm gần đây, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, với sự năng động, linh hoạt, thích ứng của DN và hỗ trợ của chính quyền địa phương, các ngành chức năng đã giúp DN vượt khó. Ông Lee Jae Han, Tổng Giám đốc công ty chia sẻ: Dịch bệnh diễn biến phức tạp đã tác động lớn đến hoạt động của công ty. Tuy nhiên, được sự hỗ trợ hết mình của UBND tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và ngành chức năng đã giúp công ty duy trì môi trường làm việc an toàn, tiếp tục phát triển sản xuất, đạt hiệu quả kinh doanh tốt. Năm 2021, chúng tôi đã vượt qua thách thức, đạt doanh thu 270 triệu USD, tăng 10 triệu USD so với năm 2020. Đồng thời ổn định việc làm, thu nhập cho hơn 2.000 lao động. Trong năm 2022, chúng tôi tiếp tục nỗ lực hơn nữa để cùng với địa phương thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Những năm gần đây, nói tới phát triển ngành dịch vụ của tỉnh không thể bỏ qua lĩnh vực du lịch. Tỉnh đã ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng; kêu gọi đầu tư khai thác tiềm năng về tài nguyên du lịch để phát triển các loại hình với sản phẩm mang đặc trưng riêng như: Du lịch tâm linh, cộng đồng, nghỉ dưỡng gắn với sinh thái, du lịch thể thao, giải trí. 

Trong tỉnh đã thu hút đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác nhiều khu du lịch (KDL) mới như: KDL sinh thái Mai Châu Ecolodge, Serena resort Kim Bôi, KDL sinh thái Ba Khan, KDL Anvana... Đến nay, toàn tỉnh có 434 cơ sở lưu trú với 4.200 buồng phòng, trên 5.400 giường và 157 hộ kinh doanh du lịch cộng đồng với hơn 2.350 giường. Đặc biệt, tỉnh đã mở rộng hoạt động liên kết với các tỉnh Tây Bắc, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các công ty lữ hành lớn trong nước, quốc tế để kết nối phát triển các tour, tuyến, điểm du lịch của tỉnh. Nhờ vậy, du lịch Hòa Bình dần khẳng định chỗ đứng trên bản đồ du lịch Việt Nam. Trong 5 năm qua, có khoảng 10,8 triệu lượt khách thăm quan, du lịch tại tỉnh, trong đó khách quốc tế khoảng 1,13 triệu lượt người; tổng thu đạt 7.179 tỷ đồng, bình quân tăng 8,5%/năm.

Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng, song theo đánh giá của UBND tỉnh: Phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm ngành dịch vụ giai đoạn 2017 - 2021 mới đạt 4,9%. Hình thức kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại phát triển chậm. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng cao, nhưng quy mô nhỏ nên tỷ trọng trong cơ cấu GRDP không cao; chưa có sản phẩm là thế mạnh của địa phương được xuất khẩu. Sản phẩm du lịch đơn điệu; doanh thu và giá trị gia tăng của dịch vụ du lịch còn nhỏ...

Nhằm khơi dậy tiềm năng, thế mạnh, từng bước khắc phục hạn chế đối với ngành dịch vụ, giai đoạn 2021 - 2025, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo phát triển nhanh, đa dạng các loại hình và nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu sản xuất, tiêu dùng của Nhân dân; đẩy mạnh phát triển các loại hình dịch vụ có nhiều tiềm năng, lợi thế như: Thương mại, du lịch và các sản phẩm dịch vụ chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn. Phát triển nhanh thương mại điện tử nhằm tận dụng cơ hội, thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Tập trung phát triển các sản phẩm, ngành hàng thế mạnh gắn kết với chiến lược phát triển thương hiệu quốc gia để đẩy mạnh hoạt động xuất, nhập khẩu.

Bên cạnh đó, chú trọng phát triển du lịch theo hướng bền vững, gắn chặt với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Huy động các nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng du lịch, các khu nghỉ dưỡng trong KDL quốc gia hồ Hòa Bình và các địa phương: Kim Bôi, Mai Châu, Lạc Thủy; các xã vùng cao huyện Tân Lạc, Lạc Sơn, từng bước xây dựng Hòa Bình thành điểm đến hấp dẫn với các sản phẩm du lịch đặc trưng, là trung tâm du lịch lớn của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc… 


Thu Hiền

Các tin khác


Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Sản lượng sơ chế, chế biến thủy sản hàng năm đạt khoảng 850 tấn

Theo Chi cục Thuỷ sản, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cơ sở sơ chế, chế biến và bảo quản sản phẩm thủy sản, gồm 3 doanh nghiệp, 1 hợp tác xã và 6 hộ kinh doanh.

Bảo vệ thuỷ sản mùa nắng nóng, mưa lũ

Nắng nóng, mưa lũ làm cho các yếu tố môi trường thay đổi dễ gây bất lợi cho sinh trưởng và phát triển của thủy sản nuôi trồng. Do đó, ngành chức năng khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động các giải pháp để bảo vệ cá nuôi, hạn chế thiệt hại.

Giá vàng sáng 22/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng 22/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty kinh doanh vàng như sau:

500 đoàn viên, người lao động tham dự hội chợ việc làm huyện Đà Bắc

Trung tâm Lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hoà Bình, UBND huyện Đà Bắc vừa tổ chức hội chợ việc làm. 500 đoàn viên thanh viên, người lao động đến từ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tham dự.

Giá vàng sáng 21/4

Tính đến 6 giờ 15 phút sáng ngày 21/4, giá vàng SJC, vàng nhẫn niêm yết tại các công ty vàng như sau:

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục