Theo ông Hoàng Thế Thoả, chuyên gia NHNN, ưu tiên đầu tư phát triển mạnh kinh tế nông nghiệp, nông thôn vẫn phải được xem là quan điểm đúng đắn trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cho nông dân vay hỗ trợ lãi suất

Ông Hoàng Thế Thoả, chuyên gia của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẳng định: “Nhận thức được vai trò của kinh tế nông nghiệp, nông thôn, nhất là từ sau khủng hoảng, khu vực kinh tế này bắt đầu được quan tâm nhiều hơn so với trước đây. Nông nghiệp, nông thôn đã được hưởng ưu đãi về lãi suất trong chương trình kích cầu của Chính phủ”.

Ông Thoả dẫn cụ thể, Chính phủ đã đưa ra gói kích cầu giành riêng cho lĩnh vực nông nghiệp tại quyết định 497/QĐ-TTg ngày 17/04/2009. Theo đó, nhà nước đã hỗ trợ 100% và 4% lãi suất đối với các khoản vay ngắn, trung và dài hạn để các tổ chức, cá nhân mua sắm máy móc, thiết bị, phương tiện, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp và vật liệu xây dựng nhà ở khu vực nông thôn.

Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 41/NĐ-CP ngày 12/4/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Theo nghị định này, cá nhân, hộ sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có thể được xem xét cho vay không có bảo đảm bằng tài sản tối đa đến 50 triệu đồng. Với hình thức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản, các hộ kinh doanh, sản xuất ngành nghề hoặc làm dịch vụ phục vụ nông nghiệp, nông thôn được xem xét cho vay tối đa đến 200 triệu đồng; hợp tác xã, chủ trang trại được xem xét cho vay tối đa đến 500 triệu đồng.

Để khuyến khích các tổ chức tín dụng (TCTD) đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Nghị định quy định các Ngân hàng thương mại (NHTM) cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng trên 50% thì không phải chuyển 2% nguồn vốn huy động sang ngân hàng chính sách xã hội và được hưởng những ưu đãi khác. Các định chế tài chính thực hiện cho vay theo đối tượng chính sách, các chương trình kinh tế của Chính phủ ở nông thôn, được Chính phủ bảo đảm nguồn vốn cho vay từ ngân sách chuyển sang hoặc cấp bù chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động.

Trường hợp khách hàng chưa trả được nợ đúng hạn cho TCTD do nguyên nhân khách quan sẽ được xem xét cơ cấu lại thời hạn nợ theo quy định hiện hành, thực hiện khoanh nợ không tính lãi cho người vay đối với dư nợ còn lại, đồng thời căn cứ dự án, phương án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có khả năng trả được nợ của khách hàng để xem xét cho vay mới, mà không phụ thuộc vào dư nợ cũ của khách hàng chưa trả nợ đúng hạn.

Bên cạnh sự quan tâm của Chính phủ và các ngành, các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn cũng thường xuyên nhận được sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, nhất là thông qua chương trình tín dụng xóa đói giảm nghèo và xây dựng mạng lưới an sinh xã hội.

Ngoài các khoản trợ cấp không hoàn lại, hầu hết các khoản tín dụng thông qua những chương trình này được cung cấp với lãi suất rất thấp và thời hạn tùy theo qui mô và tác dụng của dự án…

Và những tác động tích cực

Những chủ trương chính sách đúng đắn trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm, tác động tiêu cực đến nền kinh tế nước ta.

Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu còn gọi là khủng hoảng 3F (tài chính, năng lượng, lương thực), đã tác động nghiêm trọng tới ngành nông nghiệp và an ninh lương thực tại các nước đang phát triển.

So với 5 năm trước, giá ngũ cốc tăng 17% và giá lương thực toàn cầu tăng 50%, giá lương thực leo thang đang tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về an ninh, chính trị và xã hội ở các nước đang phát triển.

Nguồn tài chính đổ vào các nước đang phát triển giảm 300 tỉ USD (khoảng 25%) trong giai đoạn 2007-2009.

Năm 2009, tăng trưởng của các nước đang phát triển giảm còn 4,9%, tỉ lệ nghèo đói tăng trở lại từ 846 triệu trong năm 2007 lên hơn 1 tỉ người và đang tiếp tục tăng.

Hoàng Thế Thoả, chuyên gia của NHNN  

Đánh giá của Bộ Công Thương tại buổi tổng kết chương trình hỗ trợ lãi suất cho nông dân vay vốn mua máy móc thiết bị, vật tư nông nghiệp mới đây, thì chỉ trong một thời gian ngắn kể từ khi ban hành đến khi được sửa đổi, việc hỗ trợ lãi suất cho vay đã đạt được các mục tiêu đề ra.

Việc hỗ trợ lãi suất cho vay hỗ trợ đúng đối tượng, đặc biệt là các hộ gia đình và cá nhân ở khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, góp phần thực hiện mục tiêu ngăn chặn suy giảm và thúc đẩy sản xuất trong nước vượt qua khó khăn trong giai đoạn khủng hoảng.

Việc hỗ trợ lãi suất cho vay cũng góp phần đẩy mạnh cơ giới hoá nông nghiệp, nông thôn, qua đó góp phần gia tăng thu nhập cho nông dân, khơi thông sức mua trên thị trường nông thôn.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Sỹ Lượng, Phó chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam kiến nghị, nên kéo dài gói hỗ trợ ưu đãi lên 5 năm đồng thời nên mở rộng đối tượng được hỗ trợ sang cả lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản do dân đang khó khăn vì dịch nhiều.

Ông Lượng cũng cho rằng, cần nâng số tiền cho vay hỗ trợ lãi suất cho phù hợp với mức đầu tư của từng loại cây trồng. Đối với việc cho vay mua vật liệu xây dựng nhà ở nông thôn, ông Lượng cho rằng cần nâng mức hiện tại 50 triệu đồng, lên mức 100 triệu đồng.

Tiếp tục mở rộng đối tượng, đơn giản hoá thủ tục cho vay

Ông Trương Quang Hoài Nam - vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Bộ Công thương, cho biết, hiện Bộ đã trình Thủ tướng sửa Quyết định 497 bằng Quyết định 2213/2009, trong đó đề nghị mở rộng danh mục hàng hóa được hỗ trợ lãi suất. Quyết định mới không quy định cụ thể loại máy móc nào mà quy định chung là các sản phẩm máy móc, thiết bị phục vụ sản suất, chế biến nông nghiệp.

Ông Nguyễn Danh Trọng - vụ phó Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước khẳng định, tại Nghị định số 41/NĐ-CP ban hành ngày 12/4 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn, quy định các thủ tục cho vay đơn giản hơn rất nhiều. Trong đó cho vay không phải thế chấp từ mức 10 triệu đồng đã tăng lên 50 triệu đồng.

Ông Trọng cam kết với Nghị định này, việc cho vay trong nông nghiệp theo gói hỗ trợ lãi suất cũng sẽ cởi mở hơn.

Đặc biệt, với các hộ kinh doanh sản xuất ngành nghề hoặc dịch vụ phục vụ nông nghiệp có thể được cho vay không thế chấp tới 200 triệu đồng. Chủ trang trại, hợp tác xã được vay không thế chấp tới 500 triệu đồng.

Và ưu tiên đầu tư kinh tế nông nghiệp, nông thôn vẫn phải được xem là quan điểm đúng đắn

Bị tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu với giá lương thực và nguyên liệu đầu vào tăng cao trong suốt nửa đầu năm 2008 và thời kỳ phát triển trì trệ từ cuối năm 2008 đến 2009, phần lớn nông dân Việt Nam đã bị ảnh hưởng.

Theo ông Hoàng Thế Thoả, chỉ có khoảng 20% trong tổng số các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam ít bị tác động của khủng hoảng hoặc vẫn tìm được cơ hội phát triển.

Thực tế phát triển trong những năm qua cũng cho thấy, nông nghiệp vẫn là lĩnh vực có đóng góp quan trọng trong thành tựu phát triển kinh tế đất nước, là địa bàn tập trung các lợi thế của Việt Nam trong quan hệ kinh tế quốc tế và là chỗ dựa vững chắc nhằm thực hiện chiến lược phát triển kinh tế của đất nước.

Vì thế, ông Thoả cho rằng, tập trung ưu tiên đầu tư phát triển mạnh kinh tế nông nghiệp, nông thôn vẫn phải được xem là quan điểm đúng đắn ở nước ta trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong điều kiện hội nhập quốc tế./.

                                                                                              Theo VOV

 

Các tin khác


Huyện Lạc Sơn: Vượt khó thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2023, ngay từ quý I/2024, huyện Lạc Sơn tiếp tục nỗ lực vượt khó, quyết tâm thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu kinh tế - xã hội (KT-XH) quan trọng.

Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục