(HBĐT) - Đến cuối tháng 6/2022, tổng số kế hoạch vốn đầu tư công (VĐTC) trên địa bàn tỉnh đã giải ngân 946,4 tỷ đồng, đạt 28% kế hoạch vốn (KHV) Thủ tướng Chính phủ giao và đạt 23% KHV UBND tỉnh đã giao chi tiết đến các dự án. Cụ thể, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh giải ngân 720,4 tỷ đồng, đạt 27% KHV UBND tỉnh đã giao chi tiết đến các dự án. Vốn ngân sách T.Ư (vốn trong nước) giải ngân 153,2 tỷ đồng, đạt 14% KHV UBND tỉnh đã giao chi tiết đến các dự án. Vốn nước ngoài (ODA) giải ngân 72,9 tỷ đồng, mới đạt 17% KHV giao.


Nhiều công trình, dự án trên địa bàn tỉnh triển khai chậm tiến độ do thiếu đất san lấp mặt bằng. Ảnh chụp tại dự án quần thể khu đô thị nghỉ dưỡng Casa Del Rio, phường Trung Minh (TP Hoà Bình).

Theo đánh giá của UBND tỉnh, tỷ lệ giải ngân VĐTC của tỉnh thấp do một số chủ đầu tư chưa thực sự quan tâm, đôn đốc đẩy mạnh giải ngân KHV được giao. Còn có các dự án đã được bố trí vốn để hoàn trả vốn ứng trước ngân sách tỉnh nhưng chủ đầu tư chưa hoàn thành thủ tục hoàn ứng tại Kho bạc Nhà nước, hoặc các dự án chưa triển khai thực hiện KHV giao. Các dự án khởi công mới chậm hoàn thành thủ tục đầu tư, thủ tục đấu thầu và lựa chọn nhà thầu nên chưa đủ điều kiện thực hiện, giải ngân KHV được giao và một số dự án đang điều chỉnh. Cũng có những dự án chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc.

Cùng với những nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân VĐTC, UBND tỉnh đã tổng hợp để có giải pháp tháo gỡ, một số chủ đầu tư và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cho rằng, trên địa bàn tỉnh hiện chưa có dự án khai thác đất làm vật liệu san lấp hoạt động theo Luật Đầu tư và Luật Khoáng sản cung cấp ra thị trường. Vì vậy, thiếu đất san lấp công trình là nguyên nhân chính làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân VĐTC cũng như các công trình, dự án từ nguồn vốn ngoài ngân sách.

Ngày 4/5, Kỳ họp thứ 6 (Kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã nghiên cứu, xem xét 16 dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình. Trong đó, việc HĐND tỉnh xem xét, quyết định thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2014 - 2019, tầm nhìn đến năm 2024 (bổ sung vào quy hoạch nhóm khoáng sản làm vật liệu san lấp) là vấn đề được các doanh nghiệp, nhà đầu tư hết sức quan tâm. Đã gần 3 tháng trôi qua, nhưng trên địa bàn tỉnh chưa có mỏ đất nào được cấp phép, vì vậy, để đảm bảo tiến độ xây dựng công trình và triển khai thực hiện dự án, các nhà thầu và chủ đầu tư vẫn phải sử dụng đất san lấp có nguồn gốc bất hợp pháp. Từ đó, tình trạng "đất tặc” trên địa bàn tỉnh mặc sức hoành hành.

Nhằm đáp ứng nhu cầu cấp bách về đất san lấp phục vụ các dự án đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh, ngày 10/5/2022, Sở Xây dựng có Văn bản số 1600/SXD-KT&VLXD đề nghị các sở, ban, ngành và UBND các huyện, TP Hòa Bình về việc rà soát, tổng hợp khối lượng đất dôi dư từ các dự án được thẩm định thiết kế và các giấy phép san hạ mặt bằng trên địa bàn tỉnh năm 2022. Sau khi rà soát, tổng hợp các ý kiến, Sở Xây dựng thông báo khối lượng đất dôi dư từ một số dự án được thẩm định thiết kế và cấp giấy phép san hạ mặt bằng trên địa bàn tỉnh năm 2022 là 2.375.416 m3.

Toàn tỉnh chỉ có 2.375.416 m3 đất dôi dư hợp pháp để phục vụ san lấp mặt bằng các dự án đầu tư xây dựng chẳng khác nào "muối bỏ bể”. Chỉ tính riêng quần thể khu đô thị nghỉ dưỡng Casa Del Rio do Công ty TNHH khu đô thị mới Trung Minh làm chủ đầu tư với diện tích 142,1 ha tại phường Trung Minh (TP Hòa Bình), nhu cầu đất san lấp mặt bằng đã vào khoảng 2.000.000 m3.

Bên cạnh đó, theo thông báo của Sở Xây dựng về khối lượng đất dôi dư từ một số dự án trên địa bàn tỉnh nằm tại các huyện: Đà Bắc, Lạc Thủy, Cao Phong, Lương Sơn và TP Hòa Bình. Như vậy, các các nhà thầu, chủ đầu tư ở huyện: Tân Lạc, Lạc Sơn, Yên Thủy, Kim Bôi, Mai Châu hoàn toàn không có nguồn đất hợp pháp để phục vụ việc san lấp mặt bằng các công trình, dự án.

Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh: Hầu như dự án nào cũng cần có đất để san lấp mặt bằng. Do nguồn đất san lấp hợp pháp thiếu trầm trọng nên khi doanh nghiệp mua, vận chuyển đất "trôi nổi” trên thị trường để xây dựng mặt bằng thì các cơ quan chức năng lại vào kiểm tra, xử lý. Biết là sai nhưng vẫn phải làm để đảm bảo tiến độ các công trình, dự án.

Thực tế cho thấy, để đảm bảo tiến độ giải ngân VĐTC, cùng với việc đảm bảo nguồn vốn bố trí cho các dự án; làm tốt công tác giải phóng mặt bằng; nâng cao chất lượng công vụ, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với cá nhân gây chậm trễ trong việc giao vốn, thanh toán vốn trong quá trình triển khai thực hiện; chú trọng việc rà soát, chủ động đề xuất cắt giảm, điều chỉnh vốn của các dự án không còn nhu cầu sử dụng, hoặc không có khả năng giải ngân hết KHV cho các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn… Các cấp có thẩm quyền cần chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhất là sớm có các dự án khai thác đất làm vật liệu san lấp hoạt động theo Luật Đầu tư và Luật Khoáng sản để kịp thời cung cấp đất san lấp và góp phần bảo đảm tiến độ các dự án cũng như tiến độ thi công công trình.


Đức Phượng (TTV)


Các tin khác


Xã Đa Phúc cán đích nông thôn mới

Nhờ phát huy sức mạnh cộng đồng, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ Trung ương và địa phương, cùng với quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, cuối năm 2023, xã Đa Phúc, huyện Yên Thủy được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 3064/QĐ-UBND, ngày 29/12/2023 công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Từ một xã vùng đặc biệt khó khăn của huyện, Đa Phúc như được khoác lên mình chiếc áo mới, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng khang trang, đời sống vật chất, tinh thần của người dân nâng lên, diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới và khởi sắc.

Giá xăng tăng hơn 400 đồng/lít

Liên bộ Công Thương - Tài chính vừa điều chỉnh giá xăng dầu từ 15h chiều nay 17/4.

Kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện Kim Bôi

Ngày 17/4, đoàn công tác của UBND tỉnh do đồng chí Đinh Công Sứ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Kim Bôi. 

UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và AFD tại Việt Nam

Ngày 17/4, UBND tỉnh làm việc với phái đoàn Nghị sĩ Pháp và đại diện Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) tại Việt Nam. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số ban, sở, ngành.

Chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu

Để chủ động phòng chống thiên tai trong mùa mưa bão năm 2024, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, đảm bảo tính thống nhất, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng, tránh và kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống khi thiên tai xảy ra.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục