Mức lãi suất hiện hành quả thực là “cắt cổ”, quá sức chịu đựng của doanh nghiệp (DN). Việc giảm lãi suất không chỉ còn là câu chuyện của DN mà đã trở thành vấn đề của nền kinh tế. Nhiều biện pháp đã được đưa ra nhưng lãi suất khó giảm ngay trong tương lai gần.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đã nói rằng, với mức lãi suất 17 - 18%/ năm,  nhiều DN không thể kinh doanh nổi.

Trước đó, đang ở mức lãi suất 6,5% vì được hỗ trợ, đến cuối năm 2009, mặt bằng lãi suất nâng lên 12% vì không còn được hưởng gói hỗ trợ lãi suất. Chỉ sau một thời gian ngắn, lãi suất lên 18%. Với tần suất tăng liên tục như vậy, thực sự DN không khốn đốn mới là chuyện lạ.

Mô tả ảnh.
Những tín hiệu khả quan đầu tiên về giảm lãi suất khiến DN rất hy vọng. (Ảnh: VNN)

Thời gian qua, đích thân Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng và Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu hạ mặt bằng lãi suất,  các ngân hàng thương mại thực hiện cho vay theo cơ chế lãi suất thoả thuận đối với dự án sản xuất, kinh doanh có hiệu quả.

Ngân hàng Nhà nước mới đây cũng đã có cuộc họp với các ngân hàng thương mại với hai nội dung chính là thực hiện lãi suất thỏa thuận và tìm cách kéo lãi suất xuống.

Trước những động thái này, ông Lê Xuân Nghĩa Phó Chủ tịch ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia nói, Chính phủ đã thừa nhận mức lãi suất hiện nay là cao, làm giảm nhu cầu đầu tư của khối tư nhân. Với mức lãi cao như hiện nay thì mục tiêu tăng trưởng 6,5% là khó thực hiện. Vì vậy, Chính phủ chủ trương kéo mặt bằng lãi suất xuống.

Khó vì đã trót vay cao

Theo các chuyên gia, việc hạ lãi suất cho vay hiện nay trông chờ vào hai vấn đề chính: thứ nhất, trước mắt là việc bơm vốn lãi suất thấp của Ngân hàng Nhà nước, sau đó là thực hiện lãi suất thỏa thuận đối với huy động và cho vay theo thị trường.

Ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng, muốn giảm lãi suất, Ngân hàng Nhà nước phải thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng tức là tăng cung ứng tiền thông qua thị trường mở, thị trường chiết khấu, giúp các ngân hàng tăng thanh khoản.

Trên cơ sở đó, các ngân hàng có điều kiện giảm lãi suất cho vay. Bên cạnh đó, khi lãi suất xuống mức hợp lý thì sẽ thực hiện tự do hóa lãi suất, gỡ bỏ trần lãi suất cho vay và huy động. Đưa lãi suất về đúng theo nguyên tắc thị trường.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu, Ngân hàng Nhà nước sẽ triển khai các biện pháp hỗ trợ như hạ lãi suất trên thị trường mở, duy trì lãi suất thấp trên thị trường liên ngân hàng với kỳ hạn ngắn.

Thực tế, ngay sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã tăng cường việc bơm vốn cho các ngân hàng thương mại qua nghiệp vụ thị trường mở. Chỉ trong hai ngày đầu tuần này, đã có khoáng 14 ngàn tỷ đồng đã được bơm ra thị trường với lãi suất thấp chỉ 8%/năm.

Trong khi đó, lãi suất qua đêm trên thị trường liên ngân hàng cũng giảm xuống còn 6,92%/năm, thay vì mức bình quân 7,24%/năm trước đó.  

Ngân hàng Nhà nước duy trì việc cung tiền qua thị trường mở với lãi suất thấp và kỳ hạn dài hơn sẽ tạo áp lực buộc các ngân hàng giảm lãi suất huy động. Thay vì tăng lãi suất để thu hút vốn trong dân, các ngân hàng sẽ tìm vốn rẻ trên thị trường mở.

Trong khi đó, mới đây, các ngân hàng thương mại quốc doanh lớn đã đồng thuận sẽ tìm cách giảm lãi suất cho vay. Đại diện lớn đều cho rằng, nếu ổn định lãi suất đầu vào thì lãi suất đầu ra sẽ hợp lý cho DN.

Hiện nay, do bị khống chế mức trần, để huy động vốn các ngân hàng phải khuyến mại, cộng thêm lãi suất. Lãi suất huy động sau khi đã cộng các khoản khuyến mãi lên tới 11%-12%. Đầu vào cao khiến lãi suất đầu ra cũng bị đẩy lên cao. Chỉ khi lãi suất đầu vào được tự thỏa thuận theo hướng ổn định thì lãi suất đầu ra cũng sẽ dần giảm theo.

Thực tế, trong mấy ngày gần đây, đã có một số ngân hàng bắt đầu giảm lãi suất huy động. Vietcombank đã bắt đầu tính toán việc giảm chi vốn đầu vào bằng giảm các chương trình khuyến mãi để giảm chi phí huy động vốn. Mức lãi suất huy động thực tế cao nhất hiện nay lên đến 12% sẽ dần không còn, mức 10,49% cho các kỳ hạn ngắn cũng sẽ rút xuống thấp hơn.

Trong khi đó, về khả năng thực hiện lãi suất thỏa thuận, sau buổi làm việc với các ngân hàng mới đây, đại diện Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ sớm cho các ngân hàng được mở rộng áp dụng lãi suất thỏa thuận với lãi suất huy động và các khoản cho vay ngắn hạn nhằm giải tỏa ách tắc nguồn vốn.

Chính vì thế, rất nhiều chuyên gia ngân hàng tin rằng, trong vòng hai tháng tới, lãi suất cho vay có thể giảm mạnh từ đỉnh cao gần 20% hiện nay xuống mặt bằng mới 14-14,5%, thậm chí 12%. Với động thái mới nhất, các ngân hàng quốc doanh dưới sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước sẽ mở đầu và sau đó, các ngân hàng cổ phần sẽ bắt đầu giảm lãi suất.

Vẫn còn phải chờ

Quyết tâm và những tín hiệu đầy khả quan, tuy nhiên, việc giảm lãi suất chắc chắn sẽ không thể diễn ra nhanh. Sớm nhất cũng phải đến cuối tháng 4 mới có những biểu hiện đáng kể đầu tiên. Còn thực sự xuất hiện làn sóng giảm lãi suất chắc phải 2 tháng tới.

Bởi vì, việc hạ lãi suất cho vay phải trông chờ chi phí vốn đầu vào giảm. Hiện nay, nguồn vốn giá rẻ đáng kể nhất mà các ngân hàng có được chính là từ phía Ngân hàng Nhà nước.

Thế nhưng, một lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, các biện pháp đưa vốn vào nền kinh tế đang được thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng thương mại bằng các nghiệp vụ, với chủ trương tương đối “dài hơi”, khoảng 3 tháng, mới giảm được lãi suất huy động trong thời gian tới.

Điều này là dễ hiểu khi ngân hàng Nhà nước dùng các nghiệp vụ thị trường thì phải có thời gian thực hiện để đẩy một nguồn vốn lớn ra thị trường, nguồn vốn đó hòa vào vốn huy động của các ngân hàng để tạo ra mức lãi suất cho vay hợp lý.

Trong khi đó, trên thực tế, các ngân hàng thương mại, với một lượng vốn đã huy động với giá cao đang dồn ứ, khiến họ không thể không tính toán. Như vậy, chắc chắn ngân hàng thương mại sẽ không thể giảm ngay lãi suất, chịu lỗ đễ cho vay. Vì thế, bên cạnh vốn từ Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng cũng phải tự cân đối lại chi phí đầu vào mới có thể tính chuyện giảm lãi suất.

                                                                                      Theo Vnn

Các tin khác


Thành phố Hòa Bình tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân

Là trung tâm kinh tế - xã hội của tỉnh, nhu cầu về nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng lớn, với nhiều dự án, công trình trọng điểm được triển khai, thời gian qua, Thành ủy, UBND thành phố Hòa Bình đã tập trung chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Tích cực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 6/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025", huyện Lạc Thủy quan tâm đầu tư, hỗ trợ kinh phí để nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Thủ tướng chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn

Chiều 24/4, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị về phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp bán dẫn.

Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục