(HBĐT) - Những năm gần đây, cây thanh long ruột đỏ phát triển mạnh trên địa bàn huyện Lạc Thủy. Nhiều mô hình trồng thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGAP mang lại hiệu quả kinh tế cao, không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân mà còn dần hình thành vùng sản xuất chuyên canh theo hướng hàng hóa. Để cây thanh long ruột đỏ khẳng định được giá trị, là cây kinh tế chủ lực, huyện Lạc Thủy xác định phải đưa cây thanh long ruột đỏ vươn tầm.
Nông dân thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thủy) chăm sóc thanh long ruột đỏ đảm bảo tiêu chuẩn hữu cơ, Viet GAP.
Từ năm 2020, gia đình anh Phí Đình Thịnh, khu Đồng Tâm, thị trấn Ba Hàng Đồi - thành viên HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà đã xây dựng lại mô hình trồng thanh long theo phương pháp cho leo giàn trên trụ hình chữ T. Đây là kỹ thuật trồng thanh long mới nhất tại các địa phương trong cả nước hiện nay. Với mô hình này, mỗi gốc chỉ trồng cách nhau 0,4m, vừa tiết kiệm diện tích đất, sức lao động lại tăng năng suất, lợi nhuận cũng cao hơn so với cách trồng truyền thống. Anh Thịnh cho biết: Phương pháp trồng thanh long kiểu mới thuận tiện cho việc ứng dụng công nghệ cao, cơ giới hóa vào sản xuất, giúp chăm sóc theo hàng dễ dàng, thuận lợi cho lắp béc tưới phun tự động. Khi chăm sóc hay thu hoạch chỉ cần đi thẳng giữa các hàng, không cần đi quanh gốc. Đến thời điểm hiện tại, 1 ha trồng thanh long của gia đình vẫn sinh trưởng tốt, diện tích đất giữa các giàn thanh long được tận dụng trồng thêm cỏ lạc tạo thảm thực vật, giúp đất tơi xốp, giàu dinh dưỡng hơn.
Cũng như gia đình anh Thịnh, nhiều hộ trồng thanh long trên địa bàn thị trấn Ba Hàng Đồi dần chuyển đổi sang phương pháp trồng thanh long trên giàn chữ T; thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Hầu hết diện tích trồng thanh long được lắp đặt hệ thống tưới tự động, thực hiện quy trình sản xuất sạch, tuân thủ nghiêm ngặt thời gian cách ly và sử dụng phân chuồng ủ để bón.
Với ưu điểm dễ chăm sóc, thời gian thu hoạch của thanh long ruột đỏ bắt đầu từ tháng 6 - 11 dương lịch. Trung bình 1 tháng cho thu hoạch 2 lứa quả, mỗi năm, mỗi hộ trồng thu trên 10 tấn quả. Hiện, toàn huyện có gần 56 ha trồng thanh long ruột đỏ, tập trung chủ yếu tại thị trấn Ba Hàng Đồi và xã Phú Thành. Có khoảng 45 ha đang trong thời kỳ kinh doanh. Năng suất trung bình từ 18 - 20 tấn/ha; sản lượng ước đạt 810 - 900 tấn/năm. Cuối năm 2020, sản phẩm thanh long ruột đỏ của HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Hà được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Năm 2021, một số diện tích thanh long được cấp mã số vùng trồng (MSVT), đây là tiền đề tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu nông sản.
Thanh long ruột đỏ Lạc Thủy hiện đã trở thành nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm nông nghiệp địa phương tiêu biểu. Tuy nhiên, để cây thanh long ruột đỏ tại Lạc Thủy phát triển bền vững, đáp ứng đủ nhu cầu và sản lượng cho xuất khẩu vẫn còn những thách thức như: Chưa được quy hoạch thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; việc áp dụng cơ giới hóa, KHKT vào sản xuất hạn chế, chưa bài bản; chất lượng cây giống không đồng đều dẫn đến mẫu mã, chất lượng quả không đồng đều giữa các vườn; khó khăn trong đầu ra cho sản phẩm; việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm qua thông tin in trên bao bì, nhãn mác sản phẩm chưa được quan tâm đúng mức...
Đồng chí Hoàng Đình Chính, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết: Trước những thách thức trước mắt, nhằm góp phần xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thanh long ruột đỏ, huyện nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tăng cường kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm; mở rộng diện tích vùng trồng để hình thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn được quy hoạch bài bản; khuyến khích các hộ sản xuất, HTX tiếp tục nâng cao quy trình sản xuất nhằm duy trì chất lượng sản phẩm, đáp ứng cho sản xuất quả tươi phục vụ thị trường nội địa. Ngoài ra, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, đề nghị cấp có thẩm quyền cấp MSVT và mã số cơ sở sơ đóng gói cho sản phẩm thanh long ruột đỏ trên địa bàn huyện để từng bước hướng tới xuất khẩu. Bởi hiện tại, toàn huyện mới có 17/56 ha thanh long ruột đỏ được cấp MSVT.
(HBĐT) - Năm 2023, dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) của tỉnh được HĐND tỉnh giao 7.285 tỷ đồng. Đây là nhiệm vụ nặng nề trong bối cảnh nguồn thu còn hạn hẹp, cơ cấu thu thiếu bền vững, chưa có nguồn thu chủ lực mà chủ yếu dựa vào thu từ tiền sử dụng đất…
(HBĐT) - Phát huy vai trò là "hạt nhân” nòng cốt, tổ chức Đoàn các cấp trên địa bàn huyện Lạc Thủy đã tích cực kết nối, thành lập, vận động đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) tham gia các mô hình kinh tế tập thể phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương.
(HBĐT) - Từ nguồn vốn thực hiện các chương trình, dự án và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (DTTS&MN), huyện Tân Lạc đã chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất cũng như hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK). Qua đó góp phần từng bước thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn.
(HBĐT) - Câu lạc bộ (CLB) Nữ doanh nhân (DN) tỉnh là thành viên của Hiệp hội Nữ DN Việt Nam, thành viên của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hòa Bình. CLB hoạt động với mong muốn tập hợp, kết nối tạo sự đoàn kết trong cộng đồng các nữ DN trên địa bàn tỉnh, cùng nhau chia sẻ, hợp tác, giúp đỡ nhau, góp phần nâng cao năng lực của từng doanh nghiệp do phụ nữ làm lãnh đạo.
(HBĐT) - Thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), thời gian qua, huyện Tân Lạc đã tập trung chỉ đạo quyết liệt và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương. Qua đó từng bước nâng cao giá trị hàng nông sản, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiệu quả, bền vững.