Làng muối Quảng Phú với sản lượng xấp xỉ 8.000 tấn/năm là nơi duy nhất duy trì nghề muối ở Quảng Bình. Tuy nhiên, làng “sống nhờ trời” này đang đối mặt với cảnh bấp bênh khi giá muối liên tục giảm, đến nay chỉ còn 600 đồng/kg.

 

Giá thóc đi lên, giá muối đi xuống

 

Đồng muối xã Quảng Phú nằm dưới chân cầu Roòn, có diện tích 110 ha, sản lượng 7.500 - 8.000 tấn/năm là nơi nuôi sống 430 hộ với 800 diêm dân trực tiếp làm muối thuộc 4 thôn (Phú Lộc 1, 2, 3, 4).

 

Nghề làm muối xuất hiện ở đây từ những năm 1960, khởi thủy từ việc chưng nước biển lấy muối phục vụ nhu cầu gia đình, rồi sau mở rộng thành một làng nghề. Sau giải phóng, có một thời gian làng nghề gần như bỏ hoang, nhưng đến năm 1990 thì làng muối “sống” lại, phát triển và tới nay có gia đình sinh lợi được tới 150 triệu đồng/vụ muối.


Cánh đồng muối bạt ngàn của xã Quảng Phú
 
“Dân Quảng Phú không chỉ làm muối, mà đồng thời còn trồng lúa, nhưng nói thật nghề muối mang lại thu nhập lớn 5-7 lần trồng lúa trên mảnh đất ven biển nhiễm mặn này”, ông Phạm Đình Dỉu - Chủ tịch UBND xã Quảng Phú, cũng là một diêm dân lâu năm - cho biết.
 
Thời “hoàng kim” của làng muối Quảng Phú là năm 2007, khi giá muối thu mua tại đồng là 3.000 đồng/kg. Khi đó có hộ làm lớn có thể bỏ túi tới vài trăm triệu đồng/năm. Nhưng đỉnh giá đó mau chóng bị phá, tới năm 2008 giá chỉ dao động 1.000 - 1.200 đồng/kg, còn năm nay giá chỉ còn 600 đồng/kg mà tư thương cũng tỏ ra không mấy mặn mà.
 
Người dân xã Quảng Phú không khỏi xót xa khi những hạt muối đẫm mồ hôi của họ được bán với giá rẻ mạt, trong khi đó ở các khu chợ hoặc các xe muối bán rong đều bán lẻ với giá 3.000 đồng/kg muối hạt.

 

Ông Lê Văn Thường (thôn 4 Phú Lộc) vừa cào muối vừa nói: “Chúng tôi làm muối quen, nên không thấy vất vả. Chỉ có điều, với mức giá như hiện nay thì sẽ khó cho diêm dân vì chi phí xây đồng, công giá đều tăng vọt”.
 
Lo lắng, hoang mang là tâm lý chung của diêm dân Quảng Phú, song như phân tích của ông Dỉu: người dân không có nhiều lựa chọn, thu nhập từ cây lúa bấp bênh, nghề muối lại là nghề tranh thủ nên chắc chắn họ vẫn bám đồng muối.


Ngoài cái cực nhọc của nghề, người dân còn đối mặt với nguy cơ bị tư thương ép giá
 
“Vấn đề là ở chỗ, người làm muối hầu hết chỉ tính toán theo kiểu lấy công làm lãi, công cao hơn công thợ, công cấy là họ làm. Nếu giá muối cứ thấp thế này, tâm lý người dân không muốn đầu tư đồng muối, kéo theo cái vòng luẩn quẩn là sản lượng kém đi, rồi không có vốn tái đầu tư”, ông Dỉu nói.
 
Thực tế, có một quy luật “khủng hoảng” nhỏ ở làng muối này là cứ sau vài năm giá rớt, diêm dân ít hồ hởi làm thì sản lượng giảm, giá muối lại tăng lên và cả làng lại kéo nhau ra đồng muối.
 
Tuy nhiên, biểu đồ lao dốc của giá muối trong 4 năm nay chưa có dấu hiệu dừng, lại cộng thêm thông tin hạn ngạch nhập khẩu muối năm 2010 tới 260.000 tấn khiến diêm dân càng trở nên hoang mang.

 

Rớt giá: Tại muối nhập hay thiếu thông tin?
 
Ông Thường cho biết: các năm trước, cứ đến cuối chiều là các nhà buôn muối lại về tận chân ruộng để mua, nhưng năm nay có những lúc 2-3 ngày các tư thương ở Thị trấn Ba Đồn (Quảng Trạch) mới mua một lần. Điều này khiến diêm dân gặp nhiều khó khăn trong việc gom, bảo quản muối. “Nhà nào có kho thì phải hốt muối vào cất rất mất công, còn nhà không có thì để muối ngoài đồng, vừa không thể chưng thêm, vừa mất trắng nếu gặp trận mưa rào”, ông Thường nói.
 
Nắm được sự bất lợi này, tư thương lại càng ép giá với cách giải thích: muối nhập giá rẻ, chất lượng tốt, muối trong nước khó tiêu thụ. Ông Dỉu giải thích: “Một bất lợi với diêm dân là họ không chủ động được nguồn tiêu thụ sản phẩm, mua bán mang tính thỏa thuận nên khi bị ép giá thì không thể phản ứng vì muối làm ra từng ngày, không thể không bán”.
 
Chính vì thế, nghề muối dù được coi là nghề cho thu nhập cao so với mức sống người dân ở huyện cực Bắc tỉnh Quảng Bình này, song luôn thiếu một sự ổn định, thiếu định hướng bền vững và thường xảy ra “khủng hoảng chu kỳ” như đã nói.
 
Thực tế, theo Bộ Công Thương, hạn ngạch thuế quan muối năm 2010 là 260.000 tấn, nhưng trong đó muối phục vụ công nghiệp đã chiếm 180.000 tấn, chỉ có 80.000 tấn (tức gấp 10 làn sản lượng bình quân hàng năm của làng muối Quảng Phú) phục vụ dân sinh.
 
Nhưng theo báo cáo của ngành Hải quan, tính riêng trong 2 tháng đầu năm 2010 có 75.000 tấn muối nhập vào Việt Nam, song chỉ có 20.000 tấn là theo đường hạn ngạch, còn 55.000 tấn nhập ngoài hạn ngạch.
 
Ông Nguyễn Thành Biên - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng: việc nhập khẩu muối không làm giả giá muối sản xuất nội địa, với muối nhập là loại muối có hàm lượng hóa chất mà trong nước chưa sản xuất được. Mặt khác, khi cấp phép cho các DN nhập khẩu muối, Bộ đã yêu cầu các DN chỉ sử dụng muối nhập để sản xuất công nghiệp, không kinh doanh thương mại.
 
Để bảo đảm quyền lợi cho diêm dân, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có chính sách hỗ trợ nông dân nhằm giữ ổn định giá muối đồng thời Bộ sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp trong nước tăng cường sử dụng muối sản xuất trong nước, hạn chế nhập khẩu. Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với Bộ NN&PTNT có biện pháp hỗ trợ diêm dân, có chính sách khuyến khích sử dụng muối sản xuất trong nước để kích thích sản xuất và duy trì giá muối ổn định.
 
Qua các động thái này, có thể thấy những can thiệp hành chính có thể giúp giá muối không bị ảnh hưởng lớn bởi muối nhập, vấn đề là chính người sản xuất muối cần nắm được thông tin chính xác, tránh bị tư thương “tung hỏa mù” và thiệt thòi chỉ vì thiếu thông tin.
 
 
                                                        Theo DanTri

Các tin khác


Huyện Tân Lạc: Tỷ lệ tưới, tiêu chủ động đạt 80% diện tích canh tác

Theo báo cáo của UBND huyện Tân Lạc, trong giai đoạn 2021 - 2023, huyện đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp sửa chữa, xây dựng mới nhiều công trình hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng.

Đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản

Căn cứ Quyết định số 482/QĐ-UBND, ngày 28/3/2024 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch hành động đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản tỉnh Hòa Bình năm 2024, Sở NN&PTNT ban hành Kế hoạch hành động số 262/KH-SNN, ngày 15/4/2024 về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường nông lâm thủy sản năm 2024.

Tín hiệu kinh tế khởi sắc ở huyện Cao Phong

Những ngày trung tuần tháng 4, trên các vườn mía xã Hợp Phong (Cao Phong), nông dân tập trung thu hoạch mía bán cho tiểu thương. Anh Bùi Văn Biện cùng một vài người dân vác từng bó mía từ vườn ra trục đường lớn. Mồ hôi nhễ nhại nhưng trên gương mặt anh toát lên tinh thần lao động hăng say. Anh Biện cho biết, vụ mía năm nay giá bán thấp hơn cuối năm trước từ 2.500 - 3.000 đồng/cây. Tuy nhiên, cây mía phát triển tốt nên được tiểu thương đánh giá cao về chất lượng và tiêu thụ nhanh.

Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở xã Mai Hạ

Khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Mai Hạ (Mai Châu) khuyến khích nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, từ cây lương thực kém hiệu quả, vùng canh tác không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây chịu hạn, cây có hiệu quả kinh tế cao nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất.

Quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 5,5% so với cùng kỳ

Trong quý I/2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh ước tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.

Hội Nông dân huyện Lương Sơn: Đồng hành, hỗ trợ hội viên trong sản xuất, kinh doanh

Phát huy vai trò là cầu nối, chỗ dựa tin cậy của hội viên, thời gian qua, Hội Nông dân (HND) huyện Lương Sơn luôn đồng hành, hỗ trợ hội viên triển khai hiệu quả nhiều hoạt động, cách làm, mô hình mới giúp hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu chính đáng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục